Cấu trúc của một lập luận

Một phần của tài liệu Giáo trình Kỹ năng lập luận và tranh luận: Phần 1 - PGS.TS Lê Thanh Sơn (Trang 37 - 49)

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ LẬP LUẬN

1.5. Cấu trúc của một lập luận

1.5.1. Quan hệ giữa các luận cứ với nhau và giữa luận cứ với kết luận

Mỗi kết luận trong lập luận có thể được hình thành từ một hoặc nhiều luận cứ. Chất lượng của luận cứ cũng như mối quan hệ giữa các luận cứ trong lập luận có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu lực của lập luận. Để thuận tiện, trong các ví dụ sau đây ta ký hiệu K là kết luận và L (kèm theo chỉ số) là các luận cứ tương ứng.

Trong những lập luận có nhiều luận cứ, giữa các luận cứ trong lập luận phải có quan hệ đồng hướng lập luận, nghĩa là phải cùng hướng đến một giá trị của kết luận (đúng/sai, tốt/xấu, khen/chê, nên/không nên…). Trong logic hình thức thì đây là sự tuân thủ yêu cầu của luật cấm mâu thuẫn. Có 2 trường hợp đồng hướng lập luận:

1.5.1.1. Luận cứ đồng hướng tương hợp (cùng phạm trù) Ví dụ: “Cơ sở đào tạo chỉ lo mở rộng quy mô, không quan tâm đầu tư bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho giảng viên (L1); giảng viên không ý thức đầy đủ bổn phận của mình với chất lượng đào tạo (L2); cơ quan quản lý buông lỏng trách nhiệm, không thực thi đầy đủ và kịp thời chức năng kiểm soát, đánh giá chất lượng đầu ra (L3). Có thể nói, sự suy giảm chất lượng đào tạo bắt nguồn từ yếu tố con người của toàn hệ thống (K).

Trong ví dụ này, các luận cứ (L1, L2, L3) đều phản ánh cùng một phạm trù, đó là yếu tố con người.

26

1.5.1.2. Luận cứ đồng hướng không tương hợp (không cùng phạm trù)

Ví dụ: “Ngôi nhà có thiết kế đẹp, thoáng mát, tiện nghi (L1), vừa nằm ở khu dân cư có tiếng an ninh, vừa gần chợ và trường học (L2). Đây lại là thời điểm giá nhà đất đang xuống rất thấp (L3). Vì thế, theo tôi anh nên mua (K).

Ở đây, mỗi luận cứ phản ánh một dấu hiệu khác nhau về ngôi nhà. Luận cứ L1 liên quan đến kiến trúc ngôi nhà; luận cứ L2 liên quan đến vị trí, tình trạng an ninh khu vực có ngôi nhà; luận cứ L3 liên quan đến giá cả của ngôi nhà.

Trong một lập luận có nhiều luận cứ, mặc dù các luận cứ đều có nhiệm vụ là hỗ trợ, làm chỗ dựa cho việc hình thành kết luận, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của các luận cứ đối với kết luận có thể sẽ không như nhau. Nói khác đi, tùy thuộc vào chất lượng mà hiệu lực của mỗi luận cứ trong lập luận cũng khác nhau.

Ví dụ: “Án oan sai xuất hiện ngày càng nhiều trước hết là do những hạn chế về năng lực của cán bộ ngành Tòa án (L1), họ bị rối trong mớ bòng bong và không tìm ra cách xử lý vấn đề khi xem xét sự việc. Nguyên nhân thứ hai là thái độ vô trách nhiệm đối với nhiệm vụ (L2): không khó bắt gặp tình trạng làm qua loa, đại khái, nhiều khi rất cẩu thả. Nhưng điều nguy hại hơn cả chính là động cơ mờ ám không trong sáng, thậm chí xấu xa khi thực thi nhiệm vụ (L3). Vì lợi ích của mình, họ sẵn sàng bóp méo sự thật, ngụy tạo chứng cứ, ép cung… và xử án theo ý chí của họ. Vì thế, tình trạng án oan sai là nguyên nhân làm xói mòn, mà hậu quả lâu dài có thể dẫn đến triệt tiêu lòng tin của người dân vào pháp luật (K).

