Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật bảo quản hạt giống và nhân giống bằng hạt cây chò nâu (dipterocarpus retusus blume) tại tỉnh thái nguyên (Trang 35 - 40)

CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN KHU VỰC NGHIÊN CỨU

1.2 Tình hình nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam

1.2.2 Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam

1.2.2.1 . Đặc điểm sinh học và sinh thái các loài cây họ Dầu

Ở Việt Nam, cây họ Dầu (Dipterocarpaceae) chủ yếu tập trung tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên (Huy và cs. , 2019). Những phân tích của Thái Văn Trừng (1998) và Nguyễn Văn Thêm (1992) chỉ ra ở khu vực Đông Nam Bộ có dạng rừng thường xanh của bộ thực vật Malaysia - Indonesia với ưu hợp cây họ Dầu chiếm ưu thế sinh thái, thành phần chính là những loài cây gỗ to, chủ yếu dùng để xây, lợp nhà cửa, đồ gỗ mỹ nghệ, dân dụng và xuất nhập khẩu. Loài cây họ Dầu chủ yếu chiếm ưu thế tại những vùng đất cao dưới 700 m và đã cho ra những phức hợp thực vật thân cây gỗ điển hình.

Họ Dầu (Dipterocarpaceae) ở Việt Nam gồm 6 chi, 42 loài và 3 phân loài, trong đó: chi Vên vên (Anisoptera) có 2 loài; chi Dầu (Dipterocarpus) có 11 loài và 2 phân loài; chi Kiền kiền (Hopea) có 11 loài; chi Chò chỉ (Parashorea) có 2 loài; chi Sến mủ (Shorea) có 8 loài; chi Táu (Vatica) có 8 loài và 1 phân loài. Chúng là những loài ưu thế sinh thái trong rừng kín thường xanh ẩm nhiệt đới và rừng thưa nửa rụng lá hơi khô nhiệt đới. Những loài cây gỗ của họ Dầu tái sinh rất tốt dưới tán rừng, đặc biệt là những lỗ trống (Nguyễn Văn Thêm, 1992). Nhiều loài có giá trị bảo tồn cao được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và IUCN (Nguyễn Hoàng Nghĩa, 2005).

Theo Nguyễn Hoàng Nghĩa (2005), Việt Nam có 42 loài và 1 phân loài thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae), trong đó: chi Vên vên (Anisoptera) có 1 loài, tất cả các loài Vên vên trong danh lục thực vật Việt Nam gộp hết thành 1 loài là Vên vên (A.costata); chi Dầu (Dipterocarpus) có 12 loài,bổ sung loài Dầu cát (D. condorensis) so với danh mục thực vật Việt Nam; chi Kiền kiền (Hopea) có 11 loài trong đó không nhắc đến loài Sao xanh (H. helferi) như trong danh mục thực vật Việt Nam và bổ sung thêm một loài chưa định danh chính xác là Sao đá (Hopea sp.); chi Chò chỉ (Parashorea) có 2 loài; chi Sến mủ (Shorea) có 8 loài và chi Táu (Vatica) có 8 loài với 1 phân loài. Theo tác

giả, các loài Sao đá (Hopea sp.), Dầu cát (D. condorensis) được ghi nhận thực sự tồn tại ở Việt Nam trong khi các loài khác là Sao xanh (H. helferi), Kiền kiền nhẵn (A. scaphula) không chắc chắn tồn tại ở Việt Nam(GS.TSKH.

Nguyễn Tiến Bân)

Cây Chò nâu(Dipterocarpus rensus) còn có tên khác là Trái dầu, Sao xoay. Sách đỏ Việt Nam, (2007) mô tả cây Chò nâu: Cây gỗ lớn, cao 30 - 40 m, đường kính tới trên 1m. Thân thẳng, hình trụ, phân cành cao. Tán thưa, hình cầu. Cành non, mập, phủ lông dầy nhưng sớm rụng. Lá hình trái xoan hay trái xoan thuôn, dài 20 - 40 cm, rộng 15 - 25 cm, mép lượn sóng. Gân bên 15 - 20 đôi, có lông cứng, nổi rõ ở mặt dưới. Cuống lá dài 3 - 4 cm, khi non có lông, khi già màu đen, không lông. Lá kèm lớn, hình búp, dài 8 - 12 cm. Cụm hoa hình chùm, ống đài hình cầu, dài 2,5 cm, rộng 2 cm. Quả hình trứng hơi tròn, đường kính 2 - 3 cm, 5 thuỳ đài tồn tại, trong đó 3 thùy tiêu giảm, hình tim, đỉnh tròn, dài 0,7 cm; 2 thuỳ phát triển mạnh thành cánh, dài 15 - 20 cm, rộng 2 - 3 cm, có 3 gân rõ.

