CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VỐN ĐẦU TƯ XÂy DỰNG CƠ BẢN TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI HUYỆN THÁP MƯỜI, TỈNH ĐỒNG THÁP
2.4 Đánh giá hiệu quả về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ Ngân sách Nhà nước ở huyện Tháp Mười
2.4.4 Nguyên nhân của những hạn chế
Hoạt động quản lý đầu tư và xây dựng chưa được các ngành, cấp quan tâm một cách đúng mức, toàn diện. Chưa thể chế cụ thể hoá cơ chế điều hành quản lý đầu tư, KBNN và quản lý đầu tư, nên các ngành của tỉnh, các huyện vẫn vừa là chủ quản KBNN và vừa là chủ đầu tư dự án còn phổ biến.
Cải cách hành chính về đầu tư và xây dựng chậm đổi mới, phân công, phân cấp quản lý chưa rõ ràng, chức năng KBNN và chức năng kinh doanh, dịch vụ trong đầu tư và xây dựng còn chồng chéo, thủ tục hành chính rườm rà, chưa thực sự thông thoáng, trình độ Ban quản lý chuyên ngành và BQLDA cấp huyện còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức và tiến hành thường xuyên. Việc giám sát thi công của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế không thường xuyên, xác định sai khối lượng thi công thực tế. Một số công trình thiếu hồ sơ, nhật ký công trình được lập sơ sài, qua loa, không có bản vẽ hoàn công, biên bản nghiệm thu từng phần, biên bản kiểm định chất lượng công trình. Hoạt động quản lý, khai thác các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng còn tùy tiện, thiếu trách nhiệm dẫn đến có một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp nhanh, nhất là các công trình ở vùng sâu, vùng xa của huyện.
Đội ngũ cán bộ làm hoạt động quản lý đầu tư và xây dựng vừa thiếu, vừa yếu về năng lực và trình độ, chậm được bổ sung kiện toàn.
Thực tế tại tỉnh Đồng Tháp nói chung và huyện Tháp Mười nói riêng cho thấy, đang có sự bất cập, chồng chéo và trùng lắp chức năng giữa các cơ quan giúp việc cho UBND tỉnh và UBND huyện Tháp Mười trong QLNN về dự án đầu tư, cụ thể như sau:
(1) Sự bất cập trong việc phân định chức năng giữa Sở KH&ĐT và Sở Tài chính.
Sở KH&ĐT là đơn vị xây dựng kế hoạch dự án đầu tư, nhưng mức chi ĐTPT như thế nào lại phụ thuộc khả năng cân đối vốn, nguồn thu trong năm và những năm tiếp theo, điều này lại thuộc vào lĩnh vực của Sở Tài chính-cơ quan chuyên quản lý thu- chi NSNN. Bên cạnh đó, tồn tại sự thiếu phối hợp giữa chi dự án đầu tư và chi thường xuyên cho bảo dưỡng, sửa chữa các công trình hạ tầng: ngân sách ĐTXD do Sở KH&ĐT chuẩn bị, nhưng ngân sách chi thường xuyên lại do Sở Tài chính trình duyệt.
Chức năng của Sở KH&ĐT chỉ thể hiện rõ chức năng tham mưu, tổng hợp cho UBND tỉnh về tình hình phát triển KT-XH của địa phương, từ đó hoạch định các chính sách cho phù hợp. Chức năng lập kế hoạch, giao chỉ tiêu pháp lệnh trước đây chỉ phù hợp với nền kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN hiện nay chức năng này chỉ mang tính định hướng, không còn phù hợp với tình hình thực tế. Hiện tại, còn rất ít chỉ tiêu pháp lệnh Trung ương giao cho địa phương, trong đó có chỉ tiêu giao dự toán thu-chi NSNN (dự toán chi ĐTPT – thuộc trách nhiệm Sở KH&ĐT, nằm trong dự toán chi NSNN-thuộc trách nhiệm Sở Tài chính).
(2) Sự chồng chéo chức năng giữa Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải: những công trình đi liền với hạ tầng giao thông, như: cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh, vật liệu xây dựng… không thuộc trách nhiệm quản lý (kế hoạch đầu tư, bảo dưỡng, xây dựng) của Sở Giao thông Vận tải, mà đang thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Xây dựng.
Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư chưa rõ ràng, trình độ năng lực của chủ đầu tư, cán bộ thực hiện các dự án đầu tư còn nhiều bất cập: Thực tế ở huyện Tháp Mười còn tình trạng chủ đầu tư giao cho các doanh nghiệp không đủ
năng lực chuyên môn và tài chính thực hiện công trình làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình. Nguyên nhân là do chưa có quy định rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư. Trình độ cán bộ thực hiện dự án đầu tư ở tỉnh còn nhiều bất cập. Hiện nay còn có tình trạng giám đốc dự án đầu tư đồng thời lại là người trực tiếp sử dụng công trình sau khi hoàn thành. Do chủ đầu tư thiếu kiến thức chuyên môn về quản lý đầu tư và xây dựng nên có những sai sót xảy ra không được xử lý, khắc phục kịp thời, ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả quản lý đầu tư.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Chương 2 đi sâu phân tích thực trạng hoạt động quản lý ĐTXDCB từ nguồn vốn NSNN tại huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017– 2019, đưa ra các nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động quản lý ĐTXDCB từ nguồn vốn NSNN huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp. Từ tất cả những phân tích, thống kê, so sánh, tổng hợp từ thực trạng với những góc nhìn đa chiều như trên, luận văn đã đưa ra được đánh giá chung về những gì tỉnh đã làm được và những gì còn tồn tại. Với những điểm mấu chốt của thực trạng trên, chương tới sẽ đưa ra những phương án, giải pháp hoàn thiện tình hình trong thời gian tới.