2.2. Một số nghiên cứu thực nghiệm
2.2.2. Các nghiên cứu trong nước
Thêm một bài nghiên cứu khác về các yếu tố ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đăng trên tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới - số 3, Trần Nhuận Kiên (2015) và cộng sự của mình đã dùng mô hình trọng lực xử lý số liệu từ năm 1997 đến 2013 để phân tích ảnh hưởng lên kim ngạch xuất khẩu nông sản. Kết quả của nghiên cứu cho thấy tỷ giá hối đoái (yết giá trực tiếp) có tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này đồng
nghĩa với việc giá nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang phải chịu sự chi phối đáng kể của đồng USD, đồng tiền đang được sử dụng phổ biến trong thanh toán quốc tế.
Tiếp nối ý tưởng trên, Ngô Thị Mỹ (2016) tiếp tục nghiên cứu về đề tài “Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu một số nông sản của Việt Nam” trong luận án của mình. Trong đó, gạo và cà phê là hai mặt hàng có lợi thế so sánh lớn và kim ngạch xuất khẩu cao, nên được lựa chọn để đi vào nghiên cứu chuyên sâu. Mô hình trọng lực được tác giả lựa chọn để thực hiện ước lượng cho bộ dữ liệu thu thập từ năm 1997 đến năm 2013 (số liệu theo năm). Mô hình lần này cũng đưa ra kết quả về chiều hướng tích cực của tác động tỷ giá lên gạo và cà phê. Bên cạnh đó, mô hình đề cập đến mối quan hệ giữa biến lạm phát và xuất khẩu: biến lạm phát không có ý nghĩa khi thực hiện nghiên cứu với nông sản nói chung nhưng lại thể hiện sự tác động lên xuất khẩu của gạo và cà phê của Việt Nam. Cụ thể đối với mặt hàng gạo, mô hình cho kết quả về tác động cùng chiều của lạm phát lên xuất khẩu. Tuy nhiên, ở mặt hàng cà phê, lạm phát lại có ảnh hưởng tiêu cực.
Ngoài ra, với phương pháp nghiên cứu thiên về định tính, Nguyễn Hoàng Giang (2016) cũng có bài nghiên cứu chuyên sâu về tác động của việc điều chỉnh tỷ giá lên năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Dựa trên nền tảng của các lý thuyết trước đây, tác giả gợi nhắc về mối quan hệ giữa sự biến động tỷ giá hối đoái và xuất khẩu thông qua các lập luận và ví dụ điển hình. Qua đó, một lần nữa khẳng định “nội tệ có trị giá càng cao thì xuất khẩu càng bị hạn chế, nhập khẩu càng được khuyến khích và ngược lại”.
Tổng quan về tác động của các nhân tố đến hoạt động xuất khẩu qua các nghiên cứu
Ta có thể thấy đã có rất nhiều nghiên cứu về các nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu, và tùy thuộc vào bối cảnh, cũng như mục tiêu, mà các nghiên cứu lựa chọn các biến và cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, có thể thấy các nghiên cứu trong và ngoài nước đối với ảnh hưởng từ các nhân tố vĩ mô hầu hết đều tập trung vào yếu tố tỷ giá hối đoái. Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến cán cân thương mại thông qua sự định giá giữa các đồng tiền. Vì vậy mà tác động của nó lên hoạt động xuất khẩu là khá rõ ràng và ảnh hưởng lớn đến khối lượng xuất khẩu. Do đó, việc nghiên cứu tác động của yếu tố này cụ thể cho
từng lĩnh vực, ngành, quốc gia nhằm tìm ra phương án phù hợp để phát triển xuất khẩu cũng được các nhà kinh tế học hết sức quan tâm. Trong khi đó, lạm phát tác động đến xuất khẩu gián tiếp qua tỷ giá hối đoái với việc làm giảm giá trị đồng nội tệ có ảnh hưởng ít hơn, nên biến số này cũng ít được quan tâm hơn trong các nghiên cứu liên quan đến hoạt động xuất khẩu. Đối với tác động từ lãi suất đến xuất khẩu, tác giả vẫn chưa tìm được đề tài nghiên cứu cho vấn đề này. Sự hạn chế này có thể đến từ việc nhận định mức tác động của yếu tố này không đáng kể, do các lý thuyết kinh tế đều cho rằng sự tác động đến hoạt động xuất khẩu của yếu tố này là gián tiếp qua nhiều yếu tố trung gian (lạm phát và tỷ giá).
