Tổng quan về thuế và thuế đối với doanh nghiệp

Một phần của tài liệu Quản lý thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp tại chi cục thuế khu vực châu thành tân phước, tỉnh tiền giang (Trang 20 - 23)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ QUẢN LÝ THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP

1.1 Tổng quan về thuế và thuế đối với doanh nghiệp

Thuế xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước và sự phát triển tồn tại của nền kinh tế hàng hoá tiền tệ. Nhà nước sử dụng thuế như một công cụ để phục vụ cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Lịch sử càng phát triển, pháp luật thuế ngày càng đa dạng và hoàn thiện cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các khoản đóng góp của người dân cho Nhà nước được xác định và được quy định công khai bằng luật pháp của Nhà nước. Có rất nhiều các quan điểm nhìn nhận thuế dưới các hình thức khác nhau, nhưng đứng trên góc độ tài chính, có thể xem xét thuế với khái niệm như sau:

“Thuế là một khoản đóng góp bắt buộc của các tổ chức, cá nhân cho Nhà nước theo mức độ và thời hạn được pháp luật quy định, không mang tính chất hoàn trả trực tiếp, nhằm sử dụng cho mục đích chung toàn xã hội.” [32]

Tuy có nhiều loại thuế áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng đối với doanh nghiệp chỉ áp dụng một số loại thuế, trong đó có thuế GTGT áp dụng phổ biến tại doanh nghiệp.

1.1.2. Đặc điểm của thuế Tính bắt buộc

Thuế là khoản thu nộp bắt buộc vào ngân sách nhà nước. Tính bắt buộc của thuế thể hiện: đối với người nộp thuế buộc phải chuyển giao một phần tài sản của mình cho nhà nước dưới hình thức nộp thuế, nếu không thực hiện thì sẽ bị áp dụng những biện pháp cưỡng chế cần thiết. Còn đối với cơ quan thuế phải thực hiện việc thu thuế đối với mọi tổ chức và không có sự ưu tiên với bất kỳ người nộp thuế nào.

Tính không hoàn trả trực tiếp

Khi nộp thuế người nộp sẽ không nhận lại một số tiền tương đương với khoản thuế đã nộp mà chỉ nhận được những lợi ích không thể xác định rõ như: phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự…

Tính pháp lý cao

Thuế là một công cụ tài chính có tính pháp lý cao, được quyết định bởi quyền lực của nhà nước và quyền lực ấy được thể hiện bằng pháp luật-Các Luật thuế.

1.1.3. Phân loại thuế

Tùy thuộc vào phương thức đánh thuế trực tiếp hay gián tiếp vào thu nhập, chia hệ thống thuế thành hai loại: thuế trực thu và thuế gián thu.

Thuế trực thu

Là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của NNT. Thuế trực thu có đặc điểm là đối tượng nộp thuế đồng nhất với đối tượng tự chịu thuế. Một số sắc thuế trực thu tuy không động viên trực tiếp trên thu nhập nhưng đều đánh trực tiếp trên phần tài nguyên khai thác được (thuế tài nguyên) hoặc phần diện tích đất trực tiếp sử dụng (thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) để tạo ra thu nhập của người chịu thuế.

Thuế trực thu về nguyên tắc mang tính chất thuế lũy tiến vì nó tính đến khả năng của NNT, người có thu nhập cao hơn phải nộp thuế nhiều hơn, người có thu nhập thấp thì nộp thuế ít hơn.

Ưu điểm của thuế trực thu là động viên trực tiếp thu nhập của từng tổ chức, cá nhân có thu nhập vào NSNN, do đó, thuế trực thu có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa thu nhập, bảo đảm tính công bằng xã hội.

Tại Việt Nam, hệ thống thuế hiện hành quy định thuế trực thu gồm sáu sắc thuế:

thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên, thuế môn bài, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Mỗi sắc thuế có đối tượng điều tiết và vai trò, tác dụng riêng [32].

Thuế gián thu

Thuế gián thu là loại thuế đánh gián tiếp vào thu nhập hay tài sản của người nộp thuế thông qua giá cả hàng hóa, dịch vụ. Người tiêu dùng những hàng hóa, dịch vụ đó là người chịu loại thuế này.

Đặc điểm của thuế gián thu là NNT và người chịu thuế không đồng nhất với nhau. Người chịu thuế là người tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế vì họ mua hàng hóa với giá cả trong đó bao gồm thuế. Người nộp thuế là người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, là người thu hộ thuế từ người chịu thuế và nộp cho Nhà nước.

Thuế gián thu về nguyên tắc mang tính chất lũy thoái vì nó không tính đến khả năng thu nhập của người chịu thuế, người có thu nhập cao hay thấp đều phải chịu thuế như nhau nếu cùng mua một loại hàng hóa, dịch vụ. Loại thuế này thường là các sắc thuế có cơ sở đánh thuế là các khoản thu nhập dùng để tiêu dùng.

Ưu điểm của thuế gián thu có đối tượng chịu thuế rất rộng. Thuế gián thu được che đậy qua giá bán hàng hóa, dịch vụ nên người chịu thuế ít có cảm giác gánh nặng về thuế. Thuế gián thu đóng góp nguồn thu lớn, thường xuyên và ổn định cho NSNN. Số thu về thuế được tập trung nhanh vào NSNN do chu kỳ thuế ngắn (tháng, quý). Đối tượng quản lý thu thuế cũng tập trung hơn, nghiệp vụ tính và thu thuế đơn giản, nên chi phí quản lý thuế cũng thấp hơn so với thuế trực thu.

Tại Việt Nam, hệ thống thuế hiện hành quy định: Thuế gián thu gồm bốn sắc thuế cơ bản: thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu - thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường [32].

1.1.4. Các loại thuế phải nộp đối với doanh nghiệp

Khi sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp các loại thuế như sau:

(1) Thuế Thu nhập doanh nghiệp; (2) Thuế Giá trị gia tăng; (3)Thuế Môn bài; (4) Thuế Thu nhập cá nhân; (5) Thuế Tài nguyên (nếu có); (6) Thuế Bảo vệ môi trường (nếu có);

(7) Thuế Tiêu thụ đặc biệt (nếu có); (8) Thuế Xuất khẩu – Nhập khẩu (nếu có); (9) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (nếu có).

Một phần của tài liệu Quản lý thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp tại chi cục thuế khu vực châu thành tân phước, tỉnh tiền giang (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(101 trang)
w