Đặc điểm tự nhiên

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của một số dự án trên địa bàn thị xã an nhơn, tỉnh bình định (Trang 37 - 44)

Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

3.1.1. Đặc điểm tự nhiên

3.1.1.1. Vị trí địa lý

Thị xã An Nhơn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Bình Định và cách trung tâm thành phố Quy Nhơn về hướng Đông khoảng 20km, có tổng diện tích đất tự nhiên 242,64km2, dân số 182.066 người, chiếm

- Về tọa độ địa lý:

+ Kinh độ Đông: 109000 - 109011.

+ Vĩ độ Bắc: 13042 - 13049.

- Về ranh giới địa lý hành chính:

+ Phía Bắc giáp huyện Phù Cát.

+ Phía Đông giáp huyện Tuy Phước.

+ Phía Tây giáp huyện Tây Sơn và huyện Vân Canh.

+ Phía Nam giáp huyện Vân Canh và huyện Tuy Phước.

Thị xã An Nhơn được chia thành 15 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 5 phường: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Thành và 10 xã: Nhơn An, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, Nhơn Tân.

Phường Bình Định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của thị xã cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về phía Tây Bắc.

Lợi thế quan trọng của huyện là nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có tuyến Quốc lộ 1A Bắc Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh chạy qua và là đầu mối phía Đông của đường Quốc lộ 19 nối giữa duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi để thị xã An Nhơn khai thác các thế mạnh về tiềm năng lao động, đất đai, các nguồn tài nguyên trên địa bàn thị xã, phục vụ cho việc mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, giao lưu thông thương với các huyện, thành phố trong tỉnh và với cả nước, đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Hình 3.1. Bản đồ hành chính của thị xã An Nhơn 3.1.1.2. Địa hình

Địa hình của huyện tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Tây sang Đông hướng nghiêng ra biển cao độ trung bình khoảng 6 - 8 m gồm hai dạng chính:

- Địa hình vùng đồng bằng có diện tích 17.067 ha, chủ yếu phân bố ở thị trấn Bình Định, thị trấn Đập Đá và các xã Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Khánh và Nhơn Phúc.

- Địa hình vùng đồi núi có diện tích 7.150 ha phân bố ở khu vực phía Nam của huyện, ven quốc lộ 19 và ở khu vực phía Tây giáp huyện Tây Sơn.

Nhìn chung địa hình của huyện thuận lợi cho cơ giới hoá đồng ruộng, phát triển nền nông nghiệp hàng hoá với các vùng chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến và thuận lợi cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và giao lưu phát triển kinh tế với bên ngoài.

3.1.1.3. Thủy văn

An Nhơn có hệ thống sông ngòi khá dày chảy trên địa bàn và phân bố tương đối đồng đều. Trong đó quan trọng nhất là sông Kôn với 3 nhánh sông chính: sông Đập Đá, sông Gò Chàm và sông Tân An. Hệ thống sông ngòi của An Nhơn đều chảy theo hướng từ Tây sang Đông, lưu vực nhỏ ngắn. Đa số các nhánh sông đều bắt nguồn từ

vùng miền núi Phía Tây có độ dốc lớn, lòng sông hẹp, ít có bãi bồi, về phía hạ lưu lòng sông mở rộng. Chế độ nước của các sông phụ thuộc vào chế độ mưa. Vào mùa mưa lượng nước sông dâng cao gây hiện tượng lụt lội khu vực ven sông, mùa khô lượng nước các sông cạn kiệt gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Do ở gần các cửa biển nên chế độ nước của các sông trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng của thuỷ triều biển Đông, đặc biệt là vào mùa khô nước các sông cạn kiệt nguồn nước mặn xâm nhập gây nhiễm mặn, phèn đất khu vực ven sông.

