CHƯƠNG 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. KHÁI QUÁT ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA QUẬN NGŨ HÀNH SƠN TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC SỬ DỤNG ĐẤT
3.1.1. Điều kiện tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý
Ngũ Hành Sơn là một quận của thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định số 07/CP ngày 23 tháng 1 năm 1997 của Chính phủ và Quyết định 181/QĐ-UB ngày 27 tháng 1 năm 1997 của Ủy ban nhân dân lâm thời thành phố Đà Nẵng.
Là quận đồng bằng duyên hải miền Trung nằm về phía Đông Nam của thành phố Đà Nẵng. Có toạ độ địa lý nằm ở 1080 Kinh độ Đông và 160 Vĩ độ Bắc với dải bờ biển dài 12 km, có địa giới hành chính được xác định như sau: phía Bắc giáp quận Sơn Trà, phía Tây giáp quận Hải Châu, Cẩm Lệ, phía Nam giáp Thị xã Điện Bàn - tỉnh Quảng Nam, phía Đông giáp biển Đông. Đơn vị hành chính của quận gồm có:
Phường Mỹ An, phường Khuê Mỹ, phường Hòa Hải và phường Hòa Quý.
Hình 3.1. Sơ đồ vị trí của quận Ngũ Hành Sơn
(Nguồn:Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ngũ Hành Sơn) Là một quận của thành phố trực thuộc Trung ương, của đô thị loại một cấp quốc gia, có cả mạng lưới giao thông bằng đường bộ và đường thuỷ rất thuận lợi, nối liền với trung tâm thành phố, rất gần với Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Nhà ga
đường sắt Đà Nẵng và Cảng biển Tiên Sa. Hơn nữa, quận nằm trên trục đường bộ nối thành phố Đà Nẵng hiện đại với đô thị cổ Hội An - một di sản văn hoá thế giới và nằm ở chặng cuối cùng của trục hành lang kinh tế Đông - Tâyvới những điều kiện thuận lợi đã góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng.
3.1.1.2. Địa hình, địa mạo
Quận có địa hình tương đối bằng phẳng, mang đặc thù của vùng Duyên hải miền Trung. Đất đai khá đồng nhất về tính chất vật lý, hoá học. Cấu tạo địa chất chủ yếu là cát, thành phần hạt thô hơn so với cùng loại ở khu sát biển. Ngoài ra lớp cát mịn được phân bố rộng khắp trong vùng, với độ dày lớp cát biến động từ 4 đến 11m, có kết cấu chặt vừa.
Quận Ngũ Hành Sơn có 2 nhóm đất chính là đất cát và đất phù sa. Nhóm đất phù sa phân bố chủ yếu ở ven các con sông chảy qua địa bàn quận.
3.1.1.3. Đặc điểm khí hậu
Quận Ngũ Hành Sơn mang kiểu khí hậu chung của thành phố Đà Nẵng đó là nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, nhiệt độ cao và ít biến động, mang tính đặc thù của vùng ven biển miền Trung Trung Bộ, trong năm có 2 mùa rõ rệt:
mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 01 đến tháng 7, thỉnh thoảng có đợt không khí lạnh nhưng không rét đậm và kéo dài.
Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 26,2°C. Số giờ nắng bình quân trong năm là 174,4 giờ/tháng. Lượng mưa trung bình hàng năm là 195,8Vm/tháng. Độ ẩm không khí trung bình là 81,14%/tháng.
3.1.1.4. Đặc điểm thuỷ văn
Trên địa bàn quận có 2 con sông chảy qua, đó là sông Hàn, sông Cổ Cò (nhân dân địa phương thường gọi là sông Bãi Dài). Sông Hàn là hợp lưu của sông Vĩnh Điện, sông Cổ Cò và sông Cẩm Lệ tại khu vực ngã sông, nơi tiếp giáp giữa phường Hoà Cường của quận Hải Châu, phường Hoà Xuân thuộc quận Cẩm Lệ và phường Khuê Mỹ đổ nước ra cửa biển, hình thành nên cảng sông Hàn và cảng biển Tiên Sa.
