3.4.1. Đánh giá tính phù hợp của khu vực núi đá vôi thuộc các xã Thạch Hóa, Đồng Hóa với tiêu chí rừng đặc dụng Việt Nam.
Theo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004) thì rừng đặc dụng của Việt Nam có các loại hình sau:
1). Vườn Quốc gia.
2). Khu bảo tồn thiên nhiên, gồm:
+ Khu dự trữ thiên nhiên.
+ Khu bảo tồn loài/sinh cảnh.
3). Khu bảo vệ cảnh quan (khu VH-LS-MT).
4). Khu rừng thực nghiệm và nghiêu cứu khoa học;
Trong các loại hình trên thì loại hình Khu bảo tồn loài/sinh cảnh phù hợp nhất với mục tiêu quy hoạch bảo tồn loài Vọoc gáy trắng tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
3.4.1.1. Tiêu chí thành lập Khu bảo tồn loài/sinh cảnh
Cả nước hiện có 14 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, tổng diện tích 81.126,21 ha.
Trong đó có 4 khu có diện tích từ 126 đến 128 ha (Vườn Chim Bạc Liêu, Sân Chim Đầm Dơi, Khu bảo tồn Thông Nước, Ấp Canh Điền/Bảo vệ đất ngập nước). 03 khu có diện tích từ 500 đến 600 ha là: Đăk Uy (Kon Tum, bảo vệ các loài cây gỗ Trắc, Giáng Hương và Cẩm Lai), Nam Động (bảo vệ các loài thực vật Hạt Trần quý hiếm, Thanh Hóa) và Rừng Sến Tam Quy (Thanh Hóa).
Tiêu chí phân loại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh theo Quyết định số 62/QĐ-BNN ngày 11/10/2005 của BNN&PTNT quy định vai trò, chức năng của khu bảo tồn loài/sinh cảnh cụ thể như sau:
+ Bảo tồn và duy trì môi trường sống tự nhiên của các loài, nhóm loài, quần thể sinh vật đặc trưng, có sự tác động phù hợp của con người.
+ Phục vụ nghiên cứu khoa học, giám sát môi trường và giáo dục cộng đồng, phục vụ cho công tác quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.
+ Tạo điều kiện cải thiện đời sống người dân sống trong và xung quanh Khu bảo tồn loài - sinh cảnh, phù hợp với mục tiêu bảo tồn.
Bảng 3.14: Đánh giá tính phù hợp với tiêu chí Khu bảo tồn loài/sinh cảnh Tiêu chí theo Quyết Định 62 Sự đáp ứng của Khu vực Thạch Hóa Các khu vực là sinh cảnh quan
trọng (khu trú ẩn, kiếm thức ăn, sinh sản), có ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của loài sinh vật có tầm cỡ quốc gia hay địa phương.
Sinh cảnh núi đá vôi có rừng che phủ hầu hết (gần như 100%). Là nơi sinh sống của ít nhất 100 cá thể loài Vọoc gáy trắng (Trachypithcus hatinhensis Dao, 1970). Loài này có trong sách đỏ của IUCN, ở cấp đe dọa toàn cầu: Nguy Cấp (Endangered). Là loài được bảo vệ trong Nghị Định 32 của Chính Phủ, nhóm IB (nghiêm cấm khai thác và buôn bán).
Phải có ít nhất 1 loài sinh vật đặc hữu hoặc trên 3 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Vọoc gáy trắng là loài đặc hữu của Việt Nam và Lào. Ở Việt Nam, loài này chỉ tìm thấy ở sinh cảnh rừng núi đá vôi ở tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Quần thể lớn nhất ở VQG Phong Nha-Kẻ Bàng Quảng Bình (>2.000 cá thể);
Thạch Hóa là quần thể lớn thứ hai. Quần thể nhỏ hơn có ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (15-20 cá thể). Là loài quý hiếm, ưu tiên bảo vệ ở cấp: Nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam (2007).
Diện tích tuỳ thuộc vào yêu cầu về sinh cảnh của loài sinh vật cần bảo vệ, nhưng ít nhất là 1.000 ha, trong đó các hệ sinh thái tự nhiên chiếm hơn 70% tổng diện tích Khu bảo tồn.
Tổng diện tích 175 ha, sinh cảnh rừng núi đá
vôi. Chất lượng sinh cảnh rừng rất phù hợp đến sự tồn tại và phát triển của loài Vọoc gáy trắng.
