Dữ liệu về sự có mặt của loài Vượn má vàng phía nam (Nomascus gabriellae (Thomas, 1909)

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến phân bố của một số loài vượn tại việt nam (Trang 79 - 85)

4.2. Ảnh hưởng của BĐKH đến vùng phân bố của loài Vượn má vàng phía nam

4.2.1. Dữ liệu về sự có mặt của loài Vượn má vàng phía nam (Nomascus gabriellae (Thomas, 1909)

Loài Vượn má vàng xuất hiện tại Nam Lào, Nam Việt Nam và Đông Bắc Campuchia (Geissmann và cs, 2000; Rawson và cs, 2011)[8][49]. Đến năm 2010, loài Vượn má vàng đã được tách thành hai loài khác nhau là Vượn trường sơn và Vượn má vàng phía nam (VMVPN) (Văn Ngọc Thịnh và cs, 2010)[53]. Tại Việt Nam, VMVPN có vùng phân bố kéo dài với giới hạn phía Bắc ranh giới giữa tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai và phía Nam là đến tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận (Rawson và cs, 2011; Nadler và Brockman, 2014)[49][41]. Vì vậy, các điểm ghi nhận được loài VMVPN trong phạm vi trên tại Campuchia và Việt Nam đã được thu thập để làm dữ liệu về sự có mặt của loài VMVPN. Ở Campuchia, VMVPN xuất hiện ở phía Đông Campuchia (Văn Ngọc Thịnh và cs, 2010)[53]. Ranh giới tự nhiên của loài VMVPN và Vượn trường sơn ở Campuchia có thể là khu rừng khộp rụng lá mùa khô(Rawson và cs, 2011)[49].

Hình 4.25:

Hình 4.25: Các vị trí ghi nhận có VMVPN cư trú

a)Dữ liệu về phân bố loài VMVPN ở Việt Nam

Tại Việt Nam, loài VMVPN có vùng phân bố rộng, đồng thời có số lượng quần thể khá lớn và tập trung tại một số khu rừng đặc dụng, mặc dù số lượng quần thể có bị giảm mạnh trong suốt một thập kỷ trước (Nadler & Brockman, 2014)[41].

VQG Cát Tiên, VQG Bù Gia Mập là hai khu vực có quần thể VMVPN lớn nhất, và được coi là trọng điểm bảo tồn loài VMVPN ở Việt Nam (Rawson và cs, 2011)[49].

Bên cạnh đó, tổ hợp rừng đặc dụng gồm VQG Bi Dup – Núi Bà, VQG Chư Yang Sin, VQG Phước Bình cũng là nơi cư trú của một quần thể VMVPN khá lớn, tuy nhiên các cuộc điều tra ở đây vẫn khá ít (Rawson và cs, 2011)[49]. Tại một số khu vực khác, sự xuất hiện của loài VMVPN được ghi nhận nhưng khá lẻ tẻ.

Trước năm 2000, nhiều khu vực đã báo cáo ghi nhận được sự có mặt của loài VMVPN, đặc biệt là tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng (Geissmann và cs, 2000)[8].

Tuy nhiên, các ghi nhận nay đều không thể hiện được vị trí cụ thể ngoại trừ ghi nhận được ở huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông - trước đây thuộc tỉnh Đắk Lắk). Theo Ngô Văn Trí và cộng sự, trong hai năm 1999 và 2000, tại khu vực này đều đã ghi nhận được sự có mặt của loài VMVPN tại suối Đắk Sirr và suối Đắk Klaus. Tọa độ ghi nhận được đều được ghi lại trong báo cáo điều tra Voi tại khu vực tỉnh Đắk Lắk (Geissmann và cs, 2000)[8].

Sau năm 2000, các cuộc điều tra VMVPN ở Việt Nam được tiến hành ở nhiều khu vực khác nhau, các báo cáo đều thể hiện được vị trí ghi nhận được trên bản đồ, đây thực sự là các tư liệu rất tốt cho việc thu thập dữ liệu về sự có mặt của loài Vượn quý hiếm này tại Việt Nam.

