Con người mang giá trị đạo đức truyền thống dân tộc

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) một số nguyên lý và kỹ thuật để giải các bài toán tổ hợp (Trang 42 - 46)

2.2. Con người văn hóa trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng thời kì Đổi mới

2.2.1. Con người mang giá trị đạo đức truyền thống dân tộc

Ma Văn Kháng khác với nhiều nhà văn. Ông thường xuyên đề cập đến những vấn đề tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng lại là mối quan tâm của toàn xã hội, lay động đến từng cá nhân, từng gia đình.

Là một nhà văn trân trọng những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Ma Văn Kháng luôn trăn trở: đạo đức truyền thống có thể bền vững được hay không giữa thời buổi cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới đang diễn ra hết sức phức tạp, rối ren. Điều này được thể hiện khá rõ nét trong ba cuốn tiểu thuyết "Côi cút giữa cảnh đời", "Mùa lá rụng trong vườn", "Đám cưới không có giấy giá thú".

Đây là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Ma Văn Kháng đã để cho mọi hoạt động đời thường, cả cái tốt lẫn cái xấu tác động đến từng con người để từ đó phát hiện ra những con người cao đẹp, những con người dù cuộc sống xô đẩy đến đâu vẫn luôn giữ cho mình những đạo đức tốt đẹp.

Hai vợ chồng Luận - Phượng và chị Hoài trong "Mùa lá rụng trong vườn" là những nhân vật tiêu biểu có vai trò tích cực trong cuộc đấu tranh giữ gìn hạnh phúc gia đình, gìn giữ những đạo nghĩa truyền thống tiến bộ, tốt đẹp trong gia đình.

Hoài trước đây là con dâu cả của ông Bằng. Sau khi chồng hi sinh một thời gian, chị đã đi bước nữa. Mặc dù hiện tại, chị đã có một gia đình hạnh phúc với một người chồng hiền lành và những đứa con ngoan ngoãn nhưng chị vẫn không quên đạo làm dâu, vẫn không quên trách nhiệm của bản thân với gia đình nhà người chồng trước. Chị xuất hiện bất ngờ vào chiều ba mươi tết trong sự ngỡ ngàng, niềm vui mừng khôn xiết của tất cả mọi thành viên trong gia đình ông Bằng. Trong gia đình, chị Hoài xuất hiện không nhiều nhưng đối với ông Bằng, với các em, chị vẫn luôn gần gũi, nhiều khi còn như một giải pháp tinh thần, một hậu phương vững chắc mỗi khi gặp chuyện khó khăn. Chị cũng là người đã giải quyết khéo léo chỗ ăn ở và cả việc làm cho vợ con Cừ để tránh những xáo động, những biến cố đang âm ỉ trong gia đình ông Bằng. Khi viết về nhân vật này, nhà văn luôn dùng một thái độ trân trọng hết mực, những câu văn giàu cảm xúc, làm cho cái tình nghĩa gia đình thấm dần vào tâm chí người đọc.

Cùng với Hoài, Luận và Phượng cũng là hai con người năng nổ nhất trong việc giữ gìn sự bền vững của gia đình. Trước khi là một nhà báo, Luận đã từng là bộđội, anh đã đi biền biệt gần chục năm; đồng nghĩa với gần chục năm Phượng phải sống xa chồng. Thời gian xa chồng, Phượng công tác tại một trường ở Hoàng Liên Sơn xa xôi, nay chị mới chuyển về Hà Nội sống cùng chồng. Ở đôi vợ chồng này luôn tràn ngập một niềm hạnh phúc lớn lao bởi tình yêu họ dành cho nhau là vô bờ bến. Họ biết cảm thông cho nhau, chia sẻ cho nhau mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống và tin tưởng nhau hết mực. Họ cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để từng bước xây dựng tổ ấm của mình, cùng nhau mở lòng mình đùm bọc người khác khi họ gặp khó khăn, không nơi nương tựa; cùng buồn, cùng trăn trở, tìm hướng giải quyết cho những bất ổn trong gia đình. Luận là một người có tri thức, điều này đã được kiểm nghiệm qua quãng thời gian đi bộ đội và làm báo của anh, đó cũng là lý do mà những lập luận về đạo lý của anh luôn mang tính thực tế chứ không cổ hủ. Phượng lại khác chồng ở chỗ: cô không cảm hóa con người bằng lý trí mà thiên về tình cảm và những hành động thiết thực của mình. Có thể nói, Phượng mang vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam: đôn hậu, dịu dàng, trong sáng, giàu sự cảm thông.

