Người kể chuyện – phi lí hay nguyên tắc trò chơi

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết người đàn bà trong cồn cát của abe kobo (Trang 43 - 54)

Chương 2: Yếu tố phi lí như là một phương diện của hình thức tự sự trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo

2.2. Người kể chuyện – phi lí hay nguyên tắc trò chơi

Người kể chuyện là một nhân vật được nhà văn hư cấu nên để kể chuyện, hay là bày ra những trò chơi ngôn ngữ mà ở đó, bức tranh về cuộc sống về con người được hiện ra qua lời kể của người kể chuyện. Hay nói cách khác, người kể chuyện là sản phẩm của quá trình hư cấu của nhà văn. Vì vậy, người kể chuyện trong tác phẩm tự sự là một nhân vật mang tính chức năng. Trước hết, nó có chức năng tổ chức kết cấu tác phẩm bao gồm hệ thống hình tượng nhân vật, hệ thống các sự kiện, liên kết chúng lại tạo thành một tác phẩm. Mặt khác người kể chuyện còn có chức năng môi giới, dẫn dắt người đọc tiếp cận thế giới nghệ thuật. Người kể chuyện trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo cũng là một nhân vật như vậy nhưng lại tồn tại hết sức phi lí, như một trò đùa của tác giả với người đọc. Trong câu chuyện này, người kể chuyện chủ yếu mang điểm nhìn toàn tri, như một cái camera quay chậm phóng ống kính của mình tới thế giới của nhân vật để tái hiện một cách chân thực về chân dung, hoạt động và cả những biến đổi tâm lí trong nhận thức của nhân vật.

Có thể nói, tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo mang một cốt truyện có tính chất ngụ ngôn, nó không thực, không thực đến mức có người coi là truyện viễn tưởng. Cái không thực ấy chính là sự phi lí của cuộc đời và con người mà tác giả đặt ra. Ông đã tạo nên một tình huống giả định phi lí rồi đặt con người vào đấy, bất cứ người nào và lặng lẽ quan sát sự thích nghi của họ. Ông không trực tiếp phát ngôn mà để cho người kể chuyện phát ngôn, bình luận về nhân vật mà ông đã tạo ra đó. Có thể thấy lời của người kể chuyện khi bình luận về hoàn cảnh của

anh và người đàn bà “Hai người có thể cùng xoa dịu vết thương cho nhau. Nhưng cho dù họ có cố xoa dịu đến bao lâu chăng nữa thì những vết thương đó sẽ chẳng bao giờ lành lại được, để rồi cuối cùng họ sẽ bị mòn mỏi đi”[6, tr.235]. Dường như nhà văn đứng hoàn toàn ngoài câu chuyện, mặc cho người kể chuyện mà mình tạo ra đánh giá nhận xét về nhân vật.

Phi lí hơn, đấy là một trò chơi nhưng người chơi lại không hề biết được nội dung lẫn yêu cầu của cuộc chơi. Trong khi đó, người kể chuyện không tham gia cuộc chơi lại biết rõ tường tận về cuộc chơi phi lí ấy. Càng phi lí hơn khi người chơi bỗng dưng trở thành tù nhân của những hố cát, bị cầm tù bởi những bức tường cát vời vợi và bị thách đố sự sống bằng những cơn khát. Người đàn ông hoàn toàn có thể bị chết trong cuộc chơi đó vì kiệt sức do thiếu nước. Người kể chuyện hoàn toàn biết điều đó, bắt cóc người và thả vào hố cát là một trò chơi nhưng không thể thoát khỏi vai trò của một người tường thuật lại diễn biến cuộc chơi. Trong câu chuyện, cao điểm của trò chơi đó là khi người đàn ông bất chấp tất cả để đổi lấy tự do. Anh sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi vô lí của bọn dân làng, đó là ép người đàn bà cùng làm tình trước mặt họ.

