Nghiên cứu đặc điểm quần thể, khu vực phân bố và sinh cảnh của loài Vọoc gáy trắng tại xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng quần thể và đề xuất giải pháp bảo tồn loài vọoc gáy trắng (trachypithecuc hatinhensis dao, 1970) tại huyện tuyên hóa, tỉnh quảng bình (Trang 43 - 75)

3.2.1. Tên gọi và phân loại

Khảo cứu các tài liệu đã công bố cho thấy: Voọc gáy trắng - Trachypithecus francoisi hatinhensis Dao là 1 trong 4 phân loài của loài Voọc đen (Trachypithecus francoisi), thuộc họ phụ Voọc – Colobinae, họ Khỉ – Cercopithecidae, bộ Linh trưởng – Primates.

Voọc gáy trắng được Đào Văn Tiến mô tả và đặt tên là Voọc Hà Tĩnh năm 1970 dựa trên mẫu vật mà Bourret thu được năm 1942 ở xóm Cục, Hà Tĩnh (nay thuộc huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) và mẫu vật thứ 2 do chính tác giả thu được năm 1964 ở xã Ninh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Lê Hiền Hào (1973) gọi phân loài này là Voọc gáy trắng và được nhiều học giả

đồng tình và sử dụng, do tên gọi phản ánh một đặc điểm hình thái quan trọng của loài là gáy trắng và đồng nhất với cách đặt tên 3 phân loài khác của loài Voọc đen này, đó là Voọc má trắng (Trachypithecus francoisi francoisi), Voọc đầu trắng (Trachypithecus francoisi poliocephalus) và Voọc mông trắng (Trachypithecus francoisi delacouri).

Người dân địa phương (dân tộc Rục, Sách) tại Quảng Bình gọi loài Voọc này là Khủng. (Phạm Nhật, 2002).

3.2.2. Đặc điểm quần thể

3.2.2.1. Phân bố Vọoc gáy trắng

Mẫu vật Vọoc gáy trắng lần đầu tiên được tìm thấy của loài này được thu ở xóm Cục thuộc tỉnh Hà Tĩnh (Bourret, 1942).

Mẫu thứ hai Đào Văn Tiến thu được tại xã Ninh Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình vào tháng 2 năm 1964 (Dẫn theo Phạm Nhật, 2002).

Theo Lê Hiền Hào (1973), Vọoc gáy trắng có phân bố ở Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An) và Như Xuân (Thanh Hoá); 19 năm sau đó (1973 – 1992) hầu như không có một thông tin gì thêm về phân loài này ở ngoài tự nhiên.

Năm 1992, Lê Xuân Cảnh thông báo chụp được ảnh của loài này ở một chợ gần Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Năm 1993 Phòng Bảo tàng Đại học Tổng Hợp Hà Nội mua được một mẫu vật Vọoc gáy trắng còn nhỏ nhưng không rõ nguồn gốc. Cùng năm đó Phòng tiêu bản Sinh vật rừng Trường Đại học Lâm nghiệp mua được một mẫu da từ huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình.

Trong lịch sử, Vọoc gáy trắng được đánh giá có vùng phân bố tương đối rộng, từ Nghệ An đến Quảng Bình [14]. Kết quả điều tra trong khoảng 20 năm trở lại đây của các nhà khoa học (từ tháng 5/1995 [30]) chỉ ghi nhận được phân loài này có mặt ở các huyện Minh Hoá, Bố Trạch và Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình nhưng số lượng chủ yếu chỉ tập trung ở 2 huyện Minh Hoá và Bố Trạch [20].

Vọoc gáy trắng là phân loài đặc hữu hẹp của Việt Nam và trên thực tế hiện nay chỉ còn phân bố ở Quảng Bình. Quần thể lớn nhất tại Phong Nha - Kẻ Bàng với khoảng từ 800 đến 1.200 cá thể [20; 30], quần thể lớn thứ 2 mới phát hiện tại xã Đồng Hóa, Thạch Hóa với trên 115 cá thể.

3.2.2.2. Tổng số cá thể, số đàn

Cũng giống như một số loài Vọoc khác, Vọoc gáy trắng sống thành bầy đàn. Qua số liệu quan sát thực tế 10 đàn chúng tôi thấy số lượng cá thể của các đàn thường có từ 5 đến 12 cá thể, có đàn lên tới 18 cá thể. Trong mỗi đàn luôn có một con đực trưởng thành và cũng chính là con đầu đàn dẫn đầu cả đàn, đóng vai trò như một thủ lĩnh chỉ huy cả đàn trong việc tìm kiếm thức ăn, quyết định hướng di chuyển, thời gian kiếm ăn, nơi ngủ và cách chống lại kẻ thù để duy trì bầy đàn. Con đầu đàn thường sống chung với một hoặc nhiều con cái trưởng thành, thường theo tỉ lệ 1 đực: 4 cái. Trong đàn còn có các con đực, con cái bán trưởng thành cùng 1 đến 2 con non.