3.1.1.4. Khí hậu

Do nằm trong khu vực có gió mùa kết hợp với điều kiện địa hình, đặc biệt là dãy Trường Sơn có ảnh hưởng lớn đến các yếu tố khí hậu của huyện. An Nhơn có khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa theo mùa. Một năm có hai mùa: Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9, kết thúc vào tháng 12 dương lịch. Mùa khô bắt đầu từ tháng 01, kết thúc vào tháng 8 năm sau.

Chế độ nhiệt: Có nền nhiệt cao ít biến động, nhiệt độ trung bình hàng năm là 27,20C, cao nhất vào tháng 8 (30,70C), thấp nhất vào tháng 2 (23,40). Tổng tích ôn trung bình năm là 99000C.

Lượng mưa: Lượng mưa trung bình năm vào khoảng 1.750 mm, phân bố không đều theo mùa. Lượng mưa vào các tháng mùa mưa chiếm tới 80% lượng mưa cả năm, tập trung vào các tháng 9,10, và 11. Mùa khô lượng mưa chỉ chiếm 20% thời kỳ khô hạn nhất là vào các tháng 4, 5, 6, và 7.

Nắng: Tổng số giờ nắng bình quân hàng năm khoảng 2.331 giờ, phân bố không đều giữa các tháng trong năm. Tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 5 (273 giờ), tháng thấp nhất là tháng 12 (107 giờ).

Lượng bốc hơi: Lượng bốc hơi hàng năm tương đối ổn định, ít biến động.

Lượng bốc hơi các tháng mùa khô thường giao động từ 100 - 140 mm, các tháng mùa mưa từ 60 - 90 mm. Lượng bốc hơi bình quân ngày mùa mưa đạt 2,5 mm, mùa khô 4,22 mm.

Độ ẩm không khí trung bình 76% - 85% biến đổi theo mùa và theo gió mùa.

Các tháng mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 4) độ ẩm không khí khoảng 80%, các tháng mùa mưa (tháng 6 đến tháng 11) khoảng 85%.

Gió: Có 2 hướng gió chính là gió Đông, Đông Bắc thổi từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Gió Tây, Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 11. An Nhơn nằm trong khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão lũ, tuy nhiên vào đầu mùa mưa có thể xuất hiện gió lốc, hay giông mạnh làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

3.1.1.5. Tài nguyên nước

Nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của huyện là nước mưa tại chỗ và nguồn bổ sung từ sông Kôn và nguồn nước ngầm. Trữ lượng nước có khả năng đáp ứng cho nhu cầu phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh.

- Nguồn nước mặt: Nguồn nước từ sông Kôn và hồ Núi Một được dẫn qua hệ thống kênh, rạch là nguồn nước mặt chủ yếu, quan trọng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, tuy nhiên do lưu vực các sông trên địa bàn huyện An Nhơn hẹp do vậy vào mùa khô lượng nước các sông xuống thấp gây thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Chất lượng nước mặt (sông, rạch, ao, hồ) cũng diễn biến theo mùa. Ngoài ra lượng mưa hàng năm cũng là nguồn nước ngọt chính vô cùng quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống.

- Nguồn nước ngầm: Chưa có số liệu đánh giá cụ thể trữ lượng nguồn nước ngầm trên địa bàn huyện An Nhơn tuy nhiên theo khảo sát sơ bộ của tỉnh Bình Định, huyện An Nhơn nằm trong khu vực triển vọng có trữ lượng nước ngầm khá dồi dào, chất lượng tốt, có thể khai thác cho sản xuất và sinh hoạt ở độ sâu trung bình 20 m.

Hiện tại đã có 9 giếng dọc sông Tân An cung cấp nước cho thành phố Quy Nhơn, về lâu dài có khả năng cung cấp nước cho An Nhơn và các vùng lân cận khác.

