CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
1.2. Cơ sở thực tiễn về chất lượng đội ngũ giáo viên
1.2.1. Kinh nghiệm thực tiễn về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên một số nước trên thế giới
1.2.1.1. Tuyển chọn và sử dụng giáo viên
Tại Singapore, chọn lọc kỹ các sinh viên thi vào ngành sư phạm trước khi đào tạo họ và chỉ tiêu tuyển sinh tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành. Ngay khi được tuyển chọn, sinh viên sẽ được Bộ giáo dục thuê và gần như chắc chắn được bảo đảm có việc làm. Nhờ đó, số người được tuyển chọn để đào tạo không nhiều nên chất lượng đào tạo tốt đồng thời sát nhu cầu tuyển dụng khi tốt nghiệp. Sau ba năm tham gia giảng dạy, các giáo viên sẽ được đánh giá thường niên để xem họ có tiềm năng phát triển theo hướng nào trong số 3 lộ trình liên quan tới lĩnh vực của họ: trở thành giáo viên cao cấp (tức là có thể chỉ dẫn cho những nhà giáo non kinh nghiệm hơn), các chuyên gia về chương trình giảng dạy hay nghiên cứu, hoặc trở thành nhà lãnh đạo trường học.
Những giáo viên có tiềm năng phát triển thành các nhà lãnh đạo trường sẽ được chuyển tới nhóm quản lý cấp trung và được đào tạo để có thể đảm nhiệm công việc trong vai trò mới.
Người ta sẽ đánh giá hiệu quả của các nhà quản lý cấp trung này để xem họ có tiềm năng trở thành các hiệu phó, và sau này là hiệu trưởng hay không. Ở mỗi giai đoạn đều có một loạt những kinh nghiệm và chương trình đào tạo cần phải trang bị cho những người này để phục vụ cho công việc quản lý và thích ứng với sự chuyển đổi chuyên môn. Người Singapore hiểu rất rõ, để có một nền giáo dục chất lượng cao và học sinh học tập xuất sắc, chắc chắn họ phải có được các nhà lãnh đạo trường học hiệu quả. [10]
Ở Phần Lan, để vào được trường Sư phạm, thí sinh phải qua hai vòng thi.
Vòng thứ nhất tuyển chọn dựa vào đơn xin học và các văn bằng thí sinh có được.
Sau đó, những thí sinh được chọn sẽ tham gia kỳ thi đầu vào. Kỳ thi này bao gồm bài kiểm tra viết về kiến thức giáo dục và một cuộc phỏng vấn. Những thí sinh đạt điểm cao nhất sẽ được nhận vào học, chỉ có 10% thí sinh được trúng tuyển. Để trở thành giáo viên phải có bằng thạc sỹ, sinh viên học bằng Cử nhân (180 tín chỉ), và tiếp tục học Thạc sỹ (120 tín chỉ). Một tín chỉ theo chuẩn châu Âu tương đương 27 giờ học. Sinh viên sẽ mất khoảng 5 năm để hoàn thành chương trình học 300 tín chỉ này. Riêng với giáo viên dạy mầm non và tiểu học, chương trình thạc sỹ chỉ có 60 tín chỉ [18].
1.2.1.2. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Tại Nhật Bản, các đại học quốc lập thành lập khóa học hai năm để đào tạo giáo viên cho bậc phổ cập, và ban hành Luật Chứng chỉ nhân sự Giáo dục để quy định yêu cầu cho nghề giáo và điều chỉnh các khung chương trình trong các lĩnh vực kiến thức như khoa học cơ bản và khoa học giáo dục.
Để trở thành giáo viên, ngoài việc hoàn thành một chương trình đào tạo giáo dục đại học hoặc thạc sĩ, người học phải hoàn thành chương trình đào tạo giáo viên được quy định trong Luật Chứng chỉ nhân sự Giáo dục, và tham gia kì thi cấp chứng chỉ dạy học do Hội đồng Giáo dục các tỉnh, thành tổ chức. Các chứng chỉ này
được chia thành ba hạng là chuyên môn (sensyu), hạng nhất và hạng hai tùy thuộc trình độ của người dự thi. Chứng chỉ dạy học mầm non và tiểu học cho phép dạy học tất cả các môn học, chứng chỉ dạy học trung học cơ sở và trung học phổ thông và trung học nghề cho phép dạy một môn học. Từ năm 1998, Nhật Bản đưa vào hệ thống giáo dục loại hình trường trung học liên cấp sơ trung và cao trung. Để được giảng dạy ở cả hai cấp học trong trường, giáo viên phải có cả hai loại chứng chỉ dạy học [13].
Tại Đức, mô hình đào tạo giáo viên trước năm 1980 tiến hành trong các trường đại học sư phạm. Sau đó, các trường đại học được tích hợp vào các trường đại học đa ngành. Từ đó đến nay, giáo viên được đào tạo trong các trường đại học đa ngành. Có một số ít bang như Baden – Wüttemberg đến nay vẫn tồn tại các trường sư phạm độc lập nhưng chỉ đào tạo các loại hình GV cho các trường tiểu học và THCS. Giáo viên được đào tạo theo cấp học và theo loại hình trường. Cũng có loại GV được đào tạo cho 2 cấp hoặc cho nhiều loại hình trường ở bậc THCS. Giáo viên bậc THCS và THPT được đào tạo cho hai môn học chuyên ngành, trong đó có phân biệt môn thứ nhất và môn thứ hai với tỷ trọng thời gian đào tạo khác nhau. Mô hình đào tạo GV tích hợp giữa khoa học giáo dục và khoa học chuyên ngành.
