Yếu tố chủ quan

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty xăng dầu khu vực i chi nhánh xăng dầu bắc ninh (Trang 91 - 98)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.2. Những yếu tố tác động đến năng lực cạnh tranh của Chi nhánh

3.2.1. Yếu tố chủ quan

3.2.1.1. Các đặc thù của ngành xăng dầu

Ngành xăng dầu có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nó có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhiều ngành nghề trong xã hội. Xăng dầu là nhiên liệu chất đốt mà nhiều ngành cần dùng đến như ngành nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải… Là một yếu tố trong giá thành nên khi giá xăng dầu thay đổi sẽ kéo theo sự sự thay đổi giá của các sản phẩm mặt hàng có liên quan. Vì vậy, sự phát triển của ngành xăng dầu có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế.

Xăng dầu là hàng hóa đặc biệt, có tính cháy nổ cao được xếp vào danh mục hàng hóa độc hại. Do tính chất hóa học, vật lý học xăng, dầu ở thể lỏng lại dễ cháy nổ nên việc vận chuyển, tàng trữ không dễ dàng như các hàng hóa khác, cần đảm bảo an toàn tuyệt đối. Do đó, vận chuyển xăng dầu đòi hỏi những phương tiện chuyên dụng được thiết kế cấu tạo phù hợp đảm bảo an toàn chống cháy nổ. Hiện nay, việc vận chuyển xăng dầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường thủy. Vận chuyển đường bộ bằng xe ô tô xi-téc, vận chuyển đường sắt bằng P - toa tàu, vận chuyển đường thủy bằng xà lan, tàu thủy.

Điểm chung của những phương tiện vận chuyển này là xăng dầu được chứa đựng trong các téc kín, có van khóa chặt đảm bảo an toàn chống cháy nổ cao.

Đặc tính hóa học, lý học của xăng dầu là rất dễ cháy nổ nên việc dự trữ xăng dầu cũng đòi hỏi an toàn cao. Bên cạnh những thiết bị công nghệ, bể chứa, đường ống của ngành chuyên dụng thì công nghệ phòng cháy chữa cháy cũng được trang bị, lắp đặt song song.

Kinh doanh xăng dầu chịu tác động trực tiếp của thị trường xăng dầu thế giới. Hiện nay, sự biến động của giá xăng dầu đã trở thành vấn đề nhạy

cảm của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước phải nhập khẩu xăng dầu như Việt Nam.

Kinh doanh xăng dầu ở nước ta có một đặc điểm quan trọng đó là chịu sự điều tiết mạnh về chính sách của Nhà nước. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược quốc gia ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng của Việt Nam. Vì vậy, trong bất cứ thời điểm nào Chính phủ cũng luôn có các can thiệp về giá, chính sách thuế, chính sách kinh doanh để bình ổn giá cả thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì sự điều tiết phi thị trường này cũng phần nào hạn chế năng lực kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong đó có Công ty xăng dầu khu vực I - Chi nhánh Bắc Ninh.

3.2.1.2. Khách hàng

Trong thời gian qua và trong tương lai, Chi nhánh đã và sẽ thực hiện chính sách tập trung vào kinh doanh xăng dầu, dầu mỡ nhờn, gas, đa dạng hóa đối tượng khách hàng bên cạnh việc chăm sóc tốt các khách hàng truyền thống. Mỗi giai đoạn biến động của thị trường tác động ảnh hưởng tới các đối tượng khách hàng khác nhau là hoàn toàn khác nhau. Chính sự đa dạng hóa này đã làm thay đổi cơ cấu giá trị sản lượng và doanh thu hàng năm, và đây được coi là một chủ trương đúng đắn, thành công của Chi nhánh. Trong những thời điểm khó khăn nhất định như giai đoạn khủng hoảng kinh tế, thị trường có dấu hiệu giảm phát thì việc xác định được tầm ảnh hưởng, áp lực của mỗi đối tượng khách hàng đã không làm cho Chi nhánh rơi vào tình trạng suy thóai. Quyền lực khách hàng được giảm bớt, Chi nhánh hoàn toàn trụ vững, vượt qua, ổn định và phát triển. Có thể phân tích quyền lực của khách hàng đối với Chi nhánh theo từng nhóm khách hàng như sau:

Biểu đồ 3.1. Các nhóm khách hàng của Petrolimex Bắc Ninh năm 2019 (Nguồn: Petrolimex Bắc Ninh)

Nhóm khách hàng mua buôn

Khách mua buôn chiếm 18,3% trong tổng sản lượng xuất bán xăng dầu chính của Chi nhánh. Những khách hàng này chủ yếu là mua xăng dầu chính về làm nhiên liệu chất đốt đầu vào phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh.

Nhiên liệu đốt là yếu tố đầu vào quan trọng, không thể thiếu của quá trình sản xuất tại những doanh nghiệp này. Mỗi dây chuyền công nghệ sử dụng một loại nhiên liệu cố định, nếu muốn thay đổi loại nhiên liệu khác thì phải thay đổi hoặc nâng cấp dây chuyền công nghệ sản xuất, mà vấn đề thay đổi hay nâng cấp dây chuyền sản xuất là khó thực hiện và đòi hỏi chi phí cao.