Tuy nhiên như phân tích ở trên cả nước hiện có 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh nhưng có 4 khu diện tích từ 126-128ha và 3 khu có diện tích từ 500-600 ha. Như vậy về diện tích, 175ha là hoàn toàn phù hợp.
Tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp và đất thổ cư so với diện tích Khu bảo tồn phải nhỏ hơn 10%.
Hầu như không có đất canh tác nông nhiệp trong phạm vi 175ha rừng núi đá vôi. (Diện tích đất nông nghiệp tập trung ở khu vực thung lũng và chân 2 khối núi đá vôi, tuy nhiên diện tích này đất nông nghiệp chưa tính vào 175ha núi đá vôi nơi các quần thể Vọoc đang sinh sống).
Như vậy, khu vực núi đá vôi, nơi có quần thể Vọoc gáy trắng sinh sống tại huyện Tuyên Hóa đáp ứng hầu hết tiêu chí khu bảo tồn loài/sinh cảnh; về quy mô diện tích, với diện tích 175ha rừng trên núi đá vôi, diện tích này lớn hơn 4 khu bảo tồn loài/sinh cảnh hiện có của Việt Nam (chỉ từ 125-128 ha).
3.4.1.2. Đánh giá các giá trị của khu vực có quần thể Vọoc gáy trắng sinh sống + Về đa dạng sinh học
Vọoc gáy trắng là loài Linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi chỉ ở Việt Nam (chủ yếu ở tỉnh Quảng Bình) và Khu Hinnam No của Lào; là loài quý hiếm trong sách đỏ Thế giới (IUCN) và Việt Nam ở mức Nguy cấp và cũng là loài Linh trưởng quý hiếm được pháp luật Việt Nam bảo vệ theo Nghị định 32 (nhóm IB). Việc bảo vệ quần thể Vọoc gáy trắng với số lượng khoảng 100 cá thể (10 quần thể) cùng với sinh cảnh rừng trên núi đá vôi và nhiều loài động thực vật khác sẽ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Bình, của quốc gia và quốc tế. Trong thời gian tới, tổ chức IUCN sẽ đánh giá lại và nâng cấp đe dọa toàn cầu của loài này lên cấp: Rất Nguy cấp (Critical Endangered). Nên việc bảo vệ loài này lại càng có ý nghĩa lớn về đa dạng sinh học mang tầm quốc tế.
+ Về cảnh quan môi trường, bảo vệ nguồn nước
Diện tích núi đá vôi có rừng che phủ đã mang lại cảnh quan, môi trường sống động, tiềm ẩn phát triển du lịch cho tỉnh Quảng Bình, đặc biệt có thể thấy ở khu vực VQG Phong Nha-Kẻ Bàng. Ở huyện Tuyên Hóa, đặc biệt 2 khối núi đá vôi đang đề
xuất bảo vệ có rừng che phủ gần như 100%, chất lượng rừng tương đối tốt. Có vai trò
điều tiết môi trường, nguồn nước, ẩm độ cho diện tích canh tác hoa màu (lạc, sắn, rau...), phát triển kinh tế lâm nghiệp (các loại Keo, Bạch đàn...) và thảm cỏ cho chăn nuôi gia súc (bò) của cộng đồng địa phương. Một điều chắc chắn rằng nếu không có rừng che phủ trên những khối núi đá vôi này môi trường tự nhiên nơi đây sẽ trở nên khô cằn, năng suất canh tác nông nghiệp xung quanh sẽ giảm sút theo và các yếu tố này sẽ ảnh hưởng trục tiếp đến sinh kế và môi trường sống của người dân địa phương.
+ Phát triển du lịch sinh thái kết hợp với giáo dục môi trường.
Tiềm năng phát triển du lịch quan sát loài Vọoc kết hợp các tua du lịch sinh thái, giáo dục môi trường có tính khả thi cao.
Điểm quan trọng để thu hút và hấp dẫn người xem là đặc tính thân thiện, mạnh dạn khi tiếp xúc với con người của loài Vọoc; khả năng bắt gặp quần thể Vọoc gáy trắng là rất cao vào những ngày không có mưa, thậm chí có thể gặp và quan sát được từ 3-4 quần thể trong một buổi hoặc ngày.