Nhìn chung, An Nhơn có trữ lượng nước dồi dào, tuy nhiên phân bố không đều theo mùa, mùa mưa lượng nước các sông lớn gây hiện tượng lũ lụt, mùa khô nước các sông cạn kiệt gây khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt

3.1.1.6. Tài nguyên du lịch

An Nhơn có tài nguyên du lịch khá phong phú với nhiều di tích, dấu tích của các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Trên địa bàn huyện còn nhiều thành trì, đền tháp, phù điêu, tượng đá, cổ vật, bảo vật của hoàng cung như: Thành Đồ Bàn ghi dấu chiến công mở mang bờ cõi của các vua nhà Lý, Trần, Lê. An Nhơn từng là Kinh đô Chămpa, Đế đô của vua Thái Đức - Nguyễn Nhạc thời Tây Sơn và tỉnh lỵ thời Nhà Nguyễn nên còn lưu lại nhiều di tích lịch sử có giá trị; đặc biệt là tháp Cánh Tiên (xã Nhơn Hậu), tháp Phú Lốc (xã Nhơn Thành), Khu lò gốm cổ Gò Sành (Nhơn Hòa), thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu), thành Bình Định (thị trấn Bình Định). An Nhơn còn có Chùa Thập Tháp (xã Nhơn Thành) – một ngôi chùa cổ được xây dựng cách đây hơn 300 năm.

Ngoài ra với đặc điểm nhiều làng nghề truyền thống (khoảng 20 làng nghề - xem bảng sau đây). Các làng nghề này tập trung xung quanh khu vực thành Đồ Bàn, thành Hoàng Đế ngày xưa trong vòng bán kính chừng 10 km, có cảnh quan đẹp với đồng ruộng, vườn dừa, lũy tre xanh… mang đậm chất nông thôn đồng bằng. Ngoài ra, An Nhơn còn có các làng trồng cây cảnh như Háo Đức, Vĩnh Liêm. Với nhiều di tích lịch sử và làng nghề truyền thống, An Nhơn thực sự có tiềm năng du lịch, có thể tham gia là một điểm trong tuyến du lịch Quy Nhơn, An Nhơn và Tây Sơn.

Bảng 3.1. Các làng nghề truyền thống tiêu biểu ở An Nhơn

Tên làng nghề Địa bàn

Làng dệt Nam Phương Danh Thị trấn Đập Đá

Làng đúc Bằng Châu Thị trấn Đập Đá

Làng rèn Tây Phương Danh Thị trấn Đập Đá, Nam Tân (Nhơn Hậu)

Làng đúc Kim Châu Thị trấn Bình Định

Làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu

Làng gốm Nhơn Hậu

Làng bún Nhơn Phúc

Làng khảm xà cừ Nhơn Hưng

Làng nón lá Gò Găng Nhơn Thành

Làng rượu Bầu Đá Nhơn Lộc

Làng đan tre Nhơn Khánh

Nguồn:[5]

3.1.1.7. Tài nguyên đất

Đất đai của An Nhơn được hình thành từ 2 nguồn gốc: Do phong hoá tại chỗ đá mẹ và đất thuỷ thành. Cụ thể gồm 5 nhóm với các loại đất chính sau: (nguồn số liệu:

Báo cáo đánh giá đất đai huyện An Nhơn - tỉnh Bình Định, kèm theo bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000):

Nhóm đất cát: Có diện tích 160 ha, chiếm 0,66% diện tích tự nhiên, phân bố thành những dải hẹp hoặc bãi rộng ven sông Kôn thuộc xã Nhơn Phúc, Nhơn Mỹ. Đất cát thường có màu trắng hoặc vàng nhạt, kích thước hạt rất thô.

Nhóm đất phù sa: Có diện tích khoảng 7.641 ha, chiếm 31,55% diện tích tự nhiên của huyện. Đất được hình thành do quá trình bồi đắp phù sa của sông Kôn và các sông, suối nhỏ khác trên địa bàn. Do phần lớn các sông đều bắt nguồn và chảy qua vùng đồi núi cấu tạo bởi đá cát, đá granít hoặc phù sa cổ nên phần lớn đất phù sa đều có thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, có phản ứng chua. Nhóm đất phù sa có 2 loại đất chính là đất phù sa chua và đất phù sa đốm gỉ.

