Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội của huyện Cam Lộ

Một phần của tài liệu Thực trạng, nguyên nhân và các nhân tố ảnh hưởng tới đói nghèo trên địa bàn huyện cam lộ, tỉnh quảng trị (Trang 26 - 31)

CHƯƠNG 2. ĐÁNH GIÁ, PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG ĐÓI NGHÈO CỦA HUYỆN CAM LỘ, TỈNH QUẢNG TRỊ

2.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế- xã hội của huyện Cam Lộ

2.1.1.1. Vị trí địa lý, địa hình, khí hậu

Vị trí địa lý: Cam Lộ là nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Quảng Trị, Cam Lộ gồm có 8 xã và 1 thị trấn.

Địa hình: Tổng diện tích của huyện là 346,90 km2. Đây là vùng chuyển tiếp từ dãy núi Trường Sơn đến đồng bằng và miền duyên hải. Do đó, nó được phân chia chủ yếu thành 3 vùng là vùng núi, vùng đồng bằng- trung du (gò đồi) và vùng ven sông.

Khí hậu thời tiết: Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là nơi chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa.

2.1.1.2. Tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên đất: Gồm có: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp có rừng, đất chuyên dùng, đất ở (nông thôn và đô thị), đất chưa sử dụng.

Tài nguyên nước: Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có nguồn nước khá dồi dào nhưng khả năng khai thác còn hạn chế.

Tài nguyên du lịch sinh thái: được xem là một trong những yếu tố nổi trội cần được phát huy ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Tài nguyên rừng: Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị có diện tích đất lâm nghiệp chiếm 31,6% diện tích lãnh thổ.

Tài nguyên khoáng sản: Khoáng sản ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị tương đối đa dạng nhưng trữ lượng không lớn và chưa được điều tra đầy đủ.

2.1.2. Điều kiện kinh tế- xã hội 2.1.2.1. Điều kiện kinh tế

2.1.2.1.1. Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

Cơ cấu kinh tế của huyện khá đồng đều. Nông – lâm – thủy sản chiếm 38%, công nghiệp – xây dựng chiếm 35% và thương mại – dịch vụ chiếm 27%.

Năm 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế (tính theo GTSX) đạt 107,4% so với năm 2012.

 Tình hình sản xuất nông nghiệp

Nông nghiệp là hoạt động chính của huyện. Những thay đổi về cấu trúc nông nghiệp không đáng kể. Về trồng trọt, chủ yếu là trồng các loại cây lương thưc như: lúa, ngô, lạc, sắn và cây công nghiệp lâu năm như: cao su, hồ tiêu, chè…Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa , đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

Nhiều giống mới năng suất, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất, gắn phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Về chăn nuôi, cơ cấu con nuôi phát triển đa dạng, đàn đại gia súc giảm về số lượng nhưng chất lượng được nâng cao. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có (số liệu điều tra 1/4/2013 của chi cục thống kê Cam Lộ): Đàn trâu: 1870 con; Đàn bò: 4870 con; Đàn lợn: 10250 con; Gia cầm: 96970 con.

 Tình hình sản xuất lâm nghiệp

Cam Lộ là một huyện trung du miền núi có nhiều tiềm năng và thế mạnh về đất lâm nghiệp, diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn, chiếm 19.950 ha, trong đó rừng phòng hộ 3.432 ha, rừng sản xuất 16.518 ha. Tuy nhiên, nằm trong dải đất nghèo miền trung chịu ảnh hưởng rất lớn của khí hậu thời tiết khắc nghiệt, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, thường xuyên bị thiên tai đe dọa nên sản xuất lâm nghiệp của huyện cũng gặp không ít khó khăn.

Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng ở huyện Cam Lộ năm 2013 ước đạt 5.792 m3. Diện tích rừng được chăm sóc là 600 ha. Tuy nhiên, đến nay thực trạng phân bố và sử dụng đất trên địa bàn huyện Cam Lộ vẫn còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng đất đai. Diện tích đất trống, đồi núi trọc trong toàn huyện rất lớn, chủ yếu là cây bụi, lau lách, không có hiệu quả kinh tế.

 Tình hình sản xuất thủy sản

Nhìn chung sản xuất thủy sản trên địa bàn huyện Cam Lộ năm 2013 có sự phát triển hơn năm trước.

