Lập luận theo logic hình thức và lập luận đời thường

Một phần của tài liệu Giáo trình Kỹ năng lập luận và tranh luận: Phần 1 - PGS.TS Lê Thanh Sơn (Trang 22 - 28)

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ LẬP LUẬN

1.3. Lập luận theo logic hình thức và lập luận đời thường

1 Lê Thị Hồng Vân… (2017), Giáo trình Kỹ năng nghiên cứu và lập luận, NXB Hồng Đức, tr.102-104.

11

chia lập luận thành 2 loại: lập luận để chứng minh một chân lý và lập luận để thuyết phục.

- Loại thứ nhất: thuộc dạng lập luận theo logic hình thức (hay lập luận theo diễn từ chuẩn). Đặc trưng của dạng lập luận này là phương pháp suy luận tuân thủ theo một khuôn mẫu logic xác định và chặt chẽ. Ở đây, chân lý được khẳng định qua các tiền đề và các quy tắc suy diễn theo ngôn ngữ đã được công thức hóa, mang tính phổ quát, với ý nghĩa là mọi nơi, mọi người dùng những ngôn ngữ tự nhiên khác nhau cũng đều lập luận theo một mô thức chung mang tính phổ quát như vậy. Dạng lập luận này được sử dụng phổ biến trong các lĩnh vực khoa học với các lý lẽ được sử dụng là những định lý, định luật, quy tắc… Với mục đích nhằm khẳng định giá trị chân lý, khẳng định tính đúng - sai của sự kiện, nên giá trị của lập luận được đánh giá dựa trên mức độ chặt chẽ và chính xác, mức độ đúng đắn, chân xác của các tiền đề cũng như sự phù hợp với các quy tắc logic khi suy diễn.

- Loại thứ hai: thuộc dạng lập luận theo logic phi hình thức (thường gọi là lập luận đời thường, hay lập luận theo lẽ thường). Mục đích của dạng lập luận này không chỉ nhằm khẳng định tính đúng – sai của chân lý (thậm chí nhiều khi không thể xác định theo tiêu chí đúng sai) mà quan trọng hơn còn là nhằm đạt được hiệu quả thuyết phục, tạo dựng niềm tin, cốt để người nghe thấy “lọt lỗ tai”, từ đó làm thay đổi nhận thức, từ bỏ những xác tín cũ, tin và nghe theo những điều được người nói đưa ra. Đây là dạng lập luận thường

12

được sử dụng trong tranh luận, phản biện. Dạng lập luận này dựa trên những căn cứ, lý lẽ chủ yếu, có tầm quan trọng hàng đầu, đó là:

- Những logic đời thường, không có tính tất yếu (ví dụ:

những lý lẽ về quan hệ nhân quả như “Ở hiền, gặp lành”,

“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”…; lý lẽ về số mạng như “Trời kêu ai nấy dạ”,

“Duyên phận do trời định…”; lý lẽ về dòng dõi như “Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”, “Cha nào, con nấy”… Đó là những lẽ thường hay lý lẽ “hiển nhiên là thế”).

- Những tri thức văn hóa, tâm lý, đạo đức, lý lẽ, kinh nghiệm sống, phong tục tập quán, các thói quen ứng xử truyền thống, nhân sinh quan… của một cộng đồng, một dân tộc, được hầu hết các thành viên sống trong cộng đồng đó tôn trọng, thừa nhận và tuân thủ như một lẽ hiển nhiên (ví dụ:

“Chị ngã. em nâng”, “Đóng cửa bảo nhau”, “Có phúc có phần”, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “Tay đứt ruột xót”, “Lực bất tòng tâm”, “Phép vua thua lệ làng”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”…).

Cũng vì lý do đó mà lập luận theo lý lẽ đời thường không tất yếu đúng ở mọi nơi, mọi lúc mà còn tùy thuộc vào tri thức, kinh nghiệm, nhân sinh quan, văn hóa ứng xử của từng cộng đồng, dân tộc, từng ngữ cảnh giao tiếp. Dưới đây là một số ví dụ về lập luận đời thường:

Trong phiên tòa vụ đại án Phạm Công Danh, bị cáo

13

Hoàng Đình Quyết nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), chi nhánh Sài Gòn với mong muốn được giảm nhẹ hình phạt đã lập luận trong lời nói sau cùng trước Tòa: “Từ đời ông đến bố của bị cáo là người theo cách mạng, có truyền thống yêu nước. Bị cáo luôn được răn dạy sống sao cho có ích với xã hội… Nhưng tiếc thay, mọi sự không như ý muốn, bị cáo không thành công và đã để lại hậu quả nặng nề ở VNCB… bị cáo mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các thuộc cấp của mình”1.