Nếu như "Mùa lá rụng trong vườn" nghiêng về đạo đức truyền thống gia đình thì "Đám cưới không có giấy giá thú" lại nghiêng về đạo đức truyền thống thầy - trò.

Theo như nhà phê bình Xuân Cang thì "cuốn sách này viết về ngành giáo dục nhưng không phải chỉ đề cập đến những vấn đề của giáo dục mà là những vấn đề nhức nhối của xã hội". Phan CựĐệ cũng cho rằng "Trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, nhà văn Ma Văn Kháng đã phản ánh được cái bi kịch của nhà giáo". Đó là bi kịch của những nhà giáo có nhân cách, có hoài bão, say mê nghề nghiệp, muốn chiếm lĩnh đỉnh cao khoa học, muốn khơi dậy lòng yêu văn học nơi học trò nhưng lại bị kìm hãm trong một môi trường ô nhiễm, bị băng hoại về đạo đức. Mặc dù phải làm việc trong một môi trường không mấy lành mạnh: lãnh đạo thì giáo điều, máy móc, chạy theo thành tích; đồng nghiệp thì ghen ghét, moi móc, nói xấu nhau; học sinh thì cậy quyền, cậy tiền của cha mẹ để coi khinh thầy, có thể nói là thầy không ra thầy - trò không ra trò... Tự - một thầy giáo dạy văn vẫn luôn tìm mọi biện pháp để làm tròn thiên chức của mình, mỗi giờ lên lớp đều được anh chuẩn bị rất kĩ, nhiều tiết do say

mê giảng dạy, giải thích cho học sinh quá mà anh đã dạy quá giờ. Học sinh nhiều đứa nghịch, có ý chơi xấu thầy đã tạo những tình huống bắt thầy phải giải quyết. Mỗi lần như vậy Tự đều không mắng chửi, anh đã dùng chính những tình huống đó để dẫn vào bài rồi giải đáp cặn kẽ cho chúng. Kết quả đã không phụ lòng anh, đến kì thi cuối cấp lớp 12, trong khi những môn khác kết quả không được tốt, thậm chí là kém như môn Toán và Hóa thì môn Văn của anh học sinh đều làm khá tốt, không có bài nào không đạt yêu cầu, còn có cả những bài đạt xuất sắc nữa. Sự tận tâm, tâm huyết với nghề, sẵn sàng hi sinh bản thân để bảo vệ quyền lợi, tương lai cho học trò mặc dù đã khiến cho Tự khốn đốn trong suốt một thời gian dài, lí lịch của anh đã bị gạch một vệt đen nhưng cái được của anh cũng không nhỏ: anh đã được học sinh tin yêu, kính trọng, nhớ ơn. Những lá thư của lứa học trò đầu tiên gửi cho anh chính là một minh chứng rõ nét, nó làm cho tâm hồn anh thoải mái hơn, tin vào con đường mà mình đã chọn hơn.

