Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.4. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI THỊ XÃ SÔNG CẦU, TỈNH PHÚ YÊN
3.4.1. Hoàn thiện cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước
Trong xây dựng nông thôn mới, Nhà nước thực hiện vai trò định hướng bằng các cơ chế, chính sách; vai trò chỉ đạo qua bộ máy điều hành, điều phối và vai trò hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, tổ chức,... Vai trò đó được thể hiện bằng các chủ trương, cơ chế chính sách rất đồng bộ của Đảng, Chính phủ và các bộ ban ngành. Kết quả nghiên cứu trên địa bàn thị xã Sông Cầu cho thấy:
- Hiệu quả công tác quy hoạch chưa cao, tình trạng sao chép quy hoạch, chưa khách quan trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn và các xã vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện cũng như rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
- Các cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực để đầu tư hạ tầng cơ sở mở nông thôn vẫn còn thiếu và chưa tạo được sự đột phá, nguồn lực đầu ngân sách nhà nước (kể cả vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác) còn quá thấp so với yêu cầu, huy động trong dân rất khó khăn, huy động từ các doanh nghiệp không nhiều.
- Chưa huy động được tối đa các nguồn lực xây dựng nông thôn mới như nguồn lực con người, nguồn lực vị trí địa lý, nguồn lực nghề truyền thống của các địa phương, nguồn lực xã hội hóa bên ngoài địa phương.
- Cần có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích việc ứng dụng khoa học công nghệ, thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào nông thôn và phát triển kinh tế nông thôn.
3.4.1.1. Rà soát, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện quy hoạch
Quy hoạch và thực hiện Quy hoạch mặc dù trên địa bàn thị xã Sông Cầu kết quả đạt được 100% các xã đã hoàn thành công tác quy hoạch nhưng qua điều tra cho thấy:
(i) Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao; (ii) Các xã không có bộ phận chuyên trách nghiên cứu, xây dựng quy hoạch; (iii) Chưa xác định được đúng tiềm năng thế mạnh khả năng phát triển nền kinh tế hàng hóa của từng địa phương, từng vùng; (iv) Việc quy hoạch chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nặng về quy hoạch cơ sở hạ tầng, nhẹ phát triển kinh tế; (v) Sự tham gia của người dân và cộng đồng dân cư còn hạn chế;
(vi) Chưa có sự liên kết giữa các vùng miền gắng vào thế mạnh từng vùng. Vì vậy, trong thời gian tới để hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới và nâng cao hơn nữa chất lượng tiêu chí 01 cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau:
- Xây dựng hướng dẫn riêng về công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch để đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế, làm nổi bật thế mạnh của
từng vùng ở nông thôn.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch để phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch của Thị xã và nội dung tiêu chí mới, điều kiện mới xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương.
- Quy hoạch cần phải tính đến việc phát triển bền vững, đặc biệt là bảo vệ môi trườngsinh thái, cần tính đến phương án chống và thích ứng biến đổi khí hậu nước biển dâng nhất là vùng đầm vịnh ven biển trên địa bàn Thị xã Sông Cầu.
- Huy động sự tham gia của người dân, của cộng đồng vào toàn bộ quá trình thực hiện công tác quy hoạch. Tiếp thu, nghiên cứu và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, phát huy được thế mạnh của địa phương. Tổ chức đấu thầu trong công tác lựa chọn đơn vị tư vấn để có thể huy động những đơn vị có chuyên môn cao, có hiểu biết tốt về nông thôn, nông nghiệp tham gia thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch trong thời gian tới.
3.4.1.2. Phát huy nguồn lực xây dựng nông thôn mới
- Chính sách hỗ trợ, định mức, tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới xuất phát từ nguồn ngân sách nhà nước ưu tiên lựa chọn triển khai các công trình hạ tầng cơ bản, thiết yếu: giao thông, điện, thủy lợi, nước sạch, trường học, trạm xá (vùng sâu, vùng cao), ưu tiên cho công trình ở cấp thôn hoặc trực tiếp gắn với phát triển sản xuất và đời sống thường nhật của người dân. Trong đó, chú trọng thực hiện các nội dung cần ít vốn nhưng có hiệu quả cao, phù hợp với nguyện vọng của người dân và nguồn lực có thể huy động. Việc lựa chọn ưu tiên nâng cấp công trình hiện có, nhất là các công trình phục vụ sản xuất cần được chú ý.
