Tình hình bệnh dại ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Thực trạng nguy cơ mắc bệnh dại ở người làm nghề giết mổ chó và hiệu quả can thiệp tại một số quận huyện của thành phố Hà Nội, (Trang 20 - 23)

1.1. Khái quát bệnh dại và các biện pháp phòng chống

1.1.5. Tình hình bệnh dại ở Việt Nam

Ở Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành từ nhiều năm nay, nguồn truyền bệnh chính từ chó mắc dại, khi bị cắn chó bình thường nên không tiêm chiếm 31,3% [5],[92].Theo số liệu thống kê của Dự án khống chế và loại trừ bệnh dại- Bộ Y tế số ca tử vong do bệnh dại trên cả nước từ năm 2013 đến tháng 10 năm 2018 có 512 ca tử vong, phân bố ở nhiều tỉnh thành trong cả nước (Bản đồ 1.2). Hằng năm, số ca tử vong do bệnh dại chiếm phần lớn tổng số ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam.

Số người bị chó cắn phải tiêm vắc xin dại trung bình mỗi năm là 330.000 người và hàng năm có khoảng 100 ca tử vong. Bệnh dại xảy ra trên quy mô rộng ở 40/63 tỉnh/thành phố trong cả nước, nhất là ở các tỉnh miền núi và trung du, người nghèo thường có nguy cơ cao hơn, vì giá thành điều trị sau phơi nhiễm cao nên khó có khả năng chi trả cũng như gặp phải vấn đề khó tiếp cận tới dịch vụ điều trị dự phòng. Mặc dù mọi độ tuổi đều có thể mắc bệnh, phổ biến nhất ở trẻ em < 15 tuổi[5],[92]. Bất cứ ai có tiếp xúc thường xuyên, liên tục với nguồn bệnh thì cũng có nguy cơ mắc bệnh dại.

Bản đồ 1.2. Phân bố tử vong do bệnh dại ở Việt Nam, 2013-10/2018 (Nguồn chương trình phòng chống dại-Viện VSDT Trung ương)

Miền Bắc, là khu vực có tỷ lệ tử vong cao nhất và tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất trong các khu vực, ngược lại miền Nam có tỷ lệ tử vong thấp nhất và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cao nhất. Độ tuổi trung bình của nhóm tử vong là 34 tuổi. Tỷ lệ tử vong ở lứa tuổi lao động cao nhất, ở nam giới cao hơn nữ giới (p< 0,05), nhóm dân tộc thiểu số cao hơn so với người Kinh. Hầu hết (85%) ca tử vong xảy ra ở vùng nông thôn, 100% có tiền sử phơi nhiễm với chó, 41,8% chó cắn người lúc chạy rông và bị mất tích, hầu hết chó cắn người không được tiêm phòng. 98% số chết do không đi tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn 54% số này do chủ quan, 23% bệnh nhân thiếu hiểu biết không tiêm vắc xin phòng dại [17].

Theo báo cáo cáo của chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại, trong giai đoạn 2008 – 2013 có 475 ca tử vong (95,6%) do bị chó cắn và 22 (4,4%) ca bị phơi nhiễm trong quá trình giết mổ chó. Trong số các nạn nhân bị tử vong do phơi nhiễm với vi rút dại trong quá trình giết mổ chó thì 50% là người mổ chó chuyên nghiệp và 50% là người mổ chó không chuyên nghiệp [12],[92].

Việc vận chuyển chó mèo ở những vùng đang có dịch và không có dịch dại lưu hành cũng không được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là vận chuyển chó mèo cung cấp cho các lò mổ, chó cung cấp cho các lò mổ được thu mua từ các vùng trong nước hoặc nhập lậu từ các nước lân cận như Campuchia, Myanma, Thái Lan, Lào, Trung Quốc… Đường dây nhập lậu chó từ Myanma, Thái Lan, Lào vào Việt Nam qua cửa khẩu Cầu treo Hà tĩnh đã được biết đến [2] ,[21] (hình 1.1). Tại đây, chó tiếp tục được chuyển đến Thanh Hóa và phân phối cho các lò mổ chuyên nghiệp tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ lan truyền bệnh dại giữa các vùng/miền trong nước và xâm nhập bệnh dại từ các quốc gia lân cận. Đồng thời cũng là nguy cơ gây bệnh dại ở người thông qua việc buôn bán, tiêu thụ chó không được kiểm soát.

Hình 1.1. Chó nhập lậu cung cấp cho lò mổ ở miền Bắc Việt Nam (nguồn phóng sự điều tra báo Tiền Phong ngày 06/9/2010)

Tại Hà Nội từ năm 2003 đến năm 2013 có 46 ca tử vong do bệnh dại, với tỷ lệ tử vong trung bình là 0,07/100.000 dân, nhóm tuổi tử vong chủ yếu 15- 60 tuổi (83%) ở nam giới chiếm chủ yếu 65,5%. Tuy nhiên, số lượng các ca tử vong do dại đã giảm đi trong những năm gần đây. Cụ thể, từ năm 2014 đến tháng 10 năm 2018 có 14 ca tử vong do bệnh dại, phân bố chủ yếu ở các huyện ngoại thành, giáp ranh với các tỉnh có số ca tử vong do bệnh dại cao ở miền Bắc. Đa số các ca tử vong là nam (73,9%), có độ tuổi chủ yếu từ 25 tuổi trở lên (67,4%), và làm ruộng (43,2%) [83]. Nguồn lây truyền bệnh dại cho người là chó chiếm 100% [15], [74].

Với nguồn lây bệnh dại cho người được xác định tại Hà Nội là do chó, do vậy việc giết mổ, tiêu thụ chó tại Hà Nội cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc để có những can thiệp phù hợp trong chiến lược phòng chống bệnh dại. Tại Hà Nội, có rất nhiều cơ sở giết mổ chó với quy mô lớn nhỏ khác nhau, trong đó có các lò mổ chuyên nghiệp lớn nhất miền Bắc tại các xã Đức Giang huyện Hoài Đức, và xã Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó là các lò mổ nhỏ lẻ, cung cấp thịt chó cho các quán thịt chó, hàng ăn, chợ trên địa bàn. Theo điều tra của nhóm nghiên cứu, có khoảng 70 - 80 cơ sở giết mổ chó cung cấp thịt cho các nhà hàng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, vào các ngày cuối tháng âm lịch, mỗi cơ sở trung bình giết mổ 10 - 20 con mỗi ngày, như vậy trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 con chó được giết mổ tại các cơ sở này.

Một phần của tài liệu Thực trạng nguy cơ mắc bệnh dại ở người làm nghề giết mổ chó và hiệu quả can thiệp tại một số quận huyện của thành phố Hà Nội, (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)