Chế độ thuỷ triều của Biển Đông ở khu vực này là chế độ bán nhật triều; mỗi ngày lên xuống 2 lần với biên độ dao động khoảng 0,5m. Độ nhiễm mặn do nước biển xâm thực tùy thuộc vào mùa mưa và lượng mưa hàng năm. Lượng mưa càng lớn độ nhiễm mặn càng nhỏ, ngược lại, lượng mưa càng ít, độ nhiễm mặn càng lớn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
3.1.1.5. Thực trạng môi trường
a.Tình hình thu gom và xử lý nước thải
Nước thải đô thị trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn được thu gom và xử lý thành 02 hướng. Một phần nước thải từ khu vực Khách sạn Furama trở về phía Bắc giáp với Sơn Trà được thu gom và vận chuyển về Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn nhờ 6 trạm bơm SPS để xử lý trước khi thải ra sông Cổ Cò. Phần còn lại bao gồm một phần phường Khuê Mỹ và 02 phường Hòa Hải, Hòa Quý chưa có hệ thống thu gom đồng bộ nên nước thải theo hệ thống thoát nước đô thị chảy ra sông Cổ Cò, ra biển.
Tại các cửa xả ra biển dọc đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa thường có hiện tượng nước đô thị thải ra biển bốc mùi hôi ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của các dự án ven biển như Furama, Hyatt Regency resort, nhất là vào thời điểm mưa lớn sau những đợt nắng kéo dài.
Vấn đề nước thải từ các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ hiện nay đã giải quyết. Đã di dời các cơ sở sản xuất vào làng nghề tập trung, nước thải trong quá trình sản xuất của Làng đá mỹ nghệ Non Nước đã được xử lý tại trạm xử lý nước thải, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường trước khi theo mương thoát nước chảy ra sông Cổ Cò.
b. Tình hình thu gom và xử lý chất thải rắn
Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại quận Ngũ Hành Sơn được đầu tư khá đồng bộ trong những năm gần đây. Mạng lưới thu gom được phát triển, nhưng vẫn chưa đảm bảo công tác thu gom cho toàn địa bàn quận. Đến nay toàn quận đã có khoảng 650 thùng rác vừa công cộng vừa sử dụng để thu gom rác trực tiếp từ các hộ dân, các phương tiện trung chuyển cũng được cải tiến liên tục nhằm phù hợp với hạ tầng cơ sở và đáp ứng nhu cầu thực tế. Rác thải trong các kiệt hẻm được thu gom bằng xe bagac sau đó tập kết vào các trạm trung chuyển gần nhất để chuẩn bị đưa về bãi rác của thành phố. Tại một số tuyến đường phố chính trên địa bàn quận đang triển khai thực hiện Đề án “Thu gom rác theo giờ” như : tuyến đường Nguyễn Văn Thoại, Ngũ Hành Sơn, Hồ Xuân Hương và một phần đường Lê Văn Hiến; việc thu gom theo giờ đã mang lại hiệu quả cao về cảnh quan đô thị, tạo vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp và được sự đồng tình của người dân.
Cùng với sự phát triển của thành phố, chất thải rắn gia tăng nhanh chóng.
Ước tính toàn quận thải ra khoảng 45 tấn chất thải rắn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom đạt 90%, lượng rác còn lại được nhân dân xử lý bằng cách đốt, chôn, lấp, thải vào các ao, hồ, sông...
Đối với chất thải rắn nguy hại, toàn bộ chất thải rắn từ hoạt động của bệnh viện trên địa bàn quận đã được phân loại tại chỗ và thu gom, hợp đồng với đơn vị chức năng để vận chuyển, xử lý tiêu hủy riêng theo quy định.
c. Phong trào Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp
Để thực hiện phong trào một cách hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, đoàn thể và nhân dân, UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng nội dung tuyên truyền trên hệ thống loa đài truyền thanh quận, tăng thời lượng phát thanh tuyên truyền hưởng ứng vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần. Đồng thời yêu cầu các phường chỉ đạo tổ dân phố lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt tổ dân phố để ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.
Công tác tuyên truyền bằng hình thức trực quan cũng được chú trọng, UBND quận đã vận động các cơ quan đơn vị đóng chân trên địa bàn hưởng ứng bằng việc treo băng rôn, áp phích tại đơn vị; đồng thời chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin quận tổ chức treo băng rôn, phướn dọc các tuyến đường chính và tại khu vực ra quân, bố trí xe cổ động chạy trên các tuyến đường tuyên truyền. Ngoài ra, UBND quận cũng đã mời các phóng viên báo đài tham dự và đưa tin tại các buổi lễ phát động ra quân.