Nhìn chung, các nghiên cứu đều cho kết quả như nhau và phù hợp với lý thuyết về tác động của tỷ giá đến hoạt động xuất khẩu theo cơ chế việc phá giá đơn vị tiền tệ trong nước (làm giảm giá trị đồng tiền nội địa so với các đồng tiền khác) sẽ kích thích khối lượng xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài và ngược lại. Tuy nhiên, các nghiên cứu lại cho hai kết quả trái ngược nhau khi xem xét tác động của biến lạm phát. Điều này cũng đã được đề cập ở lý thuyết, vì vậy việc phá giá đồng tiền hay không còn cần được xem xét ở những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Căn cứ vào dữ liệu thu thập và mục tiêu của nghiên cứu, các mô hình được sử dụng cho dữ liệu dạng chuỗi thời gian (time series) là ARCH-M (autoregressive conditional heteroscedasticity in mean), độ trễ phân phối tự động (ARDL). Mô hình trọng lực (gravity model) được áp dụng cho dữ liệu hỗn hợp (panel data).
Như vậy, thông qua các nghiên cứu thu thập được, tác giả rút ra nhận xét như sau:
Bên cạnh tỷ giá hối đoái được đưa vào đa số các nghiên cứu, hai yếu tố còn lại là lãi suất và lạm phát ít được chú trọng khi nghiên cứu tác động lên hoạt động xuất khẩu, điều này có thể làm cho góc nhìn về vấn đề bị thu hẹp, dẫn đến những hạn chế khi đề xuất các giải pháp thích hợp. Xét về mô hình nghiên cứu, hai mô hình ARCH-M và ARDL được sử dụng để ước tính cho các nghiên cứu sử dụng dữ liệu dạng chuỗi thời gian. Mặt khác, các nghiên cứu trong nước thu thập được chỉ sử dụng mô hình trọng lực với dữ liệu dạng hỗn hợp, mà chưa có các nghiên cứu thực nghiệm với dữ liệu chuỗi thời gian. Vì vậy, tác giả dự định sẽ tiến hành ước lượng bằng mô hình VAR (hoặc VECM trong trường
hợp xảy ra đồng liên kết) và so sánh kết quả với các nghiên cứu tham khảo trong đề tài.
Từ đó, cung cấp thêm một mô hình phù hợp cho việc phân tích về những ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu gạo ở Việt Nam.
Bảng 2.1.Tóm lược kết quả của các nghiên cứu trước đây
Nhân tố Chiều tác động Tác giả (Năm) Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu quốc tế
Tỷ giá hối đoái* + Ying Qiang và
Panos Varangis (1994)
Mô hình ARCH-M
Lạm phát - Thorvaldur Gylfason (1997) Các mô hình hồi quy đơn giản.
Tỷ giá hối đoái + Mohammad Mafizur Rahman (2010)
Mô hình trọng lực (gravity model)
Tỷ giá hối đoái* + Abule Mehare và Abdi K.
Edriss (2012)
Mô hình độ trễ phân phối tự động (ARDL)
Tỷ giá hối đoái + Anca Gherman, George Srefan và Adriana Fili (2013)
Các mô hình hồi quy đơn giản.
Tỷ giá hối đoái + Winrose Chepng’eno (2017) Mô hình độ trễ phân phối tự động (ARDL)
Nghiên cứu trong nước
Tỷ giá hối đoái + Trần Nhuận Kiên (2015) Mô hình trọng lực (gravity model)
Tỷ giá hối đoái Lạm phát**
+ +
Ngô Thị Mỹ (2016) Mô hình trọng lực (gravity model)
Tỷ giá hối đoái + Nguyễn Hoàng Giang (2016) Nghiên cứu định tính
Chú thích: tác động ngược chiều (-), tác động cùng chiều (+).
*Để tiện cho việc so sánh các kết quả, tỷ giá hối đoái ở trên được quy đổi sang yết giá trực tiếp (tỷ giá thể hiện giá nội tệ của một đơn vị ngoại tệ).
** Đối với mặt hàng gạo xuất khẩu.
Nguồn: Tổng hợp của tác giả Xuất khẩu gạo chịu ảnh hưởng từ rất nhiều các nhân tố. Câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta sẽ lựa chọn nhân tố nào để đưa vào mô hình nghiên cứu?
Lãi suất được xem là một trong những công cụ đặc biệt mà chính phủ có thể tác động để điều hành các chính sách vĩ mô, và có ảnh hưởng lên tất cả mọi hoạt động kinh tế kể cả xuất khẩu. Lý thuyết kinh tế và thực tiễn cho thấy một chính sách lãi suất hợp lý có
vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều hành tổng thể nền kinh tế nói chung. Là một thành phần của nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu gạo cũng sẽ chịu tác động từ nhân tố lãi suất, nhưng cho đến hiện tại đề tài nghiên cứu về mối quan hệ này vẫn còn rất hạn chế. Mặt khác, do ảnh hưởng rộng đến tất cả các khía cạnh của nền kinh tế với nhiều mức độ khác nhau, việc nghiên cứu ảnh hưởng cụ thể của lãi suất lên xuất khẩu gạo sẽ chi tiết hơn về sự tác động của lãi suất, để các nhà hoạch định chính sách lựa chọn những quyết định phù hợp, và các doanh nghiệp ứng biến kịp thời với các rủi ro.
