Dữ liệu về sự có mặt của loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys Ogilby, 1840)

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến phân bố của một số loài vượn tại việt nam (Trang 49 - 57)

4.1. Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng phân bố của loài Vượn đen má trắng

4.1.1. Dữ liệu về sự có mặt của loài Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys Ogilby, 1840)

Vượn đen má trắng (VĐMT) là loài Vượn rất quý hiếm, chỉ phân bố ở phía Tây Bắc của Việt Nam, Lào và phía Nam của Trung Quốc (Rawson và cs, 2011)[49]. Dữ liệu về sự có mặt của loài VĐMT ở Việt Nam là khá đầy đủ, khi nhiều cuộc điều tra đã được thực hiện trong những năm gần đây.Tại Lào, thông tin về tình trạng được loài này còn khá ít. Ở Trung Quốc, loài VĐMT có thể đã bị tuyệt chủng cục bộ (Fan Peng-Fei, 2012)[25].

Đề tài đã thu thập được hơn 200 vị trí ghi nhận được loài VĐMT cư trú ở khắp vùng phân bố của loài này tại Việt Nam, Lào và phía Nam của Trung Quốc (hình 4.1). Dữ liệu về các điểm có VĐMT cư trú được thu thập vào nhiều khoảng thời gian khác nhau. Trong đó, có một số điểm ghi nhận được vào khoảng thời gian trước năm 1992, nhưng phần lớn các vị trí ghi nhận được chủ yếu tập trung vào khoảng 20 năm trở lại đây. Các dữ liệu này khá đại diện cho vùng phân bố của loài cả ở Việt Nam, Lào, và Trung Quốc.

Hình 4.1: Các vị trí được ghi nhận có VĐMT cư trún có VĐMT cư trú

a) Dữ liệu về phân bố của loài VĐMT tại Việt Nam

Tại Việt Nam, đề tài đã tổng hợp được hơn 150 địa điểm đã từng có VĐMT cư trú. Điểm cực Bắc ghi nhận được loài này nằm ở KBTTN Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và điểm cực Nam ghi nhận được thuộc KBTTN Kẻ Gỗ. Điều này đúng với dữ liệu phân bố của loài VĐMT đã đươc các tài liệu khác khẳng định. Quần thể Vượn đen má trắng tại Việt Nam bị chia cắt và chủ yếu nằm trong các khu bảo tồn từ phía Bắc tỉnh Sơn La cho đến tỉnh Hà Tĩnh (Nadler và Brockman, 2014)[41]. Về giới hạn về phía Bắc, loài VĐMT có vùng phân bố lên đến các tỉnh Điện Biên, Sơn La và kéo dọc xuống tỉnh Hòa Bình.Giới hạn về phía Nam của loài VĐMT vẫn còn đang tranh cãi.Trước đây, các quần thể Vượn từ VQG Pù Mát trở vào đến KBTTN Kẻ Gỗ được coi là loài Vượn siki.Tuy nhiên, theo Văn Ngọc Thịnh và cộng sự thì dựa vào các nghiên cứu về tiếng hót và về gen của các quần thể thu được ở các khu vực này cho thấy đây là loài VĐMT (Lưu Tường Bách và Rawson, 2011)[39]. Theo quan điểm của Rawson và cộng sự (2011); Nadler và Brockman (2014) thì loài Vượn tại đây được coi là loài VĐMT.

Trước năm 1992, nhiều tài liệu đã ghi nhận được các vị trí xuất hiện loài VĐMT. Theo Nisbett và cộng sự (1993) khu vực xuất hiện loài này chủ yếu ở phía Tây Bắc của Việt Nam, đặc biệt là các khu vực như Chi Nê (Hòa Bình), Mường Lay (Lai Châu), Quan Hóa, Bãi Thượng (Thanh Hóa),Quỳ Châu (Nghệ An) (Lê Thanh An, 2013)[36].

Bảng 4.1: Các điểm ghi nhận được loài VĐMT ở Việt Nam trước năm 1992 theo Nisbett và cs, 1993.

