Thương mại quốc tế được hình thành dựa trên hai hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu.
Và cũng như thương mại thông thường, nó cũng chịu ảnh hưởng của quy luật cung – cầu. Bên cạnh đó, do là hoạt động thương mại xuyên quốc gia, nên thương mại quốc tế còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trung gian liên quan đến khoảng cách địa lý, khoảng cách kinh tế giữa hai quốc gia, tỷ giá hối đoái, các hiệp định thương mại và các rào cản thuế quan, cũng như các chính sách khuyến khích xuất – hạn chế nhập khẩu.
Trong đó, các nhân tố chính thường được nhắc đến liên quan đến mối quan hệ cung và cầu trong mô hình thương mại quốc tế là quy mô nền kinh tế (được đo bằng thu nhập bình quân đầu người GDP), dân số, lạm phát, lãi suất, tỷ giá hối đoái, cơ sở hạ tầng. Mối quan hệ giữa một số các nhân tố đến xuất khẩu được nhà kinh tế Jan Tinbergen lượng hóa lần đầu tiên vào năm 1962 dựa trên lý thuyết của định luật vạn vật hấp dẫn của Newton với nội dung: lực hấp dẫn giữa hai vật thể có tỷ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng, với dạng cơ bản:
FAB = G * ∗
Với FAB là trao đổi thương mại song phương G là hệ số hấp dẫn
MA và MB là quy mô 2 nền kinh tế (thu nhập bình quân) DAB là khoảng cách hai quốc gia
Nhiều nhà kinh tế học sau này khi nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố có sự tương quan giữa hai quốc gia xuất - nhập khẩu cũng đưa mô hình này vào phân tích kinh tế lượng với dạng mở rộng và tìm thấy mối quan hệ của nhiều biến số khác đối với KNXK như: các hiệp định thương mại (Thorvaldur Gylfason, 1997), lạm phát, tỷ giá (Mohammad Mafizur Rahman, 2010), dân số giữa hai quốc gia (Ngô Thị Mỹ, 2016) … Cũng như những hàng hóa khác, ngoài những nhân tố thuộc về chất lượng sản phẩm hay thuộc về đặc điểm nội tại của ngành, xuất khẩu gạo cũng chịu tác động của những yếu tố vĩ mô như trên. Các nhân tố điển hình đó có thể được phân tích như sau.
Thu nhập bình quân của nước xuất khẩu (GDP - XK). Theo lý thuyết kinh tế, thu nhập tăng kéo theo sự phát triển của năng lực sản xuất trong nước. Điều này dẫn đến lượng cung trong nước tăng lên, sản phẩm dư thừa cho nhu cầu nội địa và nguồn cung để xuất khẩu sẽ trở nên dồi dào hơn. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, thu nhập tăng cũng làm tăng nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ, dẫn đến cầu tăng, nhưng đối với mặt hàng thiết yếu như gạo, việc tăng thu nhập có thể ít ảnh hưởng đến lượng cầu nội địa hơn. Vì vậy, trong điều kiện mà cung nội địa dồi dào và cầu dường như ít thay đổi thì hàng hóa sẽ có xu hướng chuyển dịch ra các thị trường nước ngoài nhiều hơn. Các nghiên cứu của Thorvaldur Gylfason (1997), Ngô Thị Mỹ (2016) cũng đưa ra kết quả cùng chiều cho hai biến số này. Như vậy, đối với từng quốc gia, và mặt hàng cụ thể (hàng thiết yếu, hàng xa xỉ…) sự ảnh hưởng của GDP đến kim ngạch xuất khẩu có thể khác nhau. Nhưng nhìn chung, trong cả lý thuyết và thực tiễn, mối quan hệ này luôn được xem là đồng biến với nhau.
