Quy trình tác nghiệp của nhà báo về đề tài kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử

Một phần của tài liệu Luận văn ThS BCH - Kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay (Trang 41 - 52)

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TẾ CỦA ĐỀ TÀI

1.3. Quy trình tác nghiệp của nhà báo về đề tài kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử

Để thông tin mang tính khách quan, trung thực, đầy đủ và kịp thời thì bản thân nhà báo ngoài những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ về báo chí, đòi hỏi phải nắm vững một số thông tin thuộc lĩnh vực hoạt động tài chính ngân hàng, đặc biệt cần hiểu sâu thông tin về ngân hàng. Nhà báo cần tìm đến nguồn cung cấp thông tin uy tín và trách nhiệm, từ đó tiến hành khai thác và truyền thông một cách rộng rãi. Khác với các lĩnh vực như: văn hoá, giải trí, văn học nghệ thuật…khi tác nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng nhà báo cần phải thận trọng trích dẫn nguồn tin và người phát ngôn ra chính thông tin đó theo đúng thẩm quyền, đúng chức năng của họ. Tuy chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về quy trình tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng, nhưng nền tảng cơ bản nhất để nhà báo tiếp cận thông tin về ngân hàng vẫn chủ yếu dựa trên các quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp, Luật Báo chí, cũng giống như các bước trong quy trình nghiệp vụ báo chí quy

định về việc khai thác thông tin và quy chế cung cấp thông tin cho báo chí hiện nay. Do đó, có thể nói quy trình tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay vẫn bao gồm các bước sau:

1.3.1. Nghiên cứu thực tế, phát hiện đề tài

Nguồn tin đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của hoạt động báo chí. Nguồn tin trong lĩnh vực báo chí là phạm vi đời sống thực hiện được phản ánh vào các tác phẩm báo chí. Việc tìm ra một đề tài hay là yếu tố rất quan trọng làm nên sự thành công của bài báo. Tuy nhiên, với tính chất đặc trưng trong lĩnh vực thông tin tài chính, đặc biệt là thông tin về ngân hàng thì việc nghiên cứu thực tế, phát hiện nguồn tin là vấn đề không đơn giản. Bởi mọi hoạt động kinh doanh tài chính đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta chỉ là bề nổi, để có thể tìm hiểu những vấn đề ẩn sâu bên trong thì đòi hỏi nhà báo, người viết phải biết xác định nguồn tin để tìm hiểu, khai thác đề tài đó.

Dưới góc độ luật pháp, vấn đề nguồn tin cung cấp cho báo chí luôn được điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển xã hội: Luật Báo chí năm 1989; Luật Báo chí sửa đổi năm 1999; Nghị định 51/NĐ-CP 2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí; Nghị định 90/2013/NĐ-CP quy định trách nhiệm giải trình của CQNN trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí… Đây là một trong những cơ sở, hành lang pháp lý căn bản giúp nhà báo xác định được nguồn tin trong quá trình tác nghiệp của mình, cũng như những công cụ để nhà báo điều chỉnh hành vi của mình trong quá trình tương tác với nguồn tin.

Đối với lĩnh vực ngân hàng hiện nay, khi mà các TCTD không ngừng phát triển lớn mạnh, kèm theo đó là hàng loạt vấn đề nảy sinh. Những biến động về tình hình đầu tư tài chính, hoạt động dịch vụ kinh doanh, dịch vụ

cung ứng vốn cho khách hàng…bên cạnh những điều kiện thuận lợi, còn tiềm ẩn vô vàn nguy cơ rủi ro, khó khăn thách thức. Điều quan trọng là nhà báo có thể dấn thân để tìm hiểu, khai thác đề tài một cách khách quan, toàn diện đầy đủ được hay không. Có thể cùng một sự kiện, nhưng nhà báo cần biết cách khai thác làm nổi bật những điểm khác biệt trong tác phẩm của mình với những tác phẩm báo chí khác. Hoặc có thể là những vấn đề không mới nhưng quan trọng là thể hiện được góc độ tiếp cận mới và viết về nó bằng một cách nhìn mới. Do đó, việc nghiên cứu và xác định đề tài là bước đi đầu tiên trong quá trình hình thành tác phẩm báo chí.

1.3.2. Tiếp cận, thu thập và khai thác thông tin

Đây là bước tiếp theo sau khi xác định được nguồn tin thì nhà báo phải tiến hành tiếp cận nguồn tin để thu thập và khai thác dữ liệu một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác nhất. Việc tiếp cận nguồn thông tin đã được đưa vào nhóm quyền dân sự, chính trị, là quyền cơ bản của con người, được pháp luật các quốc gia và cộng đồng quốc tế công nhận. Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định quyền tiếp cận thông tin của cá nhân: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bảng viết hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.

Trong pháp luật Việt Nam, quyền được tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày 27/6/1991, đảm bảo quyền được thông tin của công dân là một trong những định hướng lớn của Đảng ta: “Bảo đảm quyền được thông tin, quyền tự do sáng tạo của công dân. Phát triển các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đa dạng, nhiều chiều, kịp thời, chân thực và bổ ích”. Đường lối chủ trương

nay của Đảng đã được thể chế hoá trong các văn bản pháp luật. Quyền tiếp cận thông tin của công dân là quyền hiến định, được pháp luật ghi nhận đầy đủ và rõ ràng.

