2.3. Đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam trong tiểu thuyết Ma Văn kháng thời kì Đổi mới
2.3.1. Những nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội Việt Nam
Việt Nam là đất nước có một nền văn hóa phong phú và đa dạng trên tất cả các khía cạnh. Cộng đồng 54 dân tộc anh em Việt Nam luôn có cho mình những phong tục tốt đẹp từ lâu đời, có những lễ hội nhiều ý nghĩa sinh hoạt cộng đồng, những niềm tin bền vững trong tín ngưỡng...
Với thái độ trân trọng, mong muốn bảo tồn, duy trì những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, Ma Văn Kháng đã tái hiện những truyền thống ấy vào trong các sáng tác của mình. Chính điều này đã trở thành một nét mang tính đặc trưng, làm nên nhiều giá trị cho sáng tác của nhà văn.
Đối với người Việt Nam, tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên của năm, nó mở đầu một năm mới với biết bao niềm vui và hi vọng. Trong đời sống tinh thần của người Việt, tết có một ý nghĩa thiêng liêng. Bởi suốt cả một năm dài mọi người đã phải vất vả để kiếm sống; có những người vì cuộc sống mưu sinh, họ đã phải rời xa gia đình để đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Tết chính là cơ hội, là dịp để họ có thể gác lại mọi
chuyện, gác lại những lo toan trong cuộc sống để trở về đoàn tụ với gia đình. Đó là lí do mà tết Nguyên Đán còn được gọi là tết Đoàn Viên.
Một phong tục tập quán không thể thiếu trong dịp lễ tết chính là tục thờ cúng ông bà, tổ tiên. Dù cuộc sống có nghèo khó, thiếu thốn đến đâu thì mọi gia đình cũng đều cố gắng sắm sửa một vài mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên. Phong tục này có ý nghĩa rất lớn trong việc tác động sâu sắc vào tâm thức của mỗi người dân Việt, nhắc nhở mọi người nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của những thế hệ trước.
Việc sắm sửa đồ đạc chuẩn bị tết của gia đình ông Bằng (Mùa lá rụng trong vườn) đã thể hiện truyền thống tốt đẹp đó. Ngày tết Lý đi chợ về với hai cái làn đầy ắp đồ. Nhà văn miêu tả: "Trên mặt bàn, dưới nền đá hoa là bức tranh tĩnh vật ngổn ngang, màu mỡ, đầy phong vị tết nhất. Trên bàn, dưới đất là cuộc trưng bầy, là vật chất hóa tính lo toan tỉ mẩn, tài tháo vát, chu đáo và sự khéo khôn, thành thạo của Lý. Miếng thịt lợn ba chỉ, khổ mỡ dày nửa gang tay, chềnh ênh, trắng ngộn. Cà chua đỏ hồng. Cà rốt đỏ gạch. Miếng bóng vàng ngậy. Bó hành xanh bóng. Hoa súp lơ trắng ngà... Tất cả là thịt, là rau, là miếng sống, miếng chín vẫn ăn cả thôi mà sao vẫn hiển nhiên vẻ đặc sắc khác thường." [24, tr.16-17] Chợ ngày tết bao giờ cũng vậy, càng về những ngày cuối năm giá cả mọi mặt hàng đều tăng giá liên tục, nhất là hai ngày hai chín, ba mươi tết. Giá cả leo chóng mặt dưới sự ngỡ ngàng của những người đi chợ, kể cả với Lý - một người phụ nữ chịu chơi, chịu sắm. Đến chiều ba mươi tết, những người con dâu trong gia đình nhà ông Bằng cùng nhau làm mâm cơm thắp hương tổ tiên, còn những người đàn ông trong gia đình quây quần, nói chuyện với nhau bên ấm trà. Đặc biệt, không khí trong gia đình nhà ông Bằng trở lên ấp áp hơn, vui vẻ, phấn khởi hơn nhờ sự xuất hiện của người con dâu cả - chị Hoài. Mặc dù đã đi lấy chồng khác, đã có một gia đình riêng và dù ở cách xa nhưng chị vẫn lặn lội về ăn tết với gia đình ông Bằng. Sự xuất hiện bất ngờ, đột ngột của chị như tạo ra một nguồn sinh khí mới cho gia đình này. Đây cũng là một truyền thống đẹp có từ lâu đời của người Việt Nam.
Theo đúng phong tục của người Việt, trên bàn thờ nhà ông Bằng đã được bầy mâm ngũ quả, xung quanh có treo mấy bức câu đối, cạnh chiếc bàn uống nước có một cây quất to, đẹp và cuối cùng mâm cơm cúng chiều ba mười mới thịnh soạn làm
sao: "Tràn trề trên mặt bàn, chạm cả vào cành quất Lý cốtình để sát vào mâm cỗ cho bữa ăn thêm đẹp, thêm sang là la liệt bát đĩa ngồn ngộn các món ăn. Ngoài các món thường thấy ở cỗ Tết như gà luộc, giò, chả, nem, măng hầm chân giò, miến nấu lòng gà, súp lơ xào thịt bò... món nào cũng mang dấu ấn tài hoa của người chế biến - là các món khác thường như gà quay ướp húng lìu, vịt tần hạt sen, chả thìa, mọc, vây..."
