Đề Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc

Một phần của tài liệu THƠ CA THỜI KỲ CHỐNG PHÁP (Trang 28 - 33)

III. MỘT SỐ DẠNG ĐỀ VIỆT BẮC

1. Đề Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau trong bài thơ Việt Bắc

Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không?

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.

- Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

Từ đó nhận xét về màu sắc dân tộc được thể hiện qua hình thức nghệ thuật đoạn thơ?

Gợi ý trả lời a. Mở bài:

Tố Hữu được coi là tiếng thơ trữ tình chính trị lớn nhất trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ Tố Hữu hấp dẫn người đọc bởi giọng điệu tâm tình, tha thiết và tính dân tộc đậm đà. “Việt Bắc” được xem là đỉnh cao của thơ Tố Hữu và là thành tựu xuất sắc của thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Khám phá bài thơ này, có những câu thơ đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc khó quên bởi màu sắc dân tộc đậm đà trong hình thức nghệ thuật :

“Mình về minh có nhớ ta ...

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

b. Thân bài

b1. Hoàn cảnh sáng tác, kết cấu, cách xưng hô ta – mình, vị trí đoạn thơ.

Năm 1954, đó là thời điểm giao thời của lịch sử, giao thời của lòng người: Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, Đảng và Chính Phủ rời Việt Bắc về Hà Nội.

Nhân những sự kiện mang tính thời sự ấy, Tố Hữu viết bài thơ “Việt Bắc”.

Để bộc lộ cảm xúc, Tố Hữu sáng tạo ra một kết cấu đặc biệt, đó là cuộc chia tay giữa hai nhân vật “mình” và “ta”. Sự kiện chính trị trọng đại ảnh hưởng tới đời sống toàn dân tộc được thể hiện dưới hình thức “tiễn dặn người yêu”

của một đôi trai gái, Tố Hữu đã riêng tư hóa được những vấn đề chung khiến yếu tố chính trị mờ đi nhường chỗ cho cảm xúc. Đây được xem là ma lực riêng của thơ Tố Hữu. Phù hợp với lối kết cấu ấy là cách xưng hô “ta mình”, là lời của lứa đôi, lời của vợ chồng khiến lời thơ ngọt ngào, chao liệng như lời ru. Đoạn thơ trên thuộc phần mở đầu, tái hiện khung cảnh chia tay giữa người đi và kẻ ở.

b 2. Cảm nhận đoạn thơ

Mở đầu cuộc chia tay ấy, lạ lùng thay lại là lời của người ở lại:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?”

Tại sao người ở lại lên tiếng trước? Bởi vì mối băn khoăn quan tâm hàng đầu của Tố Hữu là vấn đề lẽ sống cách mạng, đạo đức cách mạng

thường đặt ra trong những giai đoạn bước ngoặt của lịch sử. Bởi lẽ từ khổ sang sướng, người ta thường hay dễ quên. Chính trong bài thơ “Việt Bắc”, Tố Hữu cũng dự cảm về vấn đề này:

“Mình về thành thị xa xôi Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng

Phố đông còn nhớ bản làng

Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng”.

Mặt khác, người ở lại nhìn vào đâu cũng thấy kỉ niệm, chạm vào đâu cũng thấy kỉ niệm nên sẽ cất lời trước. Mở đầu cho khúc tâm tình của người ở lại là cách xưng hô “ta - mình”. Trong Tiếng Việt, “mình” được dùng ở ngôi thứ nhất, còn khi được sử dụng ở ngôi thứ hai, nó thể hiện sự gắn bó trong tình yêu lứa đôi, trong tình cảm vợ chồng. Ca dao xưa từng viết:

Mình về ta chẳng cho về Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”.

Như vậy, Tố Hữu sử dụng cách xưng hô “ta - mình” hàm ý cách mạng và nhân dân tuy hai mà là một, son sắt, thủy chung.

Bốn câu thơ tạo thành hai câu hỏi. Giọng cất lên đã là giọng của yêu thương, trìu mến, nhung nhớ, chia xa. Tất cả nhắc gọi về kỉ niệm giống như vô vàn những cuộc chia tay muôn thuở xưa nay. Có bao nhiêu điều cụ thể từng sẻ chia, gắn bó đã trôi qua, giờ đây còn lại cảm nhận chung nhất:

“Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng”.