Ngay từ những năm đầu của các khóa đào tạo giáo viên, bên cạnh các môn học chuyên ngành, sinh viên được học về các môn khoa học giáo dục và thực tiễn trường học.
Đào tạo giáo viên được diễn ra trong 2 kì: Quá trình đào tạo giáo viên trong trường đại học được gọi là giai đoạn 1, sau kì thi tốt nghiệp với kỳ thi quốc gia thứ nhất, các GV mới ra trường này được tham gia vào giai đoạn đào tạo giáo viên tập sự của các bang.
Từ năm 2000 mô hình đào tạo giáo viên được cải cách và thực hiện theo hai bậc nối tiếp cử nhân (180-240 tín chỉ) và thạc sĩ (60-120 tín chỉ). Dựa trên quy định khung này hầu hết các bang ở Đức đã chuyển đổi hệ thống đào tạo giáo viên sang hệ thống phân bậc hai giai đoạn. Theo mô hình đào tạo mới này, giáo viên cần có trình độ Master mới được đăng ký vào giai đoạn đào tạo giáo viên tập sự. Người tốt
nghiệp bậc cử nhân (Bachelor) chưa được phép trở thành giáo viên viên nhưng có thể tìm việc làm ở thị trường lao động theo các hướng khoa học chuyên ngành mà họ đã học. Nét đặc thù của mô hình đào tạo giáo viên của Đức theo mô hình phân 2 bậc nối tiếp này là ngay trong bậc Bachelor đã có nội dung về khoa học giáo dục và thực tiễn phổ thông [5].
Ở Pháp, Từ năm 2008 các học viện đào tạo giáo viên (IUFM) trở thành các
"trường thành viên thuộc trường đại học". Ở nhiều trường đại học, tuy không phải là cơ sở đào tạo giáo viên nhưng đã có các mô-đun giới thiệu nghề dạy học. Những người vào học năm thứ nhất của Học viện Đại học đào tạo giáo viên/IUFM, người học phải qua xét tuyển, kiểm tra và/hoặc phỏng vấn tùy theo các IUFM. Tuy nhiên để có thể dự thi tuyển vào năm thứ hai của IUFM, thí sinh không bắt buộc phải theo học năm thứ nhất tại IUFM mà chỉ cần có bằng cử nhân (Licence) hoặc các bằng cấp tương đương. Như vậy, mô hình đào tạo GV ở Pháp là theo phương thức nối tiếp trong các trường đa ngành và có trình độ sau đại học. Hiện nay, Pháp cũng như các trường đại học châu Âu đang phải thay đổi về mô hình đào tạo GV. Các giáo viên muốn trở thành giáo viên chính thức của hệ thống Giáo dục Pháp phải có bằng thạc sĩ.
Bộ Giáo dục dự định sẽ hai loại thạc sĩ: với giáo viên tiểu học, cố vấn giáo dục, các nhà tâm lý học đường – thạc sĩ chuyên biệt và đa ngành; với giáo viên phổ thông (trung học cơ sở và trung học phổ thông): thạc sĩ chuyên ngành cộng với các mô-đun về dạy học [5].
1.2.1.2. Chính sách đãi ngộ
Tại Singapore, hàng năm Bộ giáo dục đào tạo Singapore đều tiến hành kiểm tra mức lương khởi điểm của các ngành nghề khác nhau, theo đó sẽ có điều chỉnh mức lương dành cho các giáo viên mới ra nghề để đảm bảo trong mắt các tân cử nhân, nghề giáo cũng có sức hấp dẫn tương đương các ngành nghề khác.
Theo thời gian, mặc dù lương nhà giáo không tăng nhiều như lương các nghề khác, nhưng bù lại họ được tiếp cận với nhiều cơ hội khác nhau để có thể nắm giữ những vai trò khác ngoài cương vị một nhà giáo.
Năm 2010, Trung tâm giáo viên Singapore bắt đầu đi vào hoạt động để khuyến khích các giáo viên tích cực chia sẻ những phương pháp giảng dạy tốt nhất.
Cũng giống như mọi ngành nghề khác ở Singapore, hàng năm ngành giáo dục nước này đều có những phần thưởng tôn vinh cụ thể với các thành tựu, đóng góp xuất sắc của các nhà giáo cho sự nghiệp giáo dục [14].
Ở Nhật Bản luôn quan niệm “Giáo viên là người con của cao quý, là người lao động, là nhà chuyên nghiệp”, do đó họ rất quan tâm đào tạo, xây dựng các chế độ, chính sách đối với giáo viên, trong đó lương được xếp theo từng loại giáo viên và trình độ giáo dục [5].
Tại Hàn Quốc, nhà nước căn cứ vào các tín chỉ giáo viên tích luỹ được để trả lương, đồng thời ban hành các chính sách để nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển giáo dục [5].