CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CHO VAY KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM - CHI NHÁNH HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH BẾN TRE
2.3. Đánh giá thực trạng mở rộng cho vay khách hàng cá nhân tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh huyện Châu Thành tỉnh Bến
2.3.3. Nguyên nhân của hạn chế
- Quy trình cho vay phức tạp, khó khăn cho người vay và thẩm định cho vay Thủ tục vay vốn còn phức tạp: Đối với các cá nhân không có bảo đảm bằng tài sản và khoản vay nhỏ thì thủ tục khá đơn giản và nhanh gọn. Tuy nhiên các món vay có thế chấp thì thủ tục còn tương đối phức tạp, cá nhân phải chứng thực nhiều giấy tờ, gặp nhiều phiền phức; nên khi mùa vụ đến thì vốn đầu tư cho hộ sản xuất không kịp thời làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất trong khi nguồn vốn của ngân hàng thì bị ứ đọng trong quá trình giải ngân. Cho dù hiện nay đã có nhiều chính sách thông thoáng, nới lỏng đối với việc bảo đảm tiền vay, song các quy định khi áp dụng vào thực tế còn nhiều vấn đề bất cập. Điều này cũng là nguyên nhân làm cho các hộ khó tiếp cận nguồn vốn của Agribank Chi nhánh huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre.
Công tác thẩm định tín dụng tại Agribank Chi nhánh huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre chưa được thực hiện tốt. Trên thực tế, các cán bộ tín dụng chỉ chú ý đến tư cách của người cho vay, khả năng tài chính và tài sản thế chấp của người vay là chủ yếu; còn đối với việc đánh giá xem xét phương án đầu tư kinh doanh chỉ mang tính hình thức gây ra rủi ro cho các khoản cho vay. Bên cạnh đó, công việc và trách nhiệm thẩm định của chi nhánh chưa được phân công cụ thể cho cá nhân hay một bộ phận cụ thể. Tại chi nhánh hiện nay vẫn chưa có bộ phận/tổ thẩm định riêng, công việc thẩm định vẫn do của phòng kế hoạch kinh doanh thực hiện.
Quá trình cho vay vẫn có trường hợp thiếu thông tin về tài chính, về mức độ rủi ro của khách hàng vay vốn, về năng lực quản lý và sử dụng vốn vay, chưa kiểm soát chặt chẽ dòng tiền; việc thẩm định, xác định dự án/phương án vay vốn của khách hàng chưa chính xác dẫn đến việc khách hàng kinh doanh kém hiệu quả, không trả nợ đúng hạn.
Việc kiểm tra theo dõi quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu hồi nợ của các HND sau khi giải ngân của một số phòng ngiệp vụ/phòng giao dịch và tương đương còn hạn chế. Một phần là do sự quá tải và phạm vi địa lý quản lý tương đối rộng của các CBTD, một phần là do chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý trong việc gắn trách
nhiệm của cán bộ tín dụng trực tiếp cho vay với khoản vay trong trường hợp không thu hồi được nợ để phát sinh nợ xấu.
- Chính sách cho vay khách hàng cá nhân chưa sát thực tế
Các hình thức cho vay khách hàng cá nhân thông qua Tổ vay vốn còn kéo dài thời gian, làm đồng vốn của Ngân hàng đến với người nông dân vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về điều kiện được cấp khoản vay còn khắt khe, cứng nhắc: Trong trường hợp cá nhân là khách hàng cũ của Ngân hàng thì khi vay tín chấp cũng phải nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thực tế, tài sản của cá nhân không nhiều và hầu hết đã được thế chấp cho các khoản vay trước. Mặt khác, giá trị của các tài sản đảm bảo này (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà) thường có giá trị thấp, chỉ được định giá theo giá UBND tỉnh Bến Tre quy định từng thời điểm nhưng thường mức giá này thấp hơn giá thị trường rất nhiều nên gây khó khăn cho chi nhánh trong việc ra quyết định đầu tư. Hay như trong cho vay ngành thủy sản, các hộ nông dân thường sử dụng tài sản thế chấp là chính con tàu, mà tàu thường xuyên đi đánh bắt nên khó khăn cho chi nhánh trong việc quản lý tài sản đảm bảo.
