Lý do vào viện
Lý do vào viện chủ yếu vẫn là vàng da, sau đó là những trẻ có dấu hiệu tím, thở rên ngay sau sinh. Những trẻ có tím, thở rên thường là những trẻ đẻ non được chuyển từ khoa Sản – Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh sang Đơn nguyên sơ sinh khiến tỉ lệ vào viện của nhóm này cao. Một số trẻ vào viện vì cả vàng da lẫn bú kém hoặc bỏ bú, có 1 trẻ vào viện vì co giật nhưng nguyên nhân co giật do sốt cao chứ không phải biến chứng vàng nhân não.
Ngày tuổi nhập viện
Trẻ sơ sinh vào viện trong ngày 1 – 3 sau đẻ chiếm tỉ lệ cao nhất ở cả 2 nhóm trẻ đủ và non tháng. Đối với nhóm trẻ non tháng chủ yếu vào viện vào ngày đầu tiên sau đẻ. Ở nhóm trẻ sơ sinh đủ tháng lại thường vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 (ít khi vào viện ngày thứ nhất) vì có thể triệu chứng vàng da phát hiện tại nhà sớm nhưng gia đình vẫn cho trẻ ở nhà theo dõi thêm hoặc trẻ vào viện vì lý do kèm theo khác.
Nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hoài (2007): phần lớn trẻ vào viện vào ngày tuổi thứ 2 và thứ 3 [9].
Tỉ lệ vàng da theo giới tính
Tỉ lệ vàng da ở trẻ nam cao hơn (54%) so với trẻ nữ (46%). Nghiên cứu của nhiều tác giả khác cũng cho kết quả tương tự. Bùi Thị Thuỳ Dương (2008): tỉ lệ vàng da ở trẻ nam 60% và nữ là 40% [4], của Phạm Đỗ Ngọc Diệp tỉ lệ vàng da ở trẻ nam 61,8% [2], Khu Thị Khánh Dung tỉ lệ trẻ nam là 57,4% [3]. Nghiên cứu của Đào Minh Tuyết (2009) tại Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên (BVĐKTƯTN) cũng có tỉ lệ vàng da ở trẻ nam cao hơn 57,3% so với trẻ nữ 42,7% [5].
Tuy nhiên cho đến nay chưa có giải thích rõ ràng về nguyên nhân của sự khác biệt nhất định về vàng da tăng bilirubin theo giới tính. Phải chăng do thực trạng chênh lệnh về giới tính sau sinh khá rõ rệt khiến tỉ lệ trẻ nam nhiều hơn.
Tỉ lệ vàng da theo tuổi thai
Kết quả của chúng tôi có 52,67% trẻ đẻ non tháng có vàng da bệnh lý,.
Tỉ lệ này tương đương so với một vài nghiên cứu trong nước: Khu Thị Khánh Dung nghiên cứu ở viện Nhi Trung ương (2005) trẻ đẻ non chiếm 63,57%
tổng số sơ sinh vàng da [3]. Kết quả ở BVĐKTƯTN năm 2009 thấy có 67,9%
trẻ đẻ non tháng vàng da bệnh lý cao hơn trẻ đủ tháng vàng da là 32,1% [5].
Theo nghiên cứu của Nguyễn Thị Quỳnh Nga trẻ đẻ non chiếm 67,8%[18].
Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài cũng cho thấy vàng da tăng bilirubin GT ở trẻ đẻ non cao hơn trẻ đẻ đủ tháng. Một nghiên cứu từ Thổ Nhĩ Kỳ trên 2 nhóm thiếu tháng và đủ tháng: vàng da gặp ở 10,5% trẻ đủ tháng và 25,3% trẻ sơ sinh non tháng [37].
4.1.2. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng
Tuổi xuất hiện vàng da trung bình
Tuổi xuất hiện vàng da trung bình là 3,14±1,68. Không có trẻ nào xuất hiện vàng da trong 24 giờ đầu sau đẻ mà đều xuất hiện từ ngày thứ hai trở đi.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy trẻ bị bất đồng Rh thường vàng da ngay sau đẻ, còn vàng da do bất đồng nhóm máu hệ ABO thường xuất hiện muộn hơn [19]. Tuy nhiên, trong nghiên cứu chúng tôi không phát hiện thấy trường hợp nào có bất đồng Rh.
Kết quả của chúng tôi cũng phù hợp với nghiên cứu của một số tác giả khác: theo nghiên cứu của Khu Thị Khánh Dung cho thấy tuổi trung bình xuất hiện vàng da là 2,36 ± 0,7 ngày [3]. Đào Minh Tuyết (2009) tại Khoa Nhi BVĐKTƯTN là 2,4 ± 0,8 [5], tuổi trung bình xuất hiện vàng da tăng bilirubin GT chủ yếu vào ngày thứ 2 đến ngày thứ 4 sau sinh.
