MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ LẬP LUẬN
1.8. Lý lẽ trong lập luận đời thường
Trong khi lập luận theo logic hình thức dựa trên các luận cứ khoa học, đã được chứng minh, luôn tất yếu đúng thì lý lẽ trong lập luận đời thường lại là những chân lý thông thường, có tính kinh nghiệm, không mang tính tất yếu, bắt buộc. Cùng một hiện tượng, một sự việc nhưng tùy thuộc vào không gian, thời gian, từng dân tộc, từng nền văn hóa… mà cách đánh giá, nhìn nhận giá trị cũng khác nhau. Lý lẽ đời thường không thể chứng minh được tính đúng/sai theo tiêu chuẩn logic chặt chẽ, nhưng lại được cho là hợp lý theo cách nghĩ, lối sống, phong tục tập quán, tâm lý và chuẩn mực đạo đức… của một cộng đồng, một dân tộc. Lý lẽ đời thường xuất hiện phổ biến trong mọi mặt đời sống xã hội, trở thành kinh nghiệm, bài học, chân lý hiển nhiên và được nhiều người thừa nhận.
Theo Lê Thị Hồng Vân, lý lẽ trong lập luận đời thường bao gồm1:
1.8.1. Lý lẽ khách quan
Trong lập luận đời thường, lý lẽ khách quan là các luận cứ có cơ sở trong thực tế khách quan, tồn tại xác thực trong đời sống, làm căn cứ để đánh giá có/không, đúng/sai. Đó là các văn bản, số liệu, sự kiện, chứng cứ trực tiếp, tồn tại xác thực trong thực tế khách quan, bao gồm:
a/. Những chứng cứ thực tế có được qua việc xem xét, điều tra cụ thể, chính xác các sự việc trong thực tế như: diễn biến sự việc, bằng chứng, các số liệu, bút tích…
1 Lê Thị Hồng Vân, sđd, tr.127.
56
b/. Các văn bản, điều luật, quy chế, quy định, điều lệ…
liên quan đến sự việc hoặc cách phán quyết trước đây về những sự việc tương tự (án lệ trong xử án).
Lý lẽ khách quan là loại lý lẽ có sức thuyết phục cao trong lập luận vì nó dựa trên các căn cứ đã được thừa nhận hiển nhiên, các bằng chứng tồn tại cụ thể, xác thực trong thực tế, có quan hệ nhân quả trực tiếp với sự việc, chứ không phải do suy diễn cảm tính. Vì vậy, đây là loại lý lẽ giúp cho lập luận chặt chẽ, có cơ sở vững chắc, khó lòng bác bỏ.
Ví dụ: “Điều 82 Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) quy định rõ những tài liệu, hiện vật được xem là nguồn chứng cứ trong tố tụng dân sự. Theo đó, chứng cứ để giải quyết vụ án dân sự được thu thập từ các nguồn sau đây:
- Các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được.
- Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
- Các vật chứng. - Tập quán.
- Lời khai của đương sự và của người làm chứng.
- Kết quả định giá tài sản.
- Kết luận giám định. - Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Chẳng hạn, trong một vụ án tai nạn giao thông, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại được một người cung cấp băng ghi hình diễn biến hiện trường vụ tai nạn giao thông. Đây là chứng cứ thực tế rất giá trị để xác định nguyên nhân gây ra vụ tai nạn.
57 1.8.2. Lý lẽ cá nhân (lý lẽ nội tại)
Khác với lý lẽ khách quan, lý lẽ cá nhân là lý lẽ dựa vào các hành vi cá nhân, dựa vào nhân thân để phán xét về con người. Dưới đây là các loại lý lẽ cá nhân được sử dụng trong lập luận với mục đích thuyết phục.
1.8.2.1. Lý lẽ hành vi cá nhân
Lý lẽ hành vi cá nhân coi hành vi cá nhân là những chứng cứ làm luận chứng cho quy luật nhân quả: lấy phẩm chất của con người để đánh giá hành vi của họ (nhìn người đoán việc) và ngược lại, lấy hành vi của một người để suy ra phẩm chất của người đó (nhìn việc đoán người). Có 4 loại lý lẽ chung trong lập luận:
+/. Lập luận căn cứ trên hành động: từ hành động để đánh giá, quy kết về phẩm chất của một người.
Loại 1: nếu một người có hành động (+) thì đó là cơ sở để đánh giá người đó có phẩm chất (+).
Loại 2: nếu một người có hành động (–) thì đó là cơ sở để lập luận rằng người đó có phẩm chất (–).
+/. Lập luận căn cứ trên phẩm chất: từ phẩm chất để đánh giá hành động của một người.
Loại 3: nếu một người có phẩm chất (+) thì đó là cơ sở để khẳng định hành động của người đó (+).
