B ối cảnh lịch sử và đời sống nhân dân Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX (Trang 39 - 42)

Chương 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

1.3. Bối cảnh lịch sử và truyện, ký trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX

1.3.1. B ối cảnh lịch sử và đời sống nhân dân Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX

1.3.1.1. Sự kiện lịch sử

Lịch sử Việt Nam (Tập 1) có ghi: “Sang thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến bước vào giai đoạn khủng hoảng sâu sắc và toàn diện. Tất cả những ung nhọt chứa đựng trong xã hội phong kiến, đến đây bộc lộ một cách gay gắt và bùng nổ thành những cuộc đấu tranh xã hội mang tính chất kịch liệt và phổ biến chưa từng có” [20, tr.319].

Từ giữa thế kỷ XVIII, các cuộc chiến liên tục giữa Đàng Trong với vương quốc Khmer, Ayutthaya cũng như các cuộc tranh chấp ở Đàng Ngoài làm cho đời sống người dân thêm cùng quẫn. Nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đã nổ ra, song phần lớn chịu thất bại.

Phong trào nổi dậy của Tây Sơn bùng nổ năm 1771 tại Quy Nhơn (Bình Định) đã phát triển rộng lớn đánh bại hai chế độ cai trị của hai họ Nguyễn, Trịnh, chấm dứt việc chia đôi đất nước, cũng như bãi bỏ nhà Hậu Lê vốn chỉ còn trên danh nghĩa. Nhà Tây Sơn đã đánh bại 5 vạn quân Xiêm La (1784) tại miền Nam và 29 vạn quân Mãn Thanh (1789) xâm lược tại miền Bắc. Nguyễn Huệ chính thức trở thành vua của Đại Việt lấy niên hiệu là Quang Trung, thống nhất hầu hết lãnh thổ từ miền Bắc vào tới Gia Định, tuy nhiên sau cái chết của ông (1792), nội bộ lục đục khiến chính quyền Tây Sơn càng ngày càng suy yếu.

Một người thuộc dòng dõi chúa Nguyễn ở miền Nam là Nguyễn Phúc Ánh, với sự hậu thuẫn và cố vấn của một số người Pháp, đã đánh bại được nhà Tây Sơn (1802).

Ông lên làm vua, lấy niên hiệu là Gia Long và trở thành vị vua đầu tiên cai trị một đất

nước thống nhất. Gia Long (1802-1820) đóng đô ở Huế, cùng con trai là Minh Mạng (cai trị 1820-1841) đã cố gắng xây dựng Việt Nam theo khái niệm và phương pháp hành chính Trung Hoa. Tuy nhiên, vua Minh Mạng và những người kế tục - Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883) - chọn chính sách đã lỗi thời là coi trọng phát triển nông nghiệp (dĩ nông vi bản) và ngăn cản Công giáo, tôn giáo từ phương Tây đã khiến đất nước đứng trước hiểm họa xâm lược của người phương Tây,

Ngày 31 tháng 8 năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn. Từ đây, lịch sử trung đại có những biến chuyển lớn về chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo và đời sống của con người.

1.3.1.2. Đời sống của nhân dân

Phong trào nông dân khởi nghĩa nửa đầu thế kỷ XVIII tuy chưa thành công nhưng đã giáng những đòn sét đánh vào chế độ phong kiến thối nát, xô đẩy các tập đoàn thống trị mau sa xuống hố diệt vong.

Đầu thế kỷ XVIII, triều đình thực hiện chế độ tư hữu ruộng đất, phần lớn ruộng đất tập trung vào tay giai cấp địa chủ, nông dân rơi vào tình trạng phá sản, bị bắt tô thuế, đi phu, đi lính,… Chính quyền họ Trịnh tiến hành tăng thuế một cách khủng khiếp, nông dân rơi vào cảnh thiếu thốn, mất mùa, đói kém, họ chết dần chết mòn.

