4.1. Công tác thú y và chăn nuôi tại cơ sở thực tập
4.1.3. Chẩn đoán và điều trị bệnh
Để điều trị bệnh cho đàn lợn có hiệu quả cao thì việc chẩn đoán bệnh nhanh chóng sẽ giúp đưa ra những biện pháp chữa trị kịp thời và hiệu quả, giảm được thiệt hại kinh tế. Xác định được tầm quan trọng của vấn đề này nên trong thời gian thực tập, tôi luôn cùng các cán bộ cơ sở thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện lợn ốm.
Khi mới mắc bệnh, lợn thường không có biểu hiện rõ ràng mà thường thấy lợn ít ăn, bỏ ăn, ủ rũ, mệt mỏi, giảm hoạt động, thân nhiệt cao. Để chẩn đoán đúng bệnh, ngoài triệu chứng lâm sàng quan sát thấy còn phải dựa vào kinh nghiệm của cán bộ kỹ thuật và đội ngũ công nhân. Ngoài ra, chúng tôi còn kết hợp mổ khám, quan sát bệnh tích lâm sàng, qua đó đưa ra phác đồ điều trị đạt hiệu quả cao hơn.
Trong quá trình thực tập tôi cùng cán bộ kỹ thuật của trại đã chẩn đoán và điều trị một số bệnh như sau:
4.1.3.1. Điều trị bệnh ở lợn nái sinh sản
*Bệnh viêm tử cung - Nguyên nhân:
Do trường hợp đẻ khó phải can thiệp bằng tay hoặc dụng cụ sản khoa làm xây sát niêm mạc tử cung, vi khuẩn xâm nhập và phát triển gây viêm. Đây là nguyên nhân chính mà tôi quan sát được tại cơ sở.
Do phối giống không đúng kỹ thuật.
Do kế phát từ một số bệnh: sát nhau, viêm âm đạo.
- Triệu chứng: Sau khi đẻ từ âm hộ chảy ra dịch rỉ viêm và mủ màu trắng đục, màu vàng hoặc màu nâu, keo đặc và có mùi hôi thối đặc trưng. Con mẹ bỏ ăn hoàn toàn hoặc một phần, sốt cao 40 – 41oC, có thể bị mất sữa.
- Biện pháp điều trị:
Tiêm một liều oxytocin: 3 ml/con
Amoxinject LA: 1ml/10kg thể trọng/lần, hiệu lực 24h, tiêm liên tục 3-5 liều;
hoặc tiêm pendistrep 1ml/10kg thể trọng/lần, hiệu lực 24h, tiêm liên tục 3-5 liều liên tục.
Tiêm một liều analgine+C: 1 ml/15 kg thể trọng.
Trợ sức trợ lực vitamin C liều 5ml/con; vitamin B1, B12 liều 5ml/con Điều trị 54 con khỏi 50 con đạt tỷ lệ 92,59%
*Viêm vú
- Nguyên nhân: Khi lợn nái đẻ nếu nuôi không đúng cách, chuồng bẩn thì các vi khuẩn Mycoplasma, các cầu khuẩn, vi khuẩn đường ruột xâm nhập gây viêm vú.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm vú ở lợn nái là thức ăn không phù hợp cho lợn nái, không giảm khẩu phần thức ăn cho lợn nái trước khi đẻ một tuần làm cho lượng sữa tiết ra quá nhiều gây tắc sữa. Sau vài ngày đẻ mà lợn con không bú hết, sữa lưu là môi trường tốt cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm, do kế phát từ một số bệnh: Sót nhau, viêm tử cung, bại liệt sau đẻ, viêm bàng quang…
khi lợn nái bị những bệnh này vi khuẩn theo máu về tuyến vú cư trú tại đây và gây bệnh, quá trình chăm sóc nuôi dưỡng kém, ổ đẻ bẩn, sau khi đẻ bầu vú không được vệ sinh sạch, hàng ngày không vệ sinh bầu vú, thời tiết quá ẩm kéo dài, nhiệt độ thay đổi đột ngột dẫn đến viêm.
- Triệu chứng: bình thường bệnh viêm vú xảy ra ngay sau khi đẻ 4 - 5 giờ cho đến 5 - 7 ngày có khi đến một tháng, thường xuất hiện ở một vài vú nhưng đôi khi cũng lan ra toàn bộ các vú. Vú có màu hồng, sưng đỏ, sờ vào thấy nóng, hơi cứng ấn vào lợn nái có phản ứng đau. Lợn nái giảm ăn, trường hợp nặng thì bỏ ăn, sốt cao 40,5 – 420C kéo dài trong suốt thời gian viêm, sản lượng sữa giảm, lợn nái thường nằm úp đầu vú xuống sàn, ít cho con bú. Lợn con thiếu sữa kêu la chạy vòng quanh lợn mẹ đòi bú, lợn con ỉa chảy, xù lông, gầy tọp, tỷ lệ chết cao 30 - 100%.
Vắt sữa ở những vú bị viêm thấy sữa loãng, trong sữa có những cặn hoặc cục sữa vón lại, xuất hiện những mảnh cazein màu vàng, xanh lợn cợn, đôi khi có máu.