Luật Báo chí hiện hành (Điều 38) quy định rõ trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Bên cạnh đó, thời hạn và trách nhiệm trả lời phỏng vấn của người được phỏng vấn trên báo chí cũng được quy định rõ tại Điều 39 của Luật Báo chí năm 2016. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được nhận yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo chí…

Nhìn chung, quyền tiếp cận thông tin của cơ quan báo chí đã được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhà báo, của cơ quan báo chí trên thực tế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là thông tin về ngân hàng, đây không chỉ thuộc thông tin chuyên ngành mà còn là những thông tin mang tính nhạy cảm. Những thông tin nay, đôi khi các cơ quan báo chí cũng khó có thể tiếp cận khai thác một cách kịp thời và chính xác. Có khi chỉ vì một vài lý do nào đó mà các nhà quản lý thông tin chỉ cung cấp một phần hay một góc độ thông tin hạn chế, chứ không cung cấp toàn bộ thông tin cho nhà báo. Bên cạnh đó, nhà báo đôi khi do hạn chế về kinh nghiệm khai thác nguồn tin, hoặc chưa nắm rõ những vấn đề cần khai thác dẫn đến việc thiếu hụt về nguồn tin. Việc thiếu thông tin cần thiết và đầy đủ về lĩnh vực này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả truyền thông về ngân hàng, từ

đó ảnh hưởng đến việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như các chức năng quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng.

Để khắc phục những hạn chế về mặt khai thác nguồn tin, nhà báo có thể tiếp cận thu thập và khai thác thông tin từ nhiều nguồn khác nhau:

Nguồn tin trực tiếp: Nhà báo có thể trực tiếp và khai thác thông tin từ nguồn do Chính phủ cung cấp, các cơ quan bộ, cơ quan hành chính, quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội chuyên ngành, cá tổ chức chính trị xã hội, công đoàn… Nhà báo có thể tiếp cận nguồn tin này bằng hình thức trả lời phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở nơi làm việc hoặc trả lời qua điện thoại. Ở nguồn tin này nhà báo có thể tiếp cận những thông tin về ngân hàng dưới dạng văn bản cứng đã được in ra hoặc các văn bản mềm được đối tượng cung cấp qua Email, website. Khi tiếp cận nguồn tin này, nhà báo có thể đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chụp, trích dẫn nội dung tài liệu một cách hợp pháp và công khai.

Nguồn tin gián tiếp: Thông qua các kênh thông tin đại chúng như:

sách, báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, internet..v..v..; thông qua các văn bản, tài liệu đang lưu hành và những tài liệu đang lưu trữ…Nhà báo có thể chủ động và khai thác những nguồn tin này ở bất kỳ thời điểm nào. Khi tiếp nhận nguồn tin gián tiếp nay, nhà báo có thể đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chụp, trích dẫn nội dung tài liệu một cách hợp pháp và công khai.

Trong hội thảo nghiệp vụ báo chí diễn ra vào tháng 6/2013, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Những tin đồn hiện nay lan toả trên mạng xã hội rất nguy hiểm. Nó xô đẩy lòng tin chính trị, mà đây là bản lĩnh cơ bản của mỗi người làm báo cách mạng. Vì thế, việc chọn lựa sử dụng nguồn tin như thế nào là rất quan trọng, đòi hỏi bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng - bản lĩnh này được tích luỹ qua các trải nghiệm xã hội của chính các nhà báo”.

1.3.3. Hoàn chỉnh tác phẩm, phát hành và tiếp nhận phản hồi, xử lý

Hoàn chỉnh tác phẩm báo chí là khâu quan trọng, là mục đích cuối cùng trong quy trình tác nghiệp mà nhà báo hướng tới. Căn cứ vào các nguồn dữ liệu thu thập được, nhà báo tiến hành xây dựng một tác phẩm báo chí hoàn chỉnh để phát hành tới công chúng.

Điểm cần lưu ý với một bài báo khi phản ánh về ngân hàng là nhà báo luôn nói đúng với những gì mà con số thể hiện. Nhà báo không có hoặc ít khi đưa ra nhất định chủ quan về tình hình diễn biến về tài chính trong một thời điểm hay một giai đoạn nào đó, của một NHTM hay một địa phương cụ thể.

Nhà báo thường chỉ có thể có những nhận định mang tính khái quát chung nhất. Một tác phẩm báo chí nói chung và báo chí phản ánh về ngân hàng nói riêng không phải chỉ thoả mãn nhu cầu thông tin của một người mà nó luôn thu hút sự quan tâm theo dõi của nhiều đối tượng tuỳ theo cấp độ thông tin bài báo cung cấp. Sức lan toả của thông tin về ngân hàng bao giờ cũng chiếm thị phần lớn hơn các loại hình thông tin khác trong lĩnh vực hoạt động kinh tế.