Trong khi đó, tỷ giá là một trong những nhân tố tác động trực tiếp và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu (thông qua giá cả). Chúng ta cũng đã thấy việc phá giá liên tục đồng Nhân dân Tệ (NDT) trong những năm gần đây giúp cho Trung Quốc tăng mạnh xuất khẩu vào các nước, tuy nhiên điều này cũng mang đến rủi ro lạm phát tăng cao và gây sức ép làm cho nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Hiểu được tầm quan trọng của nhân tố này, đã có không ít nghiên cứu trong và ngoài nước xoay quanh việc xem xét biến động của tỷ giá lên xuất khẩu. Nhưng trong giai đoạn công nghiệp hóa hiện nay, cùng với sự sụt giảm của tỷ trọng xuất khẩu gạo tổng KNXK, các đề tài liên quan đến ảnh hưởng tỷ giá lên xuất khẩu gạo cũng ít được quan tâm hơn. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận trên tổng thể, gạo vẫn là mặt hàng thiết yếu, và xuất khẩu gạo qua các giai đoạn vẫn giữ được vị trí nhất định, đem lại nguồn thu ngoại tệ ổn định cho quốc gia. Vì vậy, hiểu được những nguy cơ và cơ hội mà nhân tố này đem lại cho hoạt động xuất khẩu gạo sẽ giúp ích không nhỏ để các nhà hoạch định chính sách, và các doanh nghiệp trong ngành đạt được mục tiêu của mình.
Xét về lạm phát, nhân tố này ảnh hưởng đến giá bán nội địa, từ đó gây sức ép lên nguồn cung gạo cho xuất khẩu, nên cũng gây ra ảnh hưởng nhất định đến giá xuất khẩu.
Lạm phát cũng kéo theo sự điều chỉnh về tỷ giá hối đoái tác động lên giá gạo xuất khẩu theo hướng ngược lại. Bỏ qua các yếu tố khác, lạm phát ảnh hưởng lên xuất khẩu chủ yếu thông qua sự co giãn về giá đối với từng mặt hàng khác nhau. Vì thế mà tác động của nó đối với từng loại hàng hóa, và quốc gia hầu như cũng không có sự trùng lặp. Cũng với lý do nêu trên, những nghiên cứu về tác động của lạm phát đến xuất khẩu gạo ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Và chúng ta hoàn toàn có thể mắc sai lầm khi ra quyết định liên
quan đến xuất khẩu gạo dựa trên những nghiên cứu về mối quan hệ giữa lạm phát và hoạt động xuất khẩu các mặt hàng khác, hoặc các bài nghiên cứu ở bối cảnh khác do tính đặc thù của mặt hàng cũng như quốc gia xuất và nhập khẩu. Có thể nói đây là một biến số có ảnh hưởng khá phức tạp lên hoạt động xuất khẩu gạo ở Việt Nam mà vẫn còn rất ít được khai thác.
Bên cạnh những phân tích nói trên, yếu tố lãi suất, tỷ giá và lạm phát còn thể hiện cụ thể qua các số liệu biến động từng ngày, thậm chí từng giờ theo sự thay đổi của thị trường. Sự biến động liên tục và phức tạp của các nhân tố này tác động ngược lại lên thị trường, có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn lên hoạt động xuất khẩu gạo.
Vì vậy, việc tìm hiểu chiều hướng tác động cũng như mức ảnh hưởng của ba nhân tố này có thể góp phần hoàn thiện hơn các chính sách, và giúp các doanh nghiệp chủ động phòng ngừa rủi ro thậm chí lựa chọn đánh đổi để đạt được mục tiêu trong trường hợp cần thiết.
Các nhân tố kể trên đều xét trong điều kiện riêng lẻ, đều có tác động nhất định đến hoạt động xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhân tố này không đứng một mình, mà chúng là những phần tử tương tác, hòa quyện lẫn nhau tạo nên bức tranh tổng thể chung vận hành kinh tế - xã hội. Các tương tác này có thể cộng hưởng góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nhưng cũng có trường hợp tác động ngược nhau để gây ra những bất lợi cho hoạt động xuất khẩu.
