CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI CHÍNH SÁCH CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG TẠI HUYỆN A LƯỚI
3.5.1. Cơ sở đề xuất giải pháp
Từ kết quả phân tích những thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân cốt lõi và vai trò của các bên liên quan trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ ra những hạn chế cụ thể:
- Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Trong tiêu chí chi trả tiền DVMTR chưa có tiêu chí đánh giá đến chất lượng rừng cung ứng, do vậy trách nhiệm của chủ rừng trong quản lý bảo vệ rừng chưa cao và còn thụ động, ỷ lại vào cơ quan chức năng.
- Đến nay, chủ rừng vẫn chưa hiểu cụ thể cách thức xác định tiền chi trả hàng năm, xác định hệ số K cho từng lô rừng, phần lớn chủ rừng không nắm được trình tự thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR.
- Các bên liên quan chỉ mới tập trung nâng cao năng lực cho chủ rừng thông qua BQL rừng cộng đồng, nhóm hộ chứ chưa triển khai đầy đủ cho từng thành viên của chủ rừng.
- Thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR còn quá phức tạp với chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư.
- Ủy ban nhân dân xã còn thụ động trong quá trình thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
- Hạt Kiểm lâm vẫn đang là đơn vị lập thủ tục thanh toán cho nhóm chủ rừng hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư
- Năng lực, trình độ và kỹ năng của cộng đồng cũng là rào cản lớn trong quá trình thực hiện lập thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR trên địa bàn huyện A Lưới.
3.5.2. Các giải pháp cụ thể 3.5.2.1. Về chính sách
Một là: Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên tham gia thực thi chính sách chi trả DVMTR. Ví dụ: hạt Kiểm lâm ngoài nhiệm vụ được giao cần giao thêm nhiệm vụ cụ thể trong thực thi chính sách là chủ trì kiểm tra, giám sát việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng; UBND xã xây dựng các mô hình phát triển sinh kế hiệu quả gắn với việc sử dụng tiền DVMTR; Đối với bên sử dụng dịch vụ cần tham gia vào quá trình kiểm tra chất lượng dịch vụ; Đối với chủ rừng không thực hiện tốt trách
nhiệm của mình để rừng bị phá, bị khai thác trái phép cần gia hạn thời gian chi trả từ 03 – 06 tháng hoặc 12 tháng.
Hai là: Cần quy định các điểm trừ tính vào hệ số K thành phần là mức độ rừng bị tác động để đánh giá khi chủ rừng để xảy ra tình trạng rừng bị khai thác trái phép trên từng lô rừng được giao quản lý.
Ba là: Với nhiệm vụ được giao và kinh phí hiện hưởng, cần bổ sung thêm nhiệm vụ làm đầu mối lập thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR cho Quỹ BV&PTR cấp tỉnh khi chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư không thể tự thực hiện được.
Bốn là: Quy định hỗ trợ kinh phí cụ thể từ Quỹ BV&PTR đối với Hạt Kiểm lâm huyện, Ủy ban nhân dân xã khi thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; Xây dựng bản đồ chi trả DVMTR và Xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR của chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư.
3.5.2.2. Đối với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng
Một là: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các bên có liên quan nhằm tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR bằng các hình thức và nội dung thiết thực nhằm nâng cao nhận thức sâu rộng trong các cấp chính quyền, cơ quan đoàn thể, các đối tượng sử dụng dịch vụ và đối tượng được chi trả tiền DVMTR. Các hình thức tuyên truyền nên đa dạng, phong phú, dễ hiểu gắn với đời sống của nhân dân và phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để họ hiểu được vai trò cũng như những lợi ích mình sẽ nhận được. Các hoạt động này cũng nên được tổ chức thường xuyên. Đồng thời, tăng cường hướng tổ chức tập huấn, hướng dẫn chủ rừng thực hiện thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR đến khi các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ và cộng đồng dân cư có thể thực hiện thành thạo.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tiếp tục nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát cho cán bộ trực tiếp tham gia thực hiện chính sách chi trả DVMTR của Hạt Kiểm lâm và UBND xã nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách chi trả DVMTR tại địa phương.