Về nuôi trồng: Tình hình nuôi trồng thủy sản không có sự biến động nhiều, với 130 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, toàn bộ là nuôi cá. Sản lượng nuôi trồng ước tính đạt 291 tấn.

Về khai thác thủy sản: Nguồn thủy sản tự nhiên không đáng kể nên sản lượng hầu như không có.

2.1.2.1.2. Công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Cam Lộ năm 2013 vẫn tiếp tục duy trì tốc độ phát triển so với năm trước, các cơ sở kinh tế cá thể phát triển về số lượng, lượng sản phẩm hàng hóa sản xuất ra nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng nhiều và có chất lượng cao. Qua kết quả điều tra mẫu suy rộng của chi cục thống kê Cam Lộ thì tình hình sản xuất công nghiệp trong toàn huyện ước thực hiện được 88.754 triệu đồng (giá so sánh năm 2010) đạt 113,7% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành ước thực hiện trong năm 2013 đạt 101.756 triệu đồng.

2.1.2.1.3. Thương mại- dịch vụ

Tình hình chung giá cả của các mặt hàng trên địa bàn huyện có tăng nhưng vẫn ổn định. Doanh thu thương mại- dịch vụ năm 2013 ước đạt 840 tỷ đồng.

Hiện nay có 2.001 cơ sở kinh doanh về lĩnh vực thương mại, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thương mại, dịch vụ ước thực hiện 146.290 triệu đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

2.1.2.2. Tình hình đầu tư phát triển của huyện Cam Lộ

Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách do địa phương quản lý và ngân sách tỉnh đã thực hiện từ đầu năm đến cuối đầu tháng 9/ 2013 là 56.459 triệu đồng.

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển: 161.904 triệu đồng. Trong đó nguồn vốn UBND tỉnh phân bổ đầu năm là 58.854 triệu đồng, nguồn vốn từ chương trình mục tiêu Quốc gia là 4.035 triệu đồng, nguồn trái phiếu chính phủ là 3.041 triệu đồng, nguồn ứng kho bạc nhà nước là 50.000 triệu đồng, nguồn thu xổ số kiến thiết của tỉnh là 1.550 triệu đồng, nguồn thuộc ngân sách huyện quản lý là 17.346 triệu đồng, nguồn vốn khác là 27.078 triệu đồng.

Có thể rút ra một số thuận lợi, khó khăn, thách thức đối với tăng trưởng và XĐGN ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị như sau:

Thuận lợi:

- Với vị trí địa lí thuận lợi (nằm trên trục hành lang kinh tế Đông- Tây), huyện Cam Lộ có lợi thế để đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa; phát triển sản xuất công

nghiệp; khai thác tiềm năng du lịch cùng với phát huy lợi thế của hệ thống các di tích lịch sử nổi tiếng và hệ thống các danh lam thắng cảnh tự nhiên.

- Nhà nước tiếp tục đầu tư và có chính sách để phát triển thêm một số khu thương mại dọc hành lang kinh tế Đông –Tây. Với sự phát triển đó, khu vực huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển và trở nên năng động hơn nhiều khi hành lang kinh tế Đông- Tây được thông thương.

- Tiềm năng đất đai chưa sử dụng còn rộng lớn là điều kiện để mở rộng sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất cây công nghiệp dài ngày (cao su, cà phê, hồ tiêu).

- Khoáng sản huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị tuy không lớn nhưng đa dạng và phân bố khá đều trên lãnh thổ, cho phép khai thác quy mô nhỏ với sự tham gia của các thành phần kinh tế khác nhau, có ý nghĩa lớn trong việc sử dụng hợp lí nguồn lao động và tác động trực tiếp đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, XĐGN.

- Nguồn lao động khá dồi dào.

- Huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị cũng là nơi được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư phát triển của Nhà nước.

Khó khăn, thách thức:

- Xuất phát điểm của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế còn lạc hậu, kinh tế tuy có sự tăng trưởng khá nhưng không vững chắc, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn rất hạn chế.

- Ngành công nghiệp chưa có cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, các cơ sở của địa phương thì hầu hết là công nghệ lạc hậu, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất thấp, sức cạnh tranh thị trường còn yếu.

