Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1.1. Yếu tố huyền ảo
1.1.3. Cơ sở hình thành các yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế
Như trên đã nói, việc xác định yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX xuất phát từ bối cảnh lịch sử và đặc điểm thể loại, dựa trên thế giới quan và tư duy nghệ thuật thời trung đại. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân có sự xuất hiện yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX là do lịch sử giai đoạn này có nhiều biến động, điều này sẽ tác động đến nhận thức của con người nói chung và nhà văn nói riêng. Mặt khác, đây là giai đoạn hậu kỳ trung đại có nhiều thay đổi về mặt tư tưởng, chuẩn bị một chuyển biến mới ở thời cận đại nên việc
sử dụng yếu tố huyền ảo trong văn học như một biểu tượng ẩn dụ là cần thiết, thể hiện tính thời đại.
1.1.3.1. Thế giới quan trung đại kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian bản địa và tư tưởng Nho - Phật - Đạo
Ở mỗi thời đại, con người đều có cách cảm thức về thế giới riêng của mình. Điều đó hình thành nên thế giới quan của họ. Do điều kiện lịch sử và đời sống, nhận thức của con người thời trung đại không giống với ngày nay. Thế giới quan của con người trung đại còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thế giới quan thời cổ đại, họ quan niệm vạn vật trong thế giới là một chỉnh thể.
Phương Đông có nhiều học thuyết ra đời (Dịch học, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo) có quan niệm về thế giới khác nhau nhưng tựu trung lại vẫn xem thế giới là thống nhất và con người chỉ là một phần trong đó.
Ở Việt Nam, thế giới quan trung đại chịu ảnh hưởng chủ yếu của phương Đông (tư tưởng Nho - Phật - Đạo) nhưng vẫn giữ được tín ngưỡng dân gian bản địa.
Về tín ngưỡng dân gian, Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, dân tộc sống bằng nghề lúa nước nên phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên. Trong nhận thức của người Việt cổ chưa có thế giới quan cụ thể mà chỉ có những tín ngưỡng nguyên thủy.
Nói về tín ngưỡng dân gian người Việt, Phạm Kế trong Dân tộc và Tâm hồn Việt Nam cho rằng:
Thờ cúng là một nét đặc trưng của dân tộc và con người Việt Nam, là đạo đức, nhân sinh quan của Người Việt Nam xưa và tồn tại cho đến ngày nay.
Người ta cho rằng ngoài thế giới thực tại còn có thế giới khác. Đó là thế giới
“Thần linh” “đi mây về gió”, còn thế giới “trần gian” là người trần mắt thịt, chưa thể biết được, hiểu được thế giới thần linh [41, tr.87].
Ông còn cho rằng thế giới thần linh có quan hệ với thế giới thực tại và chia làm
“Thiên đường”, “trần gian”, “địa ngục”. Quan niệm này ảnh hưởng đến thế giới quan của người Việt thời trung đại.
Trước hết, trong điều kiện địa lí sinh thái khó khăn, con người luôn trông chờ vào những điều tốt đẹp từ thiên nhiên nên thờ các vị thiên thần, nhiên thần: thần mặt trời, thần nước, thần sông, thần mây, thần mưa, thần sấm,… Ngoài ra, để tạo nên môi
trường sống và cảnh quan của cư dân nông nghiệp, người Việt còn cầu sự phù hộ của các thần núi, thần rừng, thần cây, thần đá,… Người Việt Nam quan niệm “Đất có thổ công, sông có Hà Bá”, nghĩa là ở đâu cũng có người làm chủ, người cai quản. Từ việc thần thánh hóa hiện tượng thiên nhiên, người Việt đi đến truyền thuyết hóa những địa danh nơi mình sinh sống bằng những câu chuyện, những sự tích dân gian (Sự tích sông Tô Lịch, Sự tích núi Tản Viên, Sự tích hòn Vọng Phu,…). Điều này vừa thể hiện tín ngưỡng dân gian, vừa thể hiện thái độ ứng xử tích cực đối với môi trường sinh sống của người Việt.
