Chương 2: Yếu tố phi lí như là một phương diện của hình thức tự sự trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo
2.1. Tình huống truyện và cách thức làm nổi bật tính phi lí
Xuyên suốt câu chuyện của mình, có thể nói Abe Kobo đã rất dụng công khi tạo ra hàng loạt các tình huống đắt để thu hút sự chú ý của người đọc. Một câu chuyện được xem là hấp dẫn khi các tình huống trong đó chứa đựng mâu thuẫn khơi gợi sự khám phá của người đọc. Nắm vững được quy luật ấy, Abe Kobo đã buộc người đọc phải hướng ánh mắt của mình theo từng nét chữ của ông. Làm cho người đọc tin những điều ông viết là có thật nhưng rồi cuối câu chuyện lại muốn người đọc nghiệm ra rằng đó là một câu chuyện phi lí. Thế nhưng, cái phi lí mà ông muốn nói tới con người lại có thể bắt gặp ngoài cuộc sống lúc nào không hay. Thành ra câu chuyện phi lí lại trở thành có lí. Từ đây, tình huống truyện trở thành phương tiện để nhà văn làm nổi bất tính phi lí. Để hiểu rõ hơn tính chất phi lí của câu chuyện, chúng ta sẽ lần lượt đi sâu vào từng tình huống cụ thể.
* Tình huống làm hoán đổi vai trò
Từ một nhà giáo làm công ăn lương của nhà nước, vì say mê côn trùng và chán ghét sự ồn ào của cuộc sống hiện tại anh đã tận dụng ngày nghỉ của mình để làm những điều mình thích. Vậy nhưng, cuộc hành trình của anh không những không mang lại cho anh những mẫu côn trùng anh muốn mà lại cướp đi toàn bộ của anh: tên, tuổi, nghề nghiệp, quá khứ và quan trọng nhất là “tự do”. Anh bị người ta đánh bẫy để tăng thêm nhân công lao động. Thế là hiển nhiên, thân thế anh bị hoán đổi hoàn toàn. Từ một con người định danh trong xã hội, anh trở thành vô danh.
Không nghề nghiệp, không luôn cả gia đình và bạn bè, vai trò xã hội của anh cũng theo đó mà thay đổi. Nếu như trước kia, anh là một giáo viên dạy sinh học thì bây giờ anh phải đi xúc cát. Nếu như trước kia anh thích đi đâu thì đi, thích làm gì thì làm, giờ đây anh phải chôn chân trong một hố cát mà nhìn lên chẳng thấy gì hết ngoài cát và bầu trời bao la. Và dĩ nhiên, mọi sinh hoạt thường ngày của anh cũng bị đảo lộn hoàn toàn. Anh phải ăn cơm dưới cái ô do người phụ nữ trong hố cát đứng che cho anh “Đúng lúc anh bắt đầu ăn. Chị giương một cái ô rộng bằng giấy
và che trên đầu anh”[6, tr.38]. Khi ngủ phải cởi bớt quần áo để cát không dính vào người làm tổn thương da “Anh chỉ mặc một chiếc quần lót rộng thùng thình, dài đến đầu gối, bằng tơ nhân tạo, mình cởi trần”. Anh phải cùng chị làm việc vào ban đêm và ngủ vào ban ngày. Anh không được tắm tùy thích vì phải tiết kiệm nước…Và đặc biệt, anh bị dân làng đối xử như một tù nhân, như một kẻ phạm tội. Trong khi đó, rõ ràng anh chỉ là một người khách lạc vào làng, phiền họ tìm một chỗ trọ thế mà bị đối xử như vậy. Những người dân trong làng thì có thể ra vào hố cát tùy ý, còn anh ngay cả việc đặt chân lên miệng hố cũng không có. Mọi thứ anh cần sẽ được họ cung cấp đầy đủ, anh chỉ cần ngoan ngoãn ở trong hố cát, cùng người phụ nữ kia xúc cát hằng ngày. Có thể thấy, tất cả mọi sinh hoạt của anh đều thay đổi, hơn thế còn phải phụ thuộc vào người khác. Anh không có mảy may một chút gì do mình quyết định, người ta cướp tự do của anh rồi định đoạt cuộc sống của anh. Thật khó để tin, chỉ vì đam mê côn trùng, chỉ vì tìm một chỗ trọ mà cuộc sống của anh lại bị người khác giật giây như vậy. Anh đã la hét, đã cầu cứu, rồi thỏa hiệp nhưng tất cả đều vô ích. Cuộc sống của anh lúc này dường như là của họ, do họ điều khiển.