- Điều trị: + Dùng vải màn nhúng vào nước muối ấm 10% xoa bóp bầu vú mỗi ngày 2-3 lần/ ngày, mỗi lần 10 phút. Vắt bỏ bớt sữa trong bầu vú 2 - 3 lần/ngày.
Tách đàn con ra khỏi những con mẹ bị viêm vú. Tiêm amoxinject LA 1ml/10kg thể trọng/lần/ngày kết hợp tiêm analgin+C 1ml/15kg thể trọng/lần/ngày
+ Dùng giẻ mềm, sạch, nhúng vào nước muối ấm 10%, xoa bóp bầu vú mỗi ngày 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần 10 phút.
+ Vắt bỏ bớt sữa trong bầu vú 2 - 3 lần/ngày.
+Tách đàn con ra khỏi những con mẹ bị viêm vú.
Điều trị 6 con khỏi 4 con, tỷ lệ khỏi đạt 66,67%.
* Hội chứng MMA trên lợn nái (Mastitis Metritis Agalactia)
Những biểu hiện lâm sàng ở lợn nái sau khi sinh từ 12-18h bao gồm tử cung tiết nhiều dịch (viêm tử cung); vú sưng cứng, nóng và đỏ (viêm vú); tiết sữa giảm hay mất sữa gọi là hội chứng MMA.
- Nguyên nhân: Chủ yếu là do vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm ở đường tiết niệu, bàng quang dẫn đến sự lây lan rộng sang các cơ quan khác như tuyến vú, tử cung, âm đạo. Bệnh cũng có thể do thời gian đẻ của lợn kéo dài, cổ tử cung mở rộng sau khi sinh, sự can thiệp của con người trong quá trình đỡ đẻ gây trầy xước trong đường sinh dục dẫn đến các vi khuẩn cơ hội như E.coli, Staphylococcus, Streptococcus tấn công gây viêm nhiễm. Nguyên nhân viêm vú thường do chuồng trại vệ sinh kém, vi khuẩn xâm nhập qua ống dẫn sữa ở đầu vú hoặc theo đường máu qua vết thương hoặc do sữa ứ đọng trong bầu vú là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Triệu chứng: Lợn nái biểu hiện sốt 40 – 410C bỏ ăn, giảm uống nước, không cho con búl bầu vú bị viêm sờ vào thấy cứng và nái có biểu hiện đau. Từ âm đạo chảy ra dịch lợn cợn (có mủ màu hồng hoặc xám đen), mùi hôi. Lợn con theo mẹ thường gầy và tiêu chảy.
- Điều trị: Sau khi nái đẻ cần vệ sinh sạch sẽ, tiêm bắp thịt analgine+C liều 1ml/15kg thể trọng, tiêm ngày 2 lần cho đến khi hết triệu chứng sốt; tiêm dưới da 1
liều oxytocin 3ml/nái; tiêm bắp thịt kháng sinh amoxinject LA liều 1m/10kg thể trọng, hiệu lực 24h, tiêm 3-5 liều liên tục.
Chúng tôi phát hiện và điều trị 3 con, khỏi 2 con, tỷ lệ khỏi 66,67%.
*Hiện tượng đẻ khó
- Nguyên nhân: Chủ yếu do trong thời kỳ mang thai được cho ăn những thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, đầy đủ lại không được vận động nhiều làm cho lợn mẹ thường quá béo, thai quá to dẫn đến hiện tượng khó đẻ.
Những lợn nái sinh sản đẻ lứa đầu do cơ thể chưa có những biến đổi thích hợp nhất cho việc sinh sản nên những con lợn này khi sinh sản cũng thường bị khó đẻ.
- Triệu chứng: Triệu chứng lâm sàng của hiện tượng khó đẻ là từ khi lợn mẹ vỡ ối rất lâu mà không thấy lợn con ra hoặc khoảng thời gian con thứ nhất ra đến con thứ hai là rất lâu mặc dù con mẹ có biểu hiện rặn liên tục.
- Biện pháp can thiệp: Khi phát hiện có những biểu hiện chuẩn bị cho việc sinh sản chúng tôi thường dùng thuốc lutalyse 2ml/con và theo dõi trong khoảng 3 - 4 giờ mà không thấy lợn con ra, lúc đó chúng tôi tiến hành can thiệp là dùng tay móc thai ra. Sau khi móc thai ra ngoài hết, chúng tôi tiêm oxytocin liều 3ml/con và kháng sinh amoxinject LA có thành phần chính là amoxicillin trihydrate tiêm liều 1ml/10kg thể trọng/lần/ngày điều trị liên tục trong 3 ngày, để phòng chống viêm nhiễm chống viêm nhiễm sau đẻ.
Điều trị 3 con khỏi 3 con, đạt tỷ lệ 100%.
*Bệnh ghẻ
- Đây là bệnh ký sinh trùng dưới da của lợn do loại ghẻ ngứa Sarcoptes suis gây nên, kèm theo viêm da mãn tính với triệu chứng ngứa, hình thành các nếp nhăn và vẩy dầy. Chúng đào hang dưới da, ăn tế bào biểu bì và dịch tế bào, ở nơi ghẻ đào hang có biểu hiện ngứa, da bị đỏ, thân nhiệt tăng. Thường thấy biểu hiện trên ở vùng da quanh mắt, má và tai, sau đó lây qua vùng lưng, bụng và các phần khác.
