Thể thao thành tích cao hiện đại có tính cạnh tranh quyết liệt, vì vậy giá trị xã hội và giá trị kinh tế được nâng cao rõ rệt, nhưng cũng vì vậy, thể thao thành tích cao lại nảy sinh một số vấn đề xã hội tiêu cực, không lành mạnh, rất cần khắc phục, điều chỉnh. Đây là vấn đề chung của thế giới, không chỉ ở nước ta. Những vấn đề xã hội cần điều chỉnh trong thể thao thành tích cao sẽ được đề cập dưới đây.
8.1. Phòng chống sử dụng Doping trong thể thao thành tích cao được đặc biệt chú trọng: Ủy ban Olympic quốc tế, FIFA và các tổ chức thể thao quốc tế ngày càng coi trọng phòng chống sử dụng Doping trong thi đấu thể thao để đảm bảo công bằng trong thi đấu, đảm bảo giá trị của thể thao đến với xã hội, đến với con người một cách lành mạnh, đảm bảo sức khỏe cho vận động viên. Mặc dù vậy, trong nhiều cuộc thi đấu thể thao quốc tế quy mô lớn, vẫn có một số vận động viên sử dụng Doping. Ngay vận động viên nước ta cũng có số rất ít sử dụng Doping tại SEA Games 22, 23 và tại Olympic Bắc Kinh năm 2008, gây ảnh hưởng không tốt đối với thể thao Việt Nam.
Giáo dục vận động viên, có những biện pháp tích cực phòng chống sử dụng Doping trong thi đấu thể thao là công tác quan trọng cần được tiếp tục thực hiện trong những năm tiếp theo.
8.2 Cần tiếp tục chống nạn bạo lực trong thi đấu thể thao, đặc biệt trong thi đấu bóng đá: Đây là vấn nạn chung của thể giới, đồng thời cũng đang là vấn nạn ở nước ta. Tạp chí thể thao số Xuân Kỷ Sửu 2009 đã đăng 10 sự kiện tiêu biểu của văn hóa, thể thao, du lịch năm 2008, trong đó có sự kiện về nạn bạo lực trong bóng đá: “năm 2008, nạn bạo lực trên sân cỏ vẫn còn tiếp diễn, điển hình là vụ ẩu đả trên sân Vinh (Nghệ An) vào ngày 25/5/2008 với hàng trăm cổ động viên quá khích của 2 đội Sông Lam Nghệ An và Xi Măng Hải Phòng ngay khi trận đấu vừa kết thúc, khiến nhiều người bị thương. Đây là hành động phi văn hóa trong thể thao và trong ứng xử của đời sống đời thường, làm hoen mờ hình ảnh đẹp của bóng đá Việt Nam trong lòng
người hâm mộ. Các vụ bạo lực trên sân cỏ cho thấy những bất cập của các quy định về quản lý tổ chức các giải bóng đá, những hạn chế trong công tác giáo dục văn hóa thi đấu và ảnh hưởng thể thao”.
8.3 Cần tiếp tục loại bỏ gian lận tuổi trong thi đấu thể thao thiếu niên nhi đồng: Đây cũng là vấn đề xã hội thiếu lành mạnh trong thi đấu thể thao trẻ ở nước ta, làm mất tính công bằng, mất tính giáo dục đối với thể hệ trẻ, ảnh hưởng tới công tác tuyển chọn tài năng thể thao.
8.4 Bán độ, thi đấu thiếu trung thực trong thể thao cũng vẫn là vấn đề xã hội không lành mạnh cần được khắc phục: Đây là vấn đề xã hội thiếu lành mạnh mang tính toàn cầu, trong đó đã từng nảy sinh ở nước ta. Đội tuyển bóng đá quốc gia của ta cũng đã từng bán độ, một số vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài cũng đã từng bị pháp luật nghiêm trị. Đây thực sự là vấn đề cần tiếp tục tăng cường giáo dục, tăng cường quản lý, tiếp tục khắc phục bằng nhiều giải pháp mang tính tổng hợp.
Ngoài những vấn đề nêu trên, các tổ chức thể thao thế giới còn chú trọng chống nạn phân biệt chủng tộc, coi thường phụ nữ và một số vấn đề thiếu lành mạnh khác, trong các cuộc thi đấu thể thao quy mô quốc tế.
8.5 Bài học kinh nghiệm:
Từ thực trạng của quản lý đào tạo VĐV, có thể rút ra những kinh nghiệm sau đây
- Đào tạo VĐV phải thực sự được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách và kế hoạch phát triển TDTT nhằm bồi dưỡng và phát huy tài năng cho đất nước, góp phần nâng cao trình độ thể thao, năng lực vận động phục vụ cho mục tiêu hòa nhập với nền thể thao tiên tiến của thế giới.
- Phải thực hiện những biện pháp tích cực hơn nữa để xã hội hóa trong công tác đào tạo VĐV theo hướng đa dạng hóa, chặt chẽ và hiệu quả. Nhà nước không còn bao biện, làm thay mà phải dần dần xóa bỏ cách quản lý tập trung quan liêu, bao cấp trong đào tạo VĐV thể thao.
Công tác quản lý và điều hành vĩ mô, ban hành các quy chế, quy định đối với công tác đào tạo VĐV, có chính sách đầu tư thích đáng về cơ sở hạ tầng TDTT, về đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên thể thao, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo của các tổ chức đào tạo; thực hiện thường xuyên việc tổng kết, rút kinh nghiệm và đề ra những biện pháp, kế hoạch phối hợp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo VĐV trình độ cao.
- Các tổ chức đào tạo VĐV, các nhà quản lý phải nắm bắt kịp thời những thay đổi, chuyển biến của lực lượng VĐV để đề xuất các biện pháp giải quyết theo đúng quy trình, đúng thao tác chuyên môn và đúng quy chế quản lý đào tạo vận động viên được Nhà nước ban hành.
8.6 NHỮNG NHÂN TỐ QUAN TRỌNG VÀ QUYẾT ĐỊNH ĐẾN THẮNG LỢI CHO BÓNG ĐÁ CHUYÊN NGHIỆP Ở VIỆT NAM:
1. Đầu tư đúng hướng.
2. Chất chuyên nghiệp cao.
3. Khát vọng chiến thắng.
4. Tinh thần đoàn kết.
5. Lực lượng đồng đều.
6. Ngoại binh giỏi.
7. Huấn luyện viên có cá tính, nhạy cảm.
8. Cổ động viên hết mình.
9. Thu nhập cao.
10. Không ân oán với bất cứ đội nào./.