VQG Yok Don là khu rừng đặc dụng lớn nhất của Việt Nam, thuộc tỉnh Đắk Lắk với diện tích khoảng 115.000ha. Tuy nhiên, do sinh cảnh ở đây chủ yếu là rừng khộp nên không thích hợp với các loài Vượn (Rawson và cs 2011)[49]. Chỉ có một diện tích nhỏ rừng lá rộng thường xanh là được ghi nhận có loài Vượn cư trú. Năm 2003, một đàn VMVPN đã được ghi nhận ở vị trí có tọa độ 12o50.770’N/107o39.830’E (Ngô Văn Trí, 2003)[15]. Trong báo cáo điều tra linh trưởng của VQG Yok Don (2015), các vị trí có tiếng hót của loài Vượn đã được ghi lại.Như vậy, loài VMVPN có phân bố ở VQG Yok Don.

VQG Chư Yang Sin có diện tích gần 60.000ha, thuộc huyện Lắk và huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. VQG Chư Yang Sin cùng với VQG Bidoup – Núi Bà, lâm trường Lắk và VQG Phước Bình tạo nên một tổ hợp rừng tự nhiên liền dải có diện tích lớn ở khu vực Tây Nguyên. Theo Birdlife (2010) 8 đàn VMVPN đã được ghi nhận trong VQG Chư Yang Sin (Rawson và cs, 2011)[49]. Đến năm 2012, Vũ Tiến Thịnh và cộng sự đã tiến hành điều tra lại quần thể Vượn tại đây và ghi nhận được vị trí của ít nhất 28 đàn nằm trong ranh giới của VQG. Vị trí các đàn Vượn ghi nhận được đều có đầy đủ tọa độ và thể hiện rõ ràng trên bản đồ. Các đàn Vượn ghi nhận được chủ yếu tập trung ở các dạng sinh cảnh rừng lá rộng thường xanh thuộc các xã Hòa Phong, Hòa Lễ của huyện Krong Bông (Vũ Tiến Thịnh và cs, chưa xuất bản)[56].

Tại VQG Bidoup – Núi Bà, các cuộc điều tra gần đây đều khẳng định sự có mặt của loài VMVPN tại khu vực này. Theo Lưu Hồng Trường và cộng sự, có ít nhất 25 đàn VMVPN đã được ghi nhận trong các cuộc điều tra năm 2010 và 2011 (Rawson và cs, 2011)[49]. Trong các cuộc điều tra khác của Văn Ngọc Thịnh và cộng sự thực hiện vào năm 2008 và 2009 cũng đã ghi nhận được vị trí của 17 đàn với khoảng 54 cá thể Vượn thuộc khu vực xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (Văn Ngọc Thịnh và cs, 2009)[51]. Có thể thấy, khu vực này liền kề với VQG Chư Yang Sin, tạo thành một tổ hợp rừng tự nhiên rất lớn, nên chắc chắn số lượng các đàn Vượn ở đây còn lớn hơn nhiều. Theo Hoàng Minh Đức và cộng sự, VQG Phước Bình cũng có ghi nhận được sự xuất hiện của loài VMVPN. Các cuộc điều tra Vượn ở nhiều khu vực khác nhau thuộc VQG đã ghi nhận được tổng số là 4 đàn Vượn (Rawson và cs, 2011)[49].

Khu BTTN Nam Nung nằm trên địa bàn hai huyện Krông Nô và Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.Năm 2010, Đồng Thanh Hải và cộng sự đã tiến hành điều tra thực địa và đã xác nhận được ít nhất 11 đàn VMVPN cư trú tại đây. Hầu hết các đàn có vị trí được xác định đều nằm phía Nam và khu vực trung tâm của KBT (Đồng Thanh Hải và cs, 2011)[11].