Bảng 3.7: Cấu trúc quần thể Vọoc gáy trắng tại xã Đồng Hóa và Thạch Hóa

TT Địa điểm quan sát

Số lượng cá thể quan sát thấy

Ước lượng cá thể đàn Tổng số

Trưởng thành và bán t.thành

Con non

1 Cây Gạo 8 2 10-12

2 Cửa Hung 5 - 9

3 Giàn Vượn 11 3 15

4 Khe Nước Lạnh 8 1 >10

5 Hung Trù 12 2 <15

6 Khe Đá 9 2 >10

7 Hung Sú 11 2 13

8 Hung Chơng 8 2 >10

9 Miếu Tam Quan 5 1 10

10 Trung Đoàn 18 9 2 >10

Tổng số 86 17 > 115

(Nguồn: Điều tra năm 2014) Kết quả nghiên cứu này về cơ bản là phù hợp với những nghiên cứu trước đây (Phạm Nhật, 2002) tại hai huyện Bố Trạch (xã Sơn Trạch, Tân Trạch) và Minh Hóa (xã Thượng Hóa) tỉnh Quảng Bình. Theo đó, Vọoc gáy trắng sống theo đàn từ 4 đến 18 con, đàn có từ 7 đến 9 con gặp nhiều hơn. Quan sát trên 15 đàn cho thấy cấu trúc

của các đàn gồm 24.3% con đực trưởng thành, 47,9% con cái trưởng thành, 15,1% con bán trưởng thành và 7,7% con non. Tỷ lệ trưởng thành đực so với trưởng thành cái xấp xỉ 1:2 [30].

Theo Nguyễn Hải Hà (2011) khi nghiên cứu ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thì tỉ lệ về giới tính, cấp tuổi trong một đàn không giống nhau. Tỉ lệ tổng số con bán trưởng thành lớn nhất (30,3%), rồi đến con cái trưởng thành (24,2%), con non, con nhở và con đực chiếm tỉ lệ gần tương đương nhau (15,1%) [13].

3.2.2.3. Khoảng cách phân bố và sự phân chia lãnh địa giữa các đàn

Vọoc gáy trắng đi kiếm ăn vòng quanh một thung sau đó lại trở về hang vào buổi tối và khác với hướng ban đầu, điều này chứng tỏ Vọoc gáy trắng định hướng rất tốt.

Diện tích vùng kiếm ăn của Vọoc gáy trắng hoàn toàn khác nhau, trung bình khoảng 1km2 – 2,5km2 [11]. Giữa các đàn Vọoc gáy trắng thường tránh sự tiếp xúc với nhau trong vùng sống. Tuỳ thuộc vào thời tiết nắng ấm hay mưa và gió lạnh mà vùng kiếm ăn, thời gian kiếm ăn cũng thay đổi. Vùng sống của Vọoc gáy trắng thường ổn định trong thời gian dài khi không bị săn bắn hoặc rừng không bị tàn phá và tác động. Vọoc gáy trắng thường sống trong khu rừng trên núi đá, chưa bắt gặp Vọoc gáy trắng sống trong các rừng núi đất, ngay cả những vùng gần núi đá cũng không thấy sự xuất hiện của chúng [30]. Theo thông tin từ người dân địa phương họ thường xuyên bắt gặp sự

xuất hiện của các đàn Vọoc tại các địa điểm nêu trên, qua khảo sát chúng tôi cũng phát hiện được một số hang nơi chúng thường về ngủ.

3.2.3. Đặc điểm hình thái 3.2.3.1. Hình dáng, màu sắc

Hình 3.1: Hình dáng Vọoc gáy trắng

(Nguồn: Chi cục Kiểm Lâm Quảng Bình)

Là loài thú Linh trưởng cỡ lớn, bộ lông dày, sợi lông dài, mềm và mầu đen. Đỉnh đầu có một mào lông màu đen. Có hai vệt trắng nhỏ và hẹp bắt đầu từ hai góc mép chạy qua má lên phía trên vành tai, vòng ra phía sau và gần nối liền với nhau ở vùng gáy. Đuôi dài hơn chiều dài của thân, thon đều, lông rậm, mầu đen. Lông vùng háng và quanh bộ phận sinh dục thưa, màu trắng bẩn. Mắt đen, quanh mắt da màu đen nâu.