Thu nhập bình quân của nước nhập khẩu (GDP - NK). Như đề cập ở trên, thu nhập phản ánh năng lực sản xuất nội tại của một quốc gia. Vì vậy khi GDP của nước nhập khẩu tăng, hàng hóa từ nước ngoài sẽ khó có cơ hội cạnh tranh hơn với hàng trong nước. Nếu chỉ phân tích đến đây, ta có thể sẽ nghĩ rằng hai nhân tố này chuyển động ngược chiều nhau, nhưng thực tế cho thấy mối quan hệ này rất phức tạp. Trong bài nghiên cứu của mình, Ngô Thị Mỹ (2016) đã phân tích ở khía cạnh ngược lại như sau: khi thu nhập tăng, nhu cầu cho mặt hàng thứ cấp sẽ giảm, một số hàng xa xỉ sẽ tăng, do người dân sẽ có xu hướng dùng những sản phẩm chất lượng để nâng cao đời sống hơn. Và việc xác định hàng hóa thứ cấp, hàng hóa thiết yếu hay hàng hóa xa xỉ lại còn tùy thuộc vào vị thế của quốc gia đứng ở vai trò là bên xuất khẩu hay nhập khẩu. Điều này có khả năng làm đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng xa xỉ vào các quốc gia không sản xuất các mặt hàng này. Các nghiên cứu của Winrose Chepng’eno (2017) và Ying Qian và Panos Varangis (1994) cũng đưa ra kết quả cho thấy tồn tại mối quan hệ cùng chiều giữa hai biến số GDP-NK và xuất khẩu. Trong phạm vi của luận văn, lúa gạo là mặt hàng thiết yếu – khi GDP tăng, nước nhập khẩu sẽ tập trung sản xuất và nâng cao chất lượng sản
phẩm để giảm nhu cầu nhập khẩu (Ngô Thị Mỹ, 2016). Như vậy, GDP –NK sẽ tác động ngược chiều đến xuất khẩu gạo.
Dân số của nước xuất khẩu. Dân số liên quan đến nguồn nhân lực, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất của quốc gia. Vì vậy, dân số tăng sẽ tạo nên lợi thế của nguồn lao động về mặt số lượng, tạo động lực để gia tăng xuất khẩu. Nhưng trong thời kỳ công nghệ khoa học ngày càng phát triển, số lượng lao động tăng là không đủ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy khi xem xét nhân tố này, ngoài yếu tố số lượng, cần phải đánh giá cả chất lượng nguồn nhân lực, cũng như mức độ già hóa dân số. Mặt khác, dân số nước xuất khẩu còn đại diện cho quy mô thị trường (cầu nội địa).
Vì vậy, dân số tăng có thể dẫn đến lượng hàng hóa dùng cho xuất khẩu giảm, do tập trung phục vụ cho nhu cầu trong nước nhiều hơn. Trong trường hợp này, biến dân số sẽ có tác động ngược chiều với xuất khẩu. Như vậy, dân số của nước xuất khẩu có thể tác động cùng chiều hoặc ngược chiều với KNXK (Ngô Thị Mỹ, 2016).
Dân số của nước nhập khẩu. dân số của nước nhập khẩu cũng được xem xét dưới hai góc độ: nguồn lao động và cầu về hàng. Cụ thể, (i) dân số tăng kéo theo lượng cầu tăng khiến cho nhu cầu về hàng nhập khẩu tức là KNXK của đối tác tăng; (ii) Mặt khác, dân số tăng cũng giúp mở rộng quy mô lao động trong nước làm tăng khả năng sản xuất dẫn tới tăng kết quả sản xuất. Khi đó, sản xuất trong nước cũng đã phần nào đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng dẫn đến KNNK hàng hóa giảm (cũng tức là KNXK của quốc gia đối tác giảm) (Ngô Thị Mỹ, 2016).
Tỷ giá hối đoái.
Tỷ giá hối đoái là một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và có tác động mạnh mẽ lên xuất khẩu. Đây cũng là lý do rất nhiều nhà kinh tế đã nghiên cứu về mối quan hệ này để đưa ra những giải pháp thích hợp cho từng mặt hàng, môi trường kinh tế và bối cảnh xã hội cụ thể.
Dựa trên các lý thuyết kinh tế, Ngô Thị Mỹ (2016) đã tiếp cận mối quan hệ giữa tỷ giá hối đoái và xuất khẩu theo hai khía cạnh:
- Về lượng: Khi đồng nội tệ của một quốc gia giảm giá so với các đồng tiền khác, giá cả của hàng hóa xuất khẩu tính theo ngoại tệ sẽ giảm, khi đó cầu
quốc tế của hàng hóa từ quốc gia này sẽ tăng, làm cho sản lượng xuất khẩu tăng. Ngược lại, nếu đồng nội tệ tăng giá so với ngoại tệ thì sẽ khiến cho sản lượng xuất khẩu giảm.
- Kim ngạch xuất khẩu: KNXK phụ thuộc vào cả lượng và giá, nên ngoài xem xét đến lượng, còn cần nhìn nhận đến độ co giãn của giá: Nếu cầu hàng hóa là co giãn đối với giá thì khi tỷ giá ngoại tệ so với nội tệ tăng lên sẽ khiến tổng kim ngạch xuất khẩu tính theo ngoại tệ tăng lên. Nếu cầu hàng hóa ít co giãn thì khi tỷ giá tăng sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu tính theo ngoại tệ giảm đi.
Như vậy, việc hướng tác động của tỷ giá hối đoái lên KNXK còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự co giãn về giá xuất khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa rằng mỗi doanh nghiệp cần có những phương hướng, chiến lược riêng cho sản phẩm của mình trước rủi ro tỷ giá để có thể tối đa hóa lợi nhuận.