Trong quá trình sinh sống, xuất hiện những con người kì vĩ, có khả năng chống lại thiên nhiên hoặc hướng dẫn cộng đồng phát triển cuộc sống, con người chuyển từ thờ thiên thần, nhiên thần sang nhân thần. Ở mỗi làng đều thờ Thần hoàng bổn cảnh là những người có công khai hoang lập ấp, trấn giữ và giúp đỡ nhân dân. Điều đặc biệt của tín ngưỡng Việt Nam là một tín ngưỡng đa thần và âm tính (trọng tình cảm, trọng nữ giới) nên tục thờ Mẫu có nguồn gốc từ thời tiền sử kết hợp thờ thiên thần và nhiên thần trong thờ Thánh Mẫu hay còn gọi là nữ thần Mẹ. Trải qua lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ (mẫu Thượng Thiên ở Thiên phủ, mẫu Thượng Ngàn ở Nhạc phủ, mẫu Thoải (Thủy) ở Thủy phủ), Tứ phủ (ba phủ trên, có thêm mẫu Ỷ La ở Địa phủ). Đỗ Thị Hảo và Mai Thị Ngọc Chức trong Các nữ thần Việt Nam đã tổng hợp 75 câu chuyện kể về các Nữ thần với câu chuyện về các nữ thần, các mẫu, các bà, các nàng và bà chúa,… [30]. Mặt khác, yếu tố tín ngưỡng đa thần còn thể hiện qua việc con người đã sáng tạo ra những câu chuyện truyền thuyết đậm chất huyền thoại kể về công tích, hành trạng các thần. Đó là thánh Tản Viên Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh trong các câu chuyện về Tứ bất tử. Hay mây - mưa - sấm - chớp đã trở thành ông Đùng, bà Đà hay bốn chị em gái con của Man Nương Phật Mẫu.
Bên cạnh việc trồng lúa nước, con người còn phát triển dần chăn nuôi và những hoạt động sinh sống khác nên việc thờ những ông tổ, bà tổ nghề - người có công lớn đối với việc sáng lập và truyền bá một nghề - đã làm phát triển thêm hệ thống nhân thần trong tín ngưỡng Việt Nam. Mặt khác, đi liền với việc trồng lúa nước và các hoạt động sinh sống khác, với quan niệm nghề nông cần phải có mùa màng tươi tốt và con
người được sinh sôi nảy nở nên tín ngưỡng phồn thực xuất hiện; con người thờ cả biểu tượng sinh thực khí nam nữ và biểu tượng của hành vi tính giao (các hình nam nữ đang giao phối được khắc trên mặt trống đồng tìm được ở làng Đào Thịnh (Yên Bái), có niên đại 500 trước Công nguyên). Đây là một tín ngưỡng khá lý thú, có ở khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu là ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tín ngưỡng phồn thực đi vào văn học, thể hiện ở những chi tiết người và thần có thể giao hoan, lí giải sự thụ thai thần kì (ướm bàn chân hoặc uống nước thụ thai, mơ giao hoan với thần linh hoặc các con vật giao hoan với con người,…).
Không chỉ thế, người Việt Nam còn thờ vật thiêng. Đầu tiên, người Việt thờ thần lúa với nhiều lễ nghi, lễ hội liên quan đến việc trồng lúa nhằm tôn vinh hạt giống đem lại mùa màng, lương thực cho nhân dân. Theo Nghiêm Đa Văn, văn học dân gian Việt Nam còn có cả hệ thống huyền thoại ngàn mùa lúa nước, tức là hệ thống huyền thoại gắn với hoạt động trồng lúa nước của người Việt. Bên cạnh đó, người Việt còn thờ cả những vật gần gũi với cuộc sống con người như: thần cây đa, thần cây cổ thụ, thần cây thị, thần giếng,… với quan niệm bất kì vật nào sống lâu năm đều có linh hồn. Nguyễn Ngọc Chương trong Trầu cau, Việt Điện Thư đã nâng trầu cau thành một biểu tượng thần thoại và cho rằng người Việt Nam sinh ra từ nguồn gốc Trầu và Cau [9, tr.18].
Các con vật như trâu, chim, rắn, ngựa, voi,... gần gũi với đời sống nông nghiệp cũng được thờ như thần. Người dân còn đẩy các con vật lên thành mức biểu trưng như Tứ linh (Long - Lân - Quy - Phụng) hay Tiên - Rồng. Theo truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ thì tổ tiên người Việt thuộc “họ Hồng Bàng” (có nghĩa là một loài chim nước lớn), thuộc giống “Rồng Tiên”. Tiên được tín ngưỡng hóa từ giống chim của người Việt cổ ở miền núi. Rồng được biểu tượng hóa từ loài rắn và cá sấu vùng sông nước.
Sự kết hợp rắn - chim, tiên- rồng đã tạo nên dòng dõi thần linh của người Việt - dòng dõi cao quý không thua kém bất cứ tộc người nào. Đặc biệt hình tượng con rồng (hay giao long), con hổ (hay ông Ba Mươi) và con rùa (hay thần Kim Quy) xuất hiện trong nhiều truyền thuyết Việt Nam thường gắn liền với dòng tộc vua chúa, các vị tướng.
