Các nhân tố tác động đến hiệu quả sử dụng tài sản lưu động

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản lưu độngt ại UDIC (Trang 47 - 52)

Để đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản lưu động, ngoài việc tính toán và phân tích các chỉ tiêu trên, doanh nghiệp cũng cần hiểu rõ các nhân tố tác động tới hiệu quả sử dụng tài sản nói chung và tài sản lưu động nói riêng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ đưa ra các chiến lược và kế hoạch phù hợp với từng giai đoạn để có thể phát huy hiệu quả sử dụng tài sản lưu động một cách tối đa giúp cho doanh nghiệp đạt được những mục tiêu đã đề ra.

1.3.1 Các nhân tố chủ quan

1.3.1.1. Trình độ cán bộ quản lý và tay nghề của công nhân

Trước hết, về trình độ cán bộ quản lý: Trình độ cán bộ quản lý thể hiện ở trình độ chuyên môn nhất định, khả năng tổ chức, quản lý và ra quyết định.

Nếu cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, khả năng tổ chức, quản lý tốt đồng thời đưa ra những quyết định đúng đắn, phù hợp với tình hình của doanh nghiệp và tình hình thị trường thì hiệu quả sử dụng tài sản nói chung cao, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp

Thứ hai, về trình độ tay nghề của công nhân: bộ phận công nhân là bộ phận trực tiếp tạo ra sản phẩm, dịch vụ, trực tiếp tiếp xúc với khách hàng nên là nhân tố trực tiếp sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Đối với công nhân sản xuất có tay nghề cao, có khả năng tiếp thu công nghệ mới, phát huy được tính sáng tạo, tự chủ trong công việc, có ý thức giữ gìn và bảo quản tài sản trong quá trình vận hành thì tài sản sẽ được sử dụng hiệu quả hơn đồng thời sẽ tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, hạ giá thành góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

1.3.1.2. Tổ chức sản xuất – kinh doanh

Một quy trình sản xuất – kinh doanh hợp lý sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các khâu, góp phần tiết kiệm nguồn lực, tăng năng suất lao động, giảm chi phí bất hợp lý, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Đây là nhân tố có ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đặc điểm khác nhau về ngành nghề kinh doanh sẽ đầu tư vào tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn khác nhau. Tỷ trọng tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn khác nhau nên hệ số sinh lợi của tài sản cũng khác nhau.

1.3.1.3. Công tác thẩm định dự án

Công tác thẩm định dự án và đặc biệt là thẩm định tài chính dự án có vai trò rất quan trọng đối với hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp.

Nếu công tác thẩm định tài chính dự án được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ với đội ngũ cán bộ thẩm định có trình độ chuyên môn vững vàng thì dự án sẽ được đánh giá một cách chính xác về mức độ cần thiết của dự án đối với doanh nghiệp, quy mô của dự án, chi phí, lợi ích của dự án mang lại và cả những rủi ro có thể gặp phải trong tương lai.

Việc thẩm định dự án một cách chuyên nghiệp sẽ đem lại dự báo chính xác về nhu cầu tài sản, nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, công tác xác định, dự báo chính xác nhu cầu vốn, tài sản để có thể tiết kiệm chi phí một cách tối đa, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời, nhanh chóng nhu cầu sản xuất.

1.3.1.4. Khả năng huy động vốn và cơ cấu vốn.

Vốn là điều kiện không thể thiếu được để một doanh nghiệp được thành lập và tiến hành các hoạt động sản xuất – kinh doanh. Vốn là nguồn hình thành nên tài sản. Vì vậy, khả năng huy động vốn cũng như vấn đề cơ cấu vốn sẽ có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp có khả năng huy động vốn lớn sẽ là cơ hội để mở rộng quy mô sản xuất – kinh doanh, đa dạng hoá các hoạt động đầu tư làm tăng doanh thu cho doanh nghiệp và từ đó làm tăng hiệu suất sử dụng tổng tài sản.

Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp duy trì được cơ cấu vốn hợp lý thì chi phí vốn sẽ giảm, góp phần làm giảm chi phí kinh doanh, tăng lợi nhuận và do đó hệ số sinh lợi tổng tài sản sẽ tăng. Trong việc đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản lưu động, cơ cấu vốn của doanh nghiệp được nhìn nhận dưới 2 góc độ:

Một là, cơ cấu giữa nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn; Hai là, sự cân đối giữa cơ cấu giữa nguồn vốn và cấu trúc tài sản của doanh nghiệp. Cơ cấu nguồn vốn cũng như sự cân đối giữa nguồn vốn và cấu trúc tài sản có sự ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng tài sản nói chung và tài sản lưu động nói riêng của mỗi doanh nghiệp.