Mùa hoa tháng 1 - 2, mùa quả tháng 8 - 9. Cây mọc trong rừng nhiệt đới gió mùa, ở độ cao từ 100 - 1000 m, tập trung nhất ở 300 - 700 m, ưa đất sâu, dầy, thoát nước. Thường mọc cùng Chò xanh (Terminalia myriocarpa Heurk & Muell. - Arg.), Chò chỉ (Parashorea chinensis H. Wang), Giổi xanh (Michelia mediocris Dandy). Cây ưa sáng, mọc với tốc độ tương đối nhanh, khi non hơi ưa bóng. Tái sinh tự nhiên tốt trên các đất rừng mới khai thác vì cây mẹ thường cho nhiều quả và khả năng phát tán tốt của quả.

Loài cây Chò nâu đã phát hiện phân bố ở các tỉnh: Sơn la, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hoà Bình, Tp. Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam. Tập trung nhất ở tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ.

Do tình trạng môi trường sống bị thu hẹp rất nhanh, nhu cầu dùng gỗ của người dân rất lớn nên Chò nâu đã bị tuyệt diệt ở các khu vực rừng gần

dân cư. Cần có biện pháp tích cực bảo vệ chúng. Theo Sách đỏ Việt Nam, 2007 Chò nâu xếp trong thứ hạng VU A1c,d+2c,d, B1+2b, e,

Vật hậu của nhiều loài cây gỗ thuộc họ Dầu ở khu vực Đông Nam Á đã được nhiều tác giả nghiên cứu. Tang (1971) và Turner (1990) đã mô tả vật hậu của những loài cây gỗ thuộc họ Dầu ở Malaysia. Theo Ashton và ctv (1995) và Comita và Engelbrecht (2009), mùa vụ sinh sản của cây họ Sao Dầu thay đổi tùy theo biến động của mùa, độ ẩm đất và địa hình.

1.2.2.2 Nghiên cứu về nhân giống và gây trồng

Nhân giống cây rừng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp. Việc nhân giống giống cây tốt bằng phương pháp phù hợp và kỹ thuật chuẩn sẽ cho phép kế thừa những phẩm chất tốt từ các nguồn gen ưu Việt. Có nhiều nguồn vật liệu khác nhau để tiến hành nhân giống, bao gồm hạt, chồi, cành, lá và rễ. Dựa vào đó, phương pháp nhân giống cây rừng có thể được chia thành hai nhóm cơ bản: Nhân giống hữu tính (sử dụng hạt) và nhân giống vô tính (sử dụng một bộ phận sinh dưỡng của cơ thể thực vật).

Bên cạnh phương pháp nhân giống cây rừng từ hạt thông thường, việc sử dụng hom đã được nhiều tác giả đề cập và thử nghiệm trên nhiều loài cây khác nhau. Theo Phạm Văn Điển (2006), việc áp dụng nhân giống bằng hom cho cây rừng ở quy mô lớn có thể tạo ra số lượng lớn cây con chất lượng cao, là bản sao chính xác của những cây ưu việt, phục vụ cho việc trồng rừng chất lượng cao. Tác giả cũng đã đưa ra các hướng dẫn khoa học về phương pháp nhân giống bằng hom cho một số loài cây rừng quan trọng như Cẩm liên, Sao đen, Chò nâu, vv.

Lê Đình Khả và Cấn Thị Lan (2000) đã tiến hành thí nghiệm nhân giống Giáng hương bằng cách sử dụng hom tại Trạm thực nghiệm giống Ba Vì, Hà Tây. Hom được lấy từ chồi non của cây mẹ 2 năm tuổi và được xử lý bằng các chất điều hòa sinh trưởng TTG1 (IBA) và TTG2 (IAA) để tăng tỷ lệ ra rễ so với nhóm đối chứng. Kết quả cho thấy, việc xử lý hom bằng thuốc bột

TTG1 (IBA) ở nồng độ 0,75% và 1% đã mang lại tỷ lệ ra rễ cao nhất (93,3 - 100%). Bên cạnh đó, việc phun chất kích thích BAP (Benzylaminopurin) vào chồi cây đã làm tăng gấp đôi số lượng chồi và số hom thu được từ mỗi cây so với nhóm đối chứng. Hà Thị Mừng (2004) cũng đã sử dụng TTG1 (IBA) ở nồng độ 0,75% để xử lý hom Giáng hương và thu được tỷ lệ ra rễ là 100%.

Tóm lại, phương pháp nhân giống chủ yếu cho hầu hết các loài cây rừng bản địa vẫn là từ hạt hoặc từ hom kết hợp với việc sử dụng chất điều hòa sinh trưởng. Thành phần ruột bầu cũng được coi là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tăng trưởng của cây con trong giai đoạn vườn ươm.

