CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN
1.2. Cơ sở thực tiễn về chất lượng đội ngũ giáo viên
1.2.4. Một số nghiên cứu có liên quan
Có khá nhiều nghiên cứu đã công bố về vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên, có thể nêu những nghiên cứu điển hình sau đây:
Tác giả M.Fullan và A.Hargreaves (1992) trong cuốn sách: “Phát triển giáo viên và thay đổi giáo dục” đã nghiên cứu và chỉ ra các phương diện để nâng cao năng lực cá nhân cho giáo viên, đó là: (i) Phát triển tâm lí, gồm 4 cấp độ: tự bảo vệ, tiền đạo đức, phụ thuộc một chiều; bảo thủ, phủ định đạo đức, tự lập; lương tâm, đạo đức, phụ thuộc có điều kiện; tự lập, tự chủ, nguyên tắc, tích hợp; ( ii) Phát
triển chuyên môn, nghiệp vụ; gồm 6 cấp độ: phát triển các kĩ năng tồn tại; thành thạo các kĩ năng dạy học cơ bản; mở rộng sự linh hoạt chuyên môn; trở thành chuyên gia; góp phần phát triển chuyên môn của đồng nghiệp; tham gia đưa ra quyết sách giáo dục ở mọi cấp độ; (iii) Phát triển chu kì nghề nghiệp, gồm 5 cấp độ: khởi động nghề nghiệp; ổn định, gắn bó nghề nghiệp; các thách thức và mối quan tâm mới và trở nên chuyên nghiệp.[19]
Tác giả Mishra & Koehler (2006) trong cuốn sách: “Công nghệ nội dung kiến thức sư phạm: Một khuôn khổ cho các kiến thức giáo viên” cho rằng: Khung kiến thức cần đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên gồm: Nội dung, phương pháp và công nghệ. Đây là khung phát triển chuyên môn về công nghệ thông tin trong giáo dục. Mô hình này hiện đang được quốc tế công nhận và được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. [20]
Tác giả Thái Duy Tuyên (2007) trong cuốn sách: “Triết học giáo dục Việt Nam” (2007), đã khái quát những năng lực và phẩm chất của người giáo viên, gồm:
chuẩn đoán được nhu cầu, nguyện vọng, khả năng của học sinh; tri thức chuyên môn vững vàng và sâu sắc; có trình độ văn hóa chung rộng rãi; có năng lực nắm bắt và xử lí thông tin nhanh nhạy; năng lực diễn đạt rõ ràng, ngôn ngữ lưu loát, năng lực kiềm chế bản thân; có năng lực tổ chức quản lí, động viên, kích thích học sinh tích cực hoạt động; xây dựng và phát triển kế hoạch, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kế hoạch; phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, yêu quí học sinh, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của nhân dân; nghiêm khắc với bản thân, luôn gương mẫu trong công việc và đời sống cá nhân; có những tri thức khoa học giáo dục hiện đại như:
quan niệm về dạy học, về quan hệ thầy trò trong điều kiện hiện đại, về nhân tài, về các giá trị đạo đức trong điều kiện toàn cầu hóa.[17]
Tác giả Nguyễn Hữu Châu (2008) trong công trình nghiên cứu “Chất lượng giáo dục - Những vấn đề lí luận và thực tiễn” đã cho rằng những năng lực cơ bản mà người giáo viên cần có, đó là: (i) năng lực chuẩn đoán; (ii) năng lực đáp ứng;
(iii) năng lực đánh giá; (iv) năng lực thiết lập mối quan hệ thuận lợi với người khác,
nhất là với học sinh; (v) năng lực triển khai chương trình giáo dục; và (vi) năng lực đáp ứng trách nhiệm với xã hội.[15]
Lê Trung Chính (2015) trong luận án: “Phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông thành phố Đà Nẵng trong bối cảnh hiện nay” cho rằng: Phát triển đội ngũ giáo viên thực chất là phát triển nguồn nhân lực sư phạm trong giáo dục, là quá trình tác động của chủ thể quản lí đến đội ngũ giáo viên nhằm phát triển từng cá nhân và cả đội ngũ giáo viên đáp ứng mục tiêu giáo dục, các yêu cầu của việc nâng cao chất lượng giáo dục trên tất cả các mặt: qui mô, chất lượng, hiệu quả. Phát triển đội ngũ giáo viên THPT là tạo ra một đội ngũ giáo viên THPT đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Trên cơ sở đó đội ngũ này thực hiện tốt các yêu cầu giảng dạy, giáo dục của giáo dục THPT. Nội dung phát triển đội ngũ giáo viên THPT gồm: Qui hoạch, tuyển chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đãi ngộ và kiểm tra, đánh giá. Các nội dung này có mối quan hệ hữu cơ, stác động lẫn nhau. [12]
Đặng Bá Lãm (2005) trong cuốn sách:“Quản lí nhà nước về giáo dục - Lí luận và thực tiễn” đã nhấn mạnh 3 vấn đề trong quản lí và phát triển đội ngũ giáo viên, đó là: (i) phát triển đội ngũ giáo viên là sự tăng trưởng về mặt số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên; (ii) phát triển đội ngũ giáo viên bao gồm cả tuyển chọn, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp; và (iii) phát triển đội ngũ giáo viên còn chính là việc xây dựng đội ngũ GV đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có chất lượng để thực hiện tốt mục tiêu, nội dung và kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu giáo dục. Nội dung công tác phát triển giáo viên liên quan đến quy mô, cơ cấu, chất lượng đội ngũ giáo viên. [9]
CHƯƠNG 2