Theo một số các nghiên cứu mà tác giả thu thập được, chiều hướng tác động của tỷ giá (theo yết trực tiếp) lên KNXK thể hiện cùng chiều (xem mục 2.2).
Lạm phát. Kinh tế vĩ mô định nghĩa lạm phát là sự tăng lên liên tục của mức giá chung, hay đơn giản là sự mất giá của đồng tiền. Trên phương diện tiền tệ, lạm phát sẽ làm cho đồng tiền nội tệ mất giá so với ngoại tệ. Hay nói cách khác, nếu bỏ qua những yếu tố còn lại, lạm phát tăng đồng nghĩa với tỷ giá hối đoái tăng. Và cũng như trường hợp tỷ giá được phân tích ở trên, chiều tăng/giảm của tỷ giá sẽ chính là chiều hướng ảnh hưởng lên xuất khẩu gạo. Như vậy, xét ở góc độ ảnh hưởng thông qua tỷ giá, lạm phát có thể có xu hướng biến động cùng chiều với kim ngạch xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, lạm phát tác động xấu lên chi phí đầu vào của các doanh nghiệp xuất khẩu, đẩy giá bán ra tăng lên. Như vậy, lạm phát có thể tác động lên xuất khẩu theo hai hướng khác nhau. Và hướng tác động nào có ảnh hưởng mạnh hơn còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nền kinh tế, và hướng giải quyết của doanh nghiệp.
Ở nghiên cứu của Ngô Thị Mỹ (2016) khi nghiên cứu về xuất khẩu nông sản (đi sâu vào xuất khẩu gạo và cà phê), cơ chế ảnh hưởng của lạm phát đến xuất khẩu được luận
giải như sau: lạm phát tăng đẩy giá hàng hóa trong nước nâng lên, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với nước ngoài. Khi lạm phát giảm, giá hàng hóa trong nước giảm giúp tăng năng lực cạnh tranh khiến cho lượng hàng hóa trong nước xuất khẩu nhiều hơn. Như vậy, nhân tố lạm phát tác động ngược chiều đến kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu lại cho thấy hai chiều ảnh hưởng của nhân tố này trong ngắn hạn: cùng chiều đối với mặt hàng gạo, và ngược chiều đối với cà phê (không có giá trị thống kê đối với nông sản nói chung).
Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của Thorvaldur Gylfason (1997) cho rằng hai biến số này có mối tương quan ngược chiều nhau.
Lãi suất.
Nhìn chung, lãi suất là một công cụ quan trọng điều tiết vĩ mô. Vì vậy mà nó cũng sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến tất cả các yếu tố khác của nền kinh tế, bao gồm cả xuất khẩu. Tuy nhiên, lãi suất có ảnh hưởng gián tiếp đến xuất khẩu thông qua các nhân tố khác như tỷ giá hối đoái và lạm phát. Vì vậy, hầu như ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu nào cho mối quan hệ này.
Mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá hối đoái được đề cập trong lý thuyết “Ngang bằng lãi suất” như sau: “khi có sự chênh lệch lãi suất giữa hai quốc gia sẽ được bù đắp lại bằng sự chênh lệch giữa tỷ giá của 2 loại đồng tiền của hai quốc gia này”. Nói một cách dễ hiểu, lãi suất tăng sẽ thu hút dòng vốn vay ngắn hạn trên thị trường quốc tế, những người nắm giữ ngoại tệ sẽ có xu hướng đổi sang đồng nội tệ để cho vay với lãi suất cao hơn, làm cho cung nội tệ tăng. Kết quả là đồng nội tệ sẽ tăng giá hơn so với ngoại tệ, làm cho tỷ giá giảm (ngược chiều).
Trong khi đó, mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất danh nghĩa được thể hiện qua phương trình của hiệu ứng Fisher:
“Lãi suất danh nghĩa = tỷ lệ lạm phát + lãi suất thực”
Lãi suất thực được quyết định bởi cung và cầu vốn vay. Theo lý thuyết “Số lượng tiền tệ” thì tốc độ tăng của lưu lượng tiền tệ quyết định tỷ lệ lạm phát. Trong dài hạn, khi trạng thái cân bằng được thiết lập, sự thay đổi của cung tiền không có ảnh hưởng gì đến lãi suất thực tế cũng như các biến thực tế khác. Vì lãi suất thực tế không đổi nên lãi suất
danh nghĩa sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ một - một với sự thay đổi của lạm phát (cùng chiều).
