CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.5. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT NGHĨA TRANG, NGHĨA ĐỊA HỢP LÝ
Xuất phát từ thực trạng các vấn đề về đất nghĩa trang nghĩa địa trên địa bàn huyện Thạch Hà, từ nhu cầu bức bách hiện nay và để thực hiện công tác quản lý và sử dụng đất nghĩa trang nghĩa địa một cách hợp lý, tiết kiệm đất và bảo vệ môi trường, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
3.5.1. Giải pháp quản lý
3.5.1.1. Hoàn thiện công cụ quản lý về đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn huyện Thạch Hà
Sớm ban hành các văn bản quy định việc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn. Hiện nay, các văn bản quy định về việc quản lý, sử dụng và quy hoạch trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung và huyện Thạch Hà nói riêng hầu như chưa có. Do đó, người dân vẫn xem nhẹ vấn đề quản lý của cấp xã, cấp huyện, vẫn xãy ra tình trạng chôn cất tự phát trên địa bàn huyện. Cần phải có các quy định cụ thể, nghiêm ngặt về việc xử lý các trường hợp chôn cất trái nơi quy định.
Cần bổ sung các quy hoạch chi tiết, kế hoạch cụ thể về việc di dời, giải tỏa mồ mả trên địa bàn huyện để việc di dời đảm bảo hiệu quả. Trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất nghĩa trang, nghĩa địa.
Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Thực hiện việc công khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Huyện nên có kế hoạch sử dụng các diện tích đất nghĩa địa sau khi giải tỏa cũng như tính đến các phương án về quỹ đất để di dời số lượng lăng mộ lớn như hiện nay.
3.5.1.2. Nâng cao trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn
Để đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa một các phù hợp UBND các xã, thị trấn cần sớm triển khai thông báo công khai những khu vực đã được quy hoạch cho nhân dân được biết. Đồng thời, gắn bảng cấm chôn cất tại các khu vực đã đóng cửa nghĩa trang. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, chiếm dụng đất để làm mộ gió, mộ giả, bao lấn đất hoặc mua bán đất NTD bất hợp pháp.
Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện và ngăn chặn từ đầu hành vi chôn cất trái quy định, giải thích cụ thể các nội dung liên quan đến công tác quy hoạch đối với các khu vực nói trên. Kiên quyết buộc gia đình phải đưa vào các vị trí chôn cất theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến công tác di dời, giải tỏa về sau.
Mỗi xã thành lập ít nhất một ban quản trang để vừa bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh vừa theo dõi, quản lý chặt chẽ việc chôn cất theo quy định.
3.5.1.3. Xử lý những tồn tại trong việc quản lý nghĩa trang, nghĩa địa
Để thống kê các nghĩa địa nhỏ lẻ nằm rãi rác trong khu dân cư, xen kẽ giữa các các loại hình sử dụng đất khác; thuận tiện cho việc quy hoạch, di dời sau này. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn cần xử lý những tồn tại trong việc quản lý nghĩa trang, nghĩa địa:
- Đối với nghĩa trang nhân dân chưa được quy hoạch xây dựng đồng bộ: UBND xã, thị trấn xác định lại ranh giới, phân khu chức năng, khu mộ, hàng mộ trong các nghĩa trang do mình quản lý, mỗi xã chỉ quy hoạch tập trung tối đa là hai khu vực nghĩa trang.
- Đối với các nghĩa trang do dòng họ, gia đình quản lý: UBND các xã, thị trấn thống kê các nghĩa trang, khu mộ do dòng họ, gia đình quản lý trên địa bàn; xác định lại ranh giới từng nghĩa trang, khu mộ; hướng dẫn và yêu cầu các dòng họ, gia đình thực hiện quản lý, sử dụng nghĩa trang theo quy định. UBND cấp xã kiểm soát, không cho phép việc thành lập mới và mở rộng ranh giới nghĩa trang, nghĩa địa của các dòng họ, gia đình.
3.5.1.4. Sử dụng tiết kiệm quỹ đất bằng cách quản lý hạn mức sử dụng đất mai táng Tăng cường công tác quản lý đất đai tại các nghĩa trang, nghĩa địa bằng việc quy định cụ thể hạn mức sử dụng đất mai táng, đất cải táng và phổ biến đến từng người dân thông qua hệ thông truyền thông huyện, xã để từng bước vận động làm thay đổi tập quán trong nhân dân về việc mai táng, chôn cất.
Giao cho các thôn xóm xây dựng quy ước, hương ước trong đó có đưa ra quy ước, bản cam kết chôn cất đúng theo hạn mức sử dụng đất theo quy định chung của
tỉnh, của huyện khi người dân tới làm các thủ tục trình báo, khai tử. Nếu người dân làm sai bản cam kết thì xử lý vi phạm đó theo quy ước đề ra.
