Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981”
tạo thành sức mạnh tổng hợp của đấu tranh chính trị, ngoại giao, thông tin tuyên truyền và đấu tranh trên thực địa của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan và chấp nhận điều kiện của Việt Nam. Thắng lợi này là tổng thể của các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, luận văn khái quát thành các nguyên nhân cơ bản sau như sau:
Một là, quan điểm, chủ trương chỉ đạo TTĐN và những phát ngôn cứng rắn của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước về chủ quyền biển đảo là định hướng chiến lược, tạo niềm tin vững chắc và ý chí quyết tâm của công tác TTĐN
Những quan điểm, chủ trương chỉ đạo chiến lược của Đảng về công tác TTĐN, nhất là TTĐN về biển đảo là định hướng cơ bản đối với công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo vừa có trình độ ngoại ngữ, năng lực chuyên môn cao vừa có bản lĩnh chất chính trị vững vàng, niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của nước ta trên phạm vị thế giới. Khi sự kiện
“giàn khoan Hải Dương 981” diễn ra, những phát ngôn “cứng rắn” của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước trước công luận quốc tế, như “sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết”, “duy trì quyền tự vệ”, “không bao giờ đánh đổi chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ lấy hòa bình, hữu nghị viển vông…”, “cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế”… Phát ngôn đó là thông điệp về ý chí, quyết tâm không gì lay chuyển được của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới, trong đó, có Trung Quốc. Đồng thời, đó cũng là nhân tố tinh thần khích lệ sự sáng tạo, linh hoạt và nhạy bén của cơ quan báo chí và những người làm báo và sự dũng cảm, không quản ngại khó khăn, gian khổ của các phóng viên trên thực địa trong công tác thông tin, tuyên truyền về biển đảo cũng như trong phản kích, phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu khống của giới chức, học giả Trung Quốc và các thế lực thù địch. Cùng với đó, các bài viết, bài phát biểu với luận điểm chặt chẽ, dẫn chứng
thuyết phục của nhiều nhà ngoại giao Việt Nam, của các cơ quan báo chí đối ngoại đã khẳng định rõ ràng vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của nước ta. Phát ngôn này đã góp phần bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt mà giới chức và truyền thông Trung Quốc dùng để vu khống Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó, giúp quốc tế có cái nhìn đa chiều, đầy đủ và chính xác hơn về bản chất các vụ việc đang gây dậy sóng trên Biển Đông.
Hai là, thu hút được các lực lượng báo chí chuyên trách và cộng tác viên trong nước và ngoài nước tạo thành sức mạnh tổng hợp của công tác TTĐN
Sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” diễn ra trong thời gian ngắn từ ngày 02/5/2014 - 15/7/2014), công tác TTĐN đã huy động, thu hút được mọi phương thức, hình thức, mọi lực lượng TTĐN chuyên trách, cộng tác viên trong và ngoài nước: cơ quan đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt nam ở nước ngoài; Việt Kiều, học sinh, sinh viên, cán bộ đang công tác, học tập ở nước ngoài; các cơ quan báo chí, tổ chức quốc tế; các nhà lãnh đạo, ngoại giao, chính khách, chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, phóng viên, cộng tác viên của các quốc gia lên án, bày tỏ sự bất bình trước hành động, bước đi ngang ngược của Trung Quốc, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa với thái độ kiềm chế của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây là lực lượng hùng hậu, có sức mạnh truyền đi những thông điệp của Đảng, Nhà nước về ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, là thiêng liêng, không thể nhân nhượng và hành động kiềm chế của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam trên biển, có tác động tích cực đến dư luận thế giới. Trong suốt 75 ngày diễn ra sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981”, cuộc phản công trên báo đối ngoại của Việt Nam về hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc đã bị “nướng” trên lò dư luận bằng hàng loạt chỉ trích dữ dội của nhiều quốc gia trên thế giới, giúp quốc tế có cái nhìn đa chiều, đầy đủ và chính xác hơn về bản chất các vụ việc đang gây dậy sóng trên Biển Đông.
Ba là, đội ngũ nhà báo luôn vượt lên chính mình, trở thành lực lượng nòng cốt trong mặt trận đấu tranh chính trị tư tưởng của công tác TTĐN.