Vọoc gáy trắng lúc mới sinh, da mặt, da tai, da lòng bàn tay, lòng bàn chân màu trắng hồng, mắt xanh đen, lông toàn thân màu vàng tươi, sau 2 tuần tuổi chuyển sang màu vàng đậm; mầu lông, da mặt da tai da chân tay chuyển sang màu đen theo quá

trình sinh trưởng: sau 3 tuần tuổi màu lông bắt đầu chuyển dần sang đen, sau 3 tháng tuổi bộ lông chuyển màu đen giống con trưởng thành.

3.2.3.2. Kích thước

Theo Phạm Nhật (2002), Vọoc gáy trắng có chiều dài đầu và thân 610-615mm, dài đuôi 749-810mm, dài bàn chân 155-166mm, cao tai 30-35mm, trọng lượng 6,5 – 8,8kg [30].

Mặc dù trong quá trình điều tra chúng tôi không thể có được mẫu con sống để nghiên cứu, tuy nhiên qua hai mẫu vật chết hiện được lưu giữ tại Trung tâm cứu hộ và phát triển sinh vật thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng và được sự giúp đỡ của Tiến sĩ Nguyễn Hải Hà, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam chúng tôi có được một số chỉ tiêu sau:

Bảng 3.8: Trọng lượng và kích thước của Vọoc gáy trắng

TT L T HF A W Ghi chú

1 632mm 827mm 33mm 161mm 9.100g Con đực đầu đàn 2 320mm 542mm 28mm 146mm 1.200g Con bán trưởng thành

Ghi chú:

- Chiều dài thân (L) Đo từ đầu mõm tới gốc đuôi dọc theo đường sống lưng.

- Chiều dài đuôi (T): Đo từ gốc đuôi đến mút đuôi, trừ túm lông cuối đuôi.

- Chiều dài bàn chân sau (HF): Đo từ gót chân đến đầu ngón chân dài nhất (trừ móng chân).

- Chiều cao tai (A) đo từ lỗ hõm của khe trước tới chỏm vành tai.

- Trọng lượng (W): Được cân khi con vật còn sống hay mới chết.

Công thức răng: 2.1.2.3/2.1.2.3 = 32 chiếc [12].

3.2.3.3. Đặc điểm các giai đoạn phát triển

Con trưởng thành có bộ lông dày, sợi lông dài mềm và màu đen. Lông dưới vùng bụng có màu đen xám. Vùng háng và bẹn có màu xám bẩn. Cũng như đặc điểm để phân biệt giữa Vọoc gáy trắng và Vọoc đen má trắng, thì Vọoc gáy trắng có 2 vách trắng nhở đi từ gốc mép qua má chạy phía trên vành tai ra hai gáy. Tên gọi là Vọoc gáy trắng cũng xuất phát từ đặc điểm này. Đuôi dài hơn thân, thon đều, lông rậm và màu đen.

Con non mới đẻ ra thường màu vàng tươi sau 2 tuần tuổi chúng bắt đầu đổi màu vàng đậm, sau 3 tháng tuổi chúng chuyển dần sang màu đen. Giai đoạn biến đổi từ con non đến con bán trưởng thành phân biệt bằng cách: con non thường hay bám vào bụng mẹ hoặc không bao giờ đi kiếm ăn cách xa con mẹ, khoảng cách giữa con non và con mẹ rất gần, thậm chí luôn ở bên con mẹ. Trọng lượng và kích thước nhỏ thua rất nhiều so với con bán trưởng thành và con trưởng thành.

Con bán trưởng thành màu sắc có sự thay đổi từ màu vàng đậm chuyển thành màu đen giống con trưởng thành. Từ ống chân, vai, tay, lưng sau đó đến đầu, tấm lông giai đoạn này loang lổ. Khi vận động chúng thường chạy nhảy lung tung, và hay chọc ghẹo các con khác trong đàn, không còn khoảng cách giữa con bán trường thành và con mẹ trong đàn.

Con cái trưởng thành và sinh sản sau 5 năm tuổi, mỗi lứa đẻ một con. Con cái sinh sản nhiều lần núm vú thường dài, lông quanh vú thường trụi.

3.2.3.4. Đặc điểm của phân và các chất thải sinh hoạt khác

Vọoc gáy trắng thường thải phân và nước tiểu ngay tại hang hay nơi ngủ qua đêm. Nơi ngủ của Vọoc gáy trắng rất dễ nhận thấy vì ở cửa hang luôn có mùi khai nồng nặc và các vết ố đen hơi vàng do nước tiểu và phân của Vọoc thải ra, màu sắc đó càng đậm bao nhiêu thì chứng tỏ Vọoc càng về hang thường xuyên bấy nhiêu.

