Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.2. Đánh giá chung về phát triển BHYT toàn dân tại huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình
3.2.1.Những kết quả đạt được
Nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, cụ thể của thường trực huyện ủy,
ban thường vụ huyện ủy, UBND huyện và ngành cấp trên cùng với sự quan tâm chỉ đạo của các ban ngành, chính quyền địa phương và sự cố gắng của cán bộ nhân viên huyện Lạc Thủy đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, không ngừng học hỏi nâng cao kỹ năng tay nghề.
BHYT phần nào đã góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Bởi lẽ, nông dân nói chung họ là những người có thu nhập thấp trong xã hội, nhất là nông dân ở vùng sâu, vùng xa nên họ không có điều kiện về kinh tế để tham gia mua BHYT cho bản thân họ và người thân trong gia đình họ. Mặt khác, xuất phát từ tâm lý chung của đại đa số nông dân, họ chỉ thực sự quan tâm đến việc mua BHYT khi có vấn đề về sức khỏe hoặc khi phát hiện ra mình mắc bệnh cần phải điều trị. Nhờ có chính sách BHYT tự nguyện, nông dân đã được quyền bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe như các đối tượng khác trong xã hội.
Công tác công nghệ thông tin được đơn vị thường xuyên chú trọng không ngừng nâng cao hiệu quả, chất lượng các mặt chuyên môn, nghiệp vụ.
Các tiến bộ khoa học kỹ thuật về phần mềm tin học được đáp ứng một cách đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện giải quyết nghiệp vụ hằng ngày một cách chính xác, kịp thời, đáp ứng tốt quyền lợi cho đối tượng.
BHXH huyện Lạc Thủy đã xây dựng được hệ thống thu BHYT tự nguyện ở tất cả các xã, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho các đại lý thu để kịp thời giải quyết thắc mắc của người tham gia.
Công tác cấp phát thẻ BHYT đảm bảo kịp thời theo đúng thời gian quy định, đồng thời BHXH huyện cũng linh hoạt giải quyết những trường hợp khẩn cấp cho người bệnh hợp tình, hợp lý.
3.2.2.Những hạn chế và nguyên nhân còn tồn tại
Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành ở huyện chưa chặt chẽ, công tác
tham mưu xây dựng chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với sở lao động - thương binh và xã hội, sở giáo dục và đào tạo trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật BHYT đối với học sinh, sinh viên chưa chặt chẽ và kém hiệu quả. Việc lập và bàn giao danh sách trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo còn chưa được thực hiện đầy đủ và kịp thời.
Đối với các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, chỉ khi ốm hoặc sắp ốm, người dân mới thấy xuất hiện nhu cầu mua thẻ BHYT. Mua thẻ BHYT chỉ có lợi khi người mắc bệnh nặng, nan y, chi phí điều trị cao. Còn nếu cần KCB mang tính chất kiểm tra sức khỏe hoặc bệnh thông thường thì người bệnh sẵn sàng chi trả bằng tiền túi để tránh phải chờ đợi mà không phải lúc nào cũng được hưởng thụ dịch vụ KCB có chất lượng như mong muốn.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cũng chưa được quan tâm đúng mức, người dân còn thiếu thông tin về những quy định mới của luật BHYT. UBND huyện cũng như UBND các xã trên địa bàn coi đây là trách nhiệm của cơ quan BHXH huyện nên còn thờ ơ, chưa chú trọng.
Người bệnh có thẻ BHYT vẫn phải chịu cảnh quá tải tại các cơ sở KCB, đặc biệt là các cơ sở KCB lớn. Người bệnh phải chờ rất lâu mới đến lượt mình KCB, tình trạng nằm chung giường bệnh xảy ra thường xuyên.
Mặt khác, thủ tục KCB BHYT tại hầu hết các cơ sở y tế đều rườm rà, có sự phân biệt đối xử giữa người khám BHYT với người khám dịch vụ, tinh thần thái độ phục vụ của các y bác sỹ còn chưa chu đáo dẫn đến giảm lòng tin đối với người tham gia BHYT.
Sự phối hợp giữa các phòng ban của địa phương còn chưa chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện chính sách BHYT, dẫn đến tình trạng chậm lập danh sách cấp phát thẻ BHYT, đôi khi các vướng mắc còn chưa kịp thời giải
quyết. Tuy số lượng thẻ BHYT cấp trùng đã giảm qua các năm, nhưng số lượng thẻ sửa đổi của các năm vẫn còn cao.
Nhân lực của cả cơ sở KCB và cơ quan BHXH để tổ chức thực hiện tham mưu chính sách, kiểm tra, giám sát tại các cơ sở KCB còn thiếu. Đặc biệt số lượng cán bộ làm công tác giám định BHYT còn ít trong khi số lượng giải quyết đang tăng nhanh qua các năm.
Công tác thanh kiểm tra mặc dù đã đầy đủ theo số lượng kế hoạch đã đề ra song vẫn mang tính hình thức. Các đơn vị được kiểm tra đều được báo trước để chủ động chuẩn bị, vì vậy kết quả kiểm tra không khách quan. Nếu có phát hiện sai phạm cũng chỉ nhắc nhở, không xử lý theo quy định.