Hằng tuần, các địa phương đăng ký các điểm ra quân trong khu dân cư, tổ dân phố về UBND quận để bố trí cán bộ theo dõi, giám sát thực hiện; đồng thời là cơ sở để căn cứ xếp loại thi đua, đánh giá tổ dân phố vào cuối năm.
Thường xuyên lồng ghép phong trào Ngày Chủ nhật Xanh – Sạch – Đẹp vào các dịp như: Ngày môi trường thế giới; Ngày đa dạng sinh học; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Tuần Lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường; Tuần lễ nạo vét, khơi thông cống rãnh, mương thoát nước; Vệ sinh môi trường trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán,...
Trong mỗi đợt ra quân hưởng ứng, ngoài việc huy động sự tham gia của các cơ quan, đoàn thể và nhân dân địa phương, UBND quận còn vận động sự tham gia của các đơn vị quân đội, trường học và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn như Công ty cổ phần bê tông Đăng Hải, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển xây dựng Nam Việt Á, …nhằm đề cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Nhìn chung, phong trào Ngày chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp đã trở thành nếp sống đẹp và việc làm thường xuyên của nhân dân trên địa bàn quận.Việc thực hiện phong trào tại các địa phương đã chủ động hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời, sự quan tâm, đôn đốc của lãnh đạo các cấp đã góp phần vào hiệu quả thực hiện phong trào và từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
d. Xây dựng môi trường thân thiện trong khu dân cư
Nhằm hướng tới xây dựng mội trường thân thiện trong khu dân cư, UBND quận đã triển khai nhân rộng mô hình “Tổ dân phố không rác”, “tuyến đường văn minh đô thị” “Chợ văn minh thương mại” trên toàn địa bàn quận. Trong năm 2013, UBND quận đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện thí điểm mô hình “Tổ dân phố không rác” trên địa bàn quận. Đồng thời khen thưởng cho 25 Tổ dân phố thuộc phường Mỹ An đã có thành tích trong việc thực hiện thí điểm mô hình “Tổ dân phố không rác”. Đồng thời tiếp tục triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn quận. Đến nay đã có 04/04 phường triển khai mô hình “Tổ dân phố không rác”.
e. Các điểm nóng môi trường trên địa bàn quận
Quận Ngũ Hành Sơn là quận phát triển mạnh về du lịch, không có các khu công nghiệp nên tình trạng ô nhiễm do khu công nghiệp không có. Tuy nhiên, trên địa bàn quận tồn tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước với bề dày hàng trăm năm lịch sử, với hơn 500 hộ sản xuất. Khu sản xuất cũ nằm xen lẫn trong khu dân cư, mang tính tự phát nên gây ô nhiễm môi trường không khí, nước đáng kể do quá trình điêu khắc phát sinh bụi đá và nước thải xen lẫn bụi đá. Để giải quyết tình trạng ô nhiễm trên, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch Khu làng nghề tập trung với quy mô hơn 40 ha, hiện nay đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như Trạm xử lý nước thải tập trung sẵn sàng tiếp nhận các cơ sở vào sản xuất, đảm bảo xử lý được các vấn đề về ô nhiễm nước thải. Đồng thời, mỗi hộ sản xuất khi di dời vào khu làng nghề tạp trung phải xây dựng 01 bể lắng cặn bột đá sơ bộ để thu gom bột đá trong nước thải trước khi đấu nối vào hệ thống thoát nước chung. Vì vậy, vấn đề ô nhiễm nước thải tại Khu làng nghề cơ bản đã được giải quyết.
Đối với việc xử lý ô nhiễm bụi ở Khu làng nghề tập trung, hiện nay Khu Làng nghề đã được trồng các vành đai cây xanh bao bọc xung quanh khu sản xuất, cách ly khu sản xuất với khu dân cư hạn chế được tình trạng bụi phát tán ra khu dân cư. Tuy nhiên, trong khu sản xuất thì việc ô nhiễm bụi vẫn nghiêm trọng do bụi không được thu gom xử lý từ nguồn phát sinh nên việc phát tán ra môi trường không khí gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động cũng như khách du lịch tham quan, mua sắm sau này lá rất lớn.