Có đôi lúc trong câu chuyện, nhân vật người đàn ông cũng cảm nhận được cuộc đời mình là một trò chơi của số phận và rồi anh lại cười với chính cuộc đời của mình. Anh đã nghĩ hay đúng hơn là anh đang ước mơ việc anh bị bắt cóc thả vào hố cát nơi đây chỉ là một trò chơi để rồi anh sẽ được thả ra trở về với tự do vào một ngày nào đó. Đôi khi, câu chuyện tạo ra cho người đọc một cái cười. Nhưng cái cười ở đây không phải xuất phát từ cái hài mà xuất phát từ bi kịch của người đàn ông bị bắt cóc đẩy vào bước đường cùng và buộc phải hòa nhập với cuộc sống nơi đây để tồn tại. Giữa sự lựa chọn khó khăn, hoặc sống bầy đàn với họ hoặc chết trong cơn khát cháy cổ họng. Người đàn ông, dù không muốn cũng phải chọn phương án đầu tiên là sống chung với họ. Trở thành một thành viên bất đắc dĩ của làng cát và dĩ nhiên là sẽ phải làm những công việc như những thành viên trong làng một cách thực thụ. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, mà trò chơi càng lúc càng trở nên phức tạp hơn khi nhân vật hết lần này đến lần khác vùng vẫy để thoát khỏi

nó. Dù biết rằng anh không có quyền lựa chọn hay quyết định trong trò chơi bất đắc dĩ ấy.

Người kể chuyện trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát đồng thời cũng là một kẻ thích đùa, một kẻ “bịp bợm” điển hình cho dạng thức mặt nạ tác giả.

Trong trò chơi trần thuật, người kể chuyện chủ yếu nằm ở ngôi thứ ba, bao quát mọi sự và xâm nhập cả vào tâm trạng nhân vật. Nhưng lại có khi, người kể chuyện xuất hiện như một nhân vật, công nhiên trò chuyện với độc giả “Một người tù mơ ước được tự do là lẽ thường, nhưng người phụ nữ ấy - là dân ở đây sao lại chịu để mất tự do đi lại như vậy?[6, tr.107]; “Tôi cho rằng như vậy cũng coi là được đi, nếu nó thỏa mãn. Song dù vậy, liệu đó có sẽ là sự chấm dứt cho các loại chứng nhận? Còn cái gì khác mà chúng ta không khai ra không? Cả đàn ông lẫn đàn bà đều là tù nhân của nỗi ghen tuông khủng khiếp…”[6, tr.159] và chứng minh sự hữu hạn của mình, rằng mình không phải là kẻ “toàn tri”: tên tuổi của nhân vật không xuất hiện từ đầu mà chỉ hiện ra khi bản thông báo mất tích về nhân vật ra đời. Có khi người kể chuyện lại phải viện thêm thông tin từ hồi ức của một nhân vật “mặt nạ” mang tên người bạn Mobius. Bởi vì, Mobius không xuất hiện trong cả truyện và người kể chuyện cũng không hề giới thuyết nhân vật này là ai. Mobius chỉ xuất hiện khi nhân vật người đàn ông rơi vào bế tắc và phân tích cho người đàn ông tình trạng của anh ta “Ông bạn của tôi ơi, cái mà anh đang làm là tự an ủi bằng những phương tiện để trốn thoát, chứ không phải mục đích trốn thoát”[6, tr.201]. Như vậy, người kể chuyện đôi khi mang điểm nhìn bên trong, đôi khi lấy điểm nhìn bên ngoài, có khi mang điểm nhìn toàn tri, lại có khi mang điểm nhìn hữu hạn. Mang điểm nhìn bên trong khi người kể chuyện nhìn thấu nội tâm cũng như diễn biến tâm lí của người đàn ông: buồn, vui, đau khổ lẫn tuyệt vọng. Tất cả những trạng thái tâm lí ấy đều được người kể chuyện miêu tả một cách sinh động, thậm chí là cả khi tức giận, hoảng hốt “Nếu không đưa cái thang ra đây thì đừng có trách. Tôi vội lắm rồi! Chị giấu cái thang ở đâu? Đùa như vậy đủ rồi! Đưa ngay cái thang ra đây…Như điên, như dại anh bắt đầu gào thét”[6, tr.67]. Đến nỗi, có lúc người đọc nhầm tưởng rằng, người kể chuyện chính là người đàn ông ấy và đang kể câu chuyện của chính mình.