- Mối quan hệ tỷ giá - lạm phát: Nhắc đến mối quan hệ này, lý thuyết “Ngang giá sức mua” thường được đề cập đến với nội dung như sau: “trong chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, tỷ giá hối đoái sẽ điều chỉnh để loại trừ những khác biệt về tỷ lệ lạm phát giữa các nước có quan hệ thương mại với nhau nhằm duy trì sự cân bằng cán cân thanh toán”. Như vậy, khi chỉ số lạm phát tăng lên, giá cả hàng hóa tăng, đồng nghĩa với giá trị đồng nội tệ giảm. Đồng tiền trong nước sẽ mất giá so với ngoại tệ, hay nói cách khác tỷ giá hối đoái lúc này tăng (một đồng USD phải dùng nhiều đồng VND hơn để quy đổi).
Do giá của hàng hóa rẻ hơn so với nước ngoài, cơ hội cạnh tranh về giá cho các mặt hàng xuất khẩu sẽ gia tăng. Ngược lại, sự sụt giảm của tỷ lệ lạm phát làm cho đồng tiền nội địa tăng giá (tỷ giá hối đoái giảm), gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu. Như vậy, lạm
phát và tỷ giá hối đoái có mối tương quan cùng chiều nhau, và gây tác động cộng hưởng lên hoạt động xuất khẩu.
- Như đã phân tích ở phần “Các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo”, lãi suất danh nghĩa tác động gián tiếp đến hoạt động xuất khẩu thông qua các nhân tố tỷ giá hối đoái và lạm phát. Vì vậy, ở đây ta không tiếp tục xem xét sự cộng hưởng hoặc bù trừ ở hai cặp nhân tố này.
Mặt khác, chiều tác động ngược lại từ kim ngạch xuất khẩu gạo lên các yếu lạm phát, tỷ giá hối đoái và lãi suất cũng có khả năng xảy ra, nếu nó chiếm trọng số đủ lớn.
Đối với lãi suất: Như chúng ta biết lãi suất thường là công cụ để điều chỉnh nền kinh tế, và các lý thuyết hầu như chỉ đề cập đến yếu tố kỳ vọng, hoặc cung - cầu tiền tác động đến lãi suất. Vì vậy trong mối quan hệ này, ta có thể giải thích như sau: xuất khẩu giảm làm giảm nguồn thu ngoại tệ, hay nói cách khác nguồn cung ngoại tệ giảm so với đồng nội tệ dẫn đến một sự tăng giá của đồng ngoại tệ (tỷ giá, lạm phát tăng). Khi các chỉ số kinh tế biến động vượt ngưỡng cho phép dẫn đến NHNN phải thực hiện các biện pháp điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi để làm giảm sự mất giá của đồng nội tệ. Ngược lại, xuất khẩu phát triển giúp cho quốc gia thu được nhiều ngoại tệ hơn, lại làm cho tỷ giá và lạm phát có chiều hướng giảm đi. Trong những trường hợp cần thiết, lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm để kích thích nền kinh tế tăng trưởng.
Đối với tỷ giá hối đoái: Kim ngạch xuất khẩu liên quan trực tiếp đến tài khoản vãng lai, gây ra tác động ngược lại đến tỷ giá như sau: Khi kim ngạch xuất khẩu giảm kéo theo sự sụt giảm nguồn thu ngoại tệ, và thâm hụt tài khoản vãng lai. Các khoản vay nợ nước ngoài sẽ tăng để tài trợ thâm hụt, dẫn đến nhu cầu mạnh mẽ về đồng ngoại tệ thanh toán cho các giao dịch này. Đồng ngoại tệ tăng giá sẽ dẫn đến tỷ giá hối đoái tăng. Cũng như luận giải trên, tỷ giá hối đoái sẽ có chiều hướng giảm do cung ngoại tệ tăng ở trường hợp xuất khẩu tăng.
Đối với lạm phát: Mối quan hệ giữa lạm phát và xuất khẩu vẫn chưa được khai thác nhiều trong các nghiên cứu thực nghiệm. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, xuất khẩu giảm có thể làm cho đồng tiền nội địa bị mất giá so với ngoại tệ dẫn đến nguy cơ lạm
phát tăng. Trong khi đó, khi xuất khẩu mở rộng đem lại lượng ngoại tệ dồi dào lại làm giảm lạm phát.
Tóm tắt chương 2
Chương 2 của luận văn trình bày hai nội dung chính:
Những lý thuyết liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế. Trong đó, đi sâu vào nghiên cứu chủ yếu các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất khẩu, những yếu tố vĩ mô tác động đến hoạt động này (theo hướng riêng lẻ và theo hướng tương tác lẫn nhau).
Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài được xem xét để làm căn cứ thực hiện mô hình nghiên cứu cho đề tài.