Mười lăm năm tính từ thời kháng Nhật, từ thuở Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, Người chọn Việt Bắc làm căn cứ cách mạng, Việt Bắc từ ngày ấy đã trở thành quê hương của kháng chiến. Mười lăm năm là khoảng thời gian đủ dài để con người ta sống ân tình, ân nghĩa, chia ngọt sẻ bùi. Cái bổng trầm của điệu lục bát đọc lên tự nhiên mà thành thăng trầm sóng gió nổi chìm để từ đó có nghĩa tình thiết tha không phai nhạt. Câu thơ này mang dáng dấp của một câu thơ Kiều bởi vì Thúy Kiều và Kim Trọng cũng xa cách nhau mười lăm năm. Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết:

“Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình”

Mười lăm năm là một mối ân tình cách mạng, học tập câu thơ trong

“Truyện Kiều” khiến câu thơ của Tố Hữu ngọt ngào, tha thiết.

Người ở lại khơi dậy trong lòng người ra đi những kỉ niệm tràn ngập không gian:

“Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”.

Câu hỏi chất chứa tình cảm lưu luyến bao hàm cả một lời dặn dò kín đáo: đừng bao giờ quên Việt Bắc, vì Việt Bắc là cái nôi nuôi dưỡng cách mạng, trong cuộc kháng chiến ấy “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Cách dùng hình ảnh núi , cây , sông , nguồn gợi nhớ trở nên sâu thẳm, da diết hơn. Các cặp hình ảnh vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang nghĩa tượng trưng gợi tả không gian núi rừng Việt Bắc với những nét riêng đặc thù.

Ngoài ra, nó còn gợi lên tình cảm chung thủy trong mối quan hệ cội nguồn.

Cán bộ từ dân mà ra, dựa vào dân mà sống. Nhân dân là hậu phương vững chắc của cách mạng. Nhớ về nhân dân như nhớ về cội nguồn. Qua đây ta thấy được nét đẹp trong đời sống tinh thần của một dân tộc luôn nhắc nhở nhau: uống nước nhớ nguồn.

Với kẻ ở thương nhớ cất lên thành lời nhưng với người đi, tình thương nhớ đó lại là sự im lặng, một sự im lặng chất chứa bao nỗi niềm bởi vì im lặng cũng là một cách tri ân sâu sắc. Câu hỏi của trái tim đã nhận được sự đồng vọng của trái tim:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi”

“Áo chàm đưa buổi phân ly Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

“Tiếng ai” vừa là tiếng lòng của người ở lại nhưng cũng là tiếng vọng từ tâm tưởng, trong cảm nhận của người ra đi. Người ở lại nói “thiết tha” thì người ra đi nghe “tha thiết”. Ở đây có sự hô ứng ngôn từ, sự đồng vọng ngôn từ. Người đi cảm nhận nỗi niềm của người ở lại bởi giữa họ là sự tri âm tri kỉ. Những từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn”, “tha thiết” không chỉ tạo nên nhạc điệu câu thơ mà còn cho thấy những xao động trong tâm tư của người ra đi. “Bâng khuâng” là từ láy gợi ra những trạng tái cảm xúc mơ hồ khó tả bởi sự đan xen buồn vui, luyến tiếc, nhớ nhung, con người như quên đi thực tại để đằm chìm trong kí ức. “Bồn chồn” là tâm trạng thấp thỏm, nôn nao khiến lòng người không yên. Bồn chồn không chỉ dừng lại ở nỗi niềm tâm tưởng mà còn thể hiện ra cả ánh mắt, dáng vẻ, hành động... Những bước chân đi bồn chồn, những nỗi lòng bâng khuâng xao xuyến cho thấy người đi vẫn đang hướng về người ở lại, chẳng nỡ rời ra. Các từ láy đứng cạnh nhau giống như những vòng sóng cảm xúc lan tỏa trong tâm hồn con người.

Đọng lại trong tâm trí người về xuôi là hình ảnh “áo chàm”:

“Áo chàm đưa buổi phân ly”

Hình ảnh chiếc áo rất quen thuộc trong thơ ca truyền thống. Trong

“Truyện Kiều”, Nguyễn Du từng viết:

“Người lên ngựa, kẻ chia bào”.

Và bây giờ, trong cuộc chia tay mang tầm vóc lịch sử này, Tố Hữu đặt vào đây hình ảnh “áo chàm” đầy ý nghĩa. “Áo chàm” là trang phục đặc trưng của đồng bào Việt Bắc. Màu chàm là màu sắc bình dị, đơn sơ nhưng bền chặt, khó phai như tấm lòng người Việt Bắc vừa chân thành, mộc mạc, vừa son sắc, thủy chung.