27

Trong ví dụ trên, để đi đến kết luận: “tình trạng án oan sai nguyên nhân làm xói mòn, mà hậu quả lâu dài có thể dẫn đến triệt tiêu lòng tin của nhân dân vào pháp luật”, ta có 3 luận cứ (cũng là 3 nguyên nhân). Trong đó, luận cứ L3: “động cơ mờ ám, không trong sáng, thậm chí xấu xa khi thực thi nhiệm vụ” là nguyên nhân trực tiếp và có tác động mạnh nhất đến việc làm “triệt tiêu lòng tin của nhân dân vào pháp luật”.

Nếu trình độtrách nhiệm công vụ yếu kém chỉ có thể làm suy giảm lòng tin thì chính động cơ “mờ ám, không trong sáng, thậm chí xấu xa” mới thực sự là nguyên nhân làm xói mòn, dẫn đến làm hủy diệt lòng tin của người dân vào pháp luật. Ta nói rằng, đối với kết luận K, luận cứ L3 là luận cứ có hiệu lực hỗ trợ mạnh nhất.

Về mối quan hệ giữa các luận cứ, có 2 trường hợp:

- Luận cứ hoạt động độc lập: nghĩa là kết luận có thể được rút ra chỉ cần dựa trên luận cứ đó mà không đòi hỏi có sự hỗ trợ của các luận cứ khác.

Ví dụ: “Đa số người dân thiếu ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông (L1), một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông thiếu nghiêm khắc trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật giao thông (L2), hạ tầng giao thông không đảm bảo, nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng (L3). Vì vậy, tình trạng tai nạn giao thông chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới (K).

Với ví dụ này, một luận cứ bất kỳ đều đảm bảo, cho phép rút ra kết luận để hình thành lập luận, mặc dù hiệu lực

28

chung của lập luận có thể suy giảm do vắng mặt các luận cứ khác. Ví dụ: ta có thể nói: “Đa số người dân thiếu ý thức tự giác chấp hành Luật giao thông. Vì vậy, tình trạng tai nạn giao thông chắc chắn sẽ còn gia tăng trong thời gian tới”.

Tương tự, có thể rút ra kết luận K từ luận cứ L2 hoặc L3. - Các luận cứ không hoạt động độc lập mà bị ràng buộc với nhau. Nghĩa là kết luận không thể được rút ra nếu chỉ dựa trên một luận cứ, mà cần có sự kết hợp với một hay một số luận cứ khác.

Ví dụ: “Theo Điều 51 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bị hại là người bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra (L1).

Ngân hàng Sacombank chỉ làm dịch vụ nhận tiền gởi kỳ hạn có trả lãi cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 10 mà thôi (L2). Số tiền gần 7 tỷ đồng mà bị cáo chiếm đoạt tại tài khoản trên là tài sản của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 10 (L3). Vì vậy, theo quy định của pháp luật, không phải Sacombank mà chính Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 10 mới là người bị hại trong vụ án này (K)”.

Với ví dụ này, việc loại bỏ bất kỳ một luận cứ nào cũng đều không đảm bảo cho sự hiện diện của kết luận. Chỉ khi có sự kết hợp đồng thời các luận cứ L1, L2 và L3 với nhau, ta mới có thể rút ra kết luận K như trên.

Chính sự ràng buộc giữa các luận cứ mà các lập luận trong đó các luận cứ hoạt động ràng buộc nhau dễ bị tấn công, bẻ gãy hơn so với các lập luận mà trong đó các luận cứ hoạt động độc lập.

Lưu ý rằng, trong một lập luận có thể có bao gồm cả hai

29

loại luận cứ: luận cứ hoạt động độc lập và luận cứ hoạt động có sự ràng buộc với luận cứ khác.