Quy trình thẩm định tín dụng tại Agribank Chi nhánh huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre được tổ chức chặt chẽ, nhưng chưa thể hiện phân công công việc, trách nhiệm thẩm định cụ thể cho từng cán bộ tín dụng. Bên cạnh đó, tại chi nhánh hiện nay vẫn chưa có bộ phận/tổ thẩm định riêng, công việc thẩm định vẫn do cán bộ tín dụng của phòng Kế hoạch kinh doanh thực hiện.
Hệ thống thông tin khách hàng Agribank Chi nhánh huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre đang sử dụng để phục vụ cho việc thẩm định hiện nay chủ yếu dựa vào các thông tin từ hệ thống mạng nội bộ để tra cứu lịch sử vay vốn của khách hàng, thông tin do cán bộ tín dụng tự khai thác, do khách hàng cung cấp và từ CIC. Do đó, gây khó khăn cho phía chi nhánh trong việc ra quyết định chấp nhận cho vay hay không cho vay.
Bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi và chưa hiệu quả, việc bồi thường thiệt hại tốn rất nhiều thời gian và thủ tục trong khi điều kiện sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản có nhiều biến động, do đó làm tăng nguy cơ thiệt hại cho người nông dân.
- Sản phẩm, dịch vụ cho vay khách hàng cá nhân chưa đa dạng
Sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách hàng cá nhân là hộ nông dân chưa có tính hấp dẫn so với các sản phẩm tương tự khác của Ngân hàng khác trên cùng địa bàn.
Về cơ bản, danh mục sản phẩm cho vay đối với khách hàng cá nhân là hộ nông dân hiện có của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nói chung và Chi nhánh nói riêng là tương đối đầy đủ nhưng chưa có tính hấp dẫn hơn do các điều kiện vẫn tương đối chặt chẽ so với các NHTM khác như: tỷ lệ cho vay thì các NHTM khác cho vay thông thường là 75% nhu cầu vay thậm chí lên đến 90% nhưng tại Agribank chỉ từ 70-75% tùy từng sản phẩm, mức cho vay không có bảo đảm của Agribank thấp và chỉ tập trung vào số ít đối tượng là cán bộ nhà nước, quy trình thủ tục đôi khi còn phức tạp, qua nhiều khâu nhiều cấp để giải ngân. Nhiều khi một khoản vay cá nhân, nhu cầu vay vốn đang rất gấp nhưng Chi nhánh xử lý bộ hồ sơ qua 3 cấp phê duyệt bắt đầu từ cấp quan hệ khách hàng đến quản trị rủi ro đến quản trị tín dụng rồi mới giải ngân dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu cho khách hàng, hình ảnh về sản phẩm chưa rõ nét, chưa tạo được dấu ấn riêng cho các dòng sản phẩm cho vay KHCN của Agribank ,…
- Năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế
Đội ngũ nhân lực của chi nhánh phần lớn đều có trình độ đại học trở lên (chiếm hơn 94%). Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ nhân viên tín dụng của chi nhánh đang có xu hướng trẻ hóa, do vậy họ còn bị hạn chế, thiếu kiến thức về sản xuất nông nghiệp, chưa am hiểu đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật, văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất kinh doanh của các hộ tại đại bàn chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, việc thẩm định, đánh giá phân tích tính khả thi của dự án, năng lực tài chính của các hộ để xác định mức vay vẫn còn nhiều hạn chế vì vậy mà bỏ qua những dự án kinh doanh tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn thực tế của các HND. Bên cạnh đó, ngược lại đối với những nhân viên có thâm niên, kiến thức sâu rộng về nông nghiệp thì lại có hạn chế về khả năng di chuyển và tiếp cận công nghệ thông tin hơn so với lớp trẻ.
