Một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội, ngân hàng hiện nay

Một phần của tài liệu Luận văn ThS BCH - Kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay (Trang 89 - 94)

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TẾ CỦA ĐỀ TÀI

3.1. Một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội, ngân hàng hiện nay

Nhằm không ngừng nâng cao hơn nữa kỹ năng tác nghiệp của nhà báo đối với mọi phương diện đời sống, kinh tế - xã hội nói chung và trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng nói riêng hiện nay thì trước hết cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý về vấn đề cung cấp và tiếp nhận thông tin ngân hàng.

3.1.1. Đối với các cơ quan ban hành văn bản pháp luật

Thực tế cho thấy đã có khá nhiều văn bản pháp luật quy định quy chế phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí, cũng như quyền được khai thác thông tin của nhà báo như: Quyết định 384/QĐ – UBDT 2015; Nghị định 09/NĐ-CP; Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH12; Luật Báo chí 2016 thay thế Luật Báo chí năm

1989 và sửa đổi bổ sung một số điều lệ của Luật Báo chí 1999… Nhìn chung, các quy chế phát ngôn và quyền khai thác thông tin của nhà đã từng bước được đảm bảo và ngày càng công khai, minh bạch. Các văn bản pháp luật được ban hành sau đã được quy định rõ ràng, chi tiết, cụ thể hơn so với các văn bản pháp luật ban hành trước đó. Có thể nói, các văn bản pháp luật này đã thực hiện khá tốt một số hình thức cung cấp thông tin cho báo chí và đảm bảo nhà báo được quyền tiếp nhận và khai thác thông tin. Tuy nhiên, bên cạnh một số điều kiện thuận lợi thì vấn đề cung cấp và khai thác thông tin trong hoạt động báo chí hiện nay vẫn tồn tại một số bất cập trong hệ thống các văn bản pháp luật, cụ thể:

Thứ nhất, các văn bản quy định về nghĩa vụ và quyền hạn của người cung cấp thông tin cho báo chí được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, gây khó khăn cho việc áp dụng văn bản luật vào từng điều kiện cụ thể.

Hơn nữa, các quy định và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, có quy định về các hình thức công khai thông tin và cách thức cung cấp thông tin, quyền và yêu cầu được cung cấp thông tin của nhà báo và trách nhiệm, quyền hạn của CQNN phải cung cấp và trả lời thông tin của nhà báo, cũng như các hình thức xử lý vi phạm chưa được cụ thể, rõ ràng.

Thứ hai, một số các văn bản hiện hành mới thể hiện trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan QLNN và cho phép các cơ quan nào chủ động trong việc cung cấp thông tin cho báo chí, chứ chưa đề cập đến quyền được chủ động yêu cầu cung cấp thông tin của báo giới nói riêng, cũng như của các tổ chức xã hội hay của công chúng nói chung. Điều này cho thấy lượng thông tin đến với công chúng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào nguồn tin cung cấp.

Thứ ba, chưa có văn bản nào quy định thể về phạm vi, ranh giới giữa loại thông tin phải được công bố công khai tới công chúng và loại thông tin cần phải được bảo mật theo quy định hoạt động nội bộ ngành. Điều này rất dễ làm cho các CQNN, các TCTD lạm dụng để đưa thông tin chưa nhất thiết cần bảo mật, nhưng vẫn quy định là thông tin mật, khiên cho nhà báo bị hạn chế về khối lượng khai thác và sử dụng thông tin. Theo đó, chất lượng thông tin phản ánh ra công luận cũng bị ảnh hưởng, khiếm khuyết.

Thứ tư, nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được quy định trong Thông tư 48/2014/TT-NHNN của ngân hàng nhà nước mới chỉ nêu khái quát chung chung chứ chưa chỉ ra từng nội dung chi tiết, cụ thể được cung cấp như thế nào, chưa đề cập vấn đề cung cấp thông tin về các dịch vụ, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là một trong những thông tin khá nhạy cảm nên đôi khi khiến một số nhà quản lý thông tin thường né tránh khi được phóng viên quan tâm đề cập tới.

Thứ năm, pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục cung cấp thông tin, cũng như quy trình khai thác, tiếp cận thông tin nên vẫn có hiện tượng nhà báo bị gây khó khăn, phiền hà trong quá trình lấy tin. Do vậy, việc kiện toàn hệ thống văn bản pháp luật về cung cấp và tiếp cận thông tin cho xã hội nói chung và nhà báo nói riêng là việc hết sức cần thiết.

