Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.5. Đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn Sao la Quảng Nam
Khu vực Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la được ghi nhận là nơi có tính đa dạng cao do chỉ trong một diện tích không lớn lắm nhưng đã chứa đựng nhiều kiểu sinh cảnh khác nhau. Thêm vào đó, khu vực Khu bảo tồn lại nằm trong vùng ranh giới địa lý sinh vật giữa Bắc và Nam Việt Nam, và giữa dãy Trường Sơn và vùng đồng bằng ven biển.
Các kiểu rừng chủ yếu tìm thấy trong Khu bảo tồn là rừng thường xanh đất thấp phân bố ở độ cao dưới 900 mét và rừng thường xanh núi thấp phân bố ở độ cao trên 900 mét. Tuy nhiên, do hậu quả tác động của con người, cho nên rừng còn lại hiện nay tại ở đây đều mang dấu ấn của sự tác động đó.
a) Kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa á nhiệt đới ở độ cao từ 900 mét trở lên Kiểu rừng này có diện tích khá nhiều và có đầy đủ các trạng thái rừng nhưng phổ
biến nhất là trạng thái rừng IIIA1, IIIA2, rất ít IIIA3 và một số diện tích nhỏ rừng IIA, IIB và đất trống IB, IC. Kiểu rừng này do ảnh hưởng của việc rải chất độc diệt cỏ và bom đạn trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng như đã bị người dân tác động, nên rừng nguyên sinh ở một số địa điểm đã bị ảnh hưởng đáng kể, tuy nhiên mức độ có hạn chế hơn rừng ở phía thấp vì có độ dốc lớn và xa dân cư.
Tại các khu rừng còn chứa các loài cây lá rộng có giá trị như các loài thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae), Trầm hương (Aquilaria crassna). Ở trên núi cao, các loài cây gỗ Sồi duối (Quercus setulosa) và Dẻ lỗ (Lithocarpus fenestratus) là rất phổ biến. Các khu rừng ở đây giàu về các loài thuộc họ Cau dừa như Song bột (Calamus poilanei) và Cau rừng (Areca sp.) cũng như các loài Dương xỉ và các loài trong họ Phong lan (Orchidacea) như:
Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus), Hoàng lan thủy tiên (Dendrobium amabile), Phương dung (Dendrobium devonianum), Thạch hộc (Dendrobium nobile Lindl), Hồng nhung nam (Renanthera annamensis ),...
b) Kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở độ cao dưới 900 mét
Kiểu rừng này phân bố tập trung ở địa hình dưới 900 mét, với các trạng thái chính như: rừng thứ sinh sau khai thác kiệt (IIIA1), rừng thứ sinh phục hồi sau nương rẫy, lửa rừng và khai thác trắng (IIA, IIB) và một số ít diện tích các trảng cỏ cây bụi mọc sau nương rẫy với các trạng thái (IA, IB, IC).
Đặc điểm của kiểu rừng này là tầng cây gỗ cao từ 18 ÷ 22 mét và tạo nên tán chính của rừng; Thảm thực chủ yếu là các loài cây trong họ Trám (Burseraceae), họ Trôm (Sterculiaceae), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae), họ Na (Annonaceae), họ Đậu (Fabaceae),
họ Dẻ (Fagaceae),…Tầng thảm tươi có thành phần loài gồm đủ các đại diện của các ngành Rêu (Bryophyta), Dương xỉ (Polypodiophyta), cho đến ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Đây là kết quả của việc vùng rừng bị tác động bởi chất độc hóa học hủy diệt, khai thác quá mức những cây gỗ lớn có giá trị kinh tế, đốt rừng làm rẫy trong thời gian dài nên diện tích rừng nguyên sinh còn ít phần lớn là rừng thứ sinh sau khai thác, rừng thứ sinh phục hồi.
