Một số bệnh lý đi kèm

Một phần của tài liệu Đặc điểm dịch tễ học lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ nặng của covid 19 ở trẻ em tại tỉnh thái nguyên (Trang 26 - 30)

1.3. Một số yếu tố liên quan đến mức độ nặng COVID-19

1.3.6. Một số bệnh lý đi kèm

- Các tình trạng mắc bệnh đi kèm nổi lên như những yếu tố dự báo đáng kể cho việc nhập viện. Nghiên cứu của Graff K và cộng sự (2021) tại Bệnh viện Nhi Colorado-Hoa Kỳ cho thấy sự hiện diện của bất kỳ tình trạng bệnh đi kèm

nào làm tăng tỷ lệ nhập viện (OR = 2,73; p = 0,0003). Gần một nửa (45%) trẻ em bị SARS-CoV-2 có ít nhất 1 bệnh kèm theo. Các loại bệnh đi kèm phổ biến nhất được xác định là phổi (16,7%), đường tiêu hóa (10,8%) và bệnh thần kinh (10,6%) [36]. Theo Zachariah P và cộng sự (2020) tại New York cho thấy 8/9 trẻ em mắc COVID-19 nặng chiếm 89% có mắc bệnh lý đi kèm [102]. Tác giả Wagner và cộng sự (2020) nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sĩ) trên 39 trẻ <16 tuổi nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy 29 (74%) bệnh nhân trước đây khỏe mạnh; các bệnh đi kèm được báo cáo thường xuyên nhất là hen suyễn (10%), đái tháo đường (8%), béo phì (5%) và tăng huyết áp (3%) [89].

- Béo phì đã được thừa nhận là một yếu tố rủi ro quan trọng đối với COVID-19 nặng ở cả người lớn và trẻ em [71]. Nhiều cơ chế đã được đề xuất để giải thích tại sao béo phì có tác động đáng kể đến diễn biến lâm sàng của COVID-19 cấp tính. SARS-CoV-2 thâm nhập vào tế bào thông qua liên kết trực tiếp với thụ thể enzym chuyển dạng angiotensin II trên bề mặt tế bào. Biểu hiện của enzym chuyển đổi angiotensin II trong mô mỡ đã được chứng minh là cao hơn ở phổi, có nghĩa là mô mỡ có thể dễ bị nhiễm COVID-19 [78]. Những người mắc bệnh béo phì có mô mỡ trắng tăng lên, có thể hoạt động như một ổ chứa cho sự lây lan của vi rút trên diện rộng hơn, kích hoạt miễn dịch và khuếch đại cytokine tiền viêm [33].

Nghiên cứu của Shekerdemian L và cộng sự trên 48 trẻ em mắc COVID- 19 được chăm sóc tại PICU của Hoa Kỳ và Canada thì có 7 trẻ bị béo phì chiếm 15% [80]. Lee và cộng sự tại Hàn Quốc (2022) cho thấy trong số 8 trẻ em mắc COVID-19 nguy kịch thì 7 trẻ bị béo phì [53]. Nghiên cứu của Tripathi S và cộng sự trên 795 trẻ em (96,4%) tại Hoa Kỳ từ 45 địa điểm đã được phân tích, bao gồm 251 (31,5%) bị béo phì và 544 (68,5%) không bị béo phì thì những người bị béo phì có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (35,7% so với 28,1%; p = 0,04) và có tỷ lệ nhập viện ICU cao hơn (57% so với 44%; p < 0,01) với bệnh nguy kịch hơn (30,3% so với 18,3%;

p<0,01). Béo phì có tác động nhiều hơn đến mức độ nghiêm trọng COVID-19 cấp tính hơn là đối với hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em. Không có sự khác biệt về tỷ lệ tử vong do COVID-19 giữa những người béo phì (2,4%, cụ thể 6/251 bệnh nhân) và những người không mắc bệnh béo phì (1,5%; cụ thể 8/544 bệnh nhân) với p = 0,38 [87].

- Bệnh phổi mạn tính:

Bệnh COVID-19 chủ yếu gây ra các tổn thương đường hô hấp vì vậy nếu trẻ mắc các bệnh hô hấp trước đó như hen suyễn, bệnh phổi mạn tính và các bệnh khác tình trạng hô hấp ban đầu được cho là đặt trẻ em có nguy cơ cao tiến triển nặng hơn và các triệu chứng và biến chứng cũng nghiêm trọng hơn [26].

Tuy nhiên, có những báo cáo không thống nhất về nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em bị bệnh hô hấp mạn tính. Có nghiên cứu chỉ đánh giá COVID‐19 bệnh nhân phải nhập đơn vị hồi sức không cho thấy tỷ lệ cao hơn đáng kể ở trẻ em bị bệnh hen so với các nghiên cứu ở tất cả trẻ em nhập viện. Theo Chao J Y và cộng sự (2020), nghiên cứu trên 67 trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Montefiore-New York ghi nhận bệnh hen phế quản có tỷ lệ 24,4% (11/67)nhưng không có liên quan đáng kể với nhu cầu nhập PICU điều trị (p = 0,99) [23]. Nghiên cứu Kim và cộng sự (2020) tại Hoa Kỳ trên 576 ca bệnh nhi COVID-19 thì trong số 222 trẻ (38,5%) được cung cấp thông tin về các bệnh lý cơ bản có 94 trẻ (42,3%) có một hoặc nhiều bệnh lý cơ bản và bệnh phổi mãn tính chiếm 18,0% [51]. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết khả năng hen phế quản đóng vai trò như yếu tố bảo vệ do sự thích ứng và ức chế miễn dịch của trẻ bị hen khi mắc COVID-19. Tuy nhiên một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng khi trẻ bị hen cũng có thể giảm khả năng mắc COVID-19 điều này khả năng do cha mẹ trẻ tăng cường các biện pháp chủ động bảo vệ cho trẻ chống lại sự tiếp xúc không cần thiết với COVID‐19 [59].

