CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN VỀ THUẾ VÀ QUẢN LÝ THU THUẾ XUẤT NHẬP KHẨU
1.4. Thực tế về hiệu quả quản lý thu thuế xuất nhập khẩu của một số địa phương và bài học kinh nghiệm cho Cục Hải quan tỉnh Long An
Quản lý thuế xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế xuất, nhập khẩu ở nước ta, cần nghiên cứu một cách toàn diện kinh nghiệm quản lý thuế xuất, nhập khẩu của một số địa phương khác để từ đó rút ra bài học cho Cục Hải quan Long An.
1.4.1 Kinh nghiệm tại Hải quan Cửa Lò, Nghệ An
- Chi Cục đã xây dựng, vận hành và đưa chế độ kế toán thuế xuất nhập khẩu mới thay thế cho chế độ kế toán cũ áp dụng trong thời bao cấp; chất lượng công tác kế toán thuế xuất nhập khẩu được nâng cao một bước mới thích ứng với cơ chế thị trường và cơ chế quản lý mới, đáp ứng được sự điều hành và quản lý vĩ mô đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá
- Đã tạo lập được các tiền đề, điều kiện để từng bước lập lại kỷ cương, trật tự trong công tác kế toán thuế xuất nhập khẩu trong Chi Cục Hải quan. Chế độ kế toán xuất nhập khẩu đã nâng lên một bước.
- Xây dựng và hoàn thiện công tác kế toán thuế xuất nhập khẩu, công tác kiểm tra kế toán cũng đã từng bước được Chi Cục quan tâm và đổi mới.
- Tuy nhiên Quy trình thu thuế tuy được cải tiến nhưng với việc Hải quan ra thông báo thuế bổ sung khi có kết quả kiểm tra thực tế hàng hoá xuất nhập khẩu gây phức tạp cho công tác quản lý và tốn kém chi phí
- Một bộ phận nhỏ các cán bộ nhân viên Hải quan còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ và trình độ chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tượng gây nhũng nhiễu đa giảm nhưng chưa loại trừ triệt để, nhiều vướng mắc ở khâu nghiệp vụ vẫn chưa được giải quyết kịp thời.
1.4.2 Kinh nghiệm tại Cục Hải quan Lạng Sơn
- Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hải quan và từng bước hiện đại hoá hoạt động của mình nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới nền kinh tế và phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, du lịch trên địa bàn tỉnh.
- Căn cứ vào chương trình, kế hoạch, nội dung thực hiện hiện đại hoá của TCHQ, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Tổ bán chuyên trách công tác hiện đại hoá, thực hiện việc rà soát, sắp xếp, ổn định, kiện toàn tổ chức bộ máy các
đơn vị thuộc và trực thuộc Cục.
- Hiện nay Cục đang đẩy mạnh ứng dụng tin học, tiếp tục vận hành các hệ thống phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ như: Hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu tờ khai, hệ thống quản lý thông tin cưỡng chế, hệ thống thông tin vi phạm pháp luật hải quan, hệ thống đăng ký, quản lý mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
1.4.3 Bài học kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan tỉnh Long An
Qua nghiên cứu kinh nghiệm quản lý thuế XNK của một số địa phương, có thể thấy mỗi địa phương đều có phương thức quản lý thuế khác nhau và đều đã gặt hái được những thành công bước đầu. Những phương thức quản lý thuế XNK này cũng là bài học kinh nghiệm hữu ích cho Cục Hải quan tỉnh Long An trong việc triển khai thực hiện công việc này.
- Nghiên cứu mô hình quản lý thuế XNK đó là xây dựng bộ phận quản lý thông tin tình báo tại Cục Hải quan, để tiến hành điều tra và kiểm tra sau thông quan.
- Tập trung kiểm tra các trường hợp khai báo nhầm loại hình đối với hàng hóa phải kiểm tra thực tế 100%; đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định, DN được phân loại rủi ro cao về thuế, các mặt hàng rủi ro cao như xăng dầu, điện thoại di động, thiết bị điện tử, phân bón, hóa chất, vải, vật liệu xây dựng, rượu, bia, thuốc lá…
- Tăng cường xử lý vi phạm khi DN không chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Xem xét nếu DN nộp thuế có động thái chây ỳ, cơ quan hải quan có thể ra quyết định tịch biên tài sản sở hữu. Đồng thời, triển khai đồng bộ các biện pháp áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ của DN. Đây là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh triển khai thực hiện nhằm hạn chế rủi ro về vi phạm pháp luật hải quan.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo nghiệp vụ hải quan cho đội ngũ thanh tra thuế và kiểm tra sau thông quan của các đơn vị hải quan để ngăn chặn việc trốn thuế, gian lận thuế.
- Cải tiến sửa đổi về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi như thu hẹp mức thuế suất chênh lệch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu,
- Nghiên cứu bài bản, chuyên sâu về gian lận qua trị giá cần được quan tâm đúng mức và hiệu quả. Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu cần cập nhật phong phú, thông tin có giá trị sử dụng cao, độ tin cậy, gắn kết với các tập đoàn, cơ sở định giá quốc tế, cải tiến cách làm hiệu quả.
- Ngăn ngừa gian lận, trốn thuế ở diện rộng, song vấn đề này cần được xem xét nghiên cứu và kiến nghị biện pháp chuyển sang chế độ bảo thuế.
- Quy định rõ ràng về thời hạn nộp thuế tránh bị lợi dụng để chây ỳ nợ thuế, dẫn đến trốn thuế hoặc tự giải thể, gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Quy định thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền phạt; những khoản nợ quá hạn, nhằm giảm nợ xấu và giảm thiểu các vụ việc phải cưỡng chế.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1 tác giả đã tổng hợp các cơ sở lý luận và thực tiễn các vấn đề có liên quan đến thuế, qua đó tác giả đã tập trung nghiên cứu về thuế và quản lý thu thuế XNK: các khái niệm về thuế xuất nhập khẩu, vai trò của thuế xuất nhập khẩu;
hiệu quả quản lý thu thuế xuất nhập khẩu và sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tác giá cũng nêu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý thu thuế xuất nhập khẩu; Đồng thời, tác giả nêu một số kinh nghiệm của hải quan một số địa phương về hiệu quả quản lý thuế xuất nhập khẩu.
Đây là cơ sở lý luận vững chắc để tác giả thực hiện phân tích thực trạng tại Cục Hải quan tỉnh Long An trong chương tiếp theo.