Xem xét sự cân đối giữa nguồn tài trợ (nguồn vốn) và cấu trúc tài sản của doanh nghiệp chính là sự xem xét mối quan hệ giữa nguồn vốn với tài sản trên bảng cân đối kế toán. Mối quan hệ này liên quan đến thời gian sử dụng nguồn vốn và thời gian quay vòng tài sản của doanh nghiệp. Sự cân đối giữa hai mục này thể hiện ở việc doanh nghiệp duy trì được mối quan hệ giữa nguồn vốn và sử dụng vốn một cách hiệu quả vừa đảm bảo khả năng sinh lời vừa đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. Về mặt lý thuyết, việc sử dụng nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho TSCĐ và một phần cho TSLĐ sẽ đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp ở một

mức độ nhất định. Tuy nhiên, chi phí vốn của nguồn vốn này cao hơn so với nguồn vốn ngắn hạn. Nên trong thực tế quản lý tài chính hiện nay, hiếm có doanh nghiệp sử dụng nguồn dài hạn để tài trợ cho TSLĐ. Đa phần các doanh nghiệp có cơ cấu tài trợ này là những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thông thường.

1.3.2 Các nhân tố khách quan - Cơ chế chính sách kinh tế:

Vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường là điều không thể thiếu. Điều này được quy định trong các Nghị quyết TW Đảng. Các cơ chế, chính sách này có tác động không nhỏ tới tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ví dụ như từ cơ chế giao vốn, đánh giá lại tài sản, sự thay đổi các chính sách thuế ( thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu...), chính sách cho vay, bảo hộ và khuyến khích nhập khẩu công nghệ...đều ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ đó ảnh hưởng tới tình hình tài chính.

- Trạng thái nền kinh tế:

Trạng thái nền kinh tế có ảnh hưởng gián tiếp tới tình hình tài chính của doanh nghiệp. Khi nền kinh tế phát triển vững mạnh và ổn định sẽ tạo cho doanh nghiệp có nhiều cơ hội trong kinh doanh như: huy động vốn, đầu tư vào các dự án lớn, có cơ hội lựa chọn bạn hàng...

Khi nền kinh tế phát triển cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật thì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng được tăng theo. Bởi lẽ khi khoa học công nghệ phát triển mạnh thì nó sẽ đặt doanh nghiệp vào môi trường cạnh tranh gay gắt. Nếu như doanh nghiệp không thích ứng được môi trường này chắc chắn sẽ không tồn tại được. Vì vậy, các doanh nghiệp luôn chú trọng việc đầu tư vào công nghệ . Với những máy móc hiện đại không những tiết kiệm được sức lao động của con người mà còn tạo

ra được khối lượng sản phẩm cao với giá thành thấp thoả mãn nhu cầu của khách hàng.

Do đó nó sẽ làm tăng doanh thu của doanh nghiệp, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng lên càng khuyến khích doanh nghiệp tích cực sản xuất, tình hình tài chính của doanh nghiệp được cải thiện ngày càng tốt hơn. Ngựơc lại, nếu trạng thái nền kinh tế đang ở mức suy thoái thì việc doanh nghiệp muốn cải thiện tình hình tài chính là rất khó khăn.

- Sự tác động của thị trường

Tuỳ theo loại thị trường mà doanh nghiệp tham gia sẽ có những tác động riêng đến hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu thị trường mà doanh nghiệp tham gia là thị trường tự do cạnh tranh, sản phẩm của doanh nghiệp đã có uy tín với người tiêu dùng thì đó sẽ là tác nhân tích cực thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Còn đối với thị trường không ổn định thì hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh cũng không ổn định do kết quả kinh doanh thất thường nên vốn không được bổ sung kịp thời.

Hiện nay ở nước ta thị trường tài chính chưa phát triển hoàn chỉnh, các chính sách công cụ nợ trung và dài hạn còn hạn chế, giá của vốn chưa thực sự biến động theo giá thị trường mà chủ yếu là giá áp đặt. Đây là điều hết sức khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc huy động vốn cho sản xuất kinh doanh cũng như thực hiện chính sách đầu tư trong trường hợp có vốn nhàn rỗi. Điều này cho thấy, để đạt được mục đích sử dụng vốn có hiệu quả là hoàn toàn không dễ dàng. Đây là yếu tố mà doanh nghiệp không có khả năng tự khắc phục song lại có ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động kinh doanh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản lưu độngt ại UDIC (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(111 trang)
w