Người kể chuyện mang điểm nhìn bên ngoài khi đứng hoàn toàn ngoài câu chuyện của nhân vật, chỉ tái hiện những gì diễn ra bên ngoài cuộc sống nhân vật. Đó là khi người kể chuyện kể về việc anh mất tích “Vào một ngày tháng Tám, một người đàn ông biến mất. Anh ta đi về phía bờ biển, cách thành phố độ nửa ngày xe lửa nhân một ngày nghỉ, và từ đó không ai hay biết gì về anh ta nữa”[6, tr.17] và tòa án tuyên bố khai trừ anh ra khỏi thành phố thực tại với bản thông báo kia. Hay không đi sâu miêu tả tâm lí nhân vật mà chỉ miêu tả cách ăn mặc của anh “Anh chỉ mặc một chiếc quần lót rộng thùng thình, dài đến đầu gối, bằng tơ nhân tạo, mình cởi trần”[6, tr.108]. Và mang điểm nhìn toàn tri, khi người kể chuyện kể lại một cách chân thực chính xác những hành động lẫn diễn biến tâm lí và các sự việc gắn với cuộc mất tích của người đàn ông. Đó là lí do anh bị bắt cóc, tâm trạng của anh khi bị giam cầm dưới hố cát và những lần nỗ lực chạy trốn nhưng thất bại, và cả việc anh quyết định ở lại làng cát vì chiếc bẫy hi vọng. Cuối cùng là khi người kể chuyện mang điểm nhìn hữu hạn, anh ta không biết dân làng cát nghĩ gì, chỉ miêu tả về hành động bắt cóc người đàn ông, và ban đầu lại không biết gì về lí lịch của người đàn ông

“Một buổi chiều tháng Tám, có một người đàn ông đứng trong nhà ga xe lửa tại S…Hình như anh ta sắp sửa tiến hành một cuộc leo núi”[6, tr.21]. Có thể thấy, chính người kể chuyện là người dàn trận, cố tình bày ra trò chơi đó, rồi ngang nhiên đặt nhân vật của mình vào trò chơi ấy. Bởi vì, nếu có khả năng theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối, bao quát và tường tận đến như thế, bất chấp mọi giới hạn, và với tư cách một con người cụ thể có quen biết người đàn ông, thì tại sao người kể chuyện lại không giải cứu cho anh? Để anh phải vùng vẫy trong hố cát - ngục tù thiên nhiên cho đến ngày chính anh tìm ra nước - chìa khóa cho cánh cửa tù bị khóa trái từ lâu.

Còn người đàn bà lại phải bỏ đi đứa con - sợi dây ràng buộc người đàn ông ở lại với cô. Như vậy, câu chuyện Người đàn bà trong cồn cát của Abe Kobo chỉ có thể là dự phóng nghệ thuật của người kể, một nỗ lực nhằm chỉ ra tính chất trò chơi và thái độ chơi của con người hậu hiện đại. Mà ở đó, con người phải tự dấn thân, tự trải nghiệm và tự tìm ra lối thoát cho bản thân mình trong trò chơi ấy.

Cái phi lí lúc này còn là một sự lựa chọn, là sự tự ý thức của con người, là những cái thường nhật tồn tại trong đời sống, chứ không còn là cái dị thường kì ảo như trong những tác phẩm của F.Kafka. Người đàn bà trong cồn cát, nơi có rất ít yếu tố huyền ảo, nhưng cái phi lí vẫn là trung tâm được tác phẩm phản ánh đến.