- Cần phân cấp mạnh hơn cơ chế tự chủ về tài chính, tự chủ trong việc huy động nguồn vốn gắng liền với trách nhiệm, tạo chủ động nhiều hơn cho thị xã Sông Cầu huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Tập trung phân bổ gắn với trọng điểm đầu tư tránh tình trạng đầu tư manh mún ít hiệu quả. Cần kéo dài hơn một số cơ chế chính sách trong xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi...để phát huy một số thành tựu đạt được trong thời gian qua.
- Ngoài ra, thị xã Sông Cầu cần kiến nghị cấp trên có cơ chế khuyến khích hơn nữa các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với việc tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng nông thôn, cần nâng cao ý thức của người dân cũng như đào tạo các kỹ năng xác định các cơ sở hạ tầng cần thiết và kỹ năng giám sát chất lượng các dự án phát triển kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ tại địa phương để góp phần nâng cao được hiệu quả vốn đầu tư.
- Đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng. Có chính sách phù hợp thu hồi đất để tạo vốn hỗ trợ cho xây dựng công trình
hạ tầng, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án kinh doanh. Nhà nước có thể thực hiện chính sách giao đất không thu tiền đối với diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng do nhà đầu tư trúng thầu. Hỗ trợ nhà đầu tư một phần vốn đầu tư dự án bằng tiền hoặc vật tư cũng như thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm theo hướng Nhà nước đầu tư vốn, người dân đóng góp thêm vốn hoặc nhân công. Khuyến khích, vinh danh các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhiều đóng góp cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
- Nguồn lực về tài chính: Chính sách huy động vốn từ trong nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa; Khuyến khích thu hút nguồn vốn từ liên doanh liên kết - liên kết 5 nhà; Coi trọng nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa; Đẩy mạnh thu hút nguồn hỗ trợ, kể cả hỗ trợ từ thân nhân người Việt, người nước ngoài…Cần thiết phải phân bổ lại nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực, ưu tiên trong cơ cấu vốn và nguồn vốn đối với phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất.
- Nguồn lực về con người: Cần hỗ trợ các xã trong đào tạo nhân lực quản lý, công nhân kỹ thuật, đào tạo nghề...; Có chính sách đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý cấp xã, kết hợp kinh nghiệm của người địa phương và vận dụng kiến thức khoa học phát triển trong sản xuất hàng hóa ở nông thôn; có chính sách khuyến khích thu hút những người tài, tâm huyết về phục vụ quê hương đặc biệt là nguồn trí thức trẻ có ngành nghề phù hợp với nhu cầu địa phương đang cần.
- Nguồn lực về khoa học kỹ thuật: Có chính sách khuyến khích sự hợp tác của 5 nhà tăng cường sự trợ giúp của doanh nghiệp trong việc cung cấp các mô hình nuôi, trồng hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa. Doanh nghiệp chủ động kết hợp với nông dân đầu tư cây con, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn cách chăm sóc và thu hoạch sản phẩm của nông dân. Nhà nước có hỗ trợ cho nông dân trong nghiên cứu cơ bản, xây dựng quy hoạch chi tiết, xác định phát triển cây, con gì có hiệu quả; Nhà nước hỗ trợ mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến phát triển tại địa phương theo cơ chế các doanh nghiệp đầu tư khoa học - kỹ thuật vào nông thôn cùng hưởng lợi, cung cấp bí quyết kỹ thuật nuôi trồng sản phẩm và bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra.
- Nguồn lực về vị trí địa lý và nghề truyền thống của địa phương: Thị xã Sồng Cầu nên có chính sách nghiên cứu cơ bản về lợi thế của từng xã về vị trí địa lý, các nghề truyền thống của từng xã. Đặc biệt là lợi thế thu hút đầu tư về du lịch gắn kết phát triển kinh tế biển. Phải xác định đây là nguồn lực, thế mạnh của từng xã cần có chính sách phát triển mạnh làng nghề, đồng thời quy hoạch, xây dựng làng nghề thành các khu, cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp tại nông thôn.
