Các biện pháp phòng chống bệnh dại

Một phần của tài liệu Thực trạng nguy cơ mắc bệnh dại ở người làm nghề giết mổ chó và hiệu quả can thiệp tại một số quận huyện của thành phố Hà Nội, (Trang 26 - 30)

1.1. Khái quát bệnh dại và các biện pháp phòng chống

1.1.8. Các biện pháp phòng chống bệnh dại

1.1.8.1. Phối hợp liên ngành phòng chống bệnh dại

Các chiến lược được đưa ra để phòng chống và kiếm soát bệnh dại tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á đang áp dụng với nội dung: Tăng cường sự ủng hộ của Chính phủ và trách nhiệm của chính quyền các cấp; tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự tham gia của các tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ, các tổ chức cộng đồng và mỗi người dân, thành lập các Ban chỉ đạo đa ngành ở các cấp. Chiến lược loại trừ bệnh dại ở người do động vật truyền phối hợp liên ngành y tế và thú y là chính, vì bệnh dại ở người do động

vật mắc dại lây truyền. Sự phối hợp liên ngành sẽ có được hỗ trợ nguồn lực tốt nhất, bao gồm cả nhân lực và tài chính [10], [37].

Trong năm 2015 và 2016 Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT đã đồng chủ trì tổ chức nhiều hội thảo để xây dựng kế hoạch quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2016 - 2020 tại Việt Nam. Trong dự thảo lần thứ 4 kế hoạch quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại đã xác định mục tiêu khống chế, tiến tới loại trừ bệnh dại ở động vật và người trên toàn quốc, không có người chết vì bệnh dại vào năm 2020. Trong chiến lược phòng chống bệnh dại ở khu vực, Việt Nam với các nỗ lực và quyết tâm phòng chống bệnh dại đã được đề cử là nước dẫn đầu trong phòng chống bệnh dại ở khu vực Đông Nam châu Á [13].

Các nội dung chủ chốt trong phối hợp liên ngành phòng chống bệnh dại bao gồm: Nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó và điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm cho người, tăng cường công tác giám sát và đáp ứng phòng chống dịch dại ở động vật và trên người. Hoàn thiện và tăng cường thực hiện các văn bản pháp luật.

1.1.8.2. Truyền thông phòng chống bệnh dại

Truyền thông vận động chính sách, tạo hành lang pháp lý, huy động nhân lực, nguồn lực tài chính đảm bảo cho chương trình phòng chống bệnh dại.

Truyền thông về mối nguy hiểm của bệnh dại, các phương pháp phòng chống bệnh dại tới mỗi người dân để họ tự nguyện tham gia vào công tác phòng chống dại.

Truyền thông nâng cao kiến thức cho các cán bộ tham gia công tác phòng chống bệnh dại gồm y tế - thú y và hệ điều trị, là một sự đầu tư cho nguồn nhân lực có tầm quan trọng quyết định đối với sự bền vững của chương trình phòng chống bệnh dại quốc gia.

1.1.8.3. Phòng chống bệnh dại ở động vật Giảm số lượng động vật hoang dã

Sự lây truyền bệnh dại giữa các loài động vật phụ thuộc vào mật độ quần thể ổ chứa vi rút. Các phương pháp làm giảm mật độ động vật hoang dã bao gồm săn bắt, dung bẫy, làm độc và xông hơi vào hang, tổ của động vật. Tuy nhiên, cho đến nay các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiếm có mô hình nào chỉ sử dụng một phương pháp duy nhất để làm giảm mật độ động vật mà có hiệu quả trong việc phòng chống bệnh dại [120], [81].