Loại 4: nếu một người có phẩm chất (–) thì đó là cơ sở để khẳng định hành động của người đó (–).
58
(Ký hiệu (+) để chỉ những thuộc tính dương như tốt đẹp, tích cực… và ký hiệu (–) để chỉ những thuộc tính âm như xấu, tiêu cực…).
Phát ngôn cũng là một loại hành động (hành động ngôn ngữ - hành vi ở lời), là một loại hành động đặc biệt, do đó từ bốn loại lý lẽ trên ta cũng có bốn loại lý lẽ tương tự áp dụng cho việc đánh giá phẩm chất của một người thông qua lời nói:
Loại 1: lời nói có phẩm chất (+) thì con người cũng có phẩm chất (+).
Loại 2: lời nói có phẩm chất (–) thì con người cũng có phẩm chất (–).
Loại 3: con người có phẩm chất (+) thì lời nói cũng có phẩm chất (+).
Loại 4: con người có phẩm chất (–) thì lời nói cũng có phẩm chất (–).
Ví dụ: “Anh ta đã từng có hai tiền án về tội làm hàng giả. Vì vậy, việc tiếp tục tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật như trong vụ án này chỉ còn là vấn đề thời gian, làm sao tôi có thể tin những điều anh ta nói?”.
Hay: “Là những cựu quân nhân, đã từng vào sinh ra tử, họ không bao giờ bán rẻ danh dự và phẩm giá để đồng lõa với những kẻ cơ hội, tham nhũng”.
Hoặc lời của bị cáo Nguyễn Đức Kiên trong vụ án Ngân hàng ACB1: “Tôi không bỏ chạy, tôi không trốn chạy trách nhiệm… dù thời gian đó hộ chiếu của tôi dài hạn, tôi có quan hệ khắp nơi, tôi chờ cái gì sẽ đến với mình, tôi chịu trách
1 Báo Pháp luật và xã hội, ngày 03/6/2014.
59
nhiệm với những gì mình làm”. Hay: “Vào những năm thị trường chứng khoán Việt Nam mới bắt đầu, có rất nhiều kẽ hở để có thể thao túng, tôi biết nhưng tôi không làm”.
1.8.2.2. Lý lẽ nhân thân
Với mục đích thuyết phục, các lập luận thường hay sử dụng một loại lý lẽ dựa trên quan hệ nhân quả là lý lẽ nhân thân. Lý lẽ loại này thường thấy trong các hoạt động tố tụng, như lập luận của Luật sư để gỡ tội cho thân chủ.
Ví dụ: “Bị cáo có nhân thân tốt, cha là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ, các anh chị em đều là cán bộ, viên chức nhà nước, đều là Đảng viên”.
Hay như lời của cựu Chủ tịch MobiFone trong vụ án AVG mới đây: “Tôi chỉ xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở MobiFone, họ là những người lãnh đạo ưu tú đã xây dựng MobiFone trong những ngày đầu tiên để trở thành mạng di động ưa thích nhất, đạt danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, tích cực nộp ngân sách Nhà nước có hiệu quả nhất”1.
1.8.3. Lý lẽ theo kinh nghiệm xã hội
Với mục đích thuyết phục, lập luận đời thường sử dụng (riêng rẽ hoặc kết hợp) các lý lẽ theo kinh nghiệm xã hội như sau:
1.8.3.1. Lý lẽ đạo đức
Lý lẽ đạo đức là loại lý lẽ dựa trên các quy tắc đạo đức
1 Báo Dân trí, ngày 21/12/2019.
60
truyền thống, các quy tắc nhân đạo nói chung trong giao tiếp, ứng xử. Nhìn chung, đó là những chuẩn mực đạo đức, là nguyên tắc nền tảng ứng xử trong các mối quan hệ xã hội.
Ví dụ: “Anh ấy với tôi là bạn bè chí cốt, sống chết có nhau. Trước đây, dù trong bom đạn khốc liệt của chiến tranh, chúng tôi vẫn gắn bó bên nhau. Không có lý do gì bây giờ anh ấy gặp khó khăn thì tôi lại bỏ mặc”…
Hay: “Tôi là cha nên tôi phải làm tất cả, hy sinh tất cả vì con”.
Đó là những chuẩn mực đạo đức đã được mọi người trong xã hội chấp nhận, tuân thủ và hành động một cách tự nguyện.
Mọi sự vi phạm đều bị cộng đồng phản đối, lên án. Ngược lại, dẫu có những hành động sai lầm nhưng vẫn tôn trọng và giữ trọn những chuẩn mực đạo đức đó thì những hành động sai lầm cũng dễ được cảm thông. Vì vậy, sử dụng loại lý lẽ này trong lập luận thường là cách để tìm kiếm sự đồng tình, nhằm thuyết phục người khác chấp nhận ý kiến của mình.