Hệ thống giao thông thuận lợi, có thể tiếp cận tới khu vực quần thể Vọoc sinh sống khá thuận lợi như ô tô, xe máy và đi bộ theo các tuyến đường mòn dưới chân của 2 khối núi đá vôi. Đặc biệt, đây là khu vực thượng nguồn sông Gianh, có thể mở tuyến du lịch sinh thái đường sông.
3.4.2. Đánh giá tính khả thi để thành lập khu bảo tồn loài/sinh cảnh
+ Đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về khu bảo tồn loài/sinh cảnh của Bộ NN&PTNT năm 2005.
+ Khu đề xuất bảo vệ Vọoc không mâu thuẫn hoặc xung đột về sử dụng đất và tài nguyên rừng của cộng đồng địa phương.
+ Bản thân các quần thể Vọoc ở đây không xung đột hoặc phá hoại hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng địa phương. Do tập tính của Vọoc gáy trắng chỉ ăn lá
cây rừng, không phá hoại hoa màu, lương thực của dân địa phương.
+ Sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp: UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Tuyên Hóa, UNBD xã Thạch Hóa về chủ trương bảo vệ các quần thể Vọoc.
+ Sự vào cuộc kịp thời và có hiệu quả của các đơn vị chức năng, cơ quan quản lý nhà nước như: Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa và Trạm Kiểm lâm Mai Hóa, đã thực hiện vai trò và chức năng trong công tác thực thi pháp luật, quản lý bảo vệ quần thể Vọoc gáy trắng.
+ Một số cá nhân trong cộng đồng đã tiên phong và tích cực tham gia tự nguyện việc bảo vệ quần thể Vọoc và sinh cảnh sống của chúng. Đặc biệt, cá nhân Ông Nguyễn Thanh Tú (bộ đội biên phòng về hưu) là người đầu tiên khởi xướng việc bảo vệ các quần thể Vọoc và nơi ở của chúng. Ông đã tuyên truyền, vận động những thợ săn lâu năm của địa phương và từ nơi khác đến về tầm quan trọng của việc bảo vệ loài Vọoc. Hiện tại, Ông là thành viên tích cực của tổ cộng đồng bảo vệ Vọoc gáy trắng, tình nguyện bảo vệ quần thể Vọoc và giám sát những người xâm hại tới chúng và sinh cảnh sống của loài.
3.4.3. Đề xuất các giải pháp
Thông qua những đánh giá về giá trị đa dạng sinh học, giá trị kinh tế, giá trị văn hoá, giá trị bảo tồn nguồn gen quý hiếm và những ảnh hưởng của con người tới quần thể Vọoc, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau đây:
3.4.3.1. Giải pháp quản lý bảo tồn
+ Tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn Vọoc nói riêng cho cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng mà
nồng cốt là lực lượng Kiểm lâm. Mở các lớp tập huấn về hệ thống pháp luật, các nguyên lý cơ bản về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài và sinh cảnh, các nguyên lý cơ bản trong giám sát và bảo tồn các loài động thực vật, tập huấn và áp dụng lớp về
tuyên truyền giáo dục cộng đồng có sự tham gia của người dân.
+ Nghiên cứu về nhu cầu thức ăn và sinh cảnh của Vọoc gáy trắng làm cơ sở xây dựng giải pháp mở rộng hoặc bổ sung nguồn thức ăn cho các quần thể Vọoc trong tương lai. Tiến hành các hoạt động nghiên cứu về tập tính của quần thể Vọoc gáy trắng để xây dựng kế hoạch và giải pháp bảo tồn phù hợp.
+ Tiếp tục khảo sát các khu vực núi đá vôi còn lại tại xã Thạch Hóa và Đồng Hóa cũng như các khu vực núi đá vôi của các xã giáp ranh như Nam Hóa, Sơn Hóa, Thuận Hóa... để mở rộng khu vực phân bố của quần thể Vọoc gáy trắng.