Khu vực/tỉnh Tọa độ

Chi Nê (Hòa Bình) 20o29’N; 105o47’E Mường Lay (Lai Châu) 21o58’N; 103o09’E Quan Hóa (Thanh Hóa) 20o36’N, 104o30’E Bái Thượng (Thanh Hóa) 19o52’N; 105o26’N Quỳ Châu (Nghệ An) 19o33’N; 105o06’E

Từ năm 2000 đến nay, nhiều cuộc điều tra đánh giá tình trạng và phân bố của loài VĐMT đã được thực hiện tại khu vực Tây Bắc và Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Dữ liệu về sự có mặt của loài VĐMT đã được ghi nhận ở nhiều khu vực. Kết quả của các cuộc điều tra gần đây cho thấy quần thể VĐMT ở Việt Nam có ít nhất khoảng 250 đàn (Lưu Tường Bách và Rawson, 2011)[39]. Trong đó, quần thể lớn nhất được ghi nhận tại VQG Pù Mát (Nghệ An), ước lượng có khoảng 130 đàn với 455 cá thể (Lưu Tường Bách và Rawson, 2011)[39].

Khu BTTN Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) là một trong các KBT có diện tích lớn của Việt Nam. Nằm ở khu vực Tây Bắc, KBTTN Mường Nhé là nơi tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Trung Quốc. Trong cuộc điều tra gần đây nhất, Nguyễn Mạnh Hà và cộng sự đã ghi nhận được 16 đàn (Nguyễn Mạnh Hà và cs, 2010)[43]. Các đàn Vượn được ghi nhận chủ yếu tập trung ở các xã Sìn Thầu và xã Chung Chải, huyện Mường Nhé. Số lượng đàn Vượn được phát hiện ở đây có thể chỉ là một phần nhỏ của quần thểloài VĐMT ở KBTTN Mường Nhé, vì cuộc điều tra thực địa chỉ điều tra được khoảng 4.000ha trong tổng số 45.581ha diện tích của KBT. Bên cạnh đó, địa hình phức tạp cũng là nguyên nhân dẫn đến việc điều tra gặp khó khăn. Dựa trên số liệu điều tra và phỏng vấn từ những người dân địa phương thì VĐMT chỉ xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc của KBT (Nguyễn Mạnh Hà và cs, 2010)[43]. Các vị trí ghi nhận được Vượn trong cuộc điều tra thực địa tại KBTTN Mường Nhé đều được thể hiện rõ trên bản đồ.

Tại Khu BTTN Sốp Cộp, quần thể VĐMT được ghi nhận tại một khu rừng thiêng của người H’Mông, thuộc bản Sài Khao, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Quần thể này gồm 1 đàn với số lượng cá thể ước chừng khoảng 5 cá thể (Đồng Thanh Hải và cs, 2013)[12]. Tuy nhiên, vị trí của khu rừng này nằm ngoài ranh giới của KBT. Hiện nay, Ban quản lý KBT và tỉnh Sơn La đang tiến hành công tác quy hoạch gộp khu vực này vào diện tích của KBT. Tọa độ vị trí xuất hiện đàn Vượn đã được ghi nhận lại trong một cuộc điều tra thực tế của tác giả tại KBTTN Sốp Cộp. Trước năm 2000, nhiều địa điểm cũng đã ghi nhận được sự có mặt của loài VĐMT ở Sơn La. Cụ thể, xã Mương Bang, xã Nà Ớt, xã Phiềng Pằn, xã Chiềng Mai, xã Chiềng Ve, huyện Mai Sơn và một số địa điểm tại huyện Thuân Châu cũng đã ghi nhận được VĐMT xuất hiện (Geissmann và cs, 2000)[8].

Khu BTTN Xuân Liên là nơi có tính đa dạng sinh học cao, nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa.Các tài liệu trước đây đã xác nhận được sự có mặt của loài VĐMT tại KBT. Các đàn Vượn được ghi nhận cư trú chủ yếu tại xã Bát Mọt và xã Xuân Liên huyện Thường Xuân (Rawson và cs, 2011)[49]. Trong cuộc điều tra gần đây nhất, KBTTN Xuân Liên đã xác nhận có ít nhất 41 đàn với tổng sốkhoảng 127 cá thể. Các đàn Vượn chủ yếu phân bố ở phía Tây và Tây Bắc của KBT, đây chính là các khu vực còn nhiều diện tích rừng tự nhiên giàu và ít bị tác động (Ban quản lý KBTTN Xuân Liên, 2012)[1].