Tại khu BTTN Tà Đùng (tỉnh Đắk Nông), sự có mặt của loài VMVPN cũng đã được ghi nhận. Trong cuộc điều tra năm 2010, Hoàng Minh Đức và cộng sự đã tiến hành điều tra tại 19 điểm nghe, trong đó đã ghi nhận được tiếng Vượn hót ở 7 điểm nghe. Các vị trí đàn Vượn xuất hiện đều được tác giả ghi lại tọa độ trong báo cáo. KBTTN Tà Đùng có diện tích rừng tự nhiên lá rộng thường xanh nguyên sinh khá lớn, rất phù hợp với sinh cảnh sống của các loài Vượn. Tuy nhiên, mật độ ghi nhận được Vượn tại đây khá thấp với 0,118 đàn/km2. Việc ghi nhận được ít dấu hiệu của Vượn tại đây được cho là do hai nguyên nhân: thứ nhất là do mức độ săn bắn lớn, làm giảm số lượng quần thể trong vài năm gần đấy; thứ hai là do trong quá trình điều tra gặp phải thời tiết bất lợi (Hoàng Minh Đức và cs, 2010)[32].

Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) là một xã có diện tích rừng tự nhiên còn khá lớn, phía Nam giáp với VQG Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Tại đây, tác giảđã ghi nhận được tọa độ tiếng Vượn kêu trong một cuộc điều tra rừng năm 2014 (Trần Văn Dũng, dữ liệu cá nhân).Vị trí ghi nhận được cách đồn biên phòng Bu Cháp (xã Quảng Trực) khoảng 2km về phía Tây.Đây là khu vực có trạng thái rừng lá rộng thường xanh còn khá tốt, giáp với đường biên giới Campuchia.

Bên cạnh đó, trong báo cáo của Hoàng Minh Đức và cộng sự cũng đã xác nhận có sự xuất hiện của loài Vượn tại xã Quảng Trực (Rawson và cs, 2011)[49].

VQG Bù Gia Mập được biết đến là khu vực có quần thể loài VMVPN lớn nhất Việt Nam (Rawson và cs, 2011)[49]. Mật độ trung bình loài Vượn ghi nhận được trong VQG là khoảng 0,54 đàn/km2. Quần thể Vượn trong toàn VQG vào khoảng176 đàn với 380 cá thể (Hoàng Minh Đức và cs, 2010)[33]. Toàn bộ các điểm ghi nhận được vị trí của loài VMVPN đều được thể hiện rõ ràng trên bản đồ trạng thái rừng và bản đồ địa hình của VQG Bù Gia Mập. Đây thực sự là các dữ liệu rất có giá trị trong việc thu thập và tổng hợp dữ liệu về sự có mặt của loài Vượn quý hiếm này.

VQG Cát Tiên nằm ở phần cuối cùng của dãy Trường Sơn và vùng Đông Nam bộ, giữa hai vùng địa lý từ vùng cao xuống vùng đồng bằng nên hệ thực vật và động vật hết sức phong phú và đa dạng. VQG Cát Tiên gồm có hai phân khu:

phânkhu Cát Lộc và phân khu Nam Cát Tiên. Cùng với VQG Bù Gia Mập, VQG Cát Tiên là một trong hai địa điểm bảo tồn VMVPN quan trọng nhất của Việt Nam.Hiện trạng loài VMVPN tại VQG Cát Tiên là khá tốt.Khu vực Nam Cát Tiên có khoảng 290 cá thể và khu vực Cát Lộc có khoảng 190 cá thể. Toàn VQG Cát Tiên có khoảng 480 cá thể thuộc 149 đàn Vượn (VQG Cát Tiên, 2004)[16]. Các điểm ghi nhận được loài VMVPN đều được thể hiện rõ tọa độ trên bản đồ.

Khu BTTNVH Đồng Nai cùng với VQG Cát Tiên tạo thành một tổ hợp rừng tự nhiên có diện tích khá lớn, là nơi phân bố của nhiều loài động vật quý hiếm.Năm 2010, 15 đàn VMVPN đã được ghi nhận với ít nhất là 31 cá thể. Hầu hết các đàn ghi nhận được đều tập trung ở khu vực Vĩnh An, có một đàn duy nhất được ghi nhận ở khu vực Mã Đà (Nguyễn Mạnh Hà và cs, 2010)[44].

KBTTN Núi Ông (Bình Thuận) có diện tích khoảng 25.000ha.Trong cuộc điều tra năm 2009 và 2010, tại đây đã ghi nhận được ít nhất 3 đàn VMVPN. Tuy nhiên, số lượng cá thể lại không được rõ (Hoàng Minh Đức, 2010)[31].