[24, tr.80] Đặc sản nhất là món vịt tần, vây và mọc. Ông Bằng là người lớn tuổi nhất, là người chủ của ngôi nhà do vậy ông chính là người làm lễ, cầu khấn với tổ tiên. Còn những người khác cũng lần lượt đứng yên đằng sau ông với dáng vẻ thành kính. Sau đó cả gia đình ngồi vào mâm cơm với một vẻ hân hoan khác thường.
Với người Việt, ba ngày đầu tiên của Tết Nguyên Đán là những ngày quan trọng nhất, một trong những việc làm của các gia đình Việt Nam là chúc tết. Ngay trong bữa cơm tất niên của gia đình ông Bằng, mọi thành viên trong nhà cũng cùng nhau nâng ly rượu và lần lượt chúc tụng nhau. Đầu tiên là ông Bằng - với tư cách là người chủ gia đình, sau khi góp ý với Lý về việc chị mua cây quất hơi quá đà thì ông đã rưng rưng xúc động bày tỏ niềm cảm xúc hân hoan của mình, cuối cùng ông chúc tết toàn thể các con trong nhà. Ngay sau lời chúc của ông, từng thành viên cũng lần lượt chúc nhau những gì tốt đẹp nhất. Không chỉ chúc tết trong nhà mà bước sang ngày mùng 1 trở đi, mọi người lại cùng nhau đến chúc tết những người họ hàng rồi cả những người hàng xóm, những người đồng nghiệp. Ngoài việc chúc tết thì việc đi xem các lễ hội, đi chùa đầu năm cũng là một nét văn hóa của nước ta.
Ma Văn Kháng đã rất tài tình, linh hoạt trong việc đưa những cảnh sinh hoạt văn hóa vào trong các trang văn của mình, điều này làm cho các tác phẩm của ông rất đậm "tính Việt Nam". Và mặc dù hầu như các sáng tác của Ma Văn Kháng đều có xuất hiện những cảnh sinh hoạt văn hóa nhưng không bao giờ người đọc cảm thấy nhàm chán bởi nhà văn không lặp lại, mỗi tác phẩm là một cảnh, một màu sắc riêng, không đụng chạm nhau.
Nếu như "Mùa lá rụng trong vườn" là cảnh sinh hoạt ngày tết đầm ấm, sum họp thì "Côi cút giữa cảnh đời" nhà văn lại vẽ ra một cảnh sinh hoạt văn hóa trang nghiêm, tĩnh lặng nơi nghĩa trang Yên Kỳ. Người Việt Nam khá coi trọng đời sống tâm linh, dân gian ta có câu "trần sao âm vậy" do vậy sau khi một người trong gia
đình không may qua đời, những người còn lại trong gia đình phải có trách nhiệm chăm sóc, sửa sang... phần mộ của người đã khuất. Việc làm đó gắn liền với đạo đức và bổn phận của con người Việt Nam.
"Ngồi xuống, bà tôi lấy từ cái làn xách theo ra đồ Cúng và bày lên trước mộ. Một miếng thịt ba chỉ luộc đặt trên cái đĩa sứ. Một đĩa cơm trắng. Cút rượu, quả cau, lá trầu. Gói hoa, sấp tiền giấy. Tôi che cái mũ chắn gió để bà đánh diêm châm hương. Hương cháy, bà san ra làm đôi, một nửa bà cắm xuống mộ ông, một nửa bà đưa tôi bảo tôi đi cắm ở các mộ xung quanh." [25, tr.80]
Người Việt ta quan niệm: chết không phải là hết mà người ấy vẫn luôn tồn tại ở dạng linh hồn, người trần mắt thịt không thể nhìn thấy họ nhưng họ có thể nhìn thấy chúng ta, đi theo chúng ta, phù hộ đội trì, bảo vệ, giúp đỡ con cháu mỗi khi con cháu gặp khó khăn. Đó là lý do mà vào những ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng người Việt thường hay thắp hương để khấn vái, để xin những người đã khuất phù hộ. Nét văn hóa này được thể hiện nổi bật qua nhân vật người bà trong "Côi cút giữa cảnh đời". Có thể nói đây là nhân vật chịu nhiều bất hạnh, khổ cực; nhiều bi kịch nhất trong ba tiểu thuyết mà chúng tôi tiến hành khảo sát. Tuổi cao, sức yếu những vẫn phải một mình bươm trải, vật lộn với cuộc sống để nuôi dạy hai đứa cháu bất hạnh.
Thậm chí có những khi tưởng chừng như bà đã gục ngã trước sự bạc bẽo, nham hiểm của đời, những lúc ấy bà lại tìm cách để tự động viên mình, rồi lại cố gắng đứng dậy bởi lúc này bà không thể gục ngã, bà gục ngã thì hai đứa cháu tội nghiệp kia biết phải làm sao? Vào những lúc gặp cơn bí cực, lao lung bà vẫn cầu viện và trò chuyện với người chồng đã mất. Dù không biết sự cầu viện ấy có giúp bà thoát khỏi những tình huống khó khăn, những bi kịch ấy không nhưng có lẽ đó là cách duy nhất để trấn an tâm lý, để từ đó dần dần tọa lập lại niềm tin và nghị lực trong bà.