Để tồn tại anh phải chấp nhận mọi yêu cầu của dân làng, phục tùng không ý kiến, dù anh biết những yêu cầu đó là phi lí, là bất hợp pháp. Muốn có nước uống anh phải lao động, phải xúc cát để đổi lấy. Muốn đọc báo, hút thuốc hay uống rượu anh lại phải cầm xẻng xúc cát. Họ giám sát mọi hành động, cử chỉ của anh hằng ngày qua một vọng gác mà chỉ họ mới nhìn thấy anh “Lúc nào cũng có người quan sát bằng ống nhòm trên vọng gác”[6, tr.166], còn anh thì không thể. Anh làm việc hay không họ đều biết, anh không thể qua mặt họ bất kì phút giây nào.
Chính vì thế, vai trò của anh đã hoàn toàn bị hoán đổi, không còn nữa vị trí thầy giáo trên bục giảng, không còn nữa nhà sưu tầm côn trùng học, và không còn nữa một công dân tự do. Anh chỉ là “một bánh xe trong nhịp điệu làm việc hàng ngày của họ”[6, tr.134] và là “một hạt đậu trong một hộp đậu”[6, tr.266] mà thôi.
Vô danh giữa sa mạc cát mênh mông và chìm lẫn trong biển người xúc cát. Cái phi lí từ đó càng trở nên phi lí hơn.
* Tình huống định mệnh
Chỉ đơn giản là nghỉ trọ qua đêm vậy nhưng những gì diễn ra với anh thực chẳng đơn giản chút nào. Trong khi nhờ vả một chỗ ở, anh đã được đưa tới nhà của một góa phụ. Chính lúc này là lúc đánh dấu cuộc đời anh sẽ chuyển sang một trang mới. Có thể nói sự gặp gỡ của anh với người đàn bà gần như là một định mệnh. Anh chỉ muốn qua đêm nhưng chị lại muốn níu giữ cuộc đời anh. Lẽ tự nhiên, với một người khách lạ, người đàn bà phải khép nép, e thẹn, phải đối xử hết sức lịch sự với họ. Vậy mà, người phụ nữ lại xem anh như người đàn ông của mình. Rõ ràng điều đó hoàn toàn không bình thường chút nào, nó trái với lẽ tự nhiên. Thật khó để tin chuyện như vậy lại xảy ra. Để rồi, anh buộc phải sống với chị như một cặp vợ chồng. Cùng nhau xây dựng tổ ấm nơi làng cát, cùng nhau bảo vệ ngôi nhà khỏi cát nhấn chìm bằng việc xúc cát mỗi đêm. Việc chị mang thai đứa con của anh dù không giữ được nhưng cũng cho thấy sự gắn kết giữa anh và chị đã sâu đậm theo năm tháng. Nếu như đứa bé kia chào đời, thì ắt hẳn anh đã được làm bố. Cũng vì thế, nên dù luôn luôn nung nấu ý định vượt thoát nhưng trong anh lúc nào cũng tràn ngập hình ảnh của chị. Khi lần vượt thoát ngỡ như thành công, anh đã nhớ đến chị như nhớ về một người vợ thực sự của mình. Những kí ức của anh về chị lúc nào cũng lấp đầy bộ nhớ của anh. Anh bỏ đi, vì anh yêu tự do nhưng anh vẫn luôn lo lắng cho chị, luôn hướng về chị “Anh tự hỏi không biết người phụ nữ ấy đã thức giậy chưa? Anh cũng tự hỏi không biết nàng sẽ phản ứng ra sao khi thức giậy không có anh ở đó…”[6, tr.210]. Thậm chí quan tâm tới cả cái ước mơ nhỏ nhỏi của chị.
Đôi lúc anh thấy thương chị vô cùng nhưng không thể thuyết phục chị bỏ làng cát mà đi. Và sau này khi công trình chiết nước của anh thành công, cái quyết định của anh, chị cũng là nhân tố chi phối không ít tới cái quyết định đó. Thế mới nói, định mệnh đôi lúc thật bất ngờ, nó sẵn sàng gắn kết ai đó lại với nhau trong bất kì hoàn cảnh nào. Dù rằng trước đó, anh đã vô cùng tức giận, vô cùng ghét thái độ của chị.
Anh nghĩ chị là đồng mưu với những người đàn ông đưa anh xuống hố cát nhà chị, giam cầm anh trong đó. Hơn thế, trong khi chị có thể liên lạc với những người trong làng còn anh lại bị cắt đứt tất cả. Khi anh cầu xin sự giúp đỡ của chị, thì chị vẫn
dửng dưng, im lặng, điều đó làm anh căm phẫn vô cùng. Và cũng vì thế, đã có lúc anh đối xử hết sức thô bạo với chị, thậm chí còn xem chị là phương tiện để đổi lấy tự do của mình. Ấy vậy mà, những gì anh thể hiện sau đó hoàn toàn trái ngược với ban đầu.