Một điểm nổi bật trong tín ngưỡng của người Việt là tục thờ ông bà, tổ tiên với quan niệm “Chim có tổ, người có tông”. Người Việt xưa cho rằng con người gồm phần thể xác và phần linh hồn. Một số dân tộc Đông Nam Á coi linh hồn gồm “hồn”
và “vía”. Vía được hình dung như phần trung gian giữa thể xác và linh hồn. Người Việt cho rằng người có ba hồn, nam có bảy vía và nữ có chín vía. Ba hồn gồm: Tinh (sự tinh anh trong nhận thức), Khí (năng lượng làm cho cơ thể hoạt động) và Thần (thần thái của sự sống). Bảy vía ở đàn ông cai quản hai tai, hai mắt, hai lỗ mũi và miệng. Chín vía ở nữ giới cai quản bảy thứ như ở nam giới cộng thêm hai vía nữa (hai núm vú có vai trò quan trọng trong nuôi con). Hồn và vía dùng thể xác làm nơi trú ngụ. Nếu phần hồn mà rời khỏi thể xác thì người đó chết. Khi chết là hồn đi từ cõi dương gian đến cõi âm ty, cõi đó cũng được tưởng tượng có nhiều sông nước như ở cõi dương gian, cần phải đi bằng thuyền nên nhiều nơi chôn người chết trong những chiếc thuyền (mộ thuyền Đông Sơn). Tuy thuộc về thế giới khác, nhưng sau khi chết, linh hồn không thể tiêu tan ngay mà vẫn còn tồn tại và vẫn tác động trực tiếp đến đời sống con người, gây họa hay tác phúc cho con người. Đó chính là cơ sở của lòng tin vào linh hồn và hình thành tục thờ cúng người chết - một hình thức tín ngưỡng cổ xưa nhất của loài người.
Không chỉ thờ tổ tiên, người Việt còn thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” qua việc thờ các anh hùng lịch sử - những người khi sống có công đánh giặc giữ nước, khi chết oai linh vẫn gây khiếp sợ kẻ thù hoặc phù hộ dân lành (Đức Thánh Trần, Lê Lợi,…). Những nhân thần này còn được truyền thuyết hóa qua những câu chuyện kì bí, huyền ảo làm tăng tính thiêng cho các anh hùng. Tín ngưỡng thờ anh hùng lịch sử vừa thể hiện sự tôn kính, trọng vọng hiền tài nhân kiệt của dân tộc ta, vừa bổ sung cho văn học những câu chuyện truyền thuyết có giá trị.
Đặc biệt, người Việt Nam còn thờ những dâm thần, tà thần vì cho rằng đây là những linh hồn không siêu thoát, thường lang thang ở hai cõi và gieo rắc bệnh tật, tai nạn cho con người. Theo quan niệm chính thống thì loại thần này không được thờ nhưng nhân dân ta vẫn thờ ở những am, miếu khắp các đầu đường, góc cây, bến nước,… Việc thờ này cho thấy niềm tin vào linh hồn, người Việt tin ma quỷ là có thật, vừa thể hiện tâm lý lo sợ “người sao, ma vậy”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”;
vừa thể hiện đạo đức, sự tôn trọng của người sống đối với người chết.
Trong tín ngưỡng Việt Nam, thờ luôn đi liền với cúng, nên tín ngưỡng dân gian của người Việt được biểu hiện thành các nghi thức tế lễ: lễ đảo vũ, lễ cúng trăng, lễ tế
thần nông, tế trời đất,...(sùng bái tự nhiên) và các lễ kỳ yên, giỗ Tổ,…(sùng bái con người). Trong tư duy của người Việt thì mỗi vùng điều có một vị thần bảo hộ và người ta tin rằng, thần ở vùng này có thể thiêng hơn ở vùng khác là do cầu nguyện hay tôn thờ, nên thờ đi liền với cúng. Và các lễ hội cúng tế thần linh diễn ra góp phần làm đời sống tín ngưỡng ngày càng phát triển.
Tóm lại, thế giới quan trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tín ngưỡng dân gian bản địa. Con người trung đại sùng bái tự nhiên, sùng bái con người, biết ơn tổ tiên, tin vào linh hồn và thế giới bên kia. Điều này chịu ảnh hưởng từ quan niệm về yếu tố thiêng trong thế giới quan của con người: không gian thiêng, thời gian thiêng - những yếu làm nên huyền thoại và tính chất huyền ảo trong sáng tác văn học.