3.4.1.3. Thu hút đầu tư về nông thôn
Để nâng cao thu nhập của người dân cũng như tạo công ăn việc làm ổn định giảm đi tình trạng chuyển dịch cơ cấu dân số vào các đô thị lớn để tìm việc làm. Vì vậy, Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế của ngành, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Vì động lực thật sự, những toa tàu kéo đích thực của phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn này phải là doanh nghiệp. Với hiểu biết về thị trường, kiến thức và kỹ năng về quản lý, chỉ có họ mới có đủ năng lực để
“kéo” chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn đi lên từ đó thúc đẩy phát triển nông thôn mới tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân và thu hút nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các hạ tầng vùng nông thôn. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp cụ thể sau:
Chính sách về đất đai: Trên địa bàn thị xã Sông Cầu, đất đai vẫn đang là cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, đất đai phục vụ sản xuất trên diện rộng không nhiều, gây trở ngại lớn trong việc phát triển sản xuất trên quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật tiên tiến. Ở thị xã Sông Cầu các doanh nghiệp đều khó khăn do quỹ đất không đủ để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Vì vậy, Nhà nước có chính sách tạo quỹ đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tiền thuê đất tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, có đủ đất đai để tiến hành sản xuất. Bình quân đất sản xuất nông nghiệp tính trên đầu người rất thấp, cả nước khoảng 0,7 héc-ta, trong khi đó, do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội một phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển thành đất phi nông nghiệp. Do vậy, để có quỹ đất đủ lớn cho sản xuất, doanh nghiệp cần tăng cường mối liên kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác với nông dân để đầu tư phát triển nông nghiệp, đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên: Nhà nước - doanh nghiệp và nông dân.
Chính sách thuế: Xem xét điều chỉnh các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp vào Danh mục thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 0%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, cho phép doanh nghiệp được khấu từ thuế GTGT đầu vào khi thu mua nông sản của nông dân mà không có hóa đơn.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông nông thôn… làm nền tảng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, nhiều địa phương không có đủ ngân sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng nên nhiều doanh nghiệp phải tự bỏ vốn xây dựng dẫn đến chi phí đầu tư cao, làm giảm động lực đầu tư vào nông nghiệp của doanh nghiệp.
Chính sách tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay. Cần hình thành quỹ đầu tư, bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng chuồng trại chăn nuôi, nhà kính làm tài sản thế chấp để vay vốn tín dụng tại ngân hàng.
3.4.1.4. Linh hoạt trong đánh giá mức độ đạt của một số tiêu chí phù hợp với điều kiện vùng, miền và từng địa phương
Hiện nay các xã trên địa bàn Thị xã Sông Cầu với ba vùng sinh thái và đối với mỗi vùng có những hạn chế, khó khăn riêng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới như: (i) Vùng đồng bằng với số dân số tập trung đông, một số tập quán chôn cất mai táng của bà con vẫn còn mang tính truyền thống nên khó khăn trong việc thực hiện tiêu chí môi trường, khó khăn trong việc dành quỹ đất để thực hiện đầu tư các nhà văn hóa xã và nhà văn hóa thôn. (ii) Vùng đồng bằng xen kẽ vùng sâu, vùng xã chủ yếu các xã như Xuân Lâm, Xuân Bình, Xuân Lộc có địa bàn rộng lớn là núi rừng, gặp khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông và thủy lợi…..(iii) vùng bãi ngang ven biển thì dân cư tập trung thành nhóm tụ tại một khu vực và rãi rác nên khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về giao thông, môi trường…..Vì vậy, cần có những chính sách đặc thù để hộ trợ những vùng đặc biệt khó khăn trong việc thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, cần có những chính sách lồng ghép phù hợp như việc không bắt buộc phải xây dựng hết cơ sở vật chất nhà văn hóa mà cần có cơ chế vận dụng các điểm công cộng hiện có để giảm tải áp lực vốn đầu tư công trình và cần có sự linh hoạt trong đánh giá mức độ đạt của các tiêu chí phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng và địa phương.