Thông qua mối quan hệ giữa xuất khẩu và lạm phát cũng như tỷ giá hối đoái đã được luận giải ở trên, cùng với những phân tích về mối quan hệ giữa lãi suất với lạm phát và tỷ giá hối đoái, ta có thể đưa ra chiều hướng tác động của lãi suất lên xuất khẩu thông qua nhân tố như sau:
- Lãi suất – (Tỷ giá hối đoái) – Xuất khẩu: có thể cùng chiều hoặc ngược chiều (do tác động không rõ ràng của tỷ giá).
- Lãi suất – (Lạm phát)– Xuất khẩu: ngược chiều (xét theo nghiên cứu của Ngô Thị Mỹ (2016), liên quan đến xuất khẩu nông sản).
Khoảng cách giữa hai quốc gia. Theo Ngô Thị Mỹ (2016), khoảng cách của hai quốc gia nhập khẩu và xuất khẩu ở đây được xem xét ở hai góc độ.
- Khoảng cách về sự phát triển: Các quốc gia thường có nhu cầu xuất khẩu những loại hàng hóa mà bản thân họ cũng sử dụng, và đang dư thừa (cung lớn hơn cầu nội địa).
Đối với hai quốc gia ít có khoảng cách về trình độ phát triển sẽ dễ tương đồng hơn về thị hiếu tiêu dùng, cũng như yêu cầu về chất lượng. Và sản phẩm mà quốc gia xuất khẩu làm ra sẽ có khả năng được chấp nhận ở thị trường của quốc gia nhập khẩu. Ngược lại, sự khác biệt lớn về trình độ phát triển đem lại nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu. Minh chứng cụ thể của sự ảnh hưởng này là các mặt hàng gạo của nước ta đã phải mất một khoảng thời gian để cải thiện chất lượng nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nhập khẩu của một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Pháp,…
- Khoảng cách về mặt địa lý: Trong hoạt động thương mại nói chung và thương mại quốc tế nói riêng, khoảng cách địa lý vẫn luôn là một vấn đề đáng quan tâm. Khi khoảng cách giữa hai bên mua và bán quá xa nhau, chi phí vận chuyển sẽ trở thành một vấn đề đáng cân nhắc, lộ trình và phương tiên vận chuyển được lựa chọn phải phù hợp với mặt hàng. Thời gian vận chuyển kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (ở đây mặt hàng lúa gạo yêu cầu điều kiện bảo quản nhất định). Vì vậy các quốc gia thường lựa chọn các “bạn hàng” phù hợp cho từng mặt hàng, và ưu tiên giao thương với những quốc gia trong khu vực (thông qua các chính sách khuyến khích, mở cửa, các hợp
đồng ưu đãi). Các số liệu ngành lúa gạo Việt Nam cũng cho thấy thị trường xuất khẩu chủ yếu của chúng ta tập trung vào khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.
- Kết quả nghiên cứu của Mohammad Mafizur Rahman (2010), Norman D. Aitken (1973) cũng cho thấy bằng chứng về mối quan hệ ngược chiều này.
Các hiệp định thương mại quốc tế. Trong bài nghiên cứu của mình, Ngô Thị Mỹ (2016) đã phân tích tầm ảnh hưởng của các mối quan hệ quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu thông qua các lập luận như sau: Xu hướng toàn cầu hóa với việc tham gia vào các liên minh kinh tế, và ký kết một số các hiệp định thương mại tự do, đã cho phép hàng hóa xuất khẩu của nước ta dễ dàng thâm nhập vào các thị trường nước ngoài hơn. Khi các mục tiêu giảm thuế, giảm giá được thực hiện, và các hàng rào mậu dịch bị loại bỏ, mối quan hệ kinh tế song phương thiết lập sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả nước xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Đây sẽ là tác nhân tích cực hay là rào cản đối với một quốc gia còn phụ thuộc vào các quan hệ kinh tế quốc tế giữa quốc gia đó với các quốc gia khác trong liên minh kinh tế. Xem xét trên kết quả phân tích từ các nghiên cứu thực nghiệm của Thorvaldur Gylfason (1997), Ngô Thị Mỹ (2016) đều cho thấy việc tham gia vào các hiệp định thương mại này đã đem đến nhiều chuyển biến tích cực cho nước xuất khẩu.
Trên đây chỉ là một số nhân tố cơ bản tác động đến hoạt động xuất khẩu, nhưng trên thực tế vẫn còn rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác tùy thuộc vào mặt hàng cũng như đặc trưng riêng của quốc gia, dẫn đến kết quả của một thời kỳ xuất khẩu.
Mặt khác, các nhân tố tác động đến hoạt động xuất khẩu có mối liên quan chặt chẽ và tương tác lẫn nhau, nên việc xem xét tác động của từng nhân tố chỉ mang tính tương đối.