Hoặc như lời trần tình trước HĐXX của bị cáo Lý Xuân Hải – nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) trong vụ án trên, khi cho rằng mình hoàn toàn không có động cơ phạm tội, chẳng qua chỉ là quá tin tưởng và tuân thủ vào lãnh đạo Ngân hàng: “Với những người lãnh đạo như vậy, tôi không có lương tâm nào làm trái được”2.

Như vậy, có thể định nghĩa lập luận theo logic phi hình thức hay lập luận đời thường như sau: “Lập luận đời thường là lập luận dựa trên các lý lẽ thực tiễn, phổ quát trong đời thường nhằm mục đích thuyết phục người khác chấp nhận kết luận mà mình đưa ra”.

Bảng 1.1 trình bày những điểm khác nhau cơ bản giữa hai loại lập luận3:

1, 2 Báo điện tử Một Thế giới, ngày 30/8/2016.

3 Lê Thị Hồng Vân, Sđd, tr.103.

14

Bảng 1.1. Phân biệt lập luận theo logic hình thức và lập luận đời thường.

Tiêu chí so sánh

Lập luận theo logic hình thức

Lập luận theo logic phi hình thức (Lập luận đời thường)

Phương tiện lập luận

Dựa trên các luận cứ khoa học (các chân lý khoa học đã được chứng minh: định lý, định luật, quy luật, tư tưởng…) có tính phổ quát toàn nhân loại; là các số liệu, sự kiện, chứng cứ… đã được kiểm chứng nên tất yếu đúng.

Dựa trên những lý lẽ thực tiễn (quan niệm, phong tục, tập quán, kinh nghiệm, thói quen ứng xử…) được một dân tộc, một cộng đồng thừa nhận.

Phương pháp lập luận

Tuân thủ các quy tắc suy diễn logic hình thức chặt chẽ, theo khuôn mẫu cố định.

Vận dụng linh hoạt các lý lẽ thực tiễn; không bị giới hạn theo những khuôn mẫu chặt chẽ.

Quan hệ lập luận

- Quan hệ lập luận xảy ra giữa các mệnh đề.

- Giữa luận cứ và kết luận có quan hệ logic nên kết luận được suy

- Quan hệ lập luận diễn ra giữa các hành động ở lời, tức tự thân nội dung miêu tả đã có giá trị lập luận (định hướng cho kết luận).

- Giá trị lập luận có thể không được suy ra một cách tất yếu từ các luận cứ,

15 ra một cách tất yếu từ luận cứ.

mà phụ thuộc vào ngữ cảnh của lời và định hướng của người nói.

Tính phổ quát của lập luận

Tất yếu đúng ở mọi nơi, mọi lúc (vì là chân lý khoa học nên có tính khách quan, phổ quát và tất yếu).

Không tất yếu đúng ở mọi nơi, mọi lúc (tùy thuộc vào tri thức, kinh nghiệm, văn hóa của từng cộng đồng, từng ngữ cảnh giao tiếp).

Tính giá trị của lập luận

- Chặt chẽ, không có phản lập luận.

- Chỉ có hai khả năng:

đúng/sai.

- Không chặt chẽ, có phản lập luận.

- Có các khả năng khác.

Tính mục đích của lập luận

- Đánh giá, khẳng định chân lý đúng/sai, có/không.

- Hướng đến giá trị chân lý.

- Thuyết phục, thay đổi, củng cố long tin, làm cho người khác nghe theo mình.

- Hướng đến tính hiệu quả.

Trong thực tế, bên cạnh việc sử dụng phương thức lập luận theo logic hình thức, chúng ta rất thường xuyên sử dụng lập luận theo lý lẽ đời thường. Cần lưu ý rằng, sự phân biệt như trên không phải để đối lập giữa hai dạng lập luận này.

Mối quan hệ giữa hai dạng thức lập luận này là mối quan hệ giữa cái phổ quát và cái cụ thể. Bởi lẽ, lập luận theo lý lẽ đời thường muốn có giá trị thuyết phục thì trước hết cũng phải tuân thủ các quy luật cơ bản của tư duy, tức là vẫn phải tuân thủ những khuôn mẫu chung của phép suy luận logic hình thức. Không những thế, dựa trên nền tảng của các quy luật và

16

nguyên tắc chung của tư duy, lập luận đời thường còn vận dụng các lý lẽ của thực tiễn đời sống gắn với môi trường văn hóa và ngôn ngữ của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng để đạt được các mục đích trong những tình huống giao tiếp cụ thể.

Một phần của tài liệu Giáo trình Kỹ năng lập luận và tranh luận: Phần 1 - PGS.TS Lê Thanh Sơn (Trang 22 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)