CHƯƠNG 1. CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA ĐỀ TÀI
1.3. Cơ sở thực tiễn của đề tài
1.3.1. Kinh nghiệm nâng cao thu nhập trong xây dựng nông thôn mới của một số quốc gia trên thế giới
* Kinh nghiệm của Hàn Quốc
Từ một nước nghèo sau chiến tranh Nam Bắc Triều Tiên những năm 50 của thế kỷ trước, Hàn Quốc nay trở thành một con rồng Châu Á và đã đứng trong nhóm các nước phát triển G20. Thế giới biết đến Hàn Quốc không chỉ về thành công trong phát triển kinh tế nói chung, mà còn biết đến một đất nước có kỳ tích về phát triển nông thôn. Chỉ trong 26 năm Hàn Quốc đã thành công trong xây
dựng nông thôn mới. Có thể nói rằng, thành công của Hàn Quốc trong phát triển nông thôn gắn liền với thành công của phong trào Seamaul. Trong tiếng Hàn, Saemaul là sự kết hợp của "Sae" có nghĩa là "mới" và "maul" có nghĩa là ngôi làng. Saemaul là phát triển hoặc cải cách cộng đồng thành một nơi tốt đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn, cho tất cả mọi người, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần cho thế hệ mai sau. Phong trào Làng mới (SU) ra đời với 3 tiêu chí: cần cù (chăm chỉ), tự lực vượt khó, và, hợp tác (hiệp lực cộng đồng). Khi kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất được xây dựng, các cơ quan, đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giống mới, khoa học công nghệ giúp nông dân tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa, áp dụng canh tác tổng hợp với nhiều mặt hàng mũi nhọn như nấm và cây thuốc lá để tăng giá trị xuất khẩu.
Chính phủ xây dựng nhiều nhà máy ở nông thôn để chế biến và tiêu thụ nông sản cũng như có chính sách tín dụng nông thôn, cho vay thúc đẩy sản xuất. Từ năm 1972 đến năm 1977, thu nhập trung bình của các hộ tăng lên 3 lần. (Bộ Kế hoạch và đầu tư, 2012)
* Kinh nghiệm của Thái Lan
Thái Lan là nước có nền nông nghiệp rất phát triển và ổn định. Đồng thời cũng là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Kinh tế nông hộ của Thái Lan phát triển mạnh và hầu hết đã trở thành nông trại sản xuất hàng hóa. Để thúc đẩy kinh tế nông hộ phát triển Chính phủ Thái Lan đã có những chính sách như sau:
- Chính sách về thị trường: Do giá nông sản trên thị trường rất rẻ nên Chính phủ Thái Lan đã đưa ra chính sách bình ổn giá bằng cách đặt mức giá mua lúa gạo tối thiểu để nông dân không phải bán thóc rẻ hơn chi phí sản xuất tạo nhu cầu dự trữ và điều tiết hạn ngạch xuất khẩu gạo,... Đặc biệt là hạn chế sự bóc lột của khâu trung gian, thương nhân. Hạ thấp giá bán vật tư nâng giá bán nông sản và tăng cường khả năng cạnh tranh của nông hộ. Chính phủ đã không ngừng nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đặc biệt là thông tin liên lạc. Phát triển hệ thống các đại lý tạo ra các kênh phân phối liên tục từ nông thôn đến các
thành phố lớn, tăng cường thông tin thị trường, liên kết thị trường, quảng cáo và tổ chức các khoá đào tạo để không ngừng nâng cao kiến thức về thị trường cho người sản xuất giúp họ đưa ra những quyết định kinh doanh có hiệu quả hơn.
- Chính sách đầu tư cho nông nghiệp: đầu tư cho nông nghiệp chiếm một tỷ trọng đáng kể trong đầu tư của Chính Phủ. Bao gồm 3 loại đầu tư lớn nhất là:
Đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nối nông thôn với các trung tâm kinh tế lớn để mở rộng thị trường, nhất là thị trường tiêu thụ sản phẩm tươi sống. Khoản đầu tư thứ hai là cho xây dựng hệ thống thuỷ lợi: Năm 1988 Thái Lan có 604 dự án thuỷ lợi quy mô vừa và lớn, 4988 dự án quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện cung cấp đủ nước tưới cho các nông trại. Bên cạnh đó Chính Phủ còn đầu tư vào việc cung cấp phân bón cho các nông trại. Trong thời kỳ “cách mạng xanh” Thái Lan đã cho phép nhập khẩu phân bón không tính thuế.