Bởi hiệu ứng của một tác phẩm báo chí bao giờ cũng diễn ra theo hai hướng phụ thuộc vào thực tế thông tin mà bài báo phản ánh.

Một bài báo thông tin về ngân hàng được phản ánh theo xu hướng tích cực thì hiệu thì hiệu ứng đem lại là rất lớn. Nó có thể củng cố niềm tin, tạo dựng được uy tín, danh dự, góp phần làm cho dòng vốn tín dụng được lưu thông, nâng cao hiệu quả chu chuyển vốn của nền kinh tế nói chung và thậm chí làm phục hồi cả một ngành sản xuất nói riêng.

Ngược lại, nếu thông tin về ngân hàng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực thì nó có thể làm suy yếu tình trạng tài chính của các NHTM; làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp và sác thái thị trường tài chính nhuốm màu ảm đạm…Những nguy cơ trên có thể dẫn đến hệ luỵ là làm cho các doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngừng hoạt động hoặc phá sản. Đặc biệt, những thông tin thất thiệt trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ có thể gây thiệt hại không khó về kinh tế, những bất ổn tiềm ẩn xoay quanh cán cân thanh toán, phá vỡ

cấu trúc dòng vốn có thể dẫn đến hình thành cuộc khủng hoảng đe doạ an toàn tài chính ngân hàng nói chung và an ninh tiền tệ quốc gia nói riêng. Nếu sự lan truyền thông tin ngân hàng vượt quá phạm vi và năng lực giải quyết, thậm chí một ngành ngân hàng thì rủi ro mang tính hệ thống đã ở mức độ cao, đe doạ gây khủng hoảng ngân hàng và kéo theo cả nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Do tính hai mặt của lĩnh vực ngân hàng đều tác động vô cùng quan trọng đến hoạt động kinh tế, chính trị và xã hội, do đó khi tác nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng thì nhà báo phải hết sức thận trọng. Nhà báo cần có quá trình xử lý thông tin nghiêm ngặt, cần tham khảo tài liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Thậm chí nhà báo sau khi hoàn chỉnh tác phẩm còn phải yêu cầu bên nguồn cung cấp thông tin thẩm định lại về mặt số liệu trước khi công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây cũng được xem là quá trình tương tác giữa nhà báo với nguồn tin.

Tiểu kết chương 1

Trong chương 1, tác giả luận văn đã đề cập đến một số khái niệm cơ bản về báo điện tử; khái niệm nhà báo; khái niệm về kỹ năng và kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng; khái niệm nhà báo kinh tế; khái niệm ngân hàng; những yêu cầu đánh giá về kỹ năng tác nghiệp của nhà báo và quy trình tác nghiệp của nhà báo về đề tài kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay.

Trong phần khái niệm về báo điện tử, tác giả đưa ra thông tin mà báo điện tử truyền tải bởi sự kết hợp của hai giải pháp và giải pháp công nghệ thông tin và giải pháp truyền thông. Cũng giống như các loại hình báo chí khác, báo điện tử cũng được chia làm nhiều chuyên mục với ý nghĩa định hướng thu thập thông tin cho độc giả. Số lượng chuyên mục phản ánh quy mô của trang báo; nội dung và hình thức phản ánh tính chất đặc thù của trang báo.

Đồng thời, ở phần này tác giả tiếp tục nêu ra khái niệm về nhà báo, tập trung vào đặc trưng nghề nghiệp; yêu cầu đối với nhà báo về chính trị, tri thức và thực tiễn, đạo đức nghề nghiệp, năng khiếu báo chí và cuối cùng là kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Tiếp đó, tác giả đề cập đến kỹ năng và kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, tác giả luận văn đã đưa ra hai khía cạnh tiếp cận về mặt kỹ năng nói chung và kỹ năng báo chí nói riêng.

Đối với những yêu cầu đánh giá về kỹ năng tác nghiệp của nhà báo và quy trình tác nghiệp của nhà báo về đề tài kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay cũng đã được tác giả luận văn tiếp cận dưới góc độ luật pháp và tiếp cận thông tin từ hoạt động báo chí. Trong đó, luật Báo chí sẽ là những cơ sở, hành lang pháp lý căn bản giúp nhà báo xác định được nguồn tin trong quá trình tác nghiệp của mình, cũng như những công cụ để nhà báo điều chỉnh hành vi của mình trong quá trình tương tác với nguồn tin. Trong hoạt động báo chí, vấn đề về kỹ năng thể hiện trong quá trình tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng cần phải được quan tâm. Đòi hỏi nhà báo khi tác nghiệp về những thông tin thuộc lĩnh vực này phải công khai, minh bạch, tránh xử lý hời hợt về mặt số liệu, gây sai lệch thông tin, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng, các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức hoặc cá nhân; gây khó khăn cho các nhà quản lý và hoạch định chiến lược an ninh tiền tệ quốc gia.

Trên đây là cơ sở để lý luận chung để tác giả luận văn thực hiện khảo sát và đánh giá thực trạng về kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay trong các chương tiếp theo.

Một phần của tài liệu Luận văn ThS BCH - Kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay (Trang 41 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w