Hai là: Đơn giản hóa thủ tục thanh toán tiền DVMTR trên cơ sở:
(1) Kết quả theo dõi DBTNR hàng năm và bản đồ chi trả DVMTR cho hạt Kiểm lâm phối hợp lập;
(2) Quỹ BV&PTR tỉnh Thừa Thiên Huế lập cơ sở dữ liệu để tính toán tổng diện tích quy đổi cho từng chủ rừng, đồng thời thông báo kết quả đến từng chủ rừng gồm:
diện tích rừng cung ứng, diện tích rừng sau quy đổi theo hệ số K và đơn giá theo lưu vực trong năm sau khi việc xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR do Hạt Kiểm lâm huyện tổng hợp hoàn thành.
56
(3) Chủ rừng lập giấy đề nghị thanh toán trên cơ sở thông báo kết quả xác định diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường của Quỹ BV&PTR và xây dựng kế hoạch sử dụng tiền chi trả DVMTR của chủ rừng.
Ba là: Nghiên cứu áp dụng thanh toán chi trả tiền DVMTR bằng hình thức chi trả trực tuyến trên cơ sở đơn giản hóa thủ tục như trên. Bởi hầu hết các chủ rừng đều sở hữu, sử dụng được điện thoại thông minh và có kết nối internet một cách thành thạo
Bốn là: Trước mắt, khi chưa thể thực hiện được các giải pháp hai và ba trên cần có phương án tăng kinh phí hỗ trợ cho đơn vị làm đầu mối chi trả tại địa phương. Qua khảo sát, phần lớn chủ rừng đồng ý trích từ 2% đến 3% kinh phí họ được nhận để Hạt Kiểm lâm huyện lập thay thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR.
3.5.2.3. Đối với Hạt Kiểm lâm
Hạt Kiểm lâm với nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp trên phạm vi địa bàn được giao quản lý, cần thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:
Một là: Rà soát, kiện toàn lại Ban quản lý rừng để nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý điều hành trong các cộng đồng, nhóm hộ. Tăng cường phối hợp với các bên có liên quan để truyền thông, tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục pháp luật về Lâm nghiệp và các văn bản liên quan đến chính sách chi trả DVMTR nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng của cấp ủy, chính quyền cơ sở, chủ rừng và người dân địa phương.
Hai là: Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát kế hoạch quản lý bảo vệ rừng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của chủ rừng.
Ba là: Tiếp tục sử dụng hiệu quả công nghệ GIS và viễn thám trong công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm xác định chính xác diện tích rừng được chi trả DVMTR hàng năm.
Bốn là: Triển khai hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Quyết định số 62/2019/QĐ- UBND ngày 07/10/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, về việc ban hành quy chế quản lý rừng cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
3.5.2.4. Đối với Uỷ ban nhân dân xã
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn, cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp sau:
Một là: Có kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến đầy đủ cho người dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về các nội dung liên quan đến chính sách chi trả DVMTR.
Hai là: Chủ động theo dõi, hướng dẫn, giám sát, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng cộng đồng; chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn huyện để hỗ trợ cho các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng đồng dân cư thực thi quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ rừng.
Ba là: Tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ rừng của chủ rừng, đồng thời tìm kiếm các mô hình phát triển sinh kế hiệu quả trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh nhằm khuyến khích chủ rừng sử dụng kinh phí chi trả DVMTR lồng ghép với các nguồn hỗ trợ khác để tham gia phát triển sản xuất gắn với diện tích rừng giao tạo công ăn việc làm từng bước tạo lập sinh kế cho người dân sống được bằng nghề rừng, tăng thêm thu nhập và bảo vệ rừng bền vững.
3.5.2.5. Đối với chủ rừng
Một là: Thành lập hoặc liên kết với các chủ rừng khác trong địa phương để thành lập 01 nhóm hỗ trợ có kỹ năng, kiến thức và có thể dễ dàng tiếp cận với thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR được quy định như hiện nay. Đồng thời mua sắm trang thiết bị phục vụ cần thiết như máy vi tính, máy in, mạng internet…
Hai là: Khi không thể thành lập nhóm hỗ trợ thì đề xuất UBND xã, hạt Kiểm lâm huyện hoặc Quỹ BV&PTR tỉnh đứng ra thuê giúp 01 đơn vị tư vấn lập thủ tục thanh toán tiền chi trả DVMTR, kinh phí hai bên tự thỏa thuận.
Ba là: Với vai trò là bên bán dịch vụ, chủ rừng cần thiết phải xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động bảo vệ rừng được giao một cách hiệu quả, đồng thời có phương án làm giàu rừng từ kinh phí chi trả DVMTR để ngày càng nâng cao giá trị, chất lượng dịch vụ được cung cấp.
58