3.3.1. Các mối đe dọa trực tiếp 3.3.1.1. Độ cao, địa hình:
Do yếu tố lập địa về độ cao, địa hình đã tạo nên các kiểu sinh cảnh khác nhau.
Sinh cảnh tại khu vực nghiên cứu chủ yếu là quần lạc cây bụi, cây gỗ rải rác trên núi đá vôi, đối với kiểu sinh cảnh này thảm thực vật tương đối đơn giản do đó nguồn thức ăn cũng tương đối hạn chế. Mặc khác do thời tiết khí hậu biến đổi thất thường đã gây ra nhiều loại bệnh tật, làm giảm nguồn thức ăn nên đã làm suy giảm đáng kể số lượng Vọoc gáy trắng.
3.3.1.2. Săn bắt, bẫy, bắn:
Đã từ lâu, thú Linh trưởng nói chung, Vọoc gáy trắng nói riêng là nguồn lợi quan trọng của người dân địa phương và những người dân sống xung quanh. Thú Linh trưởng không những cung cấp thực phẩm, da lông, xương để nấu cao bồi dưỡng cơ thể, rượu bào tử để tăng cường chức năng sinh lý, óc chữa bệnh đau đầu kinh niên, mật khỉ ngâm rượu để xoa bóp chữa bệnh phong tê thấp khớp,... trong cuộc sống hàng ngày mà chúng còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Hoạt động có ảnh hưởng lớn nhất đến số lượng quần thể Vọoc gáy trắng là nạn săn bắn, bẫy bắt. Có thể nói, chính lợi nhuận quá lớn thu được từ buôn bán hàng tươi sống, đã lôi kéo nhiều người tham gia vào săn bắn, bẫy bắt và mua bán động vật.
Theo người dân địa phương trước đây tình trạng săn bắn Vọoc gáy trắng diễn ra thường xuyên, nếu không nói là liên tục với những thủ đoạn tinh vi. Công cụ săn bắn gồm các loại súng săn tự chế (súng kíp) và nhiều loại bẫy như: bẫy cần, bẫy kiềng, bẫy chuồng. Việc săn bắn, bẫy bắt là mối đe doạ lớn nhất đối với quần thể Vọoc gáy trắng tại khu vực này. Đối với loài Vọoc gáy trắng thì có một loại vũ khí rất nguy hiểm đó là
súng săn. Theo người dân địa phương cách đây 4-5 năm tình trạng dùng súng để săn Vọoc thường xuyên diễn ra, tuy nhiên hiện nay tình trạng dùng súng săn đã giảm hẳn do đã có sự quản lý chắt chẽ của cơ quan chức năng.
Kể từ khi phát hiện cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, tổ chức tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ tính đa dạng sinh học, nhờ đó tình trạng săn bắt, bẫy bắn Vọoc gáy trắng đã giảm đi một cách đáng kể.
3.3.2. Các mối đe dọa gián tiếp
3.3.2.1. Do đặc điểm cấu trúc quần thể:
Vọoc gáy trắng là loài có khả năng sinh sản quanh năm và tự tách đàn khi có số lượng cá thể lớn, theo nghiên cứu mỗi đàn Vọoc gáy trắng có từ 10-12 cá thể, đặc biệt có đàn lên tới 18 cá thể. Việc sinh sản nhanh và khả năng tách đàn lớn làm giảm khu vực kiếm ăn cũng như nguồn thức ăn ngày càng hạn chế, dẫn đến tình trạng tranh giành lãnh thổ, nguồn thức ăn. Hiện nay các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng đang vào cuộc để khảo sát thêm diện tích nhằm mở rộng sinh cảnh cho quần thể Vọoc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa.
3.3.2.2. Do con người:
+ Khai thác gỗ
Qua số liệu tình hình vi phạm lâm luật cũng như phỏng vấn các cơ quan chức năng, chính quyền, người dân địa phương trong những gần đây trên địa bàn không có tình trang khai thác trái phép gỗ rừng tự nhiên. Có được kết quả đó là nhờ các cấp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra tình hình quản lý bảo vệ rừng, mặt khác các diện tích tại khu vực này phần lớn là rừng không có trữ lượng, các loại cây chủ yếu là cây gỗ nhỏ và gỗ không có giá trị. Tuy nhiên phía dưới chân các ngọn đồi người dân trồng Keo, Bạch đàn và hiện nay đang được đưa vào khai thác. Trong quá trình khảo sát chúng tôi gặp một hộ gia đình đang khai thác rừng trồng tại khu vực Hung Sú, khu vực này sát với vị trí Vọoc đang sinh sống. Việc khai thác rừng trồng bằng máy cưa, vận chuyển bằng ô tô đã tạo ra tiếng ồn lớn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của quần thể Vọoc.