Ví dụ: “Công an là lực lượng có chức năng, có nghiệp vụ và được trang bị đầy đủ phương tiện để trấn áp tội phạm.

Tội phạm chỉ sợ công an vì chúng hiểu rằng khi sa lưới pháp luật, hành vi tội phạm của chúng sẽ bị trả giá. Người dân có bổn phận và trách nhiệm phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình. Hơn nữa, không phải ai cũng có nghĩa vụ và khả năng trở thành Lục Vân Tiên. Do đó, việc trấn áp và bắt giữ tội phạm là nghĩa vụ của ngành Công an”.

Trong lập luận này, tiền đề cho kết luận K: “Do đó, việc trấn áp và bắt giữ tội phạm là nghĩa vụ của ngành Công an”

có các luận cứ:

- “Công an là lực lượng có chức năng, có nghiệp vụ và được trang bị đầy đủ phương tiện để trấn áp tội phạm” (L1).

- “Tội phạm chỉ sợ công an vì chúng hiểu rằng khi sa lưới pháp luật, hành vi tội phạm của chúng sẽ bị trả giá” (L2).

- “Người dân có bổn phận và trách nhiệm phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình” (L3).

- “Không phải ai cũng có nghĩa vụ và khả năng trở thành Lục Vân Tiên” (L4).

Các luận cứ L1, L2, L4 là những luận cứ có thể hoạt động độc lập, nghĩa là nếu chỉ xuất phát từ từng mỗi luận cứ ta cũng có thể rút ra được kết luận K, mặc dù có thể thấy hiệu lực của các lập luận không như nhau. Tuy nhiên, một mình

30

luận cứ L3 chưa cho phép đi đến kết luận bởi nội dung của luận cứ L3 chưa thể hiện yếu tố “nghĩa vụ”, “trách nhiệm” của người dân đối với việc bắt giữ và trấn áp tội phạm. Nếu kết hợp L3 với luận cứ khác, ví dụ L4, thì lập luận nhận được:

“Người dân có bổn phận và trách nhiệm phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình. Hơn nữa, không phải ai cũng có nghĩa vụ và khả năng trở thành Lục Vân Tiên. Do đó, việc trấn áp và bắt giữ tội phạm là nghĩa vụ của ngành Công an” sẽ trở nên sáng sủa và logic.

Các ví dụ trên đây cũng cho thấy tùy thuộc vào mục đích cần hướng đến mà trong một lập luận, kết luận có thể nằm ở cuối, ở đầu hoặc xen kẽ giữa các luận cứ. Trong trường hợp hiệu lực của các luận cứ không như nhau, kết luận thường nằm ngay sát luận cứ có hiệu lực lập luận cao nhất. Trong các ví dụ đưa ra sau đây, luận cứ có gạch chân là luận cứ được coi là có hiệu lực mạnh nhất đối với kết luận.

- “Là người có chủ trương sai trái (L1), khi bị phát hiện lại tìm cách đối phó (L2). Đặc biệt, thái độ khai báo ngoan cố, không thành khẩn (L3). Do vậy, cần phải thẳng tay nghiêm trị (K)”.

- “Do hiểu biết pháp luật hạn chế (L1), lại thiếu sự quan tâm chăm lo giáo dục của gia đình (L2), nên một bộ phận thanh, thiếu niên đã vi phạm pháp luật (K). Ngoài ra, phải kể đến sự thiếu nghiêm minh của những chế tài nhằm ngăn ngừa những hành vi phạm pháp (L3)”.

- “Tôi xin khẳng định: thân chủ của tôi hoàn toàn vô tội (K). Trước hết, đề nghị Tòa quan tâm xem xét các dấu hiệu

31

ngoại phạm mà chúng tôi đã đưa ra trong phiên tòa sơ thẩm (L1). Trong quá khứ, giữa bị cáo và người bị hại hoàn toàn không có thù oán gì (L2). Hơn nữa, chúng ta vẫn chưa xác định được động cơ nào dẫn đến việc bị cáo thực hiện hành vi phạm tội này (L3).