Nếu không điều trị kịp thời da sẽ dầy lên, mất đàn tính dễ vỡ và bị dồn thành nếp, lông rụng dần, dẫn đến da bị sừng hoá.
Đôi khi quan sát thấy bị ghẻ toàn thân, trong trường hợp này lợn giảm ăn, gầy, chậm lớn, có khi chết do nhiễm trùng.
-Tôi thấy có 4 con lợn nái ở các lứa tuổi khác nhau có biểu hiện trên và đã dùng ivermectin liều 1ml/15kg thể trọng, kết hợp với phun thuốc ghẻ thường xuyên cho toàn đàn lợn nái, thấy hiệu quả tương đối tốt.
Phát hiện và điều trị 4 con, khỏi 3 con. Tỷ lệ khỏi bệnh đạt 75%.
4.1.3.2. Điều trị bệnh ở lợn con theo mẹ và sau cai sữa
*Bệnh viêm rốn
- Nguyên nhân: Bệnh xảy ra do lợn con không được cắt rốn; cắt rốn không đảm bảo vệ sinh; do lợn mẹ dẫm lên làm tổn thương vùng rốn hoặc do chuồng trại chưa vệ sinh sạch sẽ.
- Triệu chứng: Lợn con bị viêm rốn kiểm tra thấy có dịch trắng bám ở rốn khi ấn tay vào rốn thấy có khối cộm cứng.
- Biện pháp phòng và xử lý : Khi cắt rốn cho lợn con sử dụng dao, kéo sắc, ngâm dụng cụ trong 1 lít nước có pha thuốc sát trùng 30 phút trước khi sử dụng.
Sau khi cắt rốn xong, bôi dung dịch cồn i ốt để sát trùng. Ngày hôm sau kiểm tra xem rốn có khô không, nếu không khô (giống như lúc mới cắt- rốn đang bị viêm) thì nhúng rốn vào dung dịch cồn i ốt để sát trùng lại.
Đối với lợn con từ 3-7 ngày tuổi, biện pháp xử lý là tiến hành kỹ thuật ngoại khoa để lấy dịch viêm ra. Dùng cồn i ốt sát trùng quanh vùng rốn, sử dụng 1 panh kẹp vào vị trí cuống rốn, 1 panh còn lại kẹp vào rốn để lấy dịch viêm ra ngoài, dùng dẻ lau sạch sẽ rốn rồi bôi cồn i ốt sát trùng. Sau đó tiêm bắp 1 liều kháng sinh amoxinject LA 1ml/con để đề phòng nhiễm trùng kế phát.
Điều trị 19 con khỏi 18 con, tỷ lệ khỏi 94,74%.
*Bệnh sa ruột (Hernia) trên lợn con
Hiện tượng sa ruột ở lợn con có hai dạng là sa ruột cuống rốn và sa ruột bẹn - Nguyên nhân: Có thể do di truyền hoặc do thực hiện không đúng quy trình cắt rốn (sa ruột cuống rốn), thiến (sa ruột bẹn). Khi cắt cuống rốn hoặc thiến, nếu không vệ sinh sát trùng kĩ, cắt quá rộng…dễ gây viêm nhiễm, tạo điều kiện cho sự sa ruột.
- Triệu chứng: Ruột bị sa xuống cuống rốn hoặc sa xuống lỗ bẹn.
- Điều trị: Thực hiện kỹ thuật ngoại khoa: mổ hernia, nhét ruột qua lỗ bẹn rồi
khâu lại, sau đó khâu thêm lớp da bên ngoài, bôi cồn i ốt sát trùng, rồi tiêm 1 liều amoxinject L.A (thành phần là amoxicillin) tiêm bắp, liều 1ml/con.
Phát hiện và điều trị 14 con khỏi 14 con, tỷ lệ khỏi 100%.
*Bệnh lợn con phân trắng do vi khuẩn E.coli
- Nguyên nhân: Do vi khuẩn E. coli gây ra, loại vi khuẩn này thường xuyên có trong đường ruột của lợn, nhưng chỉ gây bệnh khi gặp stress, thời tiết nóng lạnh đột ngột, cai sữa.
-Triệu chứng: Vật ăn kém, ỉa chảy phân lỏng, mùi phân thối khắm, có màu thức ăn, màu xám, phân dính bết ở khuỷu chân, xung quanh hậu môn bết vào đuôi, con vật mệt mỏi, đi lại chậm chạm có con đi siêu vẹo.
-Chẩn đoán: Dựa vào triệu chứng lâm sàng lợn đi ỉ phân trắng.
-Điều trị: CP Nor 100 1ml/10kg thể trọng.
Amoxinject LA 1ml/10kg thể trọng.
Hiệu lực 24 giờ, điều trị liên tục 3 - 5 liều.
Số con điều trị: 106 con, khỏi 92, tỷ lệ khỏi đạt 86,79%