Về ảnh hưởng của tư tưởng Nho - Phật - Đạo, dân tộc Việt Nam luôn biết chọn lọc những tinh hoa của văn hóa nước ngoài, dù chịu ảnh hưởng của tư tưởng phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng. Các tư tưởng Nho - Phật - Đạo được du nhập vào Việt nam từ rất sớm, có vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và kết hợp với những tư tưởng truyền thống để hình thành những giá trị văn hóa nhất định. Ở thời trung đại, giai đoạn đầu có sự dung hợp ba hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo trong chủ trương “Tam giáo đồng nguyên” (Ba nền triết học đều cùng một gốc). Tuy cả ba cùng một gốc nhưng vẫn khác nhau về quan niệm, giáo lý:
Con người của Nho giáo chủ trương là thực hiện luân thường đạo lý (Tam cương - Ngũ thường), sống có trật tự, khuôn phép và kỷ luật.
Con người của Phật giáo thông qua việc khám phá Tứ diệu đế (Khổ đế - Tập đế - Diệt đế - Đạo đế) cho rằng đời là bể khổ, nguồn gốc khổ là do tham mà ra, nên phải sống từ bi bác ái, diệt khổ để thanh thản và sớm đến cõi Niết Bàn, cực lạc.
Con người của Đạo giáo chủ trương sống gần gũi và hòa hợp với thiên nhiên, không màng danh lợi.
Trong đời sống xã hội và sinh hoạt tâm linh, tam giáo ảnh hưởng nhiều đến nếp ăn nết ở và tư duy của cộng đồng người Việt, hòa điệu với tập tục và bản sắc riêng của văn hóa bản địa. Trên cơ sở hệ thống tín ngưỡng bản địa, người Việt không tiếp thu các “giáo” như những ý thức hệ mà chỉ tiếp thu những yếu tố phù hợp và cải biến đi
làm phong phú tín ngưỡng của mình tạo nên sự hỗn dung tín ngưỡng và màu sắc mới cho văn hóa tín ngưỡng người Việt. Màu sắc mới thể hiện qua sự kết hợp của tín ngưỡng dân gian với những yếu tố thiêng của từng tôn giáo. Sự giao thoa giữa tín ngưỡng dân gian và tư tưởng Nho - Phật - Đạo thể hiện qua những biểu hiện sau:
* Tín ngưỡng dân gian trong kết hợp với Nho giáo
Với tính chất kinh điển của một học thuyết chính trị - xã hội, Nho giáo khó thâm nhập vào đời sống nhân dân nhưng cũng chi phối khá rõ nét vào toàn bộ đời sống xã hội. Về mặt tín ngưỡng, sự tiếp xúc với Nho giáo đã cấu trúc hóa lại hình thức tín ngưỡng bản địa trên tinh thần tôn tri trật tự xã hội “Tiên học lễ, hậu học văn”.
Trong tư tưởng Nho giáo, Trời là vị chúa tể và vua - thiên tử là đấng tối cao có nhiệm vụ “thế thiên hành đạo”, nhưng người Việt có cách ứng xử khác. Họ thờ Trời nhưng không phải một ông trời mà còn có bà Trời trong truyền thống coi trọng phụ nữ và tục thờ nữ thần. Trời cũng không trừu tượng, đáng sợ mà đáng kính hơn và gần gũi thực tế hơn trong chức năng phù hộ cho muôn dân “ơn trời mưa móc”... Trời có thể nhìn thấu mọi việc, sẵn sàng trừng phạt kẻ ác và giúp đỡ người lành. Khác với Nho giáo Trung Quốc tuyệt đối “trung với vua”, người Việt chỉ trung thành với vua tốt.
Thay vì chỉ thần thánh hóa vua, người Việt lại bất tử hóa, thiêng hóa và thờ cúng các anh hùng - những người có công trong lịch sử - dù chỉ là những anh hùng có xuất thân bình thường hay người phụ nữ. Trong khi Nho giáo quan niệm “quỷ thần kính nhi viễn chi” (quỉ thần tuy có, ta phải cung kính, nhưng không được lạm dụng nên giữ khoảng cách) thì trong tín ngưỡng dân gian người Việt, thần rất thiêng liêng mà cũng rất thiết thân trong xu hướng phàm hóa, nhân hóa thần hay lịch sử hóa, địa phương hóa thần.
Trong xu hướng chỉ tiếp thu phù hợp những yếu tố tương đồng của Nho giáo, nhiều tư tưởng của học thuyết này chỉ có ý nghĩa tôn ti hóa, thể chế hóa tín ngưỡng bản địa mà thôi (trường hợp tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ thành hoàng).
* Tín ngưỡng dân gian trong kết hợp với Phật giáo
Trong quá trình phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc, qua các mối giao lưu văn hóa, Phật giáo là một trong số các tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý, đạo đức, phong tục và đời sống của người Việt. Gặp gỡ truyền thống nhân đạo của người Việt, đạo Phật được tiếp nhận một cách dễ dàng. Giáo lý đạo Phật tác động mạnh vào