Đầu vào của cán bộ tín dụng được chọn lọc qua các kỳ thi tuyển được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn hiện tượng con em cán bộ trong ngành được gửi gắm đưa vào làm việc tại chi nhánh không thông qua tuyển dụng và khảo sát trình độ; tình trạng cán bộ quá tuổi về hưu vẫn còn làm việc tại chi nhánh do tuổi thật lớn hơn tuổi trong giấy tờ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mặt bằng chung về trình độ
của đội ngũ cán bộ. Trong 2 năm (2013-2014) Agribank đã phát đi thông báo chỉ tuyển dụng nội bộ; chính sách bố mẹ về hưu sớm để con được đặt cách vào làm,…
- Bên cạnh đó, chi nhánh cũng chưa có cơ chế thưởng phạt thỏa đáng đối với cán bộ tín dụng phụ trách cho vay. Bởi vì cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình tương đối đặc thù: phát sinh chi phí cao, số tiền vay thường nhỏ, địa bàn rộng lớn...Đòi hỏi chi nhánh cần một đội ngũ cán bộ tín dụng có sự tâm huyết, tích cực hoạt động tại những địa bàn khó khăn cả về địa lý và kinh tế nhằm hỗ trợ kịp thời vốn cho người dân. Tuy nhiên, mặt này của đội ngũ cán bộ tín dụng phụ trách cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình của chi nhánh còn tương đối hạn chế.
- Công tác tuyên truyền chính sách, tiếp thị, quảng cáo sản phẩm mới của chi nhánh chưa được chú trọng đúng mức.
Công tác tuyên truyền chính sách cho vay khách hàng cá nhân triển khai cho bà con nông dân còn khá hạn chế và chưa được thường xuyên. Đặc biệt là các hộ thuộc vùng sâu vùng xa việc tiếp cận chính sách, thông tin thông về các gói vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo còn rất hạn chế. Ngân hàng chưa tiến hành đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền để có thể lựa chọn các hình thức tuyên truyền cho phù hợp.
- Cơ sở vật chất, công nghệ thông tin còn yếu
Một số máy móc, thiết bị điện tử (máy vi tính, máy in,..) ở chi nhánh trực thuộc, phòng giao dịch bị xuống cấp trầm trọng, máy thường xuyên bị treo, hệ thống IPCAS, đường truyền gặp nhiều sự cố như nghẽn mạng, xử lý giao dịch chậm, giao dịch thẻ ATM nhiều lúc không thực hiện được. Hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phát triển sản phẩm dịch vụ, khách hàng tỏ ra rất khó chịu và chuyển sang sử dụng dịch vụ của các NHTMCP trên cùng địa bàn.
Là một trong những ngân hàng đầu tiên mở các phòng giao dịch đến tận xã, nên cơ sở vật chất của các chi nhánh này tương đối đã lâu, đã có sự hao mòn về thời gian cũng như lỗi thời về công nghệ làm ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của nhân viên cũng như hình ảnh của chi nhánh với khách hàng.
- Việc phối hợp với các tổ chức Hội nông dân, Hội Phụ nữ chưa chặt chẽ Ở một số địa phương, chi nhánh và Hội đoàn thể chỉ làm đến đâu hay đến đó, không có tổ chức hội họp sơ kết đánh giá mặt được, chưa được, tìm nguyên nhân để đề ra phương hướng phối hợp khắc phục. Do đó số lượt họp dân, số tổ thành lập và số
thành viên gia nhập tổ vay vốn còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến chương trình phối hợp giữa chi nhánh và Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Một số tổ vay vốn chỉ phối hợp tốt với ngân hàng trong quá trình giải ngân, nhưng khi thu hồi nợ, đặc biệt là nợ quá hạn, nợ xấu thì các tổ vay vốn chưa kiên quyết trong việc phối hợp giúp đỡ xử lý thu hồi nợ cùng với cán bộ tín dụng. Một khi trong tổ có thành viên để nợ quá hạn, nợ xấu sẽ kéo theo tâm lý chây ỳ, không chịu trả nợ của một số tổ viên khác. Cũng có tình trạng khi cho vay qua tổ, các tổ trưởng chiếm dụng tiền lãi vay không nộp cho ngân hàng hoặc nộp chậm nên ảnh hưởng xấu đến các thành viên trong tổ. Hiện nay việc cho vay qua tổ hoạt động chưa hiệu quả, việc trả nợ gốc và lãi không đúng kỳ hạn, nhiều tổ trưởng thoái thác trách nhiệm, không quản lý tổ gây khó khăn cho Ngân hàng.
