Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân tại thành phố đông hà, tỉnh quảng trị (Trang 34 - 37)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ XÃ HỘI CỦA THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ, TỈNH QUẢNG TRỊ

3.1.1 Điều kiện tự nhiên

Đông Hà là thành phố tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh Quảng Trị, có toạ độ địa lý từ 16o07’53’’ đến 16o52’22’’ vĩ độ Bắc và 107o04’24’’

đến 107o07’24’’ kinh độ Đông. Thành phố Đông Hà nằm cách thành phố Đồng Hới 93km về phía Nam, cách thành phố Huế 70km về phía Bắc, cách cửa khẩu Lao Bảo 85km về phía Đông, cách cảng biển Cửa Việt 16km về phía Tây. Ranh giới của thành phố được xác định như sau: (Hình 3.1.)

Hình 3.1. Sơ đồ vị trí của thành phố Đông Hà

Nguồn:Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Quảng Trị

- Phía Bắc giáp huyện Cam Lộ và huyện Gio Linh.

-Phía Nam giáp huyện Triệu Phong.

- Phía Đông giáp huyện Gio Linh và huyện Triệu Phong.

-Phía Tây giáp huyện Cam Lộ.

Trên địa bàn thành phố Đông Hà có cảng Đông Hà, có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 9 và đường sắt Bắc Nam chạy qua. Các điều kiện này đã tạo cho thành phố một vị trí hết sức thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế - xã hội và có vị trí quan trọng trong chiến lược quân sự, bảo vệ an ninh, quốc phòng của khu vực miền Trung.

3.1.1.2. Địa hình, địa mạo

Thành phố Đông Hà có 2 dạng địa hình là địa hình gò đồi bát úp và địa hình đồng bằng. Trong đó, địa hình gò đồi bát úp nằm ở phía Tây và Tây Nam của thành phố, có diện tích 319,1 ha. Mặt đất được phủ trên nền phiến thạch và sa phiến cùng với địa hình gò đồi bát úp nối dài, thích hợp cho việc sản xuất canh tác, trồng cây lâm nghiệp, xây dựng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, sinh thái vườn đồi, vườn rừng. Địa hình đồng bằng có độ cao trung bình 3 m so với mực nước biển, chiếm 55,9% diện tích tự nhiên, được phủ lên trên mặt lớp phù sa thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Dạng địa hình này phân bố tập trung ở các phường: Đông Thanh, Đông Giang và Đông Lễ [18].

3.1.3.3. Khí hậu

Đông Hà nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng lại chịu ảnh hưởng của gió Tây - Tây Nam nên tạo thành một tiểu vùng khí hậu khô nóng. Chế độ khí hậu chia làm hai mùa cơ bản là mùa mưa và mùa khô. Mùa ít mưa từ tháng 3 đến tháng 6, mùa mưa tập trung vào các tháng 7,8,9 và kéo dài đến tháng 3 năm sau [18].

3.1.1.4.Thuỷ văn

Chế độ thuỷ văn của thành phố Đông Hà chịu ảnh hưởng trực tiếp của hệ thống sông Hiếu, sông Vĩnh Phước và sông Thạch Hãn. Đây là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt cho người dân ở thành phố. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều hồ nhân tạo có tác dụng làm điều hoà sinh thái, khai thác thuỷ lợi, thuỷ sản, như hồ Trung Chỉ (diện tích 3,2 km2, trữ lượng nước 2.500.000 m3), hồ Khe Mây (diện tích 6 km2), hồ Đại An (diện tích 418 ha),[18].

Với lợi thế về thủy văn sẵn có, thành phố Đông Hà đã và đang bố trí không gian cảnh quan kiến trúc Đông Hà theo mô hình “thành phố bên sông”, “đô thị nhà vườn”

trên cơ sở phát huy những lợi thế đa dạng về địa thế sông nước, không gian mặt nước các hồ và cảnh quan gò đồi, vùng đồng bằng theo hướng bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đất Đông Hà [18].

3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên

- Tài nguyên đất

Trên địa bàn thành phố Đông Hà có một số loại đất gồm đất Feralit trên sa phiến, đất phù sa, đất cát, Trong đó các loại đất chiếm tỷ lệ lớn nhất và có ý nghĩa kinh tế nhất là đất phù sa được bồi hàng năm với diện tích khoảng 500 ha; đất Feralit nâu vàng phát triển trên phiến sét có diện tích khoảng 3.500 ha và đất phù sa tập trung nhiều ở các phường: Đông Giang, Đông Thanh, Đông Lễ, Đông Lương,với diện tích khoảng 200 ha.

- Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt của thành phố Đông Hà chủ yếu tập trung ở 3 con sông chính là sông Hiếu, sông Vĩnh Phước, sông Thạch Hãn và các khe suối, các hồ chứa có trên địa bàn với lượng nước đã đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất, cải tạo môi trường, nuôi trồng thuỷ sản.

Ở thành phố Đông Hà không có mạch nước ngầm sâu. Việc việc khai thác và sử dụng nước ngầm chủ yếu qua hệ thống giếng đào và giếng khoan, lưu lượng 15 - 19l/s, tổng độ khoáng hóa 80 - 280mg/l.

- Tài nguyên rừng

Thành phố Đông Hà có 2.280,89 ha rừng, trong đó toàn bộ là rừng trồng. Diện tích rừng này có vai trò quan trọng trong việc cung cấp gỗ, điều hoà khí hậu, giữ gìn nguồn nước, chống xói mòn, tạo cảnh quan du lịch cho thành phố.

- Tài nguyên khoáng sản

Nhìn chung, nguồn khoáng sản ở Đông Hà rất nghèo, chỉ có đất sét làm gạch ngói, trữ lượng không lớn và phân bố rải rác ở các phường Đông Giang, Đông Thanh, phường 2 và phường Đông Lương, Các loại khoáng sản khác thì chưa được thăm dò và xác định trữ lượng.

- Tài nguyên du lịch, nhân văn

Đông Hà có địa hình, địa thế đa dạng với nhiều sông, hồ, vùng gò đồi, rừng cây tạo nên nhiều cảnh quan đẹp: Có sông Hiếu chảy qua thành phố, sông Vĩnh Phước bao bọc ở phía Nam, sông Thạch Hãn phía Đông; có các hồ Khe Mây, Trung Chỉ, hồ Km6, hồ Đại An, hồ Khe sắn; vùng gò đồi phía Tây còn nhiều tiềm năng phát triển lâm sinh thái, rừng cây. Đây là điều kiện thuận tiện để phát triển hình thành các khu du lịch sinh thái lâm viên cây xanh, khu công viên vui chơi, giải trí hấp dẫn.

Trên địa bàn thành phố còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, tự hào của vùng đất và con người Đông Hà qua các thời đại, trong đó có 02 di tích được xếp hạng Quốc gia, 18 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các công trình văn hóa tiêu biểu như: Đình làng Nghĩa An, các giếng chăm, Đình làng Lập Thạch, Đình làng Điếu Ngao, đặc biệt đình làng Trung Chỉ được đánh giá là một công trình kiến trúc nghệ thuật điển hình của tỉnh Quảng Trị. Các di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu như: Cảng quân sự Đông Hà, nhà ga lô cốt Đông Hà, nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia đường 9, động Bồ Chao, Đây là tiềm năng có thể khai thác phát triển du lịch văn hóa, lịch sử.

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân tại thành phố đông hà, tỉnh quảng trị (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)