Điểm khác nhau mấu chốt này là một trong những đặc trưng chủ yếu của văn học hậu hiện đại, đó chính là “nguyên tắc trò chơi”. Tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát đã lấy “nguyên tắc trò chơi” làm phương thức cấu trúc văn bản (lấp lửng, hỗn độn, cực hạn, mảnh vỡ, mê lộ…) và cả cảm quan về thế giới. Nhân vật trong tiểu thuyết hoàn toàn tự nhận thức được sâu sắc rằng có những hoàn cảnh chỉ là một trò chơi, trong đó, có thể tự chấp nhận tham dự, hoặc bị cưỡng bức ném vào nó. Không ai nhầm lẫn cuộc chơi là cuộc đời, nhưng cái phi lí là vậy, cũng vì lẽ đó mà cuộc chơi ấy đã cướp mất tự do của người đàn ông không lí do. Người kể chuyện vừa đứng ngoài câu chuyện vừa đứng trong câu chuyện nên giọng điệu cũng vì thế mà thay đổi theo vị trí, khi lạnh lùng khách quan “Người đàn ông ngồi lặng im trên thềm nhà. Anh cố ứa nước bọt ra rồi nuốt vào. Anh làm đi làm lại động tác đó và nước bọt trở nên đặc như hồ bám vào cổ anh”[6, tr.144], có khi hờ hững đến tàn nhẫn “Trời tối mịt mùng. Hết thảy vạn vật đều nhắm mắt, bịt tai. Không một ai thèm ngoảnh lại, dù chỉ để nhìn cơn nấc chết của anh…Anh ngoác hàm ra mà rống như một con vật”[6, tr.226]. Giọng điệu này giúp tác giả có khả năng phản ánh sâu sắc hiện thực, thể hiện quan niệm về con người và cuộc đời. Con người hiện lên trong tác phẩm như một thế giới cô đơn, siêu hình. Họ như bị chết cứng trong một tảng băng, cô đơn, giá băng giữa sa mạc.

Thế nên không phải ngẫu nhiên người kể chuyện cũng trở nên phi lí trong câu chuyện mà còn là trò chơi được tác giả Abe Kobo đặt ra. Bởi, người kể chuyện là sản phẩm của sự sáng tạo nghệ thuật là công cụ do nhà văn hư cấu nên để kể chuyện. Giữa hàng ngàn con chữ của mình, nhà văn đã qua người kể chuyện để bày biện ra một cuộc chơi bất khả tri rồi đặt nhân vật của mình vào đó. Đồng thời mượn lời của người kể chuyện để tường thuật lại câu chuyện của nhân vật mà mình tạo nên đó. Và tất thảy những hành động lẫn suy nghĩ của nhân vật được người kể

chuyện trần thuật một cách chi tiết, tỉ mỉ. Người đọc tiếp xúc với câu chuyện cũng không khỏi băn khoăn về sự thật của câu chuyện. Rõ ràng trong câu chuyện, nhân vật phi lí, không gian cũng phi lí nhưng qua lời kể của người kể chuyện, mọi việc lại được tái hiện hết sức chân thực, cái có lí lẫn lộn với cái phi lí thật khó mà phân biệt. Phải chăng đó chính là tài năng của nhà văn trong việc hư cấu nên người kể chuyện.

Tóm lại, người kể chuyện có vai trò rất tích cực trong việc tạo nên thành công của tác giả khi sáng tạo nên câu chuyện phi lí trên. Nó có khả năng dẫn dắt định hướng và khơi gợi khả năng, tranh luận, đối thoại của bạn đọc trong câu chuyện ấy. Mặt khác, người kể chuyện cũng là một trong những hình thức thể hiện quan điểm của Abe Kobo trong tác phẩm của mình. Đó là quan điểm về cuộc đời phi lí, con người phi lí trong xã hội ngột ngạt đầu thế kỉ XX.