Để giải quyết tận gốc nguồn ô nhiễm bụi, mỗi cơ sở cần được trang bị hệ thống hút bụi. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho các công trình xử lý bụi là tương đối lớn trong khi đa số các cơ sở sản xuất hoạt động theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ. Vì vậy, đề nghị thành phố có sự quan tâm, hỗ trợ Khu làng nghề được tiếp cận với các dự án phi chính phủ để đầu tư hệ thống hút bụi cho từng cơ sở.
f. Hiện trạng môi trường hồ, đầm và hoạt động bảo vệ môi trường ở các khu vực có hồ đầm trên địa bàn quận
Quận Ngũ Hành Sơn hiện nay còn có 01 hồ nằm trong khuôn viên làng trẻ em SOS. Chất lượng nước hồ trong các năm qua được đánh giá là bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ (BOD5, COD), mức độ vượt tiêu chuẩn từ 1÷3 lần. UBND quận thường xuyên kiểm tra và xử lý khi có ô nhiễm, chủ yếu là huy động lực lượng thu gom rác trong lòng hồ và yêu cầu các hộ dân xung quanh cam kết không vứt rác, bao nilông, xà bần, xả nước thải, nước sinh hoạt, nước sản xuất… vào khu vực hồ.
3.1.1.6. Các nguồn tài nguyên
- Tài nguyên đất: Quận Ngũ Hành Sơn có các loại đất khác nhau: Đất cồn cát sông, đất cát ven biển, đất nhiễm mặn, đất pha cát, đất sét…
Quận Ngũ Hành Sơn có tổng diện tích tự nhiên 4018,85ha; trong đó đất phường Mỹ An: 328,31 ha; phường Khuê Mỹ: 547,82 ha; phường Hòa Hải:
1660,18ha; phường Hòa Quý: 1482,54ha. Phần lớn diện tích đất nông nghiệp được giao chuyển mục đích thành đất ở đô thị. Nguyên nhân vì với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về đất đai của các hộ gia đình cá nhân trên địa bàn quận tăng, việc tập trung phát triển các ngành dịch vụ cũng là một trong các lý do chuyển đổi mục đích sử dụng của đất nông nghiệp sang loại đất ở đô thị.
- Tài nguyên nước: Hiện nay, quận Ngũ Hành Sơn đang sử dụng nước của nhà máy nước Cầu Đỏ, đặt tại phường Hoà Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Công suất thiết kế là 50.000 m3/ngày đêm, công suất thực tế là 62.809 m3/ngày đêm là nguồn cung cấp nước chủ yếu cho khu vực quận Ngũ Hành Sơn.
Nhà máy nước Cầu Đỏ được cung cấp từ nguồn nước mặt sông Cẩm Lệ. Hiện nay, UBNDthành phố đã cho xây dựng trạm bơm nước thô bổ sung tại ngã ba sông Tuý Loan nhằm bổ sung lượng nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ để giảm bớt độ mặn trong nước nguồn khi xảy ra nhiễm mặn, kịp thời cung cấp nước cho nhân dân sử dụng.
- Tài nguyên biển: Quận Ngũ Hành Sơn có bờ biển phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 12 km, chiều ngang rộng nhất 8km, hẹp nhất khoảng 02 km, độ sâu từ 0,5 đến 22m.
- Tài nguyên du lịch và di sản văn hóa:Quần thể danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn không chỉ là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Quảng Nam - Đà Nẵng mà còn là một di tích lịch sử- văn hóa với làng nghề thủ công mỹ nghệ, tạc tượng đá lưu truyền dưới chân núi Thủy Sơn. Đồng thời đây cũng là địa điểm nằm giữa 3 di sản văn hóa thế giới (Thánh địa Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An, Cố đô Huế) với bán kính 100km, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ngũ Hành Sơn là địa bàn giàu tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, với 12km bờ biển, có quần thể di tích, lịch sử - danh lam thắng cảnh, có làng đá mỹ nghệ Non Nước nổi tiếng, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ du lịch và thu hút
vốn đầu tư nước ngoài, là điểm khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, mua sắm đồ mỹ nghệ và đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, ngành nghề lao động truyền thống vẫn được phát triển như: chuyên canh hoa màu, rau sạch, đánh cá sông - biển, làm nghề điêu khắc đá và kinh doanh nghề đá, chăn nuôi gia cầm…