1.5.2. Lập sơ đồ biểu diễn cấu trúc lập luận

Để thuận tiện trong việc phân tích, xem xét và đánh giá mối quan hệ tầng bậc giữa các thành phần trong một lập luận, ta có thể biểu diễn cấu trúc quan hệ giữa luận cứ và kết luận trong một lập luận dưới dạng sơ đồ. Trong sơ đồ, các luận cứ hoạt động độc lập được diễn tả bởi mũi tên liền nét, còn các luận cứ hoạt động không độc lập (có sự ràng buộc với luận cứ khác) được diễn tả bởi mũi tên không liền nét.

Ví dụ: “Chính sự hạn chế trong việc hiểu biết pháp luật (L) nên một bộ phận thanh, thiếu niên đã vi phạm pháp luật (K).

Lập luận này được diến tả bởi sơ đồ:

Dưới đây là sơ đồ biểu diễn các lập luận trong các ví dụ đã xét ở phần trước.

- “Đa số người dân thiếu ý thức tự giác chấp hành luật giao thông (L1), một bộ phận không nhỏ cảnh sát giao thông thiếu nghiêm khắc trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông (L2), hạ tầng giao thông không đảm bảo, nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng (L3). Do đó, dự báo tình trạng tai nạn giao thông sẽ còn gia tăng trong thời gian tới (K).

L K

32

- “Theo Điều 51 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì người bị hại là người bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra (L1).

Ngân hàng Sacombank chỉ làm dịch vụ nhận tiền gởi kỳ hạn có trả lãi cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 10 mà thôi (L2). Số tiền gần 7 tỷ đồng mà bị cáo chiếm đoạt tại tài khoản trên là tài sản của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 10 (L3). Vì vậy, theo quy định của pháp luật, không phải Sacombank mà chính Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 10 mới là người bị hại trong vụ án này (K)”.

- “Công an là lực lượng có chức năng, có nghiệp vụ và được trang bị đầy đủ phương tiện để trấn áp tội phạm (L1).

Tội phạm chỉ sợ công an vì chúng hiểu rằng khi sa lưới pháp luật, hành vi tội phạm của chúng sẽ bị trả giá (L2). Người dân có bổn phận và trách nhiệm phòng ngừa tội phạm, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình (L3). Hơn nữa, không phải ai cũng có nghĩa vụ và khả năng trở thành Lục Vân Tiên (L4). Do đó, việc trấn áp và bắt giữ tội phạm là nghĩa vụ của ngành Công an (K)”.

L1

L2 K L3

L1

L2 K L3

33

Đối với những lập luận đơn giản, việc xây dựng sơ đồ biểu diễn cấu trúc lập luận có thể là việc làm không cần thiết.

Tuy nhiên, với những lập luận phức tạp, chứa nhiều thành phần trong nội dung lập luận, mỗi thành phần không chỉ có một mà có nhiều thành tố, thì việc phân tích, biểu diễn lập luận dưới dạng hình ảnh, sơ đồ là phương pháp trực quan, sinh động, có tác động tích cực, giúp việc nhận diện, nắm bắt nội dung của lập luận chính xác, nhạy bén. Đây là một kỹ năng rất quan trọng để trau dồi tính chính xác và độ sắc bén trong tư duy khi phân tích, đánh giá lập luận, đặc biệt là với những lập luận mà trong đó mỗi luận cứ cũng là một lập luận (lập luận trong lập luận).

Để minh họa, ta xét ví dụ sau đây. Trong ví dụ này, ta gọi lập luận được hình thành từ luận cứ là lập luận con để phân biệt với lập luận ban đầu là lập luận lớn (hay lập luận chính).

Khi đó, kết luận của lập luận con được gọi là tiểu kết luận (ký hiệu là TK).