Do đó các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm chất đốt khó có thể chuyển sang dùng các loại nhiên liệu khác rẻ hơn như điện, than, củi..., điều này giới hạn sự lựa chọn nhà cung cấp của họ. Khách bán buôn chỉ việc đăng ký mua hàng và Chi nhánh sẽ điều động xe vận chuyển hàng hóa giao tận kho cho khách hàng. Do đặc thù đó mà chi phí nhân công, chi phí quản lý thấp. Nhưng

bù lại, Chi nhánh chủ động thỏa thuận giá bán buôn với từng đối tượng cụ thể, do đó cơ chế giá linh hoạt hơn. Do vậy, đối tượng khách hàng bán buôn không gây nhiều áp lực cho Chi nhánh.

Nhóm khách hàng bán lẻ

Nhóm khách hàng này chiếm 39,1% tổng sản lượng bán ra. Đây là những khách hàng trực tiếp mua hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu chủ yếu là các phương tiện vận chuyển như ô tô, xe máy, các nhân viên tại các cửa hàng của Chi nhánh trực tiếp bán hàng cho khách qua cột bơm. Chi nhánh luôn chú trọng tới vấn đề đào tạo văn hóa bán hàng chuyên nghiệp cho các CBCNV nhằm tạo được sự tin tưởng, nhanh chóng và thoải mái cho khách hàng khi đến các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Chi nhánh để mua hàng, với mong muốn sẽ có ngày càng nhiều các khách hàng truyền thống tại mỗi cửa hàng bán lẻ. Có thể đánh giá, đây là nhóm khách hàng đông đảo nhất và gây nhiều áp lực cho Chi nhánh, do đó cần phải quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa tới nhóm khách hàng này.

Nhóm khách hàng tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ Nhóm khách hàng Tổng đại lý/thương nhân nhận quyền bán lẻ chiếm 42,6% tổng sản lượng bán ra. Đặc điểm của nhóm khách hàng này là mua đi bán lại để kinh doanh. Họ tìm những nhà cung cấp để mua hàng với giá thấp và bán ra với giá trên thị trường, hưởng hoa hồng đại lý. Vì vậy, nhóm khách hàng này dễ thay đổi nhà cung cấp, đối với mỗi thời điểm, doanh nghiệp đầu mối nào có mức thù lao cao họ sẽ lấy hàng tại doanh nghiệp đó. Nhóm khách hàng này là một kênh phân phối quan trọng của Chi nhánh, họ là khách hàng nhưng cũng là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Chi nhánh. Đây là đối tượng khách hàng phức tạp và có quyền lực lớn trong vấn đề kinh doanh của Chi nhánh. Do đó, cần phải có những biện pháp, chính sách mềm dẻo, linh hoạt để áp dụng trong quan hệ với bạn hàng này.

3.2.1.3. Nhà cung cấp

Các nhà cung cấp hàng hóa cho Công ty xăng dầu khu vực I - Cửa hàng xăng dầu Bắc Ninh đều là các công ty trực thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, và đây có thể coi là một lợi thế lớn trong cạnh tranh của công ty. Công ty xăng dầu khu vực I - Cửa hàng xăng dầu Bắc Ninh nhập xăng dầu chính từ hai công ty xăng dầu đầu mối đó là: Công ty xăng dầu Khu vực I (Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội); Công ty xăng dầu B12 (Hạ Long, Quảng Ninh).

Công ty xăng dầu Khu vực I được tập đoàn giao nhiệm vụ trực tiếp kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà nội và các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, đồng thời đảm bảo nguồn hàng cung cấp, điều động cho các công ty tuyến sau trên địa bàn 11 tỉnh phía bắc. Ngoài trụ sở chính, Công ty xăng dầu Khu vực I còn có 1 tổng kho, 01 xí nghiệp, 02 chi nhánh trực thuộc với hơn 100 cửa hàng bán lẻ. Tổng sức chứa của kho Đức Giang khoảng 56.000 m3.

Công ty xăng dầu B12 có cơ sở vật chất kỹ thuật bao gồm: 5 kho chứa xăng dầu với tổng sức chứa là 255.000 m3; gần 500 km tuyến đường ống vận chuyển xăng dầu và hơn 90 cửa hàng bán lẻ xăng dầu; 01 cảng biển có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 m3; 06 bến xuất trong đó 02 bến xuất đường thủy và 04 bến xuất đường bộ.

Chi nhánh nhập dầu mỡ nhờn từ Tổng công ty hóa dầu Petrolimex (229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội), nhập gas từ Tổng công ty Gas Petrolimex (229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội).