Một số địa điểm ghi nhận được có sự xuất hiện của loài VMVPN tại Việt Nam là: lâm trường Lộc Bắc (Lâm Đồng), lâm trường Ninh Sơn (Ninh Thuận), KBTTN Hòn Bà (Khánh Hòa), lâm trường Khánh Hòa (Khánh Hòa), KBTTN Easo (Đắk Lắk), Khu đề xuất BTTN Ayunpa (Gia Lai) (Rawson và cs, 2011)[49]. Tuy nhiên, các thông tin ghi nhận được trong tại các khu vực này đều rất chung chung, chỉ báo cáo là có ghi nhận được tại các khu vực trên, không thể hiện rõ vị trí ghi nhận. Các khu vực này đều ghi nhận được số lượng đàn khá ít, hiện chưa có cuộc điều tra Vượn thực sự tại các khu vực trên.

Một số khu vực được cho là đã được ghi nhận loài VMVPN nhưng hiện nay có thể đã bị tuyệt chủng cục bộ như huyện Easup, Ea H’leo, M’drak (tỉnh Đắk Lắk), huyện Krong Nô, Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) (Rawson và cs, 2011)[49]

b) Dữ liệu về phân bố loài VMVPN ở Campuchia

Campuchia là nơi còn có loài VMVPN phân bố với số lượng lớn nhất thế giới (Rawson và cs, 2011)[49]. Các cuộc điều tra Vượn đã được tiến hành tại Khu bảo tồn đa dạng sinh học Seima (SBCA), khu bảo tồn động vật hoang dã (KBTĐVHD) Phnom Prich và một số khu vực khác. Dữ liệu ghi nhận về vị trí xuất

hiện của loài VMVPN là khá phong phú và được thu thập từ nhiều báo cáo khác nhau. Các dữ liệu thu thập được đều nằm trong khu vực mà các tác giả khẳng định chắc chắn là loài VMVPN.

SBCA được thành lập từ năm 2002 với tổng diện tích là 303.400ha.Vùng lõi của SBCA có diện tích là 155.500 ha, thuộc tỉnh Mondulkiri, vùng đệm nằm trên cả hai tỉnh Mondulkiri và Kratie (Campuchia).SBCA là khu vực bảo tồn các loài động vật hoang dã rất quan trọng của Campuchia trong đó có loài VMVPN.Đây là khu vực có số lượng VMVPN lớn nhất trong các khu vực có loài này phân bố. Theo ước lượng trong các cuộc điều tra gần đây, tại đây mật độ Vượn vào khoảng 0,74 đàn/km2. Số đàn Vượn ước lượng có phân bố tại khu vực này là khoảng 432-832 đàn. Các vị trí ghi nhận được loài VMVPN xuất hiện đều được thể hiện rõ trên bản đồ (Pollard và cs, 2007)[24].

KBTĐVHD Phnom Prich nằm ở phía Tây tỉnh Mondulriki, phía Đông Bắc của Campuchia.KBT Phnom Prich có diện tích là 222.500ha.Các dạng sinh cảnh chính của KBT Phnom Prich là rừng rụng lá, rừng thường xanh và rừng hỗn giao tre nứa. Trong các cuộc điều tra thực địa, tổng cộng có 57 đàn Vượn đã được ghi nhậnvà ước lượng có khoảng 149 đàn phân bố tại đây. Các đàn Vượn ghi nhận được chủ yếu nằm ở khu vực phía Nam và phía Đông của KBTĐVHD Phnom Prich. Sinh cảnh loài VMVPN phân bố tại khu vực này chủ yếu là rừng lá rộng thường xanh và rừng nửa rụng lá (Phan Channa và Gray, 2009)[47].

Tại KBTĐVHD Lomphat và Prey Khiêu không ghi nhận được sự có mặt của loài VMVPN (Phan Channa và Gray, 2009[47] Một số khu vực khác như KBTĐVHD Snoul và Nam Lyr cũng có thể có loài VMVPN phân bố, nhưng do quá ít các cuộc điều tra nên không có dữ liệu ghi nhận.

Một phần của tài liệu Đánh giá tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến phân bố của một số loài vượn tại việt nam (Trang 79 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(139 trang)