Dưới chân của vách đá nơi có hang Vọoc ở thường thấy những bãi phân của Vọoc thải ra. Chúng ta có thể căn cứ vào mức độ tươi khô của phân để biết Vọoc còn ở hay đã bỏ đi. Cũng có thể dựa vào số lượng bãi phân mới để sơ bộ xác định số lượng của đàn nhiều hay ít.

Đặc điểm của phân khác nhau tùy thuộc vào các bộ phận Vọoc gáy trắng ăn, vào mùa lá nhiều Vọoc gáy trắng thường ăn lá vì thế phân thường lỏng, vào mùa ăn quả

phân thường đặc hơn.

Trong quá trình nghỉ ngơi hoặc kiếm ăn Vọoc gáy trắng vẫn thải phân, nước tiểu, chúng tôi bắt gặp Vọoc gáy trắng đi tiểu trong lúc vui đùa tại khu vực Khe nước lặn

(hình ảnh này chúng tôi quay được clíp). Quá trình thải phân, nước tiểu giúp Vọoc gáy trắng xua đuổi kẻ thù.

3.2.3.5. Các đặc trưng nhận biết và phân biệt với các loài khác, các đặc trưng phân biệt độ tuổi và giới tính.

Ngoại hình của Vọoc gáy trắng rất giống với Vọoc đen má trắng, như có đuôi dài, bộ lông rậm màu đen tuyền và chỏm lông trên đầu dựng đứng. Tuy nhiên, Vọoc gáy trắng có những nét khác biệt đó là: Lông hai bên má của chúng trắng toàn diện, không có nhiều lông màu đen mọc lẫn như Vọoc đen má trắng. Nhìn từ xa ta cũng có thể thấy được màu lông trắng ở hai bên má này. Quan sát bằng ống nhòm có thể xác định vọoc đực, vọoc cái, vọoc bán trưởng thành, vọoc con theo các đặc điểm sau:

Con đực đầu đàn: Kích thước lớn nhất trong đàn, có dương vật và bao tinh hoàn, răng nanh to. Con đực này thường đi đầu và ngồi tách khỏi đàn ở vị trí cao nhất để cảnh giới kể cả khi đi kiếm ăn cũng như khi ngủ. Vọoc đầu đàn thường phát ra âm thanh to, vang hơn cả.

Vọoc đực trưởng thành khác còn lại rất khó phát hiện. Theo kinh nghiệm của người dân thì Vọoc đực kích thước trung bình, có dương vật và bao tinh hoàn. Chúng luôn vận động trêu chọc các con khác và phát ra âm thanh nhỏ hơn vọoc đầu đàn, giọng khàn.

Hình 3.2: Vọoc gáy trắng Hình 3.3: Vọoc đen má trắng

(Nguồn: Chi cục Kiểm Lâm Quảng Bình) Vọoc cái trưởng thành có kích thước nhỏ thua Vọoc đực trưởng thành, đôi vú ngực thường to. Khi có con non chúng thường hay bế con trong lòng hoặc khi kiếm ăn con non hay gần mẹ hơn cả. Khi ngồi nghỉ con cái ít vận động, chúng thường ngồi tụm trên cành cây để bắt rận, chuốt lông.

Hình 3.4: Vọoc gáy trắng trưởng thành

(Nguồn: Chi cục Kiểm Lâm Quảng Bình)

Hình 3.5: Vọoc bán trưởng thành Hình 3.6: Vọoc non

(Nguồn: Chi cục Kiểm Lâm Quảng Bình) Vọoc bán trưởng thành: Có trọng lượng và kích thước cơ thể nhỏ thua con trưởng thành rất nhiều. Màu sắc lông đã chuyển hoàn toàn sang màu đen giống bố mẹ.

Vọoc con (con sơ sinh): Có kích thước nhỏ thua con bán trưởng thành, lông thường màu vàng rơm hay vàng tơ.

3.2.4. Đặc điểm sinh học, sinh thái và tập tính 3.2.4.1. Đặc điểm sinh sản

Sinh sản là một tập tính rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong duy trì và phát triển nòi giống của muôn loài. Đây là tập tính thể hiện quan hệ giữa các cá thể đực và cái trong một bầy đàn. Tập tính sinh sản rất phức tạp, nó bao gồm cả một chu kỳ sinh dục, một chuỗi các tập tính diễn ra tuần tự như: từ khi còn nhỏ, bán trưởng thành đến khi trưởng thành thực thụ chúng có những biểu hiện như: sự ven vãn, giao phối, mang thai, đẻ và nuôi con đến khi chúng trưởng thành.