2.3. Chi tiết tương phản và biểu tượng

Một tác phẩm nghệ thuật để đạt nên một chiều kích nhất định, giúp tác giả chuyển tải được nội dung mình muốn đề cập, thì các chi tiết cấu thành nên câu chuyện cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Để khi người đọc tiếp xúc với câu chuyện, họ có thể không nhớ hết nội dung, nhưng có những chi tiết “đắt” làm họ gợi nhớ về câu chuyện mà mình từng đọc. Trong đó, chi tiết tương phản và biểu tượng được xem là từ khóa quan trọng trong tác phẩm. Từ điển bách khoa toàn thư (wikipedia) giải thích rất ngắn gọn về ý nghĩa của từ tương phản và biểu tượng:

“Tương phản: trái nhau”; “Biểu tượng: là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật”. Trong văn học, thủ pháp nghệ thuật tương phản, được dùng để xây dựng những hình ảnh, chi tiết, hình tượng, giọng điệu... có tính chất, đặc điểm trái ngược nhau; nhằm nhấn mạnh một tư tưởng, nội dung hay một quan điểm nào đấy. Tuy nhiên, sự trái ngược về bản chất ấy phải được xét cho những đối tượng trên cùng một bình diện và theo một tiêu chí nhất định, điều đó mới khiến nó có ý nghĩa. Còn biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa. Tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát là một tác phẩm được xây dựng bằng những chi tiết tương phản và biểu tượng như vậy.

Có thể thấy, các chi tiết tương phản và biểu tượng được tác giả xậy dựng rất kì công trong tiểu thuyết Người đàn bà trong cồn cát. Trước hết là những chi tiết tồn tại trong thế tương phản đối lập với chính nó: Cuộc sống tự do nơi thành phố và cuộc sống tù túng nơi hố cát. Rõ ràng chúng đều là cuộc sống mà người đàn ông trải qua. Nhưng với cuộc sống tự do, đầy đủ nơi thành phố con người lại ỉ lại, chán ghét thực tại, xa rời mọi thứ. Thậm chí là muốn chạy trốn khỏi nó. Đối lập với cuộc sống nơi hố cát, bị giam cầm buộc con người phải không ngừng đấu tranh để giải thoát cho bản thân. Chính điều này đã tạo nên sự phi lí không thể tưởng, cuộc sống tự do con người lại không nhận ra giá trị của nó, chỉ khi lâm vào hoàn cảnh khắc nghiệt mới ý thức giá trị của hai chữ “tự do” kia.

Chi tiết tương phản tiếp theo đó là chi tiết nói về kích thước của cát và sức mạnh ghê gớm của nó. Trong câu chuyện tác giả đã sử dụng phép lặp để nhấn mạnh kích thước nhỏ bé của các hạt cát, có tới bốn lần đường kính của cát được nhắc đi nhắc lại “một dòng cát gồm những hạt cát nhỏ bằng một phần tám milimet”[6, tr.59]. Mặc dù có kích thước nhỏ như vậy nhưng sức tàn phá của nó lại hết sức ghê gớm, thật khó mà tưởng tượng nổi “Cát đã nuốt chửng và tàn phá không biết bao nhiêu thành thị sầm uất và vương quốc lớn. Đế quốc La Mã đã từng có biết bao thành thị cổ kính mà sự bất tử của chúng không ai có thể phủ nhận được. Thế mà cuối cùng chính chúng cũng đành chịu khuất phục trước uy quyền của những hạt cát linh động…”[6, tr.59]. Nó chính là hình ảnh phản ánh sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống, là đại diện cho thiên tai luôn đe dọa sự sống của con người, là mối nguy hiểm khó lường trước. Đặc tính của nó là không hình thể và luôn chuyển động, nó vùi lấp, phá hủy được tất cả “Những vật có hình thể trở nên vô nghĩa khi ở bên cạnh cát.

Đặc tính duy nhất của cát là sự chuyển động; nó là tương phản của mọi hình thể”[6, tr.59]. Và bản thân nó cũng là một thực thể vô cơ như nước nhưng lại hoàn toàn tương phản với nước. Nếu như, nước sẵn sàng thích nghi với thân thể con người, mang lại sự mát mẻ kì diệu thì cát lại thiêu đốt con người, làm cho da dẻ và cổ họng con người bỏng rát “Dù cát có chảy xuống thế nào, nó vẫn khác với nước. Người ta có thể bơi trong nước, còn cát sẽ bao lấy và nghiền con người đến chết”[6, tr.115].

Một phần của tài liệu Yếu tố phi lí trong tiểu thuyết người đàn bà trong cồn cát của abe kobo (Trang 43 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(75 trang)