3.1.2. Công tác quản lý của ngành tài chính ngân hàng

Mặc dù các văn bản đã quy định về việc cung cấp thông tin cho nhà báo, nhưng trên thực tế công tác quản lý của ngành TCNN tại một số khâu chưa được thực hiện một cách triệt để. Trong khi thông tin liên quan đến tín dụng hoặc khía cạnh nợ xấu của ngân hàng thì rất nhiều, đa dạng và chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành nên cũng ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin cũng như kỹ năng tác nghiệp của nhà báo. Do vậy, đối với các nhà cung cấp thông tin tài chính liên quan đến ngân hàng cần lưu ý một vài điểm như:

Thứ nhất, mặc dù đã nhiều văn bản hiện hành quy định về quyền được khai thác thông tin của nhà báo đối với lĩnh vực TTKT, TCNN, nhưng thực tế các CQNN chưa thực hiện các quy định trên một cách nghiêm túc. Đa phần nhà báo chỉ mới tiếp cận thông tin ngân hàng một cách thụ động khi cơ quan chức năng, người có thẩm quyền phát ngôn cung cấp theo nội dung, thời gian và địa điểm được ấn định theo bên cung cấp thông tin quyết định. Bên cạnh đó, các thông tin trong phạm vi ngân hàng thuộc lĩnh vực kiểm soát khá chặt chẽ của cơ quan QLNN, điều này hạn chế rất nhiều đến việc chủ động khai thác và mở rộng thông tin cũng như việc hạn chế kỹ năng tác nghiệp của nhà báo.

Thứ hai, thông tin được cung cấp bằng hình thức trả lời phỏng vấn trực tiếp và cung cấp gián tiếp bằng văn bản nhiều khi có sự sai lệch nhất định về nội dung thông tin, đặc biệt là sự không đồng nhất về mặt số liệu, gây khó

khăn cho nhà báo trong quá trình tác nghiệp, cũng như kỹ năng xử lý tình huống đối với nhà báo, nhất là lực lượng nhà báo trẻ.

Thứ ba, việc tổ chức cung cấp thông tin và khai thác thông tin được diễn ra với sự có mặt của giữa đại diện nhà quản lý thông tin và nhà báo chứ chưa có đối tượng giám định quá trình trao đổi thông tin này. Bởi trong khá nhiều trường hợp, sau khi nhà quản lý thông tin cung cấp nội dung thông tin cho báo chí, vì một vài lý do khách quan nào đó mà thông tin được phản ánh không đúng với chú ý của nhà quản lý và đã xảy ra vấn đề mâu thuẫn, gây tranh cãi giữa hai bên. Trong tình huống này nếu có đối tượng giám định quá trình trao đổi thông tin thì chắc chắn vấn đề sẽ được khắc phục.

Thứ tư, mặc dù trong các văn bản pháp luật có quy định rõ về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, tuy nhiên một số cơ quan chức năng chưa thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng cung cấp thông tin mang tính hình thức, quanh co, đối phó, không cung cấp hoặc không thể cung cấp thông tin đầy đủ trong một lần mà kéo dài làm nhiều lần. Sự chậm trễ, thiếu chủ động khi cung cấp thông tin của cơ quan QLNN gây ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến quá trình tác nghiệp của nhà báo. Trong một số vụ việc nhạy cảm, khi công chúng không được tiếp nhận những thông tin chính thống mà chỉ nắm bắt thông tin thất thiệt từ các nguồn không chính thống khác, đặc biệt đối với thông tin trong một ngân hàng nào đó sẽ gây ra những hệ luỵ khó lường, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh kinh tế…

3.1.3. Vấn đề tác nghiệp của nhà báo

Nhìn chung, kỹ năng tác nghiệp của nhà báo Việt Nam trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, hiện nay đã có nhiều điểm sáng, tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một vài hạn chế như:

Thứ nhất, thực tế nghiên cứu các văn bản quy định pháp luật, cũng như các văn bản quy định hoạt động trong lĩnh vực thông tin kinh tế, TCNH, đặc

biệt là thông tin về ngân hàng với một số bộ phận nhà báo còn thiếu và yếu, đôi khi vẫn còn tình trạng thông tin chưa đúng với tôn chỉ mục đích, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn tiền tệ và an ninh kinh tế, không phù hợp với lợi ích quốc gia.