- Chính sách tín dụng nông nghiệp: Thái Lan là một trong những nước rất thành công trong việc cung cấp tín dụng nông nghiệp.Tín dụng nông nghiệp của Thái Lan thông qua Ngân hàng quốc gia, Ngân hàng thương mại, Ngân hàng nông nghiệp và các HTX nông nghiệp. Ngoài ra còn có các tổ chức phi Chính Phủ khác cũng cung cấp tín dụng cho nông dân. Các tổ chức này có rất nhiều cách cho vay như: tín chấp hoặc thế chấp bằng mọi tài sản cố định thậm chí cả bằng thóc. Song phần lớn các khoản cho vay của HTX là dành cho vốn lưu động ngắn hạn, các khoản cho vay cũng gắn liền với từng loại cây trồng và định hướng phát triển cây trồng theo ý đồ của Chính Phủ. Các tổ chức này rất có uy tín đối với nông dân và đã lôi kéo thu hút được hơn một nửa số hộ nông dân tham gia (Nguyễn Hoàng Sa, 2014)
* Kinh nghiệm của Nhật Bản
Xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Căn cứ vào tình hình phát triển của nông thôn và mục tiêu của từng thời kỳ, Chính phủ Nhật Bản đã lần lượt ban hành hàng loạt pháp lệnh và chính sách hỗ trợ nông nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài.
Trong thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã đề ra Luật cơ bản về nông
nghiệp và gần 30 đạo luật khác, đồng thời nhiều lần sửa đổi Luật Đất nông nghiệp, Luật Nông nghiệp bền vững... Tất cả các bộ luật này đã cấu thành một hệ thống hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý để công cuộc xây dựng nông thôn mới được tiến hành thuận lợi.
Chính phủ luôn khuyến khích người nông dân tích cực tham gia, coi trọng tính tự lập tự chủ. Thời gian đầu, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Nhật Bản do Chính phủ đóng vai trò chủ đạo. Chính phủ Nhật Bản đã tìm mọi cách để nâng cao tính tích cực, sáng tạo của người nông dân, để họ thực sự trở thành đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng phát triển nông thôn. Cụ thể, trong phong trào xây dựng làng xã, Chính phủ Nhật Bản đề cao tinh thần phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm, từ việc xây dựng, thực thi quy hoạch, đến việc lựa chọn sản phẩm trong phong trào “mỗi làng một sản phẩm”, đều là do dân cư các vùng tự căn cứ vào nhu cầu của địa phương mình để đề xuất, thực hiện. (Khánh Phương, 2017)
* Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trung Quốc là một nước rât coi trọng phát triển kinh tế hộ, coi việc phát triển kinh tế hộ là việc hàng đầu của đất nước. Nhờ có chủ trương đúng và bước đi thích hợp nên trong vòng 15 năm trở lại đây kinh tế nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc đã thu được những thành tựu hết sức to lớn. Để đưa kinh tế hộ phát triển, Trung Quốc đã hướng vào 3 mũi nhọn sau: đưa ra các chính sách, đầu tư, và tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật. Trung Quốc đã xác định 8 quan điểm phát triển kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế nông hộ nói riêng như sau:
- Cải cách nông thôn phải ổn định cơ chế khoán hộ, không ngừng hoàn thiện cơ chế kinh doanh hai tầng kết hợp giữa thống nhất và phân tán, tích cực phát triển hệ thống dịch vụ xã hội, hướng nông dân đi theo con đường giàu có chung xây dựng kinh tế phải thực sự đặt nông nghiệp lên vị trí hàng đầu.
- Xây dựng và chấp hành chính sách nông thôn phải đảm bảo lợi ích vật chất và quyền lợi dân chủ về chính trị nông hộ.
- Đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn phải kiên trì chiến lược khoa học kỹ thuật và giáo dục cũng như chấn hưng nông nghiệp,...
- Phát triển kinh tế nông hộ hàng hoá phải tôn trọng quy luật giá trị - Khống chế sự tăng cường nhân khẩu, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên.
- Chỉ đạo kinh tế nông hộ phải tuân thủ đường lối quân chủng và xuất phát từ sự chỉ đạo thực tế một cách hợp lý không dập khuôn máy móc.
- Phải tăng cường tổ chức cơ sở Đảng làm hạt nhân lãnh đạo, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng kiên trì xây dựng đời sống văn minh về vật chất và tinh thần. Trong công cuộc đổi mới nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nhờ có sự thành công của chính sách đổi mới, bộ mặt nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn, từ một nước thiếu đói thành một nước phát triển. (Nguyễn Hoàng Sa, 2014)