- Sản xuất nông nghiệp chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; chế biến nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất ảnh hưởng lớn đến tính chủ động của các chỉ tiêu đầu ra cũng như việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

- Tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ rất lớn nhưng do yếu kém của cơ sở hạ tầng, năng lực tổ chức quản lý, khai thác cùng với khả năng đầu tư hạn chế nên hiệu quả khai thác thấp.

- Đời sống của một bộ phận khá lớn dân cư còn khó khăn, nhất là dân cư vùng nông thôn và vùng đồng bào DTTS, vùng căn cứ cách mạng.

- Lao động thiếu việc làm còn lớn, trình độ dân trí và chất lượng nguồn lao động còn thấp.

- Thời tiết khắc nghiệt và thiên tai thường xuyên xảy ra, tài nguyên rừng đang bị cạn kiệt dần, môi trường sinh thái đang diễn biến theo xu thế xấu là sự bất lợi lớn cho quá trình phát triển và XĐGN bền vững của địa phương.

- Hậu quả của chiến tranh để lại còn nặng nề.

Từ những khó khăn, trở ngại trên đặt ra nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết cả về kinh tế, xã hội môi trường và XĐGN mà huyện phải thực hiện trong thời gian tới.

2.1.2.3. Điều kiện xã hội

Dân số: Số nhân khẩu có đến cuối năm 2013 là 45.423 người, trong đó nữ 22.968 người chiếm 50,56%. Dân số trung bình năm 2013 là 45.153 người, trong đó dân số trung bình thành thị là 6.279 người, nông thôn là 38.874 người. (bảng 1 phụ lục)

Lao động: Số người trong độ tuổi lao động tính đến cuối năm 2013 là 28.007 người chiếm 61,66% dân số toàn huyện. Trong đó nữ là 13.187 người chiếm 47,08% lực lượng lao động. Ta thấy huyện Cam Lộ có nguồn lao động dồi dào. (bảng 1 phụ lục)

Về giáo dục đào tạo: Tính đến thời điểm hiện nay huyện đã có được 11 trường mầm non, 28 trường học (16 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở, 4 trường trung học phổ thông). Số phòng học: 18 phòng hệ nhà trẻ; 92 phòng hệ mẫu giáo; 166 phòng cấp tiểu học; 109 phòng cấp trung học cơ sở; 56 phòng cấp trung học phổ thông; 13 phòng cấp phổ thông trung học. Số lớp học: 17 lớp hệ nhà trẻ; 83 lớp hệ mẫu giáo; 165 lớp tiểu học; 112 lớp trung học cơ sở; 64 lớp trung học phổ thông. Hiện nay, toàn huyện, bậc tiểu học có 16/16 trường, THCS có 3/8 trường, giáo dục mầm non có 4/11 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài hệ thống trường phổ thông, trên địa bàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị còn có hệ thống trường dạy nghề tổng hợp huyện đào tạo nghề cho lao động hiện đang trong quá trình mới hình thành, từng bước xây dựng và phát triển.

Cơ sở vật chất trường học, trang thiết bị được đầu tư theo hướng kiên cố và cao tầng hóa, đảm bảo nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh.

Về y tế: Hiện nay 100% số xã, thị trấn có trạm y tế. Về nhân lực, toàn huyện có 152 cán bộ, trong đó: tuyến huyện 106 ( phòng y tế 4; TT Y tế 27; bệnh viện đa khoa 75), tuyến xã 46. Công tác khám và chữa bệnh ngày một nâng cao đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, nhất là đối tượng hộ nghèo và và trẻ em dưới 6 tuổi, các cơ sở khám chữa bệnh được đầu tư nâng cấp cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc hiện đại như: máy x quang, siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm sinh hóa,...Ngành y tế đã chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh và nâng cao cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Vì vậy công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Về văn hóa: Các hoạt động văn hóa, thông tin, báo chí, thể dục, thể thao phát triển cả về quy mô và có nhiều đổi mới về nội dung. Đến nay, toàn huyện có 11.500/11.940 gia đình đạt danh hiệu gia đình vă hóa, chiếm tỷ lệ 96% .

Hậu quả chiến tranh: Hậu quả cuộc chiến tranh của Mỹ đã để lại cho huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị khá nặng nề.

Một phần của tài liệu Thực trạng, nguyên nhân và các nhân tố ảnh hưởng tới đói nghèo trên địa bàn huyện cam lộ, tỉnh quảng trị (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(81 trang)