2.3.1. Yếu tố vĩ mô - Yếu tố chính trị
Yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chính sách quản lý đất đai đó là, môi trường chính trị. Việc thực hiện chính sách đất đai nằm trong sự ảnh hưởng và chế ước của môi trường. Môi trường thích hợp sẽ có
49
lợi cho việc thực thi chính sách. Môi trường không thích hợp sẽ cản trở việc thực thi chính sách. Cụ thể, điều kiện chính trị xã hội như sự bình đẳng của những người lao động với nhau về mọi mặt; hệ thống chính trị - xã hội ngày càng được củng cố và phát triển, nhất là sự khẳng định, tính nhất quán xuyên suốt về chính sách đất đai trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước của Đảng đã được thể chế hoá vào Hiến pháp và pháp luật.
Theo đó, mọi chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng được Nhà nước thể chế hoá, cụ thể hoá bằng những quy phạm pháp luật. Do đó, việc thực hiện chính sách quản lý đất đai của cơ quan hành chính nhà nước luôn được tạo điều kiện để đạt hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh An Giang các khu dân cư, khu trung tâm thương mại luôn được mở rộng ra các khu vực ngoại thành, nhiều khu công nghiệp được mở rộng, một số khu còn được đầu tư công nghệ hiện đại, công nghệ cao các công trình đang không ngừng mọc lên, cho thấy sử thông thoáng trong đường lối chính sách tại địa phương trong thực hiện chính sách đất đai trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Việc cấp đất cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh bắt đầu từ năm 2002 theo nhiều chương trình khác nhau, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tri Tôn và Tịnh Biên cũng góp phần ổn định kinh tế, chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Ví dụ, giai đoạn 2008 – 2015, tỉnh đã cấp đất ở cho 1.891 hộ. Các hộ được cấp giấy chứng nhận theo mẫu giấy do Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành, nhưng có hạn chế về quyền chuyển nhượng trong thời hạn 10 năm kể từ ngày được cấp giấy.
Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý chủ trương cho cấp đổi giấy chứng nhận tạm thời thành mẫu giấy chính thức tại Thông báo số 249/TB- VPUBND ngày 24/5/2012, trên giấy chứng nhận cấp đổi có ghi chú nội dung
50
“đất được cấp theo chương trình dân tộc, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất”. Riêng các trường hợp chưa nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại thì ghi “đất được cấp theo chương trình dân tộc, còn nợ tiền sử dụng đất, không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện Tri Tôn, đến nay huyện chưa thực hiện việc đổi giấy cấp theo chương trình dân tộc do chưa có quy định cụ thể, chưa có hướng dẫn cơ quan nào thu 50% tiền sử dụng đất còn lại. Riêng Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên đã cho đăng ký cấp đổi được 106 hộ theo tinh thần Thông báo số 249/TB-VPUBND nhưng cũng gặp vướng mắc về mức thu và cơ quan thu…
- Yếu tố hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế đòi hỏi công tác quản lý nhà nước về đất đai của Đảng và Nhà nước ta ngày càng công khai, minh bạch tạo sức hút với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài giúp tăng trưởng kinh tế. Yếu tố hội nhập quốc tế đòi hỏi cán bộ, cơ quan nhà nước thực hiện chính sách quản lý nhà nước về đất đai cần phải tích cực hơn trong công tác quản lý góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, tiếp thu khoa học công nghệ mới và kỹ năng quản lý trên nhiều lĩnh vực góp phần tạo cho nước nhà có đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cả về chuyên môn lẫn quản lý.
Thời gian qua, An Giang luôn quan tâm đến việc thực hiện chính sách quản lý đất đai theo hướng công khai, minh bạch thủ tục hành chính đất đai tạo sức hút với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhiều mặt không ngừng nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, cơ quan nhà nước thực hiện chính sách quản lý nhà nước về đất đai đáp ứng nhu cầu hợp tác quốc tế.
51 2.3.2. Yếu tố vi mô
- Yếu tố năng lực của đội ngũ cán bộ thực thi và người sử dụng đất Chính sách đất đai phải dựa vào chủ thể thực thi chính sách để thực hiện. Việc người thực thi chính sách am hiểu, nắm vững chính sách, đầu tư cho việc thực thi chính sách, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm với công việc và có trình độ quản lý tương đối cao là điều kiện quan trọng để thực thi chính sách có hiệu quả. Trong thực tế, ở mức độ nhất định, việc thực thi chính sách không đạt mục tiêu như mong muốn là do phẩm chất và năng lực của người thực thi chính sách. Việc người thực thi chính sách thiếu tri thức và năng lực cần thiết, không nắm vững chính sách, không nắm được yêu cầu cơ bản của chính sách sẽ dẫn đến sự sai sót, thậm chí là sai lầm trong tuyên truyền và thực thi chính sách.
Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến hiệu quả thấp trong thực hiện chính sách đất đai trên địa bàn tỉnh An Giang đó là năng lực và phẩm chất còn bất cập của một số cán bộ, công chức, còn yếu về năng lực và kỹ năng quản lý chính sách đất đai là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực thi chính sách công hiện nay. Do đó, để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách công hiện nay, cần đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tất cả các khâu của công tác cán bộ, công chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo về phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Để nâng cao năng lực tham mưu, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và phòng chống tiêu cực, hạn chế sai phạm trong lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 07/5/2013 đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể thực hiện và giao cho các Sở, ban ngành, UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện hàng năm.