Đứng trước sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” và hành xử ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông năm 2014, đội ngũ nhà báo đối ngoại Việt Nam đã phát huy phuy được sức mạnh, vượt lên chính mình, khắc phục khó khăn, gian khổ, giữ vững bản lĩnh chính trị, nhạy bén trong đưa tin bài về cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân ta. Đội ngũ nhà báo đối ngoại đã bám sát được tình hình, cung cấp các thông tin đủ, kịp thời, tính thời sự cao, tạo nên sức mạnh rất lớn không chỉ với dư luận trong nước mà cả dư luận quốc tế hiểu được tình hình và sự vi phạm của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đặc biệt là giúp được dư luận hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong việc đấu tranh kiên quyết với các hành động xâm phạm của Trung Quốc, thấy được những biện pháp của chúng ta là hết sức kiềm chế, nhưng kiên quyết, thông qua các biện pháp đấu tranh hòa bình để buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981, tàu hộ tống ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều đó tạo nên sức mạnh của Việt Nam, buộc Trung Quốc phải đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về chủ quyền biểm đảo. Những thông tin kịp thời, chính xác của các nhà báo Việt Nam là thông tin có độ tin cậy được các hãng truyền thông có tiếng tăm trên thể giới sử dụng, truyền tải trên báo chí thế giới. Chính vì vậy, quan điểm, chủ trương, các phát ngôn của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, sự phản đối quyết liệt của nhân dân cũng như biện pháp kiên trì, đấu tranh khôn khéo của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam có sức lan tỏa rộng khắp, tạo dư luận đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới và chính phủ, nguyên thủ của nhiều quốc gia.
Đội ngũ nhà báo, trong đó có nhà báo đối ngoại, bằng các phương tiện truyền thông bám sát tình hình, nhiều phóng viên báo chí đã ra tận thực địa, dũng cảm bám sát các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, đưa tin nhanh chóng đến với nhân dân trong nước cũng như dư luận thế giới. Tin ảnh của thông tin báo chí về những hành động phi pháp, hung hăng, manh động của các tàu Trung Quốc đối với tàu thực thi pháp luật cũng như ngư dân Việt Nam trên thực địa có tính thuyết phục cao đối với dư luận trong và ngoài nước.
Cuộc phản kích TTĐN, đã phát huy tác dụng rõ rệt khi những tiếng nói ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nước ta từ bạn bè quốc tế ngày càng nhiều hơn, mạnh mẽ hơn. Cùng với đó là sự lên án, phản đối quyết liệt các hành động sai trái,
vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Từ đó khẳng định đội ngũ nhà báo Việt Nam đã vượt lên chính mình, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền đối ngoại trên mặt trận đấu tranh chính trị tư tưởng của Đảng, Nhà nước.
Bốn là, TTĐN về sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” diễn ra trong bối cảnh có có sự đồng tình ủng hộ của dư luận nhân dân thế giới
Chính sách tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc từ việc tuyên bố đường “chín đoạn” hay đường “lưỡi bò” trên Biển Đông, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đến việc hạ đặt trái phép “giàn khoan Hải Dương 981” là hành động thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn thách thức đối với các nước khu vực và thế giới, được chính phủ, lãnh đạo các quốc gia, các tổ chức quốc tế quan tâm. Những tuyên bố “cứng rắn” của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta và hành động đấu tranh kiên quyết của nhân dân ta đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam không có chỗ cho sự thỏa hiệp với Trung Quốc được nhanh chóng lan tỏa và nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới.
Sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” diễn ra, ngay lập tức chính phủ một số nước trong khu vực đã có những động thái xem xét, điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với tham vọng của Trung Quốc, như Nhật Bản, Australia, Philippines, Brunei, Malaysia, Indonesia… Mặt khác, hơn bốn thập kỷ qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã không ngừng mở rộng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí với nhiều nước khác hình thành một “cộng đồng kinh tế” có chung lợi ích trên Biển Đông như Nga, Mỹ, khối các nước châu Âu, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore… Khi lợi ích trên Biển Đông bị đoa dạo thì lợi ích của “cộng đồng kinh tế” có chung lợi ích trên Biển Đông cũng sẽ bị đe dọa. Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đang thực hiện chính sách tái cân bằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường bảo vệ tuyến đường hằng hải trên Biểm Đông, đẩy quan hệ Mỹ - Việt phát triển lên một bước mới, từng bước rỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam và coi vai trò, vị trí, tầm quan trọng
của Việt Nam ở Đông Nam Á. Đây là nhân tố thuận lợi để ta thu hút sự quan tâm của thế giới đấu tranh với Trung Quốc trên mặt trận TTĐN về biển đảo.
Nắm bắt được nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, công tác TTĐN trong sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981” đã đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền thu hút sự ủng hộ tích cực của dư luận quốc tế, đẩy Trung Quốc vào tình thế bất lợi. Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Nga, ASEAN, Australia, Singapore, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc, Campuchia, Lào… và các tổ chức quốc tế đồng loạt lên tiếng phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Các tổ chức khoa học, các hãng truyền hình, báo chí lớn của thế giới như CNN, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp IRSEM), Hãng tin Yonhap… tổ chức hội thảo, phóng vấn, đưa tin về quan điểm, chính sách của Việt Nam, các tuyên bố của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các chính khách, nhà khoa học, chuyên gia… phong trào đấu tranh của nhân dân ta đối với sự kiện “giàn khoan Hải Dương 981”, kịch liệt phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.