+ Hiện nay, phần lớn các diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa đang được tạm giao cho UBND các xã này quản lý, một số diện tích được quy hoạch đất rừng sản xuất, một số diện tích còn lại được quy hoạch là đất khác vì vậy cần chuyển đổi các loại đất rừng này sang đất rừng đặc dụng. Từ đó làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập khu bảo tồn, đồng thời làm cở sở cho việc hỗ trợ nguồn lực tài chính và kỷ thuật của các dự án ODA và từ các tổ chức NGOs. Cần phải sớm có quy hoạch và đề xuất thành lập khu bảo tồn Vọoc gáy trắng. Trước mắt khi chưa thành lập được khu bảo tồn, chưa có ban quản lý theo Nghị định 117/2010/NĐ-CP, thì chúng ta thành lập Ban quản lý quần thể Vọoc gồm các thành phần: Đại diện của Chi cục Kiểm lâm (VP Chi cục, Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa, Trạm Kiểm lâm Mai Hóa); Đại diện chính quyền địa phương hai xã Thạch Hóa và Đồng Hóa; Đại diện của chính quyền thôn (Thiết Sơn và Đồng Thuận); Đại diện của tổ bảo vệ cộng đồng.
+ Ngừng các hoạt động khai thác đối với các mỏ đá đã được cấp phép tại các khu vực lân cận với khu vực có quần thể Vọoc sinh sống, không cấp giấy phép khai thác mới nhằm đảm bảo môi trường, sinh cảnh sống cho quần thể Vọoc.
+ Thành lập tổ bảo vệ cộng đồng bao gồm các cá nhân ưu tú trong cộng đồng, đại diện chính quyền thôn xóm, đại diện lực lượng Kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa; Xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ quần thể Vọoc tại các thôn xóm kề rừng và lân cận để nâng cao ý thức và cam kết thực hiện bảo vệ rừng, bảo vệ quần thể Vọoc;
Xây dựng kế hoạch tuần tra giám sát và bảo vệ và chế độ báo cáo theo định kỳ, đột xuất.
3.4.3.2. Giải pháp tuyên truyền giáo dục môi trường
+ Sự nghiệp bảo vệ tài nguyên rừng là sự nghiệp chung của toàn xã hội, nếu chỉ có lực lượng Kiểm lâm không thôi thì sẽ không thể thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý mà Chính phủ và Nhà nước giao cho. Nhưng để người dân tham gia vào công tác này thì
trước hết người dân cần, biết, phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong đó có loài Vọoc. Hoạt động giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức của họ về quản lý bảo vệ rừng nói chung và về bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng cần được lồng ghép trong các chương trình tuyên truyền, trong các hội Nghị tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, làng. Nội dung tuyên truyền cần cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với từng thời điểm trong năm. Đối tượng tuyên truyền gồm người dân, các ban ngành trong thôn (trường học, y tế, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh,...).
Định kỳ tổ chức 3 hội Nghị quản lý bảo vệ rừng cấp xã vào đầu năm, giữa năm và cuối năm nhằm đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng. Cần đa dạng hoá các loại hình tuyên truyền, bằng áp phích, pano, khẩu hiệu, truyền thanh và phương thức tuyên truyền cũng cần được thay đổi, tuyên truyền gián tiếp. Nội dung tuyên truyền cần bao hàm hết được các tầng lớp nhân dân, từ người già đến trẻ em.
+ Song song với công tác tuyên truyền, cần tăng cường hiệu lực pháp luật về
quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã đặc biệt các loài thú Linh trưởng thông qua các hoạt động giáo dục môi trường. Chúng tôi thấy thông qua các hoạt động giáo dục môi trường như tổ chức tuyên truyền thông qua các cuộc thi, các buổi họp dân, thành lập các câu lạc bộ xanh tại các trường học, câu lạc bộ yêu thiên nhiên,... đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong lĩnh vực bảo tồn.
+ Xây dựng và triển khai thực hiện quy ước và hương ước bảo vệ và quản lý phát triển rừng; quy ước xây dựng cần phù hợp với từng thôn và tuyên truyền để nhân dân thực hiện đúng những quy định trong quy ước. Xây dựng tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, vận động nhân dân tham gia ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã đặc biệt là bảo vệ quần thể Vọoc.
+ Tăng cường các hoạt động kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ, cháy rừng. Xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, các vụ săn bắn, mua bán vận chuyển các sản phẩm động vật rừng, kiên quyết xử lý các hành vi buôn bán động vật rừng đúng theo pháp luật.
+ Tăng cường kiểm tra các cơ sở, nhà hàng, quán ăn mua bán, kinh doanh giết mổ động rừng và các sản phẩm của chúng. Xử lý nghiêm minh và kịp thời các vụ vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng, các vụ săn bắn, mua bán vận chuyển các sản phẩm động vật rừng.