3.1.5.2. Khu hệ thực vật
Khu hệ thực vật trong khu vực chưa được điều tra, nhưng chắc chắn các kiểu rừng thường xanh chứa đựng thành phần loài thực vật rất phong phú đa dạng. Những thống kê bước đầu đã ghi nhận 9 loài trong Sách Đỏ Thế giới (IUCN 2010) và 50 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 9 loài xếp vào nhóm IA và IIA Nghị định 32. Những loài cây gỗ quý hiếm điển hình như: Trầm hương (Aquilaria crassna), Sến mật (Madhuca pasquiari), Trắc (Dalbergia cochinchinensis), Gụ lau (Sindora tonkinensis), Kiền kiền (Hopea pierrei),...
3.1.5.3. Khu hệ động vật
Tổng hợp các kết quả nghiên cứu trước đây về khu hệ động vật khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao la tỉnh Quảng Nam ghi nhận được 154 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 48 họ, 17 bộ bao gồm: Thú 31 loài, 12 họ, 6 bộ; Chim 61 loài 22 họ, 8 bộ, Bò sát 34 loài, 9 họ, 2 bộ, Ếch nhái 28 loài, 5 họ, 1 bộ. Trong đó có 33 loài được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, 10 loài ghi vào Sách Đỏ Thế giới 2006 và 34 loài ghi vào Nghị định 32 là những loài cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, trong số các loài ghi nhận có 4 loài đặc hữu Đông Dương: Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), Mang Trường Sơn (Muntiacus truongsonensis), Voọc vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Trĩ sao (Rheinardia ocellata).
Bảng 3.1. Thành phần loài động vật có xương sống trên cạn khu bảo tồn loài
TT Hạng mục Loài Họ Bộ SĐVN.2007 SĐTG.2006 NĐ 32
1 Thú 31 12 6 17 10 19
2 Chim 61 22 8 4 - 5
3 Bò sát 34 9 2 11 - 10
4 Ếch nhái 28 5 1 1 - -
Tổng 154 48 17 33 10 34 3.1.5.4. Hiện trạng loài Sao la
Sao la (Pseudoryx nghetinhensis) hay còn gọi là Dê sừng dài và được người Cờ Tu gọi là Song sor. Đây là loài mới phát hiện ở Việt Nam. Trên thế giới chỉ tìm thấy ở Lào.
Hiện tại, Vùng phân bố bị chia cắt từng khu vực nhỏ, Sao la đang đứng trước nguy cơ bị săn bắn và giảm số lượng. Ở Việt Nam, năm 2005 ước đoán quần thể Sao la ở Việt Nam khoảng 180 - 200 cá thể (Trung tâm TNMTLN, 2005). Đến nay, ước tính quần thể Sao la khoảng 120-160 cá thể (Nguyễn Xuân Đặng, 2007) các vùng phân bố chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Vườn quốc gia Pù Mát, Vườn quốc gia Vũ Quang , Tây Nam Quảng Bình - Khu bảo tồn Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị), Thừa Thiên Huế - Tây Bắc Quảng Nam. Gần đây nhất vào tháng 9/2013 bẫy ảnh (camera trap) đã chụp được hình ảnh một cá thể Saola tại vùng lõi Khu bảo tồn.
Bảng 3.2. Số lượng Sao la ở Việt Nam và trong khu vực
TT Địa điểm
Số lượng ước tính Tối thiểu Tối đa
1. Khu BTTN Pù Huống 20 30
2. VQG Pù Mát 15 20
3. VQG Vũ Quang 5 10
4. Tây Nam Quảng Bình – Khu BTTN Bắc Hướng Hoá 20 30
5. Thừa Thiên Huế - Tây Bắc Quảng Nam 40 50
6. Nơi khác 15 20
Tổng 120 160
(Nguồn: Nguyễn Xuân Đặng, 2007) Khu vực Tây Bắc Quảng Nam, Sao la phân bố ở các xã Sông Kôn, Tà Lu (huyện Đông Giang), A Vương, Bha Lêê và A Nông (huyện Tây Giang).