+ Khai thác lâm ngoài gỗ và củi
Rừng là môi trường sống của hầu hết các loài thú nói chung và loài Vọoc gáy trắng nói riêng. Tuy nhiên vì cuộc sống một số người dân xã Thạch Hóa, Đồng Hóa vẫn vào rừng để khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ như củ Khúc khắc, hái lá cây Chu ke, lấy mật ong, chặt củi… Trong quá trình khảo sát chúng tôi gặp rất nhiều người dân vào khu vực Hung Trơng, Hung Trù để lấy củi. Đặc biệt trong tháng 9 năm 2015 khi phong trào thu mua cây lá Trơng, củ Khúc khắc rất nhiều người dân của xã Thạch
Hóa, Đồng Hóa và một số xã lân cận đã tập trung vào khu vực này để thu hái các loại lâm sản ngoài gỗ nói trên. Sau khi nhận được nguồn tin Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, ngăn chặn tình trạng trên.
Việc người dân vào rừng khai thác lâm sản ngoài gỗ không những làm giảm vùng sống mà còn tác động trực tiếp đến sự tồn tại của các loài động vật rừng nói chung và loài Vọoc nói riêng.
+ Khai thác đá: Môi trường sống lý tưởng của loài Vọoc gáy trắng là trên những dãy núi đá vôi cao, và chúng sống nơi yên tĩnh, ít chịu sự tác động của môi trường bên ngoài. Tuy nhiên một vấn đề bất cập hiện nay tại khu vực nghiên cứu là tình trạng khai thác đá phục vụ cho các công trình xây dựng vẫn thường xuyên diễn ra hằng ngày ở những nơi gần khu vực có loài Vọoc gáy trắng sinh sống. Việc khai thác diễn ra lâu dài sẽ làm hạn chế vùng sống của loài Vọoc gáy trắng, tiếng ồn lớn sẽ làm kinh động đến đời sống của chúng.
+ Lấn chiếm đất lâm nghiệp
Những năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn không xảy ra. Tuy nhiên trong thời gian khảo sát quần thể Vọoc tại khu vực nghiên cứu chúng tôi phát hiện 02 người dân xã Thạch Hóa đang phát thực bì dưới chân núi tại khu vực Cây Gạo để trồng cỏ. Sau khi phát hiện chúng tôi đã báo cho UBND xã, Trạm Kiểm lâm Mai Hóa lập biên bản xử lý theo quy định của pháp luật. Việc lấn chiếm đất lâm nghiệp đã làm giảm vùng sống, sinh cảnh sống của quần thể Vọoc.
+ Cháy rừng: Theo số liệu thống kê của Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa từ năm 2010- 2014 trên địa bàn 02 xã Thạch Hóa và Đồng Hóa không xảy ra vụ cháy rừng nào. Mặc dù trong những năm gần đây trên địa bàn không xảy ra cháy rừng, tuy nhiên qua khảo sát chúng tôi thấy tại khu vực này phái dưới chân núi người dân địa phương trồng Keo, một số diện tích trồng cỏ các diện tích này là nguy cơ cháy rừng. Cháy rừng là mối đe dọa lớn, đặc biệt vào các tháng mùa khô. Cháy rừng làm thu hẹp sinh cảnh sống, làm thay đổi môi trường kiếm ăn của quần thể Vọoc.
+ Đường giao thông: Tại khu vực chúng tôi nhận thấy rằng có nhiều con đường chạy qua rất gần với nơi sống của Vọoc gáy trắng điển hình như tại khu vực Cửa Hung, khu vực Miếu Tam Quan vị trí Vọoc sinh sống chỉ cách đường giao thông khoảng 10m. Xe cộ đi lại gây tiếng ồn lớn, khí thải gây ô nhiễm môi trường sống những điều đó cũng ảnh hưởng khá lớn đến đời sống của Vọoc gáy trắng. Không những vậy đường được mở rộng là điều kiện thuận lợi cho việc săn bắn, khai thác gỗ diễn ra gây một áp lực rất lớn vào rừng.