Chương 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI
1.2. KHÁI QUÁT VỀ ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN TRIỆU PHONG TỈNH QUẢNG TRỊ
1.2.3. Đặc điểm kinh tế - xã hội huyện Triệu Phong
1.2.3.1. Tình hình phát triển kinh tế
Trong hơn 20 năm đổi mới, cùng với xu thế phát triển chung của cả tỉnh Quảng Trị và cả nước, kinh tế của huyện Triệu Phong đã và đang trên đà phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân được cải thiện rỏ rệt. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Giá trị các ngành sản xuất năm 2013 đạt 2.432,164 tỷ đồng. Đặc biệt trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân toàn huyện đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kinh tế có bước phát triển khá, tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 11,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 19,1 triệu đồng/năm.
a. Khu vực kinh tế nông nghiệp - Sản xuất nông nghiệp:
Là địa phương có khoảng 94,12% dân số sống ở nông thôn. Do đó sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản của Triệu Phong có vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết việc làm, ổn định đời sống dân cư, đồng thời đóng góp cho tăng trưởng kinh tế chung của huyện. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều chủ trương chính sách về đầu tư phát triển sản xuất, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục phát triển khá toàn diện, tăng bình quân hàng năm 9,8%. Nông - lâm - ngư nghiệp đạt 988,159 tỷ đồng vào năm 2013.
Các chương trình đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp chuyên canh, thâm canh được tích cực thực hiện, góp phần nâng cao năng
suất, chất lượng, hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
+ Trồng trọt: Năm 2013, tổng diện tích đất nông nghiệp là 9.825,44 ha. Trong đó diện tích đất trồng cây hàng năm 9.439,86 ha. Hệ số sử dụng đất trung bình cả huyện đạt trên 2,1 lần, trong đó diện tích cây lương thực có hạt là 10.787,70 ha tăng 397 ha so với năm 2005 và 801 ha so với năm 2000.
Ngành trồng trọt giai đoạn 2006 - 2013 tăng bình quân hàng năm 2,05%. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 48,38 triệu đồng, bình quân lương thực đầu người đạt 514 kg. Toàn huyện xây dựng được 764 ha có giá trị kinh tế cao, trồng được 643 ha cao su tiểu điền. Tiềm năng kinh tế vùng gò đồi, vùng cát từng bước được khai thác.
+ Chăn nuôi: Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án chăn nuôi được triển khai trên địa bàn. Các mô hình chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung phát triển mạnh; việc phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được quan tâm, theo dỏi và giải quyết một cách triệt để do đó mặc dù có ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng ngành chăn nuôi ở Triệu Phong vẩn phát triển. Quy mô đàn gia súc, gia cầm ổn định.
Giá trị chăn nuôi tăng bình quân hàng năm 5,2%, chiếm 35,3% trong giá trị sản xuất nông nghiệp, nhiều mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao.
- Sản xuất lâm nghiệp:
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng. Tổng diện tích đất có rừng là 14.857,8 ha; trong đó: đất rừng tự nhiên 836,3 ha, đất có rừng trồng 14.021,5 ha. Diện tích trồng mới rừng tập trung 851 ha; chăm sóc rừng trồng 2.421 ha.
Sản lượng gỗ khai thác đạt 50.711 m3.
Công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật trên lĩnh vực lâm nghiệp được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Thành lập 33 tổ BVR-PCCR ở các đơn vị, địa phương có rừng trên địa bàn với 308 người tham gia. Trong năm đã xảy ra 4 điểm cháy rừng do sơ suất của người dân trong việc xử lý thực bì, nhờ khống chế và dập tắt kịp thời nên không gây thiệt hại lớn.
- Sản xuất ngư nghiệp:
Công tác nuôi trồng thủy sản được quan tâm; được sự chỉ đạo của UBND huyện và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các địa phương đã hướng dẫn bà con nông dân
chuyển qua hình thức nuôi một vụ, giãn vụ, giảm mật độ nuôi để hạn chế rủi ro. Tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản đạt 748,9 ha, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 1.762 tấn.
Nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt được đẩy mạnh. Diện tích nuôi cá nước ngọt đạt 275,3 ha, sản lượng thu hoạch đạt 437 tấn. Chương trình cải hoán tàu thuyền, mua sắm, nâng cấp phương tiện, trang thiết bị, ngư lưới cụ được đầu tư nên hiệu quả đánh bắt không ngừng được nâng lên
b. Khu vực kinh tế công nghiệp
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng là khu vực sản xuất quan trọng của Triệu Phong, có tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả huyện. Giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2006 - 2013 tăng bình quân hàng năm 18,4%. Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp được chú trọng.
Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng trên địa bàn đạt 975,7 tỷ đồng). Tính đến năm 2013, trên địa bàn có 1.397 cơ sở sản xuất công nghiệp. Đây là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ và là nền tảng cho tăng trưởng công nghiệp của huyện thời gian qua. Các nghành công nghiệp xay xát lương thực thực phẩm, sản xuất VLXD, khai thác cát sạn, sản xuất sản phẩm từ gỗ lâm sản... là những ngành đóng góp nhiều cho tăng trưởng công nghiệp của huyện.
c. Khu vực kinh tế dịch vụ
Cùng với sự chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường, hoạt động dịch vụ có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng, địa bàn và lĩnh vực hoạt động, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững hơn. Giá trị tăng bình quân hàng năm 11%. Đến năm 2013 Giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ đạt 771,773 tỷ đồng
Ngành thương mại có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới thương mại được mở rộng, thành phần kinh tế ngoài quốc doanh là chủ thể duy nhất tham gia vào các hoạt động thương mại của địa phương. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về các loại hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất và tiêu dùng của người dân. Cơ sở vật chất ngành thương mại dần được cải thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, trao đổi hàng hóa. Hiện nay tại trung tâm huyện đã hình thành chợ đầu mối để thu mua các loại nông, lâm sản hàng hóa, đồng thời cung
ứng các vật tư sản xuất và hàng tiêu dùng cho nhân dân toàn huyện, ngoài ra còn có mạng lưới chợ rộng khắp trên địa bàn các xã phục vụ sản xuất và đời sống của dân cư trên địa bàn