- Một số nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, trẻ có bệnh tim bẩm sinh dễ mắc COVID-19 nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao [82], [86]. Theo

Kompaniyets L và cộng sự, các bất thường tim và mạch máu bẩm sinh là một trong 2 yếu tố hàng đầu tiên lượng bệnh nặng khi nhập viện ở trẻ em với RR = 1,72 (95%, CI: 1,48-1,99) [52]. Nghiên cứu Gorgi M và cộng sự (2021) trên 9 trẻ mắc COVID-19 và tim bẩm sinh đồng thời cho thấy việc xem xét chung về COVID-19 nhẹ ở trẻ em không bao gồm bệnh nhân mắc tim bẩm sinh. Có 2 trong số 9 bệnh nhân tử vong. Do đó, cần phải quan tâm nhiều hơn đến bệnh nhân mắc tim bẩm sinh và hướng dẫn điều trị COVID-19 ở những trẻ này [39].

Tác giả Ehwerhemuepha và cộng sự (2022) tại Hoa Kỳ nghiên cứu trên 171 416 trẻ em mắc COVID với 17065 trẻ (9,96%) bị COVID-19 nặng cho thấy các tình trạng tim mạch sau đây có liên quan đến COVID-19 nghiêm trọng:

ngừng tim (OR = 9,92; KTC 95%), sốc tim (OR = 3,07; KTC 95%), phẫu thuật tim (OR = 3,04; KTC 95%), bệnh tim phổi (OR = 1,91; KTC 95%), suy tim (OR = 1,82; KTC 95%), hạ huyết áp (OR = 1,57; KTC 95%), xuất huyết não không do chấn thương (OR = 1,54; KTC 95%), viêm màng ngoài tim (OR = 1,50; KTC 95%), thuyên tắc tĩnh mạch và huyết khối (OR = 1,39; KTC 95%), các rối loạn tăng huyết áp khác (OR = 1,34; KTC 95%), dị tật hai thất phức tạp (OR = 1,33; KTC 95%), và tăng huyết áp nguyên phát (OR = 1,22; KTC 95%).

Hơn nữa, 194 trong số 258 bệnh nhân (75,19%) có tiền sử ngừng tim dưới 12 tuổi [31]. COVID-19 có thể gây tổn thương tim thông qua nhiều cơ chế khác nhau: (1) COVID-19 có thể gây tổn thương tim gián tiếp thông qua đáp ứng viêm miễn dịch quá mức và cơn bão cytokine; (2) Virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào cơ tim và gây phá hủy trực tiếp tế bào cơ tim; (3) Thiếu oxy máu nặng do tổn thương cấp tính đường hô hấp dẫn đến stress oxy hóa và tổn thương cơ tim do tăng nhu cầu oxy của tế bào cơ tim trong bệnh cảnh thiếu oxy máu nặng do tổn thương phổi cấp tính (ARDS) [86].

- Tổn thương hệ miễn dịch: Hệ thống miễn dịch phức tạp và liên quan đến nhiều gen, bao gồm cả những gen mã hóa cytokine được gọi là interferon (IFN). Những người thiếu IFN cụ thể có thể dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn.

Hơn nữa, hệ thống tự kháng thể làm giảm phản ứng IFN để ngăn ngừa tổn thương do viêm do mầm bệnh gây ra. Lỗi bẩm sinh đối với IFN có thể gây ra bệnh viêm phổi COVID-19 đe dọa tính mạng ở những bệnh nhân không bị nhiễm trùng nặng trước đó [32], [103]. Các bệnh đi kèm liên quan đến suy giảm miễn dịch bao gồm ghép tạng, khối u ác tính và thiếu máu bất sản. Đáng chú ý, một số các nghiên cứu đã phân tích mối liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch và và sử dụng các thuốc miễn dịch có thể thay đổi tiên lượng ở trẻ mắc COVID-19. Nếu trẻ đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, đang trong giai đoạn hóa trị và/hoặc xạ trị được coi là có tổn thương đến hệ miễn dịch sẽ làm tăng tình trạng nặng khi bị COVID-19. Dữ liệu hiện có liên quan đến nguy cơ mắc COVID-19 ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch và/hoặc ức chế miễn dịch là không giống nhau [26].

Một phần của tài liệu Đặc điểm dịch tễ học lâm sàng và một số yếu tố liên quan đến mức độ nặng của covid 19 ở trẻ em tại tỉnh thái nguyên (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)