Đặc điểm kinh tế - xã hội huyện Lệ Thủy

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai của các đối tượng sử dụng đất tại huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 46 - 49)

CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên và KTXH của huyện Lệ Thủy

3.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội huyện Lệ Thủy

a) Dân số

Năm 2016 dân số toàn huyện là 142.718 người chiếm 16,34 % dân số toàn tỉnh, mật độ dân số là 102 (người/km2). Những năm qua, công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình luôn được các cấp, các ngành chú trọng, mức giảm sinh hàng năm (bình quân 0,5‰) được duy trì. Tuy nhiên, gần đây dân số liên tục gia tăng cơ học do sức hút từ quá trình mở mang, phát triển đô thị và các khu dân cư mới.

b) Lao động và việc làm

Bằng các giải pháp đồng bộ, huyện đã huy động được nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế, kết hợp với các chương trình, dự án để tạo việc làm cho người lao động, đưa 1.858 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trình độ học vấn, chuyên môn trong lực lượng lao động đang có xu hướng nâng lên và có khả năng tăng nhanh trong các năm sau, nhờ chính sách thu hút lao động giỏi về làm việc tại địa phương của tỉnh và của huyện. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30,2% so với tổng số lao động trên địa bàn, công tác đào tạo lại lao động cũng được chính quyền huyện rất chú trọng.

c) Thu nhập và mức sống

Nhìn chung, cùng với sự phát triển về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng nhanh qua các năm: năm 2000 là 334 USD/người/năm, đến năm 2005 đạt 620 USD/người/năm và năm 2011 đạt 1.100 USD/người/năm, năm 2016 đạt 1.300 USD/người/năm . Khoảng cách về thu nhập giữa các xã, thị trấn đã được thu hẹp. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm từ 15,3% năm 2000 xuống còn 7,3% năm 2005 (theo tiêu chí cũ), 9,7% (theo tiêu chí mới) và giảm xuống dưới 5,7% năm 2011, năm 2016 còn 4,9 %. Huyện đã hoàn thành việc xoá nhà tạm cho hộ nghèo, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ số hộ dân dùng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 96,4%.

3.1.2.2. Thực trạng phát triển của các ngành kinh tế - Nông - Lâm - Ngư nghiệp

Trong năm 2016 giá trị sản xuất toàn ngành Nông, lâm, ngư nghiệp đạt 2100 tỷ đồng, là ngành chiếm tỷ trọng cao chiếm 57 % (năm 2016) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện. Xu thế phát triển theo hướng tập trung, tích cực thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, tác động hỗ trợ nhau cùng phát triển; khai thác thủy sản từng bước gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; sản xuất lâm nghiệp chuyển dần sang lâm nghiệp xã hội hóa;

kinh tế trang trại bước đầu phát triển cả về số lượng, quy mô, phát huy thế mạnh của từng vùng. Cơ cấu kinh tế nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thủy sản, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Phát triển nông nghiệp đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng cao gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới.

- Công nghiệp

Trong năm 2016 giá trị sản xuất toàn ngành đạt 954 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đang từng bước ổn định và giữ được tốc độ tăng trưởng khá, phát triển mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng và công nghiệp chế biến. Tỷ trọng sản xuất công nghiệp chiếm 20 % (năm 2015) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện.

Những năm qua, huyện đã chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở công nghiệp, thực hiện tốt chính sách khuyến công, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Đến nay, các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã thu hút được số lượng lao động đáng kể. Đến nay, huyện đã triển khai nhiều dự án đầu tư có quy mô vừa và nhỏ, làm tiền đề cho sự phát triển theo hướng bền vững. Với chính sách hợp lý, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào các cụm tiểu thủ công nghiệp và bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, kết quả phát triển công nghiệp của huyện vẫn còn nhiều hạn chế so với yêu cầu đề ra. Quy mô hoạt động nhỏ, số lượng ngành chưa nhiều, năng lực sản xuất còn hạn chế, thiếu khả năng cạnh tranh. Trang bị kỹ thuật và công nghệ của ngành còn thấp, nhất là khu vực công nghiệp ngoài quốc doanh. Phần lớn máy móc thiết bị không đồng bộ, kỹ thuật lạc hậu, tỷ lệ lao động thủ công cao. Việc chuyển giao công nghệ còn yếu, sản phẩm mang thương hiệu đặc thù và truyền thống của địa phương còn ít. Mặc dù đã có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp phát huy nội lực, đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nhưng liên doanh, liên kết thu hút đầu tư từ bên ngoài còn hạn chế. Ngoài ra

do tác động về nguyên liệu và thị trường tiêu thụ không ổn định, còn phụ thuộc nên hiệu quả sản xuất đạt được nhìn chung còn thấp, chuyển dịch cơ cấu nội bộ trong các nhóm ngành công nghiệp chưa mang tính đột phá. Các ngành công nghiệp như cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ còn ít và quy mô nhỏ, chủ yếu là gia công, lắp ráp; sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa.

