CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG VỐN KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN Á CHÂU – CHI NHÁNH HÀ THÀNH – PHÒNG GIAO DỊCH ÂU CƠ
3.3. Kiến nghị nhằm tăng cường huy động vốn tiền gửi khách hàng cá nhân tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu – Phòng giao dịch Âu Cơ
3.3.1. Kiến nghị với Nhà nước
Nhà nước cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo lập môi trường tâm lý xã hội ổn định, phát triển thị trường chứng khoán... Hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đồng bộ đảm bảo các quyền lợi chính đáng của Ngân hàng, môi trưởng pháp lý ổn định để tạo điều kiện Ngân hàng cho vay, vừa đáp ứng được nhu cầu về cung cấp vốn cho đầu tư phát triển vừa đảm bảo được an toàn vốn của Ngân hàng. Tạo lập môi trường pháp lý ổn định sẽ thu hút được khách hàng tin tưởng quay trở lại với Ngân hàng.
Chính phủ cần tạo lòng tin đối với người dân để họ tin tưởng vào các biện pháp của Chính phủ sẽ đưa nền kinh tế của chúng ta đi lên, đẩy lùi lạm phát, đẩy lùi tình trạng mất giá đồng tiền.
3.3.2. Kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước
NHNN luôn đóng vai trò đứng đầu trong việc điều tiết các hoạt động tài chính trong nước nói chung và của các NHTM nói riêng. Do vậy, các hoạt động của NHNN cần luôn cân nhắc sao cho tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các NHTM nhưng cũng đồng thời đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế.
- NHNN cần xây dựng và hoàn thiện chính sách tiền tệ đồng bộ và sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền lưu thông. Thực hiện điều chỉnh lãi suất phù hợp để tạo điều kiện nâng cao khả năng huy động vốn của các NHTM.
- NHNN cần kiềm chế lạm phát, ổn định đồng nội tệ, kiểm soát tỷ giá hối đoái cũng như giá vàng nhằm tạo sự ổn định cho các NHTM thực hiện các hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, NHTW cần có những ưu đãi, hỗ trợ tài chính cho các NHTM khi gặp khó khăn trong huy động vốn.
- NHNN nên tạo điều kiện để các NHTM hợp tác và cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, nhất là giữa các NHTM quốc doanh và NHTM cổ phần.
3.3.3. Kiến nghị với Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu
Cần tạo điều kiện để PGD chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh theo hướng nâng cao quyền tự chủ, phân rõ trách nhiệm, phù hợp với quy mô, đặc điểm của PGD, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án lớn…nhằm phát huy vai trò của PGD.
Trang bị thêm nhiều trang thiết bị hiện đại, các phần mềm ứng dụng tiên tiến cho PGD nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Tổ chức kịp thời giải quyết các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh của PGD như: phê duyệt mức cho vay vượt quyền phán quyết…
Xây dựng chính sách lãi suất hợp lý, theo cơ chế cạnh tranh linh hoạt trên cơ sở Trung ương quy định lãi suất điều hòa vốn cho PGD được quyền quy định lãi suất trên địa bàn.
Có chiến lược dài hạn hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ đối với cán bộ nhân viên nhất là các cán bộ ở PGD, phòng giao dịch ở các cụm đông dân cư cho tương xứng với nhiệm vụ được giao, để sớm hội nhập với các Ngân hàng khu vực và thế giới. Bởi thực tế đã chứng minh hiệu quả sức cạnh tranh của một Ngân hàng luôn là bản chất tiềm tàng trong mỗi cán bộ nhân viên của Ngân hàng đó nên đi đôi với việc sắp xếp, bố trí lao động hợp lý cần mạnh dạn giao việc cho cán bộ trẻ, có năng lực và trình độ, có phẩm chất tốt để rèn luyện và thử thách. Từ đó tạo cơ sở đề bạt vào các cương vị nặng nề hơn trong tương lai.
Thường xuyên cử ban kiểm tra, kiểm toán nội bộ Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam xuống kiểm tra, giúp PGD phát hiện sai sót trong nghiệp vụ để sửa chữa uốn nắn kịp thời nhằm đưa hoạt động đi vào nề nếp, tránh làm ảnh hưởng đến doanh thu chung và uy tín của Ngân hàng.
Phối hợp chặt chẽ với NHNN để tổ chức có hiệu quả chương trình thông tin rủi ro, thông tin tín dụng nhằm ngày càng nâng cao chất lượng tín dụng, giúp các PGD phòng ngừa rủi ro tốt nhất.
KẾT LUẬN
Công tác huy động vốn, đặc biệt là huy động vốn tiền gửi từ KHCN là một khâu quan trọng trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại, tạo nguồn lực để ngân hàng mở rộng kinh doanh, đầu tư sinh lời. Tuy nhiên, khả năng huy động vốn của các ngân hàng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và gặp nhiều khó khăn do sự biến động của nền kinh tế trong và ngoài nước, tâm lý của khách hàng và những nguyên nhân chủ quan từ phía ngân hàng. Do đó, các NHTM rất cần có những biện pháp, chính sách hợp lý để huy động, khai thác hiệu quả nguồn vốn tiền gửi từ KHCN cũng như cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện đồng bộ, kịp thời từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan ban ngành.
Sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vừa là thách thức đối với các ngân hàng nhưng cũng là động lực giúp các ngân hàng ngày càng phải hoàn thiện, phát triển hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, áp lực về việc mở rộng quy mô hoạt động, quy mô vốn cũng như xu hướng cơ cấu lại ngành ngân hàng đã đặt ra những yêu cầu cấp bách đối với các NHTM trong cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận, phân chia thị phần và khẳng định tên tuổi. Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam mà cụ thể ở đây là Phòng giao dịch Âu Cơ cũng như rất nhiều ngân hàng thương mại khác đang nỗ lực hết mình trong cuộc chạy đua ấy.
Vấn đề đặt ra cho Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam - Chi nhánh Hà Thành – Phòng giao dịch Âu Cơ là cần phải có những giải pháp phù hợp và mang tính hiệu quả để thành công trong công tác huy động vốn tiền gửi nói riêng và hoạt động kinh doanh của ngân hàng nói chung.
Để giải quyết vấn đề trên, luận văn từ việc tìm hiểu về những cơ sở lý luận về công tác huy động đến việc phân tích tình hình huy động tiền gửi KHCN tại Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa – Phòng giao dịch Âu Cơ đã đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy các thế mạnh sẵn có, góp phần giúp Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam - Chi nhánh Đống Đa – Phòng giao dịch Âu Cơ nâng cao hiệu quả công tác huy động nguồn vốn tiền gửi KHCN, phát huy vị thế vững chắc của Ngân hàng TMCP Á Châu Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế xã hội nói chung.