1.8.3.2. Lý lẽ quyền uy
Khác với các hành động mang tính tự nguyện theo lý lẽ đạo đức, hành động theo lý lẽ quyền uy là các hành động mang tính bắt buộc, chịu sức ép, áp lực từ trên xuống. Đây là loại lý lẽ thường được sử dụng làm chỗ dựa cho những lập luận được đưa ra để bào chữa cho những hành động mà người thực hiện không muốn làm, dẫu biết là sai trái mà vẫn phải làm chỉ vì chịu sự phụ thuộc vào thế lực, quyền uy của người khác. Chẳng hạn, trong vụ án Minh Phụng – Epco, Trần Thị
61
Thương (vợ của Minh Phụng), là giám đốc một Công ty con của Minh Phụng đã thanh minh: “Tôi làm theo lệnh của chồng chứ không biết gì cả”. Luật sư của Trần Thị Thương cũng lập luận để biện hộ cho thân chủ của mình: “Trần Thị Thương gần như lệ thuộc hoàn toàn vào chồng. Thông thường là giám đốc thì phải độc lập điều hành hoàn toàn hoạt động của Công ty, thế nhưng với Trần Thị Thương thì không phải như vậy, làm giám đốc là theo yêu cầu của chồng”1.
Trong lập luận, nếu bằng lý lẽ đạo đức người ta có thể tìm thấy sự đồng cảm, đồng tình nơi người nghe, thì bằng lý lẽ quyền uy người ta có thể tìm được sự cảm thông nơi người nghe ở mức độ nào đó khi hiểu rằng: dù là ai thì cũng khó có thể làm khác trong hoàn cảnh tương tự như vậy.
1.8.3.3. Lý lẽ theo số đông
Lý lẽ theo số đông dựa trên tâm lý ứng xử cộng đồng đúc kết thành kinh nghiệm như: “Nước nổi, bèo trôi”; “Nhập gia tùy tục”; “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”; “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”; “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”; “Lụt lút cả làng”… Đây là loại lý lẽ cho rằng việc thực hiện một hành vi nào đó là vì theo thông lệ nhiều người vẫn làm, đã làm, kiểu như: “Lâu nay mọi người đều làm như vậy”; “Nếu không làm thì người khác cũng làm”; “Vì thấy mọi người khen đẹp (tốt)”; “Người khác cũng làm vậy sao không phạt mà lại phạt tôi?”…
1 Báo Người lao động, ngày 17/7/1999.
62
Lý lẽ số đông được sử dụng phổ biến và tỏ ra khá hiệu quả trong các hoạt động quảng cáo. Chẳng hạn: “Đây là loại bột giặt (kem đánh răng) từ lâu đã được người dân của nhiều Quốc gia trên thế giới tin dùng”, hay: “Từ nhiều năm nay, sản phẩm của chúng tôi đã trở nên thân thiết với mọi nhà”.
Trong một số trường hợp, lý lẽ theo số đông cũng được sử dụng nhằm mục đích biện hộ, chối tội. Dưới đây là một số ví dụ:
Trong vụ án Tân Trường Sanh, bị cáo Phùng Long Thất (Trưởng phòng Điều tra chống buôn lậu V, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh) đã đưa ra lý lẽ để biện hộ cho hành vi nhận tiền hối lộ của mình rằng: “Tòa buộc tôi phải chết trong khi Hải quan ai cũng làm như tôi. Tiền tôi nhận pháp luật cấm nhưng xã hội thừa nhận, mọi người biết, Tổng cục Hải quan cũng biết”1.
Hoặc như bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trong vụ án Ocean Bank, trước câu hỏi của HĐXX về việc có biết quy định món quà biếu trên 500 nghìn đồng là bị cấm theo Luật Chống tham nhũng hay không, cũng đã lập luận rằng: “Bị cáo cũng thấy truyền thống chi quà dịp lễ tết cho lãnh đạo, doanh nghiệp bị nền kinh tế thị trường làm cho méo mó, đấy cũng là nỗi khổ của doanh nghiệp… đưa quà bé thì chẳng ai phân tích, đánh giá gì nhưng mình cũng tự cảm thấy không tương xứng”2.
Tuy nhiên, trong lập luận tại tòa nếu việc viện dẫn lý lẽ
1 Báo Người lao động, ngày 24/4/1999.
2 Theo www.CafeF.vn
63
đạo đức và lý lẽ quyền uy có thể nhận được sự đồng cảm của người nghe và đem lại hiệu quả thuyết phục đáng kể, thì lý lẽ theo số đông thường vấp phải sự phản bác, do đó không phải bao giờ cũng có hiệu quả thuyết phục như mong muốn.