Ví dụ1: “Đã đến lúc Pháp luật cần thừa nhận hôn nhân đồng tính. Ai cũng biết giới tính của mỗi người là do bẩm sinh, không ai có quyền lựa chọn. Hơn nữa, tình yêu không phân biệt giới tính. Bởi vậy, dù thuộc giới tính nào thì họ cũng không có lỗi và hôn nhân cần được xem là quyền chính

1 Theo báo Dân trí, ngày 15/7/2012.

L1

K L2

L3

L4

34

đáng của mỗi người. Nếu Pháp luật không thừa nhận, người đồng tính sẽ phải tìm bình phong bằng cách lập gia đình với người khác giới. Lập gia đình nhưng không có tình yêu, do đó họ vẫn duy trì mối quan hệ đồng tính của mình. Hôn nhân được Luật pháp công nhận sẽ dễ bị đổ vỡ hoặc gánh chịu những bi kịch nặng nề. Do đó, nếu không công nhận hôn nhân đồng tính thì hậu quả tiêu cực còn lớn hơn rất nhiều.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính. Một khảo sát ở Việt Nam cho thấy có đến 71,1%

người đồng tính mong muốn Pháp luật Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng tính. Điều đó chứng tỏ việc công nhận hôn nhân đồng tình đã trở thành xu thế phổ biến”.

Đây là một lập luận ủng hộ cho việc nên công nhận hôn nhân đồng tính. Kết luận chính của lập luận này (K) là: “Đã đến lúc Pháp luật cần thừa nhận hôn nhân đồng tính”.

Xác định các thành phần trong lập luận con từ các luận cứ (L):

- Luận cứ L1: “Ai cũng biết giới tính của mỗi người là do bẩm sinh, không ai có quyền lựa chọn. Hơn nữa, tình yêu không phân biệt giới tính. Bởi vậy, dù thuộc giới tính nào thì họ cũng không có lỗi và hôn nhân cần được xem là quyền chính đáng của mỗi người” là một lập luận, gồm 2 luận cứ là:

“Ai cũng biết giới tính của mỗi người là do bẩm sinh, không ai có quyền lựa chọn”

và: “tình yêu không phân biệt giới tính”.

Từ đó, TK1: “dù thuộc giới tính nào thì họ cũng không

35

có lỗi và hôn nhân cần được xem là quyền chính đáng của mỗi người”.

- Luận cứ L2: “Nếu Pháp luật không thừa nhận, người đồng tính sẽ phải tìm bình phong bằng cách lập gia đình với người khác giới. Lập gia đình nhưng không có tình yêu, do đó họ vẫn duy trì mối quan hệ đồng tính của mình. Hôn nhân được Luật pháp công nhận sẽ dễ bị đổ vỡ hoặc gánh chịu những bi kịch nặng nề. Do đó, nếu không công nhận hôn nhân đồng tính thì hậu quả tiêu cực còn lớn hơn rất nhiều”

cũng là một lập luận, gồm 2 luận cứ là:

“Nếu Pháp luật không thừa nhận, người đồng tính sẽ phải tìm bình phong bằng cách lập gia đình với người khác giới”

và: “Hôn nhân được Luật pháp công nhận sẽ dễ bị đổ vỡ hoặc gánh chịu những bi kịch nặng nề”.

Do đó, TK2: “nếu không công nhận hôn nhân đồng tính thì hậu quả tiêu cực còn lớn hơn rất nhiều”.

- Luận cứ L3: “Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính. Một khảo sát ở Việt Nam cho thấy có đến 71,1% người đồng tính mong muốn Pháp luật Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng tính. Điều đó chứng tỏ việc công nhận hôn nhân đồng tình đã trở thành xu thế phổ biến” là một lập luận, cũng gồm 2 luận cứ là:

“Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng tính”.

“Một khảo sát ở Việt Nam cho thấy có đến 71,1% người đồng tính mong muốn Pháp luật Việt Nam thừa nhận hôn nhân đồng tính”.

Một phần của tài liệu Giáo trình Kỹ năng lập luận và tranh luận: Phần 1 - PGS.TS Lê Thanh Sơn (Trang 37 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(206 trang)