Những nhà cung cấp trên đều là những công ty trực thuộc tập đoàn, luôn đáp ứng đủ cho nhu cầu hàng hóa của Chi nhánh. Việc mua hàng được thực hiện theo đơn đặt hàng và báo nợ về tập đoàn. Do đó, Chi nhánh có thể yên tâm hơn về số lượng, chất lượng hàng hóa, giảm bớt được áp lực về nguồn cung và những áp lực về tài chính khi mua hàng. Tuy nhiên cũng vẫn có những thời điểm hàng hóa khan hiếm do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh,

tập đoàn và các công ty xăng dầu đầu mối cũng không đủ nguồn cung để có thể phân phối hết theo yêu cầu của các công ty xăng dầu thành viên, trong đó có Bắc Ninh. Nhưng nhìn chung vẫn có thể đánh giá các nhà cung cấp trên không tạo nhiều áp lực cho Chi nhánh.

3.2.1.4. Sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế là một trong những yếu tố của môi trường vi mô làm cho tính cạnh tranh trên thị trường ngày càng mạnh mẽ hơn, nhất là trong thời đại hiện nay với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật.

Các sản phẩm có thể thay thế được cho xăng dầu bao gồm:

- Than đá: Dùng để làm nhiên liệu đốt, nung. Than đá có nhược điểm là ô nhiễm môi trường hơn, hiệu suất đốt kém nhưng giá thành lại rẻ hơn;

- Điện năng: Sạch sẽ, ít ô nhiễm môi trường, hiệu suất cao nhưng có nhược điểm là giá thành cao và phụ thuộc lớn vào nhà cung cấp do sự độc quyền ngành;

- Dầu vỏ điều: Là loại nguyên liệu dùng để đốt lò, ưu điểm lớn nhất của loại nguyên liệu này là rẻ hơn khoảng 60% so với dầu FO.

Nhưng nhìn chung, xăng dầu vẫn là một ngành kinh doanh trọng yếu của nền kinh tế, là nhiên liệu chính trong nhiều ngành công nghiệp. Hiện nay, đang có rất nhiều các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu là nhiên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, và trong tương lai vẫn tiếp tục sử dụng. Do đó, vấn đề sản phẩm thay thế không quá gây áp lực cho Chi nhánh.

3.2.1.5. Đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn

Lĩnh vực phân phối xăng dầu hiện nay vẫn là một trong những lĩnh vực được Nhà nước bảo hộ và chi phối thông qua 2 tập đoàn kinh tế Nhà nước lớn là PLX và PV Oil. Bên cạnh đó, số lượng các công ty đầu mối được cấp phép phân phối và kinh doanh xăng dầu hiện tại không nhiều, chỉ có 29 doanh nghiệp nội địa.

Biểu đồ 3.2. Thị phần xăng dầu cả nước

(Nguồn: VBSC tổng hợp) Đặc biệt, lĩnh vực này hiện tại hầu như chưa có sự xuất hiện của các đối thủ nước ngoài do theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có quyền tham gia mảng bán lẻ xăng dầu thông qua mua cổ phiếu trong công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối nếu có tham gia đầu tư vào nhà máy lọc dầu.

Đây cũng chính là lý do, JX NOE đã mua lại 8% cổ phần của PLX và đồng ý góp vốn hợp tác vào dự án tổ hợp lọc dầu Nam Vân Phong cùng Petrolimex.

Trong tương lai gần, đối thủ nước ngoài đầu tiên của PLX trong lĩnh vực phân phối xăng dầu sẽ là Idemitsu Q8 khi doanh nghiệp này đã được cấp phép phân phối và bán lẻ xăng dầu tại thị trường Việt Nam hồi tháng 4/2016. Đây là liên doanh do Tập đoàn Idemitsu Kosan và Công ty dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) thành lập. Idemitsu Kosan và KPI đang nắm tổng cộng hơn 70% vốn tại dự án lọc dầu Nghi Sơn. Theo đó, Idemitsu Q8 dự kiến sẽ bán xăng từ dự án lọc dầu Nghi Sơn từ giữa năm 2017.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có 4 cây xăng bán lẻ của PV OIL, 2 cây xăng của HD Petro, 1 kho xăng dầu của Công ty TNHH Hải Linh.

Và với tiềm lực công nghệ, tài chính mạnh mẽ của mình chắc chắn PV OIL, HD Petro, Công ty TNHH Hải Linh sẽ là những đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ đối với Chi nhánh xăng dầu Bắc Ninh. Vì vậy, ngay từ bây giờ Chi nhánh cần có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, để có thể cạnh tranh thành công với các đối thủ tiềm ẩn trên trong thời gian tới.

Hình 3.1. Phân tích 5 áp lực cạnh tranh của Michel Porter

(Nguồn: Petrolimex Việt Nam) Như vậy, PLX không chịu quá nhiều áp lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp trong ngành do số lượng doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được cấp phép kinh doanh không nhiều, chỉ có 29 doanh nghiệp trên toàn quốc. Trong đó, PLX chiếm tới 48% thị trường tiêu thụ nội địa, tiếp đó là PV Oil với khoảng 20%, còn lại là các doanh nghiệp khác.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của công ty xăng dầu khu vực i chi nhánh xăng dầu bắc ninh (Trang 91 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)