1.8.3.4. Lý lẽ theo thang độ đánh giá
Cơ sở của loại lập luận theo thang độ đánh giá là những lý lẽ dựa trên sự sắp xếp thang độ của các sự vật theo một thuộc tính nào đó (như: hơn/kém; tốt/xấu; nhiều/ít; đắt/rẻ, sang/hèn; mạnh/yếu; cao/thấp…) nhằm giúp người nghe đối chiếu, so sánh để dẫn đến kết luận có tính thuyết phục trong lập luận. Lý lẽ này được dùng khá quen thuộc trong lập luận đời thường và có sức thuyết phục đáng kể, nhất là trong hoạt động tố tụng khi lập luận để kết tội hoặc gỡ tội.
Ví dụ: “Đến anh chị em ruột thịt mà không đùm bọc nhau thì nói gì đến người ngoài”.
Lập luận này dựa trên thang độ đánh giá với tiêu chí là mức độ thân/sơ về tình cảm. Từ đó, thừa nhận một “chuẩn mực” mang tính tất yếu: đã là anh chị em ruột thịt thì không thể không thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nếu không tìm thấy sự yêu thương, chăm sóc, đùm bọc giữa những người thân ruột thịt thì không thể có cơ hội tìm thấy điều đó trong quan hệ với người ngoài.
Trong tranh luận ở một số phiên tòa, lập luận theo thang độ đánh giá thường được sử dụng với mục đích mong giảm nhẹ tội. Ví dụ: “Chúng ta đã từng tha thứ cho kẻ thù thì tại sao không thể tha thứ cho những người hôm qua còn là đồng
64
đội”1. Với lập luận này, thang độ được đưa ra là sự đối lập về thái độ ứng xử với đồng chí, đồng đội và với kẻ thù.
Có thể biểu diễn các lập luận ở hai ví dụ trên dưới dạng sơ đồ như sau:
Tuy nhiên, lý lẽ theo thang độ đánh giá không phải lúc nào cũng là luận cứ vững chắc, đảm bảo cho sự chặt chẽ trong hoạt động chứng minh, nghĩa là lý lẽ này vẫn có thể bị phủ định, bác bỏ. Lý do là một hành động, một sự việc trong thực tế có thể được nhận thức, đánh giá theo những góc độ, quan điểm khác nhau, do vậy sẽ được đặt vào các thang độ “đo lường”
hoàn toàn khác nhau. Với cùng một sự vật, hiện tượng, nếu chiếu theo thang độ này thì có thể mang đến một giá trị xác tín nhất định nào đó, nhưng khi đặt vào thang độ khác thì giá trị có thể bị thay đổi, nhiều khi bị đảo ngược.
Để minh họa có thể lấy sự việc một người nhặt được của rơi có giá trị, đã tự nguyện đem giao nộp để trả lại cho người bị mất. Sự việc này làm xuất hiện hai cách đánh giá với hai lập luận như sau:
1 Báo Người lao động, ngày 21/4/1999.
Anh chị em ruột thịt
Người ngoài
ĐÙM BỌC
KHÔNG ĐÙM BỌC
Đồng đội
Kẻ thù
THA THỨ
KHÔNG THA THỨ
0 0
65
- Lập luận 1: cần có hình thức khen thưởng xứng đáng để khuyến khích, động viên, tôn vinh những tấm gương thật thà, không tham lam tài sản của người khác (xét trong thang độ khi nhặt được của rơi, người ta thường không trả lại và những việc làm tốt như vậy là hành động hiếm hoi).
- Lập luận 2: tài sản nhặt được không phải của mình thì việc trả lại tài sản cho người bị mất là việc làm bình thường, không có lý do gì để khen thưởng. Nếu không trả lại, anh sẽ bị phạm tội vô cớ chiếm đoạt tài sản của người khác và bị xử lý theo Pháp luật (xét trong thang độ quy định của pháp luật, chiếm giữ tài sản không phải sở hữu của mình là hành vi vi phạm phát luật).
Rõ ràng, có sự khác biệt đến mức đối lập về cách đánh giá (và cách hành xử) giữa hai lập luận trên trước cùng một hành vi (trả lại của rơi nhặt được) khi đặt sự việc vào 2 thang độ khác nhau. Có thể mô tả sự khác biệt của hai lập luận này bằng sơ đồ dưới đây:
KHEN THƯỞNG BÌNH THƯỜNG
(TRẢ LẠI)
(KHÔNG TRẢ LẠI)
BÌNH THƯỜNG PHẠM TỘI
(Lập luận 1) (Lập luận 2)