Tình cảnh ruộng đồng bỏ hoang, xóm làng tiêu điều, xơ xác và hàng loạt người rời bỏ đồng ruộng, xóm làng đi ăn xin hoặc kiếm ăn nơi khác một cách tuyệt vọng diễn ra phổ biến.

Ở thời kỳ này, một bộ máy quan lại thối nát thực hiện việc mua quan bán tước, chốn quan trường biến thành nơi đầu cơ trục lợi. Chính quyền chúa Trịnh quy định, trong các kì thi hương, ai nộp ba quan tiền thì được miễn khảo hạch, coi như đã đỗ sinh đồ.

Đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung thực hiện Chiếu khuyến nông, Chiếu lập học và một số cải cách xã hội nhưng không được bao lâu thì nhà Tây Sơn sụp đổ, nhà Nguyễn lên ngôi. Đến đây, bộ máy quan lại hủ lậu mục nát, tăng cường đàn áp và bóc lột nặng nề. Trong khi vua quan sống trong xa hoa hưởng thụ thì nhân dân lại rơi vào đời sống thống khổ cùng cực. Chế độ nhà Nguyễn với những tư tưởng bảo thủ, không

hợp thời, không đứng về phía nhân dân, đã để đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, đẩy nhân dân vào một tình cảnh khốn cùng hơn trước.

Có thể nói, ở thế kỷ XVIII - XIX, trên cơ sở suy tàn của chế độ phong kiến, Nho giáo dần dần mất hiệu lực, không còn giữ được thế độc tôn, trật tự, luân thường đạo lý bị thay đổi. Bên cạnh đó, việc truyền bá đạo Thiên Chúa của các nhà truyền giáo phương Tây khiến nhân dân đứng trước tình trạng phân vân, mơ hồ về những gì tốt đẹp của hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo đã định hình và tồn tại trước đó. Triều đình muốn khôi phục lại Phật giáo nhưng chỉ khiến con người rơi vào mê tín dị đoan…

Viết về đời sống tinh thần của nhân dân, trong Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Tạ Chí Đại Trường cũng cho rằng:

Sống vui buồn lẫn lộn như vậy, dân chúng còn để ý đến những hiện tượng siêu hình. Các lễ tiết, tín ngưỡng mà chúng ta còn thấy quen thuộc vừa là dịp cho họ cầu mong thần thánh giúp đỡ họ qua cơn nguy khốn. (…) Trong dân gian đầy phù thủy, ông đồng, bà bóng mà Nguyễn Ánh bắt ngăn cấm, không thì đánh roi, phạt xay lúa, giã gạo. Tục lệ bị khinh khi, nhưng thật ra nó bắt nguồn từ niềm tin của rất đông dân chúng nên ảnh hưởng rất to lớn. (…) Tuy nhiên, tục thờ cúng ông bà - Lấy Xác - trên khắp nướcvẫn được chính quyền bênh vực coi là nền tảng đạo đức của dân tộc [62, tr.246-247].

Tóm lại, bức tranh xã hội - lịch sử Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII - XIX như một thôi thúc nội tại cần được ghi lại. Chính sự tác động của lịch sử khiến người cầm bút luôn trăn trở, tìm tòi, thử nghiệm và dĩ nhiên không phải bằng những lý thuyết, những tài liệu sử học... mà bằng những tác phẩm nghệ thuật cụ thể. Mặc dù truyện Nôm, ngâm khúc, thơ hát nói, thơ Nôm Đường luật đã đạt nhiều thành tựu xuất sắc nhưng để ghi lại những bức tranh hiện thực rộng lớn của lịch sử thì các thể loại này lại không phù hợp. Truyện, ký trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX đã viết về những điều “mắt thấy tai nghe”, tái hiện một hiện thực lịch sử đặc biệt nhất trong lịch sử trung đại đang chuyển dần sang một bước ngoặt lịch sử mới.

Một phần của tài liệu Yếu tố huyền ảo trong truyện, ký Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(154 trang)