Hai con người hoàn toàn xa lạ, dường như không có sự liên quan gì đến nhau và trong suốt thời gian anh bị bắt nhốt trong nhà của chị cũng rất ít khi có sự giao lưu với nhau. Nhưng rốt cuộc lại có sự gắn bó không thể tách rời. Liệu rằng người đàn ông ở lại, gắn kết với người phụ nữ xa lạ ấy là vì tình yêu hay vì bản năng của con người, người đọc thật khó mà hiểu được. Chính những điều này đã làm nên sự phi lí trong câu chuyện, phải chăng người đàn ông đã yêu chính người phụ nữ mà người ta sắp đặt cho anh hay một lí do nào khác nữa.
*Tình huống chối bỏ lòng tự trọng
Sau bao lần thất bại trong những kế hoạch vượt thoát của mình, cuối cùng anh cũng đã thành công với chiếc thang dây do anh bện lén lút trong những ngày dài sống trong hố cát “Anh lén lút lợi dụng mọi lúc để tết một sợi dây. Anh xé chiếc áo sơmi còn thừa thành từng dải, xoắn chúng vào với nhau rồi nối chúng vào với dải áo kimônô..”[6, tr.184]. Anh đã được đặt chân lên miền đất mà anh mơ ước sau “ngày thứ bốn mươi sáu kể từ ngày anh bị đưa xuống hố”[6, tr.194]. Những tưởng hạnh phúc và tự do đã mỉm cười với anh. Thế nhưng, cuộc đời đôi lúc trớ trêu hơn ta nghĩ, đặt chân lên mặt đất đã khó nhưng để trốn thoát ra khỏi ngôi làng ấy lại càng khó hơn. Trong quá trình chạy trốn anh bị dân làng rượt đuổi như rượt đuổi một con mồi, họ dồn anh vào chiếc bẫy “Đột nhiên anh chạy khó nhọc hơn. Đôi chân nặng trình trịch. Anh không chỉ thấy nặng mà hai chân lún xuống cát, tựa hồ đang đi trong tuyết và ngay sau đó, cát ngập đến bắp chân. Sửng sốt, anh rút một chân lên thì chân kia lún sâu hơn tới đầu gối…Thì ra đấy là cái bẫy”[6, tr.225]. Đấy là một vũng cát lầy mà bất kì ai rơi vào đó, nếu không nhận được sự giúp đỡ thì sẽ bị cát vùi chết. Không có một loài nào dám đến gần nơi đây, vì nếu không cẩn thận sẽ bị cát lầy nuốt chững lúc nào không biết. Ngay cả loài chó cũng khiếp sợ không dám bén mảng tới. Vậy mà anh lại bị họ dồn vào đây. Toàn thân anh như chết đứng khi
bị lún sâu theo thời gian. Anh cảm thấy sợ hãi tột cùng, anh không muốn bỏ mạng lại nơi này một chút nào. Và rồi trong chốc lát, anh đã kịp nhận ra ý nghĩa của sự sống “Anh đã khuất phục trước nỗi hoảng loạn, với cái cảm giác khủng khiếp là anh đang mất tất cả”[6, tr.227]. Không cần biết là sống ở đâu, chỉ đơn giản là được sống là hạnh phúc lắm rồi. Vậy nên, trong tình huống này, anh đã ao ước được trở lại nơi hố cát với người đàn bà, anh muốn sống dù là cuộc sống tù đày ấy “Anh muốn tiếp tục sống bất kể trong cảnh ngộ nào, cho dù đời anh chẳng khác chi một hạt đậu trong một hộp đậu”[6, tr.226]. Lúc này đây, anh đã bất chấp lòng tự trọng mà bấy lâu anh đã dày công gìn giữ chỉ để được kéo dài sự sống. Anh căm tức vì họ đã đẩy anh vào bẫy nhưng trong hoàn cảnh này anh lại không thể la hét hay trách móc họ, anh sẵn sàng hạ mình, xuống nước để được cứu sống. Thậm chí có bắt anh làm gì anh cũng sẽ làm “Nếu bây giờ họ ra lệnh cho anh, anh sẽ tụt ngay quần mà đái trước mặt họ”[6, tr.229]. Bởi bấy giờ, với anh sự sống là quan trọng nhất, cứ tồn tại đã rồi hãy nhắc tới tự do. Nếu như không tồn tại được thì tự do cũng chẳng để làm gì.