- Đất phù sa chua: Có diện tích 7.279 ha phân bố ở các xã khu vực ven sông Kôn thuộc các xã Nhơn Hậu, Nhơn Mỹ, Nhơn Thọ, Nhơn Hoà và thị trấn Bình Định, thường ở các khu vực có địa hình cao. Đất có thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình, có màu vàng đậm, khá xốp, chuyển lớp từ từ. Đất chua vừa, độ chua giảm dần theo độ sâu tầng đất. Hàm lượng mùn, đạm trung bình; Lân tổng số và lân dễ tiêu khá; ka li tổng số và dễ tiêu trung bình và nghèo. Đất nhẹ dễ thấm nước nhưng đã hình thành tầng đế cày. Đất phù sa chua thuận lợi cho phát triển hoa màu và các cây công nghiệp ngắn ngày.

- Đất phù sa đốm gỉ: Có diện tích 362 ha, phân bố ở các xã Nhơn Thọ, Nhơn Lộc và Nhơn Tân (gồm đất phù sa đốm gỉ glây sâu và đất phù sa đốm gỉ kết von sâu).

Loại đất này phân bố ở khu vực có địa hình vàn cao. Lớp đất tầng mặt và tầng kế tiếp chua vừa, các tầng dưới ít chua. Hàm lượng mùn, đạm, lân dễ tiêu và lân tổng số trung bình; kali tổng số và kali dễ tiêu nghèo, lượng can xi và magiê trao đổi thấp, nhất là ở tầng mặt. Hàm lượng sắt, nhôm di động rất cao ngay ở tầng mặt gây độc hại cho cây trồng. Đất phù sa đốm gỉ hiện chủ yếu là đất trồng lúa.

Nhóm đất Glây: Có diện tích khoảng 3.044 ha, chiếm 12,57% diện tích tự nhiên của huyện (gồm đất glây chua điển hình, đất glây chua thành phần cơ giới nhẹ, đất glây chua kết von sâu, đất glây chua kết von yếu). Phân bố chủ yếu ở khu vực phía Đông của huyện, chia ra: Thị trấn Bình Định 276 ha, thị trấn Đập Đá 90 ha và ở các xã Nhơn Thành 419 ha, Nhơn Mỹ 685 ha, Nhơn An 90 ha, Nhơn Hưng 350 ha, Nhơn Hoà 312 ha, Nhơn Hạnh 504 ha, và Nhơn Phong 318 ha. Đất có nguồn gốc phù sa do quá trình canh tác lúa nước lâu đời, thường xuyên bị ngập nước, yếm khí nên bị glây mạnh hoặc trung bình. Đất thường chua, hàm lượng các chất dinh dưỡng tổng số khá hoặc giàu, các chất dễ tiêu nghèo, nhất là lân.

Nhóm đất xám: Có 8 loại đất gồm đất xám điển hình, đất xám feralit điển hình, đất xám feralit glây sâu, đất xám feralit glây, kết von sâu, đất xám feralit đá nông, đất xám feralit đá sâu, đất xám glây kết von sâu, đất xám glây cơ giới nhẹ đá sâu, đất xám kết von sâu cơ giới nhẹ. Nhóm đất xám có diện tích 7.150 ha, chiếm 29,52% diện tích tự nhiên, phân bố ở thị trấn Đập Đá và ở các xã Nhơn Tân 4.070 ha, Nhơn Thọ 1.662 ha, Nhơn Mỹ 357 ha, Nhơn Lộc 338 ha, Nhơn Hậu 239 ha, Nhơn Hoà 191 ha, Nhơn Phúc 125 ha, Nhơn Thành 101 ha. Hầu hết các loại đất xám trên địa bàn huyện An Nhơn đều phát triển trên sản phẩm phong hoá của đá granít, gơnai và trên trầm tích phù sa cổ vì vậy phần lớn đất có thành phần cơ giới cát pha hoặc thịt nhẹ, thường tầng dưới có tích sét, giữ nước kém; đất có phản ứng chua vừa toàn phẫu diện. Hàm lượng mùn nghèo, lân tổng số và lân dễ tiêu nghèo, ka li tổng số nghèo, ka li dễ tiêu ở tầng mặt giàu. Lượng can xi và magiê trao đổi thấp. Sắt và nhôm di động có có xu hướng tăng từ tầng mặt xuống tầng sâu. Đất xám bạc màu có sự chuyển lớp khá rõ, lớp bề mặt