Dẫn liệu về sinh sản của Vọoc gáy trắng còn ít. Kết hợp giữa tư liệu điều tra và số liệu thu được từ Trung tân cứu hộ các loài Linh trưởng nguy cấp Cúc Phương cho thấy Vọoc gáy trắng là loài có khả năng sinh sản quanh năm, nhưng tập trung nhất là từ tháng 2 đến tháng 6. Mỗi lứa đẻ một con [30]. Tuổi thành thực sinh sản của con cái là 5 năm tuổi.

3.2.4.2. Hoạt động kiếm ăn và thức ăn của Vọoc

Qua quá trình quan sát thực địa thì chúng tôi nhận thấy rằng Vọoc gáy trắng kiếm ăn một ngày 2 buổi sáng và chiều còn thời gian buổi trưa chúng thường nghỉ ngơi, nô đùa. Chúng kiếm ăn rất lặng lẽ, ít gây ra tiếng động lớn và kiếm ăn theo đàn trên các sườn núi đá khuất, các lèn đá hay các thung lũng xen giữa các núi đá

vôi. Trong khi cả đàn kiếm ăn thì con đực đầu đàn ngồi trên một cây cao canh chừng cho cả đàn. Trên đường đi kiếm ăn của Vọoc chúng không kiếm ăn cùng trên một cành, cây mà chúng kiếm ăn trên nhiều cành, nhiều cây. Đôi khi nghe chúng phát ra tiếng “oọc,... oọc” hoặc “oọt... oọt” rất nhỏ. Khi Vọoc ăn chúng thường hay bứt, tuốt lá và vo ngọn lại đẩy vào miệng, có khi chúng dùng tay giữ và ghé miệng cắn chồi và lá non, đôi khi gặm cả vỏ cành cây. Tư thế trong lúc ăn của Vọoc chủ yếu là ngồi xổm trên các tán cây bằng hai chân sau, có khi chúng vừa bò vừa ăn hoặc khom lưng đứng để vít cành cong xuống. Vọoc thường chọn ngọn và lá non ăn trước, sau đó mới đến phần là bánh tẻ. Trong quá trình ăn chúng cũng thường hay bẻ cành xuống và ngồi ở các chạc cây ăn một cách ngon lành, đôi khi cũng có sự tranh giành giữa các cá thể trong một đàn như cướp thức ăn, cắn nhau. Khi có sự nguy hiểm con đầu đàn luôn phát ra tiếng kêu “Chà khọoc, Chà

khọoc,...” và cả đàn ngồi im, lúc này chúng ngừng mọi hoạt động kiếm ăn và ngồi rất lặng lẽ trên các cành, tán cây cao, khi có tiếng động hoặc phát hiện ra mục tiêu chúng chuyền cành chạy trốn rất nhanh.

+ Kiểu ăn: Vọoc gáy trắng có 3 kiểu ăn chính sau:

- Chúng sử dụng chi trước để kéo các cành mang lá hoặc quả về gần chúng và cho trực tiếp vào miệng để ăn.

- Dùng miệng để cắn trực tiếp vào bộ phận dùng làm thức ăn

- Dùng chi trước bẻ cành mang lá, hoa hoặc quả về chổ ngồi của chúng rồi sau đó từ từ bứt lá, hoa, quả cho vào miệng.

Vọoc gáy trắng thường ngồi một chỗ khá lâu khi ăn và thường di chuyển khá

chậm rãi khi tìm kiếm thức ăn. Chúng thường kiếm ăn ban ngày, từ sáng sớm và chỉ kiếm ăn trên cây, hiếm thấy chúng kiếm ăn trên mặt đất. Loại rừng, nơi kiếm ăn của Vọoc gáy trắng rất đa dạng, chúng kiếm ăn trên rừng non, rừng tái sinh nơi có rất nhiều cây bụi, dây leo, có ít cây cao lớn và sinh cảnh rừng già trên các thung lũng hay rừng trên các dãy núi đá cao. Tuy nhiên loại rừng mà chúng thường kiếm ăn là những khu rừng thấp ven thung lũng, ít cây gỗ lớn, nhiều dây leo trên núi đá. Chúng thường kiếm ăn vào những ngày nắng ráo, thời tiết đẹp.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng quần thể và đề xuất giải pháp bảo tồn loài vọoc gáy trắng (trachypithecuc hatinhensis dao, 1970) tại huyện tuyên hóa, tỉnh quảng bình (Trang 43 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)