Khu BTTN Pù Hoạt nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An, có diện tích khoảng 35.000ha, nằm liền kề với KBTTN Xuân Liên. Từ năm 2002, đã có đến 4 cuộc điều tra Vượn được thực hiện tại KBTTN Pù Hoạt (Rawson và cs, 2011)[49]. Trong cuộc điều tra năm 2010, tại đây đã ghi nhận được 5 đàn và ít nhất còn 2-3 đàn khác (Lưu Tường Bách & Rawson, 2010)[38]. Các cuộc điều tra khác của Lê Hữu Oanh và cs (2007); Nguyễn Mạnh Hà (2003); La Quang Trung (2002) đều ghi nhận được tại KBTTN Pù Hoạt có từ 2 đến 5 đàn. Khu vực phân bố chủ yếu ở phía bắc của KBT. Khu vực này là nơi tiếp giáp với khu BTTN Xuân Liên, nơi có quần thể VĐMT còn khá lớn (Rawson và cs, 2011)[49].

Các cuộc điều tra thực địa tại Khu BTTN Pù Huống đều khẳng định vẫn còn có sự xuất hiện các quần thể VĐMT. Trong cuộc điều tra của Nguyễn Mạnh Hà (2005) đã ghi nhận được 7 đàn thuộc khu vực xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Trong khi đó, cuộc điều tra năm 2007 của Văn Ngọc Thịnh và cộng sự đã ghi nhận được 2 đàn tại xã Diễn Châu (Rawson và cs, 2011)[49]. Năm 2009, có khoảng 7 đến 8 đàn VĐMT đã được ghi nhận trong cuộc điều tra của Lưu Tường Bách và cộng sự (Lưu Tường Bách & Rawson, 2009)[37].

VQG Pù Mát là một nơi có quần thể VĐMT lớn nhất trong cả nước.Các điểm ghi nhận được loài Vượn từ năm 1999 về trước là khá rời rạc và được tổng kết lại bởi Giessmann và cộng sự năm 2000 (Lưu Tương Bách & Rawson, 2011) [39].

Một cuộc điều tra linh trưởng khác được tiến hành vào năm 1999 và năm 2004 bởi Hiệp hội Bảo tồn rừng và thiên nhiên. Tuy nhiên, vị trí ghi nhận được các đàn

Vượnlại không được thể hiện trong báo cáo nên không thể xác định được khu vực của các đàn Vượn (Lưu Tường Bách & Rawson, 2011) [39]. Năm 2007, Ruppell đã xác định được vị trí 2 đàn Vượn. Tuy nhiên, các dữ liệu ghi nhận được về vị trí đàn Vượn của cuộc điều tra này không cụ thể và không được ghi trong báo cáo nên rất khó để sử dụng làm dữ liệu về sự có mặt của loài VĐMT. Đến năm 2011, Lưu Tường Bách và Rawson đã tiến hành điều tra và ghi nhận được 22 đàn, ước lượng có khoảng 130 đàn với khoảng 455 cá thể Vượn phân bố ở VQG Pù Mát. Mật độ trung bình được ước lượng khoảng 0,161đàn/km2 (Lưu Tường Bách & Rawson, 2011)[39].Quần thể được ghi nhận tại VQG Pù Mát chủ yếu tập trung ở vùng biên giới Lào và Việt Nam.

VQG Vũ Quang nằm ở phía Tây tỉnh Hà Tĩnh có diện tích 56.915ha, liền kề với khu rừng tự nhiên Hương Sơn. Theo Nguyễn Mạnh Hà và cộng sự (2005), VQG Vũ Quang được ghi nhận có 3 đàn Vượn ở trên địa bàn huyện Hương Khê và Hương Sơn (Rawson và cs, 2011)[49]. Trong cuộc điều tra tiếp theo của Nguyễn Mạnh Hà năm 2011, ít nhất 10 đàn ở khu vực phía Tây Bắc của VQG đã được ghi nhận. Tại khu rừng tự nhiên của huyện Hương Sơn, trong cuộc điều tra của Nguyễn Mạnh Hà năm 2011 đã ghi nhận được ít nhất 3 đàn Vượn ở xã Sơn Kim 2 và 1 đàn ở xã Sơn Hồng. Trước đây, nhiều cuộc điều tra cũng đã ghi nhận được quần thể VĐMT tại khu vực này (Rawson và cs, 2011) [49].

Khu BTTN Kẻ Gỗ nằm trên các huyện Hương Khê, Cẩm Xuyên, và Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh. Quần thể VĐMT ở đây còn có số lượng rất nhỏ. Năm 2010, có 4 đàn với khoảng 8 cá thể được ghi nhận trong KBT (Văn Ngọc Thịnh và cs, 2010) [52].