Gây miễn dịch cho động vật hoang dã

Việc gây miễn dịch cho vật chủ hoang dại có hiệu quả hơn so với việc làm giảm mật độ động vật trong phòng chống bệnh dại đã được chứng minh ở Bắc Mỹ và châu Âu [72], [81], [48]. Chiến dịch gây miễn dịch cho động vật hoang dại bằng vắc xin sống giảm động lực dạng mồi thả vào các cánh rừng được thực hiện hai năm một lần vào mùa xuân và mùa thu đã giúp các nước châu Âu loại trừ được bệnh dại ở động vật ăn thịt hoang dại. Phần Lan và Hà Lan tuyên bố loại trừ bệnh dại ở động vật ăn thịt hoang dại năm 1991, Ý năm 1997, Thụy Điển 1998, Pháp 2000, Bỉ và Luxembua năm 2000 [120], [118].

Ngoài vắc xin sống giảm động lực còn có vắc xin sống tái tổ hợp được sử dụng gây miễn dịch cho động vật hoang dại bằng đường ruột dưới dạng mồi, trong quá trình sử dụng đã chứng minh vắc xin dại tái tổ hợp có vai trò đáng kể trong việc kiểm soát hoặc giảm thiểu bệnh dại ở động vật hoang dại tại Bỉ, Pháp, Isael, Luxembua, Hàn Quốc, Canada, Mỹ và chó nuôi tại Srilanca[120], [118], [38].

Cho đến nay, vẫn chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu đối với ổ chứa vi rút dại ở các loài dơi. Do vậy, việc thanh toán bệnh dại ở động vật hoang dại hầu như không thể. Chính vì vậy, cần thiết phải phối hợp nhiều phương pháp phòng chống để tránh lây lan bệnh dại từ động vật sang người.

Quản lý đàn chó và kiểm soát tỷ lệ sinh

Không có bằng chứng chỉ ra rằng sử dụng biện pháp duy nhất là tiêu diệt chó có thể giảm mật độ chó và giảm thiểu sự lan truyền bệnh dại ở chó. Một số biện pháp ước lượng số lượng đàn chó bao gồm đăng ký chó, điều tra sử dụng bộ câu hỏi, bắt, đánh dấu, quan sát, tái quan sát sử dụng phương pháp đánh dấu thống nhất như đeo vòng cổ hoặc nhuộm màu. Sự kết hợp hai phương pháp trong số các phương pháp trên cho phép tính số lượng đàn chính xác hơn [120], [118].

Gây miễn dịch cho đàn chó mèo

Bệnh dại ở chó mèo nuôi có thể kiểm soát được và đã được chứng minh ở một số nước như Bắc Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Nam Mỹ, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó đạt 70% và duy trì tỷ lệ chó tiêm phòng sẽ khống chế được bệnh dại ở động vật, cần phải có sự cam kết của chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện, chiến dịch giáo dục, truyền thông, đảm bảo cung cấp vắc xin có chất lượng, phải có sự phối hợp và tư vấn một cách hiệu quả của các dịch vụ sức khỏe. Ở một số nước áp dụng tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó mèo phối hợp với vắc xin đường miệng dưới dạng mồi nhằm tăng tỷ lệ chó được gây miễn dịch. Phương pháp này thường được áp dụng những vùng có nhiều chó chạy rông, chó có chủ nhưng khó có khả năng chi trả tiêm vắc xin cho chó, nơi có số lượng chó lớn và khó có khả năng tiếp cận để tiêm phòng vắc xin [120], [118], [116], [115].

Vận chuyển động vật

Vận chuyển động vật hoang dại từ những nước có dịch sang các nước không có dịch, các nước không có bệnh dại không nên cho nhập cảnh một số động vật hoang dại có vú, đặc biệt động vật ăn thịt, dơi hoặc chỉ cho phép nhập khẩu khi được cấp phép với đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu và con vật phải được cách ly, kiểm tra chặt chẽ đúng theo quy định của nước sở tại [120], [118].

Một phần của tài liệu Thực trạng nguy cơ mắc bệnh dại ở người làm nghề giết mổ chó và hiệu quả can thiệp tại một số quận huyện của thành phố Hà Nội, (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(173 trang)