Nhưng có lẽ, tình cảm của người ra đi ấn tượng nhất được biểu đạt qua câu thơ:

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Nhịp câu thơ lục bát đang trôi trong nhịp chẵn (2/2) bỗng chuyển sang nhịp lẻ (3/3/2). Nhịp thơ thay đổi diễn tả thần tình một thoáng ngập ngừng của bước chân, một chút bối rối của ánh mắt, tình cảm thật khó mà nói hết được, thật khó mà giãi bày được. Tất cả dồn tụ trong hình ảnh đôi bàn tay.

Đây là hình ảnh đôi bàn tay trong thơ Chính Hữu:

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”

Đây là hình ảnh bày tay trong thơ Lê Anh Xuân:

Ta run run nắm lấy bàn tay

Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng”.

Và ở đây, hình ảnh bàn tay trong thơ Tố Hữu, bàn tay của những con người vừa làm nên chiến thắng. Vì thế, cuộc chia tay giữa người dân Việt Bắc ở lại và người cán bộ kháng chiến về xuôi cũng có bịn rịn, nhớ thương nhưng không buồn thương, đẫm lệ mà lấp lánh một niềm tin, một niềm vui.

Có biết bao nhiêu áng thơ ca trở thành kiệt tác khi viết về đề tài chia ly, những câu thơ trong “Việt Bắc” dù chưa xếp vào hàng kiệt tác nhưng vẫn được người đọc ghi nhớ về sự chân thành, cảm xúc bởi giọng điệu thơ mang phong vị dân gian, bởi Tố Hữu đã nói đến những vấn đề của đời sống cách mạng bằng cách nói ca dao trao duyên.

b.3: Nhận xét

Tố Hữu là nhà thơ dân tộc trong cái ý nghĩa đầy đủ và tự hào của khái niệm này. Kế tục truyền thống thơ ca dân tộc, nhất là thơ ca dân gian và thơ cổ điển, thơ Tố Hữu nói chung và bài thơ Việt Bắc nói riêng đậm đà tính dân tộc trong cả nội dung và hình thức biểu hiện.Tính dân tộc của thơ Tố Hữu được thể hiện xuyên thấm trong Việt Bắc: Về nội dung (phản ánh và thể hiện được đời sống tinh thần, đời sống tâm hồn, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân tộc). Hình thức (có ngôn ngữ nghệ thuật, thể thơ và nhạc điệu mang đậm màu sắc dân tộc góp phần vào sự phát triển ngôn ngữ Tiếng Việt). Tuy nhiên đề chỉ yêu cầu làm sáng tỏ tính dân tộc trong hình thức. Cụ thể:

- Thể thơ: Tố Hữu đã sử dụng thể thơ truyền thống của dân tộc: lục bát. Thi sĩ đã sử dụng rất nhuần nhuyễn thể thơ này và có những biến hóa ,sáng tạo cho phù hợp với nội dung, tình ý câu thơ.

- Kết cấu: Kết cấu theo lối đối đáp giao duyên của nam nữ trong ca dao dân ca là kết cấu mang đậm tính dân tộc,và nhờ hình thức kết cấu này mà bài thơ có thể đi suốt 150 câu lục bát không bị nhàm chán.

- Hình ảnh: Tố Hữu có tài sử dụng hình ảnh dân tộc một cách tự nhiên và sáng tạo trong bài thơ: Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn; mưa nguồn suối lũ;

- Ngôn ngữ và các biệp pháp tu từ: Tính dân tộc được thể hiện rõ nhất trong cặp đại từ nhân xưng'' ta - mình, mình - ta'' quấn quýt với nhau và đại từ phiếm chỉ ''ai'' (dẫn chứng). Đây là một sáng tạo độc đáo và cũng là một thành công trong ngôn ngữ thơ ca của Tố Hữu. Các biện pháp tu tù quen thuộc: sử dụng từ láy, điệp từ, so sánh, nhân hoá...

- Nhạc điệu: Trong bài thơ là nhạc điệu dân tộc từ thể thơ lục bát: nhịp nhàng tha thiết, ngọt ngào, sâu lắng nhưng biến hóa, sáng tạo, không đơn điệu

Một phần của tài liệu THƠ CA THỜI KỲ CHỐNG PHÁP (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(49 trang)
w