Nhóm có bất đồng nhóm máu tuổi xuất hiện vàng da là 2,860,83 sớm hơn nhóm không có bất đồng nhóm máu là 3,171,79. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,001).
Nhóm trẻ non tháng xuất hiện vàng da sớm hơn nhóm trẻ đẻ đủ tháng, (p<0,001). Nguyên nhân có thể do chức năng của các cơ quan chưa hoàn thiện, nên quá trình chuyển hóa bilirubin kém, mặt khác trẻ đẻ non thường dễ mắc các bệnh khác kèm theo khiến vàng da xuất hiện sớm hơn. Bên cạnh đó,
đối tượng này có nhiều nguy cơ nên thường được quan tâm theo dõi vì vậy vàng da cũng dễ được phát hiện.
Nồng độ bilirubin ban đầu và sự thay đổi bilirubin trong quá trình chiếu đèn
Nồng độ bilirubin trung bình tại thời điểm trước khi chiếu là 327,8±71,8, giảm dần theo thời gian chiếu đèn và khi kết thúc là 217,9±43,5.
Hiệu quả điều trị thể hiện rõ trong ngày thứ nhất và ngày thứ 2 sau chiếu đèn.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hoài (2007) hiệu quả chiếu đèn cũng rõ rệt nhất sau 2 ngày chiếu đèn [9].
- Sự thay đổi nồng độ bilirubin theo hai nhóm bất đồng và không bất đồng nhóm máu
Nồng độ bilirubin trung bình nhóm bất đồng khi bắt đầu điều trị là 341,6±65,7mol/l cao hơn so với nhóm không bất đồng 318,1±74,6 mol/l.
Nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hoài (2007), của Đào Minh Tuyết (2009) trẻ có bất đồng nhóm máu nồng độ bilirubin cũng cao hơn so với nhóm không bất đồng nhóm máu [5,9]. Sau chiếu đèn 24 - 48 giờ nồng độ bilirubin giảm nhanh và mức giảm bilirubin ở nhóm bất đồng nhóm máu cao hơn (75 so với 73,3mol/l).
Theo một số tác giả, hiệu quả thay đổi nồng độ bilirubin trung bình sau khi điều trị chiếu đèn trên trẻ vàng da tăng bilirubin GT có bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ và con với nhóm trẻ không có bất đồng nhóm máu là tương đương nhau. [2,4]
- Sự thay đổi nồng độ bilirubin theo tuổi thai:
Ở thời điểm bắt đầu điều trị nồng độ bilirubin của nhóm đẻ non (311,1±68,2) thấp hơn nhóm đủ tháng (346,5±71,5). Giải thích điều này có thể do nhóm trẻ non tháng thường được nhập viện sớm, nên phát hiện vàng da sớm hơn. Nhóm trẻ đủ tháng thường chỉ vào viện khi vàng da đã tăng khá nhiều. Tốc độ giảm bilirubin ở nhóm trẻ đủ tháng trong 2 ngày đầu cao hơn nhóm trẻ đẻ non. Hiệu quả nhất ở ngày thứ 1 – 2 sau chiếu, sau đó giảm chậm hơn ở những ngày còn lại.
- Sự thay đổi nồng độ bilirubin ở nhóm vàng da đơn thuần và nhóm
Nồng độ bilirubin ở thời điểm bắt đầu điều trị của cả 2 nhóm đều cao trên 300mol/l và giảm dần theo thời gian. Hiệu quả nhất là ở thời điểm 2 ngày đầu tiên. Nhóm vàng da đơn thuần nồng độ bilirubin ban đầu cao hơn nhóm có bệnh kèm theo và mức độ giảm nhanh hơn so với nhóm có bệnh kèm theo trong những ngày đầu chiếu đèn. Kết quả này tương đương nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Hoài (2007) [9]
Nguyên nhân có thể do: trẻ vàng da đơn thuần nhất thời có giảm chức năng gan, nên lượng bilirubin tăng quá mức cho phép chứ không có yếu tố làm tăng thêm mức bilirubin, nên khi được chiếu nồng độ bilirubin giảm nhanh. Nhóm trẻ này lại thường vào viện khá muộn khiến nồng độ bilirubin ban đầu cao hơn nhóm có bệnh kèm theo. Trẻ bị các bệnh khác kèm theo có thêm yếu tố gây vàng da khiến tốc độ giảm chậm hơn.
- Sự thay đổi nồng độ bilirubin ở các nhóm trẻ theo cân nặng
Nghiên cứu diễn biến nồng độ bilirubin ở trẻ sơ sinh theo cân nặng lúc điều trị chúng tôi thấy, nồng độ bilirubin ban đầu ở nhóm trẻ nhẹ cân hơn sẽ thấp hơn. Tốc độ giảm bilirubin ở cả 3 nhóm gần tương đương nhau.