"Côi cút giữa cảnh đời" cũng đề cập đến con người với những giá trị đạo đức truyền thống. Đó là vấn đề tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đây vốn là một truyền thống đạo đức tốt đẹp đã có từ ngàn đời xưa của cha ông ta. Trong thời buổi hỗn mang, dưới sự chi phối của đồng tiền, không ít người xa dần những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, ngày càng trở lên lạnh lùng, thờ ơ với nỗi đau, niềm bất hạnh của những người xung quanh như lão Luông, Hứng, chị em cái Vàng Anh, Vành Khuyên.... Nhưng cũng không ít người giàu lòng nhân hậu, giàu sự cảm thông, coi nỗi đau của người khác cũng như nỗi đau của chính mình. Điển hình là cô Quyên - hàng xóm bên cạnh nhà Duy. Hoàn cảnh cuộc sống của gia đình cô Quyên cũng không khá hơn so với nhà bà Duy: chồng đi bộ đội bị thương nặng, đang từng ngày từng giờ mong mẹ con cô vào, ở nhà cô cũng không lúc nào không nguôi nhớ và lo lắng cho chồng... nhưng cô lại không đành để lại mấy bà cháu Duy mà ra đi, cô chạy đôn chạy đáo để lo cho những con người khốn khổ đó một cách tự nguyện như những người thân ruột thịt của mình. Cô xin cho Duy sang lớp của cô giáo khác, chạy đi nhờ vả để lo chữa cho cái Thảm khỏi bệnh... Bên cạnh cô Quyên còn có các cụ trong tổ hưu, các cụ luôn động viên và giúp đỡ ba bà cháu Duy khi có thể.

Có thể nói, qua các tác phẩm của mình, Ma Văn Kháng muốn đề cao, khẳng định: trong xã hội hiện đại, dù bề bộn những mối quan hệ phức tạp, dù vẫn còn không ít những điều trăn trở nhưng những giá trị đạo đức truyền thống của con người Việt Nam như lòng kính yêu cha mẹ, tình anh em, tinh thần trách nhiệm, lòng tương thân tương ái... luôn luôn là điểm tựa vững chắc, cần thiết làm nên nhân cách con người, làm nên một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Cũng đề cao đạo đức truyền thống và thái độ của con người trước những biến động của cuộc sống mới nhưng giữa Ma Văn Kháng và Nguyễn Khải có sự quan tâm khác nhau. Nếu Ma Văn Kháng quan tâm tới nhiều phương diện trong truyền thống văn hóa dân tộc, thì Nguyễn Khải trong một người Hà Nội lại quan tâm đến cốt lõi bản chất nhất của mảnh đất kinh kỳ. Nhân vật cô Hiền sau mấy chục năm dưới con mắt của nhân vật tôi "Cô đã yếu nhiều, đã già hẳn, ngoài bảy mươi rồi còn gì, nhưng cô vẫn là người của hôm nay, một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn" [5, tr.96] Cô có ý thức răn dạy, sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát đũa, cách nói chuyện trong bữa ăn cho các con ngay từ khi còn nhỏ bởi theo cô

"Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng" [5, tr.93] Cô khuyến khích, đề cao khả năng tự lập, tự quyết định con đường đi của các con. Xung quanh cô có không ít người đã bị những biến động xã hội làm cho thay đổi, biến chất, không còn giữ được những nét đẹp trong đạo đức truyền thống. Trước những con người ấy, cô không bình luận, không nhận xét, không đánh giá mà chỉ trầm tư suy nghĩ và rồi từ sự hồi sinh thần kì của cây si cổ thụ, cô nhận ra quy luật tất yếu của cuộc sống, của thiên nhiên đất trời và của cả xã hội con người: "Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thểlường trước được". Suy nghĩ của nhân vật tôi khi kết thúc tác phẩm đã một lần nữa nhấn mạnh, làm nổi bật những nét đẹp trong nhân cách, đạo đức của cô Hiền đồng thời cũng bộc lộ sự trân trọng, thành kính của thế hệ sau so với những con người thuộc thế hệ trước:

"Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng!" [5, tr.98].

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) một số nguyên lý và kỹ thuật để giải các bài toán tổ hợp (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)