Thứ hai, năng lực tiếp cận thông tin cũng như khả năng cạnh tranh thông tin của một số nhà báo còn hạn chế dẫn đến tình trạng đưa tin vênh nhau về số liệu của ngân hàng giữa các báo cáo tại cùng một thời điểm. Điều này có thể do quá trình tiếp nhận và xử lý thông tin của nhà báo chưa chuẩn xác hoặc do nhà báo lười tiếp xúc thực tế mà chỉ ngồi một chỗ rồi đạo lại tin bài của các báo khác. Một số trường hợp khác do nhà cung cấp thông tin không mang tính phân tích, hoàn toàn là số liệu báo cáo đơn thuần dẫn đến tình trạng lúng túng khi tác nghiệp. Khả năng tiếp cận thông tin của một số nhà báo trong một vài sự kiện còn chậm hơn so với tình hình diễn biến thực tế nên chưa thật sự phát huy được vai trò tiên phong, định hướng dư luận xã hội.

Thứ ba, một số nhà báo cư trú tâm xây dựng và duy trì mối quan hệ với bên cung cấp thông tin. Xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nhà cung cấp thông tin sẽ tạo được nhiều thuận lợi cho nhà báo khi khai thác nguồn tin. Ngược lại, nhà báo không gây được thiện cảm, không để lại hình ảnh tốt đẹp hay uy tín với nhà quản lý thông tin thì khó có thể khai thác được nguồn tin một cách triệt để. Khi nguồn cung cấp thông tin bị thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đáng kể đến quá trình tác nghiệp, cũng như kỹ năng xử lý thông tin và truyền thông của nhà báo.

Thứ tư, thể loại bài phản ánh được bài viết quá nhiều, trong khi đó thiếu kỹ năng phân tích chuyên sâu, khả năng viết bài bình luận, lý lẽ phản biện. Để ngày càng hỗ trợ tốt hơn cho các nhà quản lý thông tin, nhà hoạch định chính sách, góp phần đưa cơ chế hoạt động thông tin ngân hàng, đặt biệt là các thông tin của ngân hàng càng sát với thực tế cuộc sống nhân dân thì rất cần những bài viết mang tính nghiên cứu lý luận, phân tích một cách khái

quát theo từng giai đoạn. Ở đó có sự so sánh đối chiếu thông tin đa dạng, nhiều chiều, dẫn chứng cụ thể rõ ràng và mang tính thuyết phục cao.

Thứ năm, tình trạng “xào bài”, “copy – paste” còn diễn ra khá phổ biến và ngày càng tinh vi, làm cho các cơ quan quản lý và bản thân các tờ báo gặp khó khăn rất nhiều trong cuộc chiến đảm bảo tính bản quyền cho tác phẩm báo chí. Hậu quả của tình trạng này, thông tin thiếu chính xác, sai sót cả về mặt chính tả và lỗi đánh máy, gây bức xúc trong công chúng, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Đôi khi do nóng vội chạy theo tiêu chí thông tin “nóng” mà bỏ qua khâu kiểm định độ chính xác của thông tin và duyệt tin, bài trước khi đăng tải.

Thứ sáu, chất lượng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ còn mang tính hình thức. Mặc dù đa số nhà báo đều thừa nhận được tạo điều kiện tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, song chất lượng bồi dưỡng chưa thực sự hiệu quả. Mô hình tổ chức và công tác quản lý, kiểm tra giám sát các khoá đào tạo này còn mang tính hình thức. Nhiều nhà báo cho rằng họ tác nghiệp chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế của bản thân. Điều này đôi khi mang tính chủ quan, không phản ánh được hết vấn đề tác động từ phía khách quan. Về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng nhà báo bị thiếu kỹ năng xử lý vấn đề phát sinh từ ngoại cảnh bên ngoài, tác động không nhỏ đến chất lượng bài viết. Do đó, cần phải tập trung phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện và mọi tình huống…

Một phần của tài liệu Luận văn ThS BCH - Kỹ năng tác nghiệp của nhà báo về ngân hàng trên báo điện tử hiện nay (Trang 89 - 94)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(112 trang)
w