Sự phối hợp giữa ngân hàng và các tổ chức chính trị - xã hội tại một số chi nhánh còn chưa chặt chẽ trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung các chính sách vay vốn. Tại một số địa phương, các tổ chức hội đoàn thể không thông báo rõ ràng đến đối tượng hưởng lợi, còn một số địa phương nắm bắt thông tin này thì lại thờ ơ với quyền lợi được hưởng ưu đãi của bà con. Kết quả là nguồn vốn ưu đãi không giải ngân được bao nhiêu, làm bỏ lỡ cơ hội thoát nghèo của bà con nông dân.
b. Nguyên nhân khách quan - Từ phía khách hàng
Phần lớn các cá nhân, hộ gia đình vẫn sản xuất theo truyền thống hoặc chạy theo phong trào chưa tuân thủ theo định hướng quy hoạch của tỉnh và huyện, chọn lựa vật nuôi, giống cây trồng theo cảm tính, thấy cái gì có lợi trước mắt thì làm, không dự báo, định hướng khả năng có thể xảy ra trong tương lai; thiếu cơ sở khoa học và không đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm theo yêu cầu thị trường, do đó dẫn đến rủi ro trong đầu tư sản xuất.
+ Phần lớn công nghệ, kỹ thuật sản xuất của các hộ trên địa bàn huyện còn thấp nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi. Những hạn chế, yếu kém còn thể hiện cả trong các công đoạn thu hoạch, bảo quản, chế biến, chủ yếu vẫn chỉ là thủ công, hàng hóa nông sản chủ yếu là dạng sơ chế, chưa tạo được nhiều thương hiệu sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
+ Việc bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân trong địa bàn chưa được phát triển và chưa thực sự hiệu quả vì số lượng doanh nghiệp bao tiêu rất ít so
với sản lượng tại địa phương. Bên cạnh phần lớn các hộ nông dân vẫn tự lo đầu ra cho sản phẩm thì doanh nghiệp thu mua nông, thủy sản lại thường thanh toán chậm cho nông dân đã gây rất nhiều khó khăn cho bà con trong việc tái đầu tư cho vụ sản xuất kế tiếp.
+ Sự am hiểu, khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của một bộ phận cá nhân, hộ gia đình nông dân còn hạn chế. Mức độ nhận thức pháp luật trong giao dịch dân sự của hầu hết các khách hàng HND còn chưa đầy đủ, nhất là nhận thức về nghĩa vụ của người vay trong giao dịch tín dụng với ngân hàng. Điển hình là một số khách hàng HND thường vay vốn theo các quy định, chính sách hỗ trợ của Nhà nước nên họ có tâm lý “không muốn trả nợ cho ngân hàng”. Bởi vì nếu không trả hết thì cũng được Nhà nước hỗ trợ một phần, từ suy nghĩ đó gây ra tình trạng nợ xấu làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Mặt khác, nhiều khách hàng khi vay vốn, hoặc tổ trưởng tổ vay vốn đưa gì ký nấy, miễn sao vay được tiền.
- Môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều NHTM hoạt động như: BIDV, Vietinbank, Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng Đông Á, Lienvietpostbank và một số NHTM cổ phần khác đã ảnh hưởng đến thị phần cũng như ưu thế cạnh tranh của Agribank Chi nhánh huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Mặt khác, các NHTM đều đang có xu hướng tiến vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đưa ra các sản phẩm về cho vay khách hàng cá nhân với các tiện ích và ưu đãi hấp dẫn để thu hút khách hàng như: về điều kiện vay vốn, lãi suất cho vay, lãi suất huy động, do đó đã hạn chế việc mở rộng thị phần của chi nhánh trên thị trường cho vay khách hàng cá nhân.
- Môi trường kinh tế, xã hội chậm được cải tiến
Mặc dù kinh tế của huyện Châu Thành đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng huyện vẫn còn thiếu các chương trình kinh tế trọng điểm, mũi nhọn để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp chế biến nhằm giúp đỡ người dân trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định.
Các cơ quan ban ngành chưa quyết liệt trong việc vận động người dân quy hoạch xây dựng phát triển vùng nguyên liệu chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy trên địa bàn huyện. Do vậy dẫn đến tình trạng một bên thì người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm thì một số nhà máy lại khát khao nguyên liệu để sản xuất.