- Du lịch và các ngành dịch vụ khác

Trong năm 2016 giá trị sản xuất toàn ngành đạt 1190 tỷ đồng. Kinh tế dịch vụ của huyện phát triển nhanh, ngành du lịch đã khẳng định được là ngành kinh tế quan trọng. Tỷ trọng sản xuất của các ngành dịch vụ chiếm 25 % (năm 2016) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện.

Dịch vụ thương mại: Hoạt động thương mại dịch vụ phát triển khá nhanh, đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội cũng như yêu cầu phát triển sản xuất của các ngành kinh tế

Dịch vụ du lịch: Phát triển nhanh, diễn ra sôi động, nhộn nhịp và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng của huyện. Các hoạt động du lịch được phát triển theo hướng phong phú, đa dạng với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được đầu tư thích đáng, một số khu du lịch chất lượng cao được xây dựng, nhiều nhà hàng, khách sạn, khu di tích lịch sử, danh thắng và khu vui chơi giải trí được nâng cấp và xây mới, nhất là khu vực dọc bờ biển, thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế. Công tác tuyên truyền quảng bá du lịch được chú trọng, quy mô và loại hình du lịch ngày càng phát triển đa dạng, tỷ lệ nhân viên phục vụ qua đào tạo được nâng cao rõ rệt.

Dịch vụ khác: Các dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, vận tải, bảo hiểm, vui chơi, giải trí,... ngày càng phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Vận tải hàng hóa, hành khách được nâng cao chất lượng, đáp ứng hầu hết nhu cầu đi lại của nhân dân. Dịch vụ phục vụ cho sản xuất công nghiệp như cơ khí sửa chữa, đào tạo nghề được chú trọng, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3.1.2.3. Văn hóa, y tế, giáo dục - Văn hóa:

Huyện Lệ Thủy là một đơn vị hành chính gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của tỉnh Quảng Bình. Các hiện vật khai quật cho thấy người Việt đã đến định cư và sinh sống ở khu vực này từ khoảng 45.000 năm trước đây (giai đoạn đồ đá mới). Trải qua một thời kỳ dài trong lịch sử, khu vực này là nơi giao tranh giữa các thế lực phong kiến, xây thành đắp lũy để làm nơi trấn biên. Cùng với việc xây dựng thành là việc phát triển thị (chợ búa), đưa dân cư tới sinh sống trong và xung quanh khu vực

thành. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, người dân nơi đây đã viết nên trang sử quê hương rạng rỡ, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn liền với truyền thống anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng.

Cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn huyện chung sống gắn bó đoàn kết, cần cù chịu khó, với những nét phong tục, lễ hội, tập quán văn hóa mang đậm bản sắc văn hoá như: hò khoan chèo cạn, nét đặc trưng văn hóa nổi bật nhất chính là lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

- Y tế:

Tình trạng chăm sóc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân không ngừng được nâng cao. Toàn huyện có 01 bệnh viện đa khoa, 01 trung tâm y tế dự phòng và tất cả các xã thị trấn đều có trạm y tế, xã phường.Tỉ lệ người dân được cấp bảo hiểm y tế đạt 82 %. Nhìn chung tình trạng chăm sóc sức khỏe cho người dân không ngừng được nâng cao, ngày càng được hoàn thiện.

- Giáo dục:

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo với truyền thống hiếu học của huyện Lệ Thủy, hằng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông với tỷ lệ cao (năm 2015 đạt 95,2 %). Toàn huyện có 68 trường phổ thông trong đó tiểu học có 33 trường, trung học cơ sở có 24 trường, trung học phổ thông có 11 trường. Tỷ lệ học sinh giỏi hàng năm chiếm số lượng lớn, trình độ giáo viên không ngừng được nâng cao, số giáo viên phổ thông đạt chuẩn chiếm tỷ lệ 99,2 %. Số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng hằng năm luôn nằm dẫn đầu trong toàn tỉnh.

Một phần của tài liệu Đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai của các đối tượng sử dụng đất tại huyện lệ thủy, tỉnh quảng bình (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)