Thế nên, con người phải sống, phải bắt gặp những hoàn cảnh trớ trêu như vậy thì mới có thể nhận ra giá trị của sự sống. Cái làm nên sự phi lí trong tình huống này đó là, anh - một người rất giàu lòng tự trọng nhưng giờ đây lại sẵn sàng gạt phăng nó để cầu cứu chính kẻ thù của mình - những người đã âm mưu đánh bẫy anh. “Những ước mơ, nỗi tuyệt vọng, xấu hổ của anh - tất cả bị chôn vùi dưới cát”[6, tr.229]. Còn kẻ thù của anh, chúng ta không thể ngờ lại giúp đỡ anh thoát chết. Tất cả những điều đó hoàn toàn trái với quy tắc lôgic thông thường của sự việc lẫn tính cách của người đàn ông mà chúng ta được tiếp xúc ở đầu câu chuyện.
*Tình huống chối từ tấm vé khứ hồi
Lúc phát hiện ra cái bẫy “hi vọng” chứa nước chính là lúc người đàn ông đứng trước một quyết định lớn lao là sẽ điền tên vào tấm vé khứ hồi đó như thế nào. Đi hay ở, đó chính là những lựa chọn mà anh bắt buộc phải quyết định. Ở tình huống này người đọc thật khó để nhận thấy được lựa chọn của người đàn ông. Bởi lẽ khi anh đặt chân lên miền đất - bề mặt của hố cát để hít thở cái không khí “tự do” mà anh hằng mong ước ấy, anh chợt nhận ra nó không trong lành như anh nghĩ. Thậm
chí nó còn ngột ngạt hơn cả ở dưới hố “Mặt biển cũng nhuốm một màu vàng nhơ nhớp. Anh hít một hơi thật sâu nhưng không khí làm họng anh thêm bỏng rát và nó không có cái vị như anh vẫn mong đợi”[6, tr.277]. Vậy nên, cái thang dây mà anh hằng khao khát bọn dân làng thả xuống cho anh nơi hố cát bỗng trở nên vô hình.
Cái thang dây bị người ta bỏ quên khi người đàn bà hấp hối sao giờ đây anh thấy nó cũng bình thường, chẳng có dáng hình của cái gọi là cầu nối đến với tự do. Anh đã từng trông chờ, mong ngóng và thậm chí là thèm khát cái thang dây ấy bao nhiêu thì giờ lại dửng dưng với nó bấy nhiêu. Hành động của anh đã làm cho người đọc bất ngờ vô cùng. Cứ nghĩ rằng anh sẽ túm lấy cái thang dây đó mà leo lên và chạy thoát khỏi cái hố cát mà với anh là địa ngục đó. Vậy mà khi leo lên rồi, anh lại tụt xuống theo chiếc thang dây trở về hố cát. Và khi anh sửa lại chiếc bẫy mà anh đã đặt tên
“hi vọng” - từng là mong ước kì tích sẽ đến với anh, anh đã để cho người đọc rõ hơn về quyết định của anh. Có cái gì đó quá phi lí ở đây chăng? Khi mà xuyên suốt cuộc hành trình của anh, anh luôn vùng vẫy tìm cách để thoát khỏi ngục tù này, thoát khỏi những con người tàn bạo này và thậm chí là nuôi ý định sẽ trả thù họ nữa, giờ anh lại muốn nán lại để cho họ biết về cái bẫy hi vọng của anh. Trong anh đã dậy lên suy nghĩ “Chẳng cần phải vội vã trong việc thoát thân. Trên chiếc vé khứ hồi mà anh đang cầm tay lúc này, chỗ để điền nơi đến và thời gian khởi hành vẫn còn bỏ trống để anh tự tay viết vào như ý anh muốn”[6, tr.278]. Thế là, sau bao lần cố gắng thoát thân, giờ đây anh quyết định từ chối tấm vé khứ hồi mà anh hằng mong đợi. Mặc dù, lúc đầu có vẻ như anh tự đắc với cái bẫy của mình, vì từ đây, không ai có thể bắt ép anh làm việc một cách vô lí nhưng liền sau đó, anh lại muốn họ trở thành những thính giả nghe anh thuyết minh về công trình chiết nước ấy. Ắt hẳn anh đang nuôi một ý định lớn hơn là cung cấp nước sạch cho dân làng và tìm ra giải pháp ngăn chặn cát tràn làng. Dù rằng, chính cái quyết định và lòng tốt lúc này của anh thì tên tuổi của anh giữa lòng thành phố sẽ ngay lập tức bị xóa hoàn toàn.
Và thay vào đó, anh sẽ sống bằng một cái tên khác, một cuộc đời khác không phải là Niki Junpei nữa, không phải là giáo viên trung học hay nhà côn trùng học nghiệp dư nữa. Mọi thứ ngay lập tức sẽ bị đảo lộn bởi quyết định ấy của anh. Niki Junpei