Nhân giống loài Chò Nâu

Vào năm 1970, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh Cầu Hai (nay là Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã tiến hành một cuộc nghiên cứu quan trọng về việc gây trồng loài cây chò nâu bằng phương pháp thử nghiệm gieo hạt ngay tại hiện trường rừng sau khi khai thác. Thay vì bước đầu cuốc hố rồi gieo quả như thông thường, các nhà nghiên cứu đã áp dụng phương pháp mới bẻ bỏ cánh quả và gieo hạt trực tiếp vào đất. Hiện tại, chỉ còn 1 quần thể khoảng 40 cây vẫn đang sinh trưởng phát triển tốt, đường kính bình quân đạt 39,2cm (0,85 cm/năm) và chiều cao bình quân 25,9m (0,56 m/năm), cây lớn nhất đường kính đạt 54,1cm (1,18 cm/năm) và cao 28,5m (0,61 m/năm)(Phan Minh Quang và cộng sự, 2014).

Năm 2000, thông qua đề tài bảo tồn nguồn gen cây rừng đã trồng bảo tồn 2ha cây Chò nâu tại 4 vùng địa lý gồm: Yên Bái, Cầu Hai, Xuân Sơn, Tuyên Quang bằng cây con từ hạt trong bầu polyetylen, các xuất xứ được trồng xen theo hàng với mật độ 1.100 cây/ha (cự ly 3 x 3m), đến nay đường kính trung bình là 19,7cm (1,23 cm/năm), chiều cao trung bình 18,6 cm (1,16 m/năm). Với mật độ hiện tại là 65% thì năng suất rừng đạt 247 m3/ha, giá bán gỗ cây đứng thời điểm hiện tại khoảng 1,5 triệu/m3 có thể thu về 370,5

triệu/ha sau 16 năm trồng, (bình quân thu nhập 23,16 triệu đồng/năm) ngang giá trị rừng keo tai tượng mọc nhanh trồng để cung cấp gỗ lớn. Tuy nhiên, giống cây trồng chưa được chọn lọc nên sinh trưởng trong lô rừng phân hóa mạnh. Cây to nhất đạt 25,8cm về đường kính (1,61 cm/năm) và 23m về chiều cao (1,44 m/năm)(Phan Minh Quang và cộng sự, 2014).

Kết quả từ việc thực hiện thử nghiệm ban đầu cho thấy, cây Chò nâu - một loại cây bản địa có tốc độ sinh trưởng nhanh (đường kính tăng trưởng hơn 0,8 cm/năm). Cây này dễ trồng và đáp ứng được yêu cầu về trồng rừng để sản xuất gỗ lớn, điều này phù hợp với chính sách tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp vùng trung tâm Bắc Bộ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam:"Thông qua việc theo dõi các khu rừng Chò nâu có tuổi là 46 và 16, mặc dù chúng được trồng thành cụm riêng biệt nhưng không có sự xuất hiện của bất kỳ loại sâu bọ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Đặc biệt, không có loại sâu khoét thân hay gặm lá quan trọng; đồng thời cây này cũng ít bị gãy do gió hoặc bão".

Dự án APFNet đã thực hiện các thí nghiệm làm giàu rừng phòng hộ với các loài cây lá rộng đặc hữu gồm: Lim xanh (Erythrophleum fordii), Tràm xanh (Michelia mediocris), Mỡ (Manglietia conifera), Chò nâu (Dipterocarpus retusus) và Chò chỉ (Parashorea chinensis). Kết quả cho biết qua 19 tháng gieo trồng tỷ lệ sống sót trong mỗi mô hình thực nghiệm đã đạt khoảng 75 - 100% và những loài cây trên có chất lượng khá cao, với tỉ lệ cây sống đạt trên 85%. Sinh trưởng theo đường kính và chiều cao của mỗi loài cây theo từng phương pháp cũng khá phong phú, theo đó sinh trưởng về đường kính gốc (Doo) của Lim xanh biến động từ 1,14 - 1,19 cm, chiều cao vút ngọn biến động từ 0,96 - 1,1 m; sinh trưởng đường kính gốc của Chò chỉ biến động từ 1,15 - 1,2 cm, chiều cao vút ngọn biến động từ 1,1 - 1,3 m; Sinh trưởng đường kính gốc của Chò nâu biến động từ 2,0 - 2,1 cm, chiều cao vút

ngọn biến động từ 1,55 - 1,8 m; sinh trưởng đường kính gốc của Lim xanh biến động từ 2,05 - 2,17 cm, chiều cao vút ngọn biến động từ 2,06 - 2,08 m và đường kính gốc của Mỡ biến động từ 1,26 - 1,37 cm, chiều cao vút ngọn biến động từ 1,6 - 1,65 m. Tăng trưởng trung bình chung theo đường kính cao nhất là loài Chò nâu đạt 1,08 - 1,2 cm và thấp nhất là loài Lim xanh đạt 0,34 - 0,39 cm/năm; tăng bình quân chiều cao thấp nhất là loài Mỡ đạt 0,65 m/năm và thấp nhất là Lim xanh mới đạt khoảng 0,1 - 0,2 m/năm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu kỹ thuật bảo quản hạt giống và nhân giống bằng hạt cây chò nâu (dipterocarpus retusus blume) tại tỉnh thái nguyên (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(67 trang)