52
Thực hiện Luật Đất đai 2013, đã thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả và chuyên trách, gồm: Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên và môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai và Trung tâm Phát triển quỹ đất một cấp, hiện đã đi vào hoạt động từ năm 2016. Đây là hệ thống cơ quan có tính phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau để tạo những chuyển biến đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính về đất đai theo hướng chuyển dần sang đăng ký đất điện tử; quản lý chặt chẽ đất công, khai thác hiệu quả tăng nguồn thu cho ngân sách; phát triển công nghệ, tích hợp dữ liệu đa ngành để cung cấp thông tin rộng rãi cho người dân.
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phải chuyển các Trung tâm Phát triển quỹ đất về trực thuộc UBND cấp huyện quản lý.
Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định tổ chức lại các Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND cấp huyện và đi vào hoạt động theo tinh thần của Nghị quyết.
- Yếu tố về nguồn lực thực hiện chính sách quản lý đất đai (cơ sở vật chất, kỹ thuật và nghiệp vụ địa chính; nguồn nhân lực)
Nguồn lực cho thực thi chính sách quản lý đất đai có đầy đủ hay không cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chính sách. Ngay cả khi chính sách được ban hành rất rõ ràng, cụ thể, nhưng nếu cơ quan thực thi chính sách thiếu nguồn lực cần thiết, thì kết quả của việc thực hiện chính sách đó cũng không thể đạt được mục tiêu chính sách như mong muốn. Vì thế, bảo đảm nguồn lực cho thực thi chính sách quản lý đất đai là yếu tố không thể thiếu để thực hiện chính sách này có hiệu quả. Nguồn lực cho thực hiện chính sách quản lý đất đai bao gồm: nguồn lực kinh phí, nguồn lực con người
53
(nguồn nhân lực), nguồn lực thông tin, nguồn lực thiết bị... Theo đó, cần phân bổ kinh phí đủ mức cho thực thi chính sách; đảm bảo nhân lực thực hiện chính sách cả về số lượng và chất lượng, nhất là đảm bảo kỹ năng quản lý và kỹ năng hành chính cho đội ngũ nhân viên thực thi chính sách. Bên cạnh đó, cần đảm bảo nguồn thông tin đầy đủ để cơ quan thực thi chính sách xây dựng được kế hoạch hoạt động khả thi, phù hợp với thực tế cũng như kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Ngoài ra, còn đảm bảo nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thực hiện chính sách và nguồn lực quyền lực cho thực hiện chính sách.
Trong thực tiễn thực hiện chính sách quản lý đất đai liên quan trực tiếp đến lợi ích và cuộc sống của đông đảo người dân, yêu cầu để quản lý số lượng lớn thông tin về loại đất, diện tích, hình thế, vị trí, đối tượng đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ, cơ sở vật chất và kỹ thuật nghiệp vụ, tài lực lớn để đáp ứng với số lượng người sử dụng đất. Đây là các dữ liệu cơ sở quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ khác của công tác quản lý và thực hiện các chính sách quản lý đất đai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang yếu tố nguồn lực còn thiếu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, có nguyên nhân là việc phân bổ và đảm bảo nguồn lực chưa đủ mức. Do đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách đất đai, cần phân bổ nguồn lực đủ mức; thực hiện sự ưu tiên trong phân bổ nguồn lực để thực thi một số chính sách quản lý đất đai liên quan đến lợi ích và cuộc sống của nhiều người dân. Để đảm bảo nguồn lực cho thực thi chính sách này, ngoài sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn lực do nhà nước đầu tư, cần thực hiện xã hội hóa tối đa cũng như sự tham gia của người dân và xã hội để có thêm nguồn lực.
Tỉnh An Giang luôn tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai một cấp, quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu. Năm 2013 được
54
Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cho huyện điểm, tỉnh đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai cho thành phố Châu Đốc tại Quyết định số 1915/QĐ-UBND ngày 09/9/2013 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai một cấp theo chuẩn dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ sở dữ liệu đất đai tập trung tại tỉnh cho huyện Châu Thành và đến nay mô hình này đang vận hành ổn định. Đối với các huyện, thị xã, thành phố còn lại thì tạm thời chuyển đổi, tích hợp dữ liệu phân tán từ cấp huyện thành mô hình tập trung quản lý thống nhất tại Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.
Tranh thủ nguồn vốn vay từ dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG)” tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án
“Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh An Giang” tại Quyết định số 2467/QĐ-UBND ngày 06/9/2016, với tổng kinh phí của dự án là 6,3 triệu USD vay từ Ngân hàng thế giới. Hiện nay dự án này đã hoàn thiện các thủ tục vay vốn, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch tổng thể dự án giai đoạn 2017-2022, kế hoạch thực hiện dự án năm 2019 cho phù hợp với nội dung và Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định số 581/QĐ-BTNMT ngày 12/03/2019, đang lựa chọn đơn vị tư lập thiết kế - dự toán theo kế hoạch được duyệt.