2.2. Cơ sở khoa học
2.2.5. Một số bệnh khác ở đường sinh dục của lợn nái
Nguyên nhân: Theo Đặng Đình Tín (1985) [11], thì nguyên nhân chính của viêm âm môn tiền đình và âm đạo ở lợn là những sai sót kỹ thuật khi đỡ đẻ. Khi gia súc đẻ khó, phải can thiệp bằng tay hay dụng cụ không phù hợp, không đảm bảo vô trùng, gây tổn thương niêm mạc âm môn, tiền đình, âm đạo hoặc sử dụng các thuốc điều trị bệnh ở tử cung, âm đạo kích thích quá mạnh làm niêm mạc âm đạo, âm môn, tiền đình bị viêm.
Theo Trần Tiến Dũng (2006) [6] cho biết: Trong quá trình sinh đẻ, niêm mạc âm môn, tiền đình và âm đạo bị xây sát, tổn thương do bào thai hay do can thiệp các
trường hợp đẻ khó. Do trong quá trình đỡ đẻ thao tác kỹ thuật không đúng, dụng cụ đỡ đẻ không vô trùng gây tổn thương các bộ phận sinh dục bên ngoài. Ngoài ra, bệnh có thể kế phát từ hiện tượng sảy thai, thai thối rữa trong tử cung hoặc từ bệnh sát nhau.
Triệu chứng: Những con viêm mãn tính thì ủ rũ, uể oải, kém ăn, lượng sữa giảm. Lúc đầu niêm mạc bộ phận bị viêm xung huyết nhẹ, có nhiều dịch thẩm xuất.
Kiểm tra âm đạo bằng mỏ vịt, con vật không có phản xạ đau, không có triệu chứng toàn thân. Con vật rặn vặt, đi đái rắt. Nhiều dịch viêm lẫn tổ chức hoại tử màu trắng chảy ra ngoài.
Bệnh tích: Viêm âm môn, tiền đình và âm đạo mãn tính, niêm mạc trở nên khô cứng, màu sắc nhợt nhạt, trên bề mặt niêm mạc có chỗ trắng, đỏ không đều.
Khi kiểm tra âm đạo, con vật đau đớn. Gia súc luôn rặn, khi rặn từ cơ quan sinh dục thải ra ngoài hỗn dịch rỉ viêm gồm mủ lẫn mảnh tổ chức hoại tử màu vàng nâu, mùi tanh, dính vào gốc đuôi, hai bên mông.
Viêm màng giả trên niêm mạc được phủ một màng mỏng, tổ chức hoại tử màu trắng, nâu hoặc vàng xám. Phía dưới lớp màng có những vết loét nằm rải rác hay tập trung lại thành từng đám lớn trên niêm mạc. Con vật đau đớn rõ rệt, khi kiểm tra âm đạo, con vật luôn cong đuôi rặn, dịch rỉ viêm, máu, mủ lẫn tổ chức hoại tử màu vàng nâu, mùi tanh thối chảy ra. Viêm màng giả rất dễ dẫn tới nhiễm trùng huyết. Hậu quả là do tế bào của âm đạo tăng sinh, niêm mạc âm đạo sẹo hóa, nhăn nhúm, lòng âm đạo bị hẹp ảnh hưởng đến quá trình phối giống và sinh sản lần sau (Phạm Sỹ Lăng và cs, 2003) [7].
Điều trị: Amoxinject LA: Tiêm bắp 1ml/10kg thể trọng, hiệu lực 24h, tiêm liên tục 3-5 liều.
Tiêm oxytocine: liều 3ml/con.
Lutalyse: Tiêm bắp thịt hoặc đưa vào tử cung 2ml/con, một liều duy nhất.
Ngoài sử dụng kháng sinh và thuốc bổ, kết hợp thụt rửa tử cung bằng dung dịch thuốc sát trùng omnicide (pha 1 ml với 100 ml nước sạch) mỗi lần dùng cho 1 con từ 2000 - 2500 ml dung dịch đã pha. Bơm dung dịch đã pha vào tử cung của lợn
và chờ khoảng 30 phút cho dung dịch và dịch viêm ra hết. Sau đó dùng hỗn hợp kháng sinh.
Hòa tan hỗn hợp: Penicillin 1 triệu UI, streptomycin 1g, nước muối sinh lý 50 ml bơm trực tiếp vào tử cung.
2.2.5.2. Viêm buồng trứng
Nguyên nhân: Đa số trường hợp viêm buồng trứng là do kế phát từ bệnh viêm tử cung, viêm ống dẫn trứng và viêm phúc mạc. Các vi khuẩn gây viêm lan truyền từ tử cung lên ống dẫn trứng vào buồng trứng hoặc từ phúc mạc lan sang. Những vi khuẩn gây viêm thường gặp là: Staphylococcus, Streptococcus, E. coli.
Triệu chứng: Lợn không động dục khi đến chu kỳ rụng trứng. Giai đoạn đầu con vật đau đớn khi thăm khám buồng trứng qua trực tràng, buồng trứng to gấp 2 - 3 lần bình thường. Nếu con vật chỉ viêm một bên buồng trứng thì vẫn thấy chu kỳ động dục và phối giống được nhưng ít thụ thai hơn súc vật cái bình thường.
Bệnh tích:Các vi khuẩn gây viêm, sưng thủng buồng trứng, có thể gây mủ.
Sau đó, buồng trứng bị bã đậu và can xi hoá chỗ viêm, buồng trứng nhỏ lại nhưng rắn và xơ cứng.
Điều trị: Amoxinject LA 1ml/10kg thể trọng, hiệu lực 24h, điều trị 3-5 liều liên tục.
Tiêm các thuốc trợ sức: Vitamin C, B1,B12 liều 5ml/con trong quá trình điều trị để gia súc mau bình phục.
2.2.5.3. Thể vàng tồn tại (Corpus luteum persistens)
Nguyên nhân: Do prostaglandin F2α nội sinh tiết ra không đủ để tiêu hủy thể vàng trong lần lên giống trước đó và sau khi sinh. Sự tiết nhiều progesterone sẽ kìm hãm sự phát triển của nang noãn và dẫn đến không xuất hiện động dục.
Triệu trứng: Thể rối loạn này không có triệu chứng lâm sàng. Chỉ có thể chẩn đoán được khi sờ khám qua trực tràng phát hiện có sự hiện diện của thể vàng nhưng lợn thật sự không mang thai.
Bệnh tích: Thể vàng nổi rõ trên bề mặt buồng trứng và ranh giới giữa thể vàng và buồng trứng phân biệt rõ rệt. Lợn không biểu hiện động dục và có xu hướng mập dần lên theo thời gian tồn lưu của thể vàng. Nếu thật sự không mang
thai nhưng khi khám tử cung nghi ngờ có chứa dịch hoặc mủ thì nên dùng dẫn tinh quản đưa qua cổ tử cung và hút lấy dịch để kiểm tra cho chắc chắn có hay không có sự kết hợp với viêm tử cung tích mủ.
Điều trị: Nếu có dịch trong tử cung thì phải tiến hành thụt rửa ngay sau khi sử dụng prostaglandin. Có thể hủy thể vàng bằng tay nhưng điều này không khuyến cáo rộng rãi vì có thể có những biến chứng xảy ra sau đó như xuất huyết, viêm kết dính buồng trứng và có thể dẫn đến vô sinh sau đó.