Tại KBTTN Xuân Nha (tỉnh Sơn La), các đợt điều tra gần đây đều không ghi nhận được sự tồn tại của chúng.Các cuộc điều tra thực địa của Lê Trọng Trải (2003 và 2008), Nguyễn Xuân Đặng (2006-2010) và Nguyễn Mạnh Hà (2011) đều không thu được các dấu hiệu về sự còn có mặt của loài VĐMT tại các khu vực này. Trong khi đó, tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, qua thông tin phỏng vấn người dân thì vẫn còn 2 đàn VĐMT cư trú tại đây. Vị trí ghi nhận được 2 đàn Vượn này nằm ở một thung lũng bị cô lập bởi làng bản và đất nông nghiệp (Rawson và cs, 2011) [49].

Khu BTTN Pù Hu (Thanh Hóa) là khu vực cũng không còn ghi nhận được sự có mặt của loài VĐMT.Các cuộc điều tra trước đây của Nguyễn Xuân Đặng (2008), Nguyễn Mạnh Hà (2005) đều không ghi nhận được loài VĐMT.Đến năm 2009, giám đốc KBT báo cáo có 4 đàn Vượn đã được phát hiện trong KBT.Tuy nhiên, các thông tin này chưa được kiểm chứng và rất có thể loài Vượn đen má trắng đã bị tuyệt chủng cục bộ tại KBTTN Pù Hu (Rawson và cs, 2011)[49].Bên cạnh đó, tình trạng tương tự cũng xảy ra tại VQG Bến En.Năm 2009, nhân viên của VQG xác nhận rằng có một quần thể khoảng 2-3 đàn vẫn còn tồn tại ở bên ngoài ranh giới của VQG.Tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh được điều đó, nên loài VĐMTcó thể đã bị tuyệt chủng cục bộ tại đây (Rawson và cs, 2011)[49].

Các khu vực trước đây đã có Vượn đen má trắng cư trú, nhưng hiện nay đã không còn ghi nhận được gồm KBTTN Hang Kia – Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình (Geissmann và cs, 2000; Lê Khắc Quyết & Lưu Tường Bách, 2009), KBTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông (Lê Trọng Đạt và cs, 2008), Khu BTTN Pù Luông (Lương Văn Hào và cs, 2008; Nadler, 2004); Khe Nét (Văn Ngọc Thịnh, 2010);

Thạch Tượng (Geissmann và cs, 2000) là các khu vực mà loài VĐMT có thể đã bị tuyệt chủng cục bộ (Rawson và cs, 2011)[49].

Bên cạnh đó, các địa điểm của VQG Cúc Phương trước đây cũng được xác nhận có mặt loài VĐMT. Tuy nhiên, đến năm 1993, loài này được coi là đã bị tuyệt chủng tại VQG Cúc Phương (Geissmann và cs, 2000)[8].

b) Dữ liệu về phân bố loài VĐMT ở Lào

Tại Lào, loài VĐMT có vùng phân bố rộng, và có số lượng cá thể rất lớn.

Lào có thể là nơi có số lượng VĐMT còn lại lớn nhất của thế giới (Duckworth, 2008) [23].Theo Văn Ngọc Thịnh và cộng sự, vùng phân bố của loài VĐMT tại Lào là chưa rõ, có thể kéo dài từ phía Đông Bắc Lào tới sông Nam Kading (Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào (MAF), 2011) [40].

Một số khu vực ở Lào đã được tiến hành điều tra và có được dữ liệu về phân bố của loài Vượn đen má trắng.Các điểm ghi nhận được vị trí xuất hiện của loài

VĐMT ở Lào bao phủ khắp các khu vực được cho là có sự xuất hiện của loài VĐMT. Các điểm ghi nhận tập trung ở nhiều khu vực như: ở phía Bắc xuất hiện ở tỉnh Phongsaly, tỉnh có đường biên giới với cả Trung Quốc và Việt Nam. Phía Đông, các điểm chủ yếu được ghi nhận tại tỉnh Houaphanh, và tỉnh Xiangkhouang, tiếp giáp với khu vực Bắc trung bộ của Việt Nam. Ngoài ra, một số điểm khác được ghi nhận ở các tỉnh phía Nam như Bolikhamsai, Viêng Chăn... Các điểm ghi nhận được thể hiện trong hình 4.1.