3.5.2. Giải pháp quy hoạch
3.5.2.1. Hoạch định hệ thống nghĩa trang liên vùng
Căn cứ vào chiến lược phát triển khinh tế - xã hội của huyện để quy hoạch hệ thống nghĩa trang liên xã, đối với những xã có khu nghĩa trang gần kề nhau và đang hoạt động thì kết hợp lại để quy hoạch thành một nghĩa trang nhằm thuận tiện trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, như nghĩa trang khu vực Bãi Cát xã Thạch Lưu và Thạch Đài, Thạch Ngọc và Ngọc Sơn, Bắc Sơn và Thạch Vĩnh...
3.5.2.2. Lập quy hoạch chi tiết đất nghĩa trang, nghĩa địa
Căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn phương án quy hoạch phù hợp. Tùy theo thực trạng những nghĩa trang, nghĩa địa khác nhau để đề xuất các quy hoạch chi tiết khác nhau.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có một số xã thực hiện việc quy hoạch chi tiết nghĩa trang, nghĩa địa theo chương trình xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, đang thiên về hình thức là chủ yếu. Thời gian tới, UBND huyện cần có chỉ đạo tát cả các xã, thị trấn lập quy hoạch chi tiết nghĩa trang nghĩa địa và quản lý quy hoạch một cách nghiêm ngặt; tất cả mọi người dân đều phải chôn cất theo đúng quy hoạch. Đối với những khu vực mộ đã tồn tại từ trước thì cần có giải pháp để quy tập về các khu nghĩa trang đã được quy hoạch. Cần quan tâm quy hoạch nghĩa trang một cách đồng bộ.
3.5.2.3. Sử dụng công nghệ mai táng
Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công viên nghĩa trang Phúc Lạc Viên – Đài hóa thân Hoàn Vũ đã đi vào hoạt động. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có chính sách hỗ trợ chi phí hỏa táng theo Quyế định số 40/2017/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 và khuyến khích UBND cấp huyện, cấp xã hỗ trợ thêm cho người dân địa phương, UBND huyện Thạch Hà và UBND các xã, thị trấn cần có những chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn, đồng thời phổ biến các chính sách và tuyên tryền, vận động người dân khu vực nông thôn sử dụng hình thức hỏa táng.
3.5.2.4. Quan trắc, đánh giá môi trường các nghĩa trang
Huyện cần sớm xây đầu tư kinh phí thuê tư vấn thực hiện việc quan trắc, đánh giá môi trường tại các khu vực nghĩa trang, đặc biệt là các khu vực nghĩa trang đang hoạt để kiểm tra chất lượng nguồn nước, môi trường nước tại các hồ trong khu vực và một số giếng khoan, giếng đào cách khu vực nghĩa trang trong phạm vi 500m và thông báo kết quả đánh giá cho người dân trong vùng được biết. Khuyến khích người dân ở các khu vực ven nghĩa trang, nghĩa địa không nên sử dụng nguồn nước giếng cho sinh hoạt.
3.5.3. Giải pháp tuyên truyền, xã hội hoá việc huy động các nguồn vốn 3.5.3.1. Tuyên truyền người dân sử dụng hình thức hỏa táng
Với những lợi ích của vấn đề sử dụng hình thức hỏa táng. Cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền cho người dân hiểu và ủng hộ hình thức an táng mới thông qua các cuộc họp dân, hoặc thông qua truyền thông, đưa ra các minh chứng về hiệu quả của hình thức này đã được áp dụng ở một số nơi để người dân thật sự an tâm và đồng tình.
Tuyên truyền cho người dân tiếp cận được chính sánh ưu đãi, hỗ trợ khi thực hiện việc hỏa táng trên địa bàn tỉnh như đã quy định tại Quyết định số 40/2017/QĐ- UBND ngày 23/8/2017 của UBND tỉnh Hà Tĩnh để khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng này.
3.5.3.2. Tuyên truyền khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện quy hoạch Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quy hoạch đất nghĩa trang, nghĩa địa. Thông qua đó, huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội tham gia thực hiện quy hoạch. Đồng thời, qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần có chính sách khuyến khích các hộ gia đình cất bốc mồ mả đơn lẻ trong đất sản xuất và xen khu dân cư để tăng diện tích đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, đất ở và đất xây dựng cơ sở hạ tầng.
3.5.3.3. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh thực hiện xã hội hoá việc huy động từ các nguồn vốn
Nghĩa trang là một hạng mục cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ cho dân cư. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các nghĩa trang không chỉ là công việc của nhà nước mà còn là của toàn bộ cộng đồng dân cư. Vì thế, xã hội hoá công tác đầu tư xây dựng nghĩa trang trên địa bàn huyện Thạch Hà là rất quan trọng.
Có thể huy động một số nguồn vốn đầu tư như sau:
- Vốn ngân sách địa phương, đầu tư vào các dự án quy hoạch điều tra cơ bản, các dự án cải tạo môi trường, cải tạo nâng cấp nghĩa địa cũ; các vấn đề về tuyên truyền giáo dục.
- Nguồn vốn huy động của các doanh nghiệp, đầu tư xây dựng các nghĩa trang tập trung, các dịch vụ tang lễ.
- Nguồn vốn được huy động từ mọi tổ chức, cá nhân có đủ năng lực đều có thể tham gia đầu tư vào xây dựng khai thác và quản lý nghĩa trang, nghĩa địa theo quy định của pháp luật.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