có màu xám bạc hơi vàng, ở độ sâu từ 14 - 52 cm có màu vàng xám, ở độ sâu từ 52 - 84 cm đất có màu nâu vàng, lớp thứ 3 ở độ sâu từ 84 - 125 cm có màu vàng sẫm.

Nhóm đất tầng mỏng: Có diện tích khoảng 1.292 ha, chiếm 5,34% diện tích tự nhiên phân bố ở Nhơn Hoà, Nhơn Mỹ, Nhơn Thọ, Nhơn Thành, Nhơn Hậu và Nhơn Phong. Phần lớn loại đất này phân bố ở những nơi có độ dốc cao >250. Độ sâu tầng đất thường dưới 30 cm xuất hiện đá lộ đầu. Đất có màu vàng da cam ở tầng mặt. Thành phần cơ giới chủ yếu là cát pha sét cấu trúc cục nhỏ không rõ góc cạnh, nhiều rễ cây, đá mảnh lẫn khoảng 10% chuyển lớp rõ. Đất có phản ứng chua nghèo các chất hữu cơ, hàm lượng Ca2+, Mg2+ rất thấp. Phần lớn đất tầng mỏng là đất đồi núi chưa sử dụng không có lớp phủ thực vật do vậy bị rửa trôi lớp đất bề mặt, cần được trồng rừng phủ xanh để giảm thiểu tình trạng trơ sỏi đá.

Nhìn chung An Nhơn có lớp phủ thổ nhưỡng khá đa dạng đã và đang được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp (khoảng 62% diện tích tự nhiên).

3.1.1.8. Tài nguyên rừng:

Năm 2011, thị xã An Nhơn có 3.420,55 ha đất rừng, trong đó rừng sản xuất có 2.405,65 ha (phần lớn là rừng trồng sản xuất: 1.924,67 ha, chiếm 80,01%), rừng phòng hộ 1.040,9 ha (chủ yếu là đất có rừng tự nhiên phòng hộ: 837,29 ha, chiếm 80,44%) (theo số liệu phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và đất Lâm nghiệp tỉnh Bình Định năm 2011). Tài nguyên rừng của thị xã An Nhơn không phong phú, chất lượng rừng kém nên khó có thể bảo vệ nguồn nước vào mùa khô gây nên tình trạng khô hạn, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

3.1.1.9. Tài nguyên khoáng sản:

Tài nguyên khoáng sản của thị xã An Nhơn không đa dạng về chủng loại, nhưng có một số loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn, có giá trị trong ngành công nghiệp. Cụ thể đá xây dựng có trữ lượng ước tính hàng trăm triệu m3, bao gồm các loại đá làm vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu xây dựng cao cấp. Riêng các loại đá granite như granosinite màu đỏ, biotite hạt thể màu vàng là những loại được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Ngoài ra còn có một số loại khoáng sản khác tuy nhiên trữ lượng không lớn và chưa có những đánh giá đầy đủ về trữ lượng cũng như chất lượng,.... Tuy nhiên, cũng tồn tại một số loại có tính chất vật liệu như sét, gạch ngói và cát sông.

- Sét: là nguyên liệu sản xuất gạch ngói, qua khảo sát sơ bộ được phân bố chủ yếu ở các xã Nhơn Phúc, Nhơn Tân, Nhơn Lộc.

- Cát sông: phân bố dọc sông Kôn, thuộc các xã Nhơn Mỹ, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Phúc và phường Nhơn Hòa.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của một số dự án trên địa bàn thị xã an nhơn, tỉnh bình định (Trang 37 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)