Khu Bảo tồn đa dạng sinh học Quốc gia (BTĐDSH QG) Phou Den Din nằm ở tỉnh Phongsaly, phía Đông Bắc của Lào, tiếp giáp với khu vực Tây Bắc của Việt Nam. Trong cuộc điều tra thực địa đã xác định được có ít nhất 10 đàn VĐMT phân bố tại đây.Các vị trí ghi nhận được các đàn Vượn cư trú được thể hiện rõ trên bản đồ trong báo cáo (K.Thipphavong, 2013)[35].

Các cuộc điều tra từ khu BTĐDSH QG Nam Et đến khu BTĐDSH QG Phou Leo, có từ 8-15 đàn VĐMT đã được ghi nhận (Duckworth, 2008) [23]. Đây chỉ là một phần nhỏ của các khu vườn quốc gia, toàn bộ quần thể Vượn ở Lào hiện còn chưa rõ (Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp Lào (MAF), 2011)[40].

Trong các cuộc điều tra linh trưởng ở phía Đông và phía Bắc nước Lào, Hamada và cs đã ghi nhận được 15 địa điểm có loài VĐMT xuất hiện (Hamada và cs, 2007)[57]. Các địa điểm này ghi nhận thông qua tiếng kêu nên đang có sự cân nhắc giữa loài Vượn đen má trắng hoặc loài Vượn đen tuyền Tây Bắc (N.concolor).

Tuy nhiên, theo quan điểm về vùng phân bố của loài VĐMT và Vượn đen tuyền tây bắc thì Hamada và cộng sự đã khẳng định đây là các điểm ghi nhận loài Vượn đen má trắng. Bên cạnh đó, Khu BTĐDSH Nam Xam, Phou Khaokhoay, Nam Kading và Nam Theun là các vùng có sự phân bố của loài Vượn đen má trắng (Duckworth, 2008) [23]. Tuy nhiên, dữ liệu về vùng phân bố của loài Vượn đen má trắng chưa rõ ràng, các điểm cụ thể ghi nhận được loài này ngoài tự nhiên vẫn còn rất ít.

c) Dữ liệu về sự phân bố loài VĐMT ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, trước đây loài VĐMT có vùng phân bố rộng ở tỉnh Vân Nam. Trước năm 1970, Vượn là loài rất phổ biến ở Xishuangbanna, 29 trong tổng

số 34 làng tại đây đã ghi nhận được. Đến những năm 1990, số lượng cá thể Vượn đã bị giảm mạnh, một số nơi Vượn có thể đã bị tuyệt chủng cục bộ (Fan Peng-Fei &

Hou Sheng, 2009)[26]. Hiện nay, khu bảo tồn thiên nhiên Xishuangbanna có thể vẫn còn lưu giữ một quần thể nhỏ VĐMT ở Trung Quốc (Fan Peng-Fei & Hou Sheng, 2009; Fan Peng-Fei, 2012)[26][25]. Trong cuộc phỏng vấn năm 2007-2008, tác giả Fan Peng – Fei đã ghi nhận được vị trí của các ngôi làng đã từng xuất hiện loài VĐMT (Fan Peng-Fei & Hou Sheng, 2009) [26]. Tuy nhiên, trong cuộc điều tra thực địa gần đây nhất đã không ghi nhận được bất kỳ một tiếng hót hoặc một dấu hiệu của loài VĐMT ở Trung Quốc Như vậy, có thể loài Vượn đen má trắng vẫn còn có thể xuất hiện ở một số khu bảo tồn hoặc phần rừng còn lại nhưng không được ghi nhận. Tuy nhiên, quần thể còn lại ở đây chắc chắn là rất nhỏ (Fan Peng- Fei, 2012)[25].

Tại Trung Quốc, các dữ liệu ghi nhận về sự có mặt của loài VĐMT được thu thập theo báo cáo của Fan Peng-Fei vào các năm 2009 và 2011. Các vị trí ghi nhận được tập trung chủ yếu ở KBT Xishuangbanna, nơi mà đã được nhiều tài liệu xác nhận đó là vùng phân bố của loài VĐMT (Geissmann et al, 2000; Fan Peng-Fei &

Hou Sheng, 2009; Rawson và cs, 2011; Fan Peng-Fei, 2012)[8][49][25]. Vậy có thể khẳng định, các dữ liệu này chính là nơi ghi nhận của loài VĐMT